Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng sự nghiệp giáo dục và quan tâm tới vai trò, vị trí của người thầy. Dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Bác đã dành tất cả tình cảm và tấm lòng mình cho sự nghiệp trồng người. Nhiều lần Bác đã đi thăm các trường học, các hội nghị của ngành giáo dục, gửi thư và điện cho thầy giáo, học sinh. Mỗi lần như thế Bác đã có những lời dạy ân tình, sâu sắc. Nhân kỷ niệm 32 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2014) chúng ta cùng nhìn lại, đọc lại và suy ngẫm những điều Bác dành cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên, học sinh, sinh viên trong bức thư cuối cùng gửi cho ngành Giáo dục vào ngày 15/10/1968, qua đó đúc kết nên những bài học có ý nghĩa thực tiễn trong việc dạy và học hiện nay.

2a- Hoc tap nhung dieu Bac day
Bác Hồ thăm lớp học vỡ lòng ở Hàng Than (Hà Nội). Ảnh internet

“Thư gửi các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp bắt đầu năm học mới

Các cô các chú và các cháu thân mến,

Nhân dịp đầu nǎm học thứ tư chống Mỹ, cứu nước, Bác thân ái gửi lời thǎm hỏi tất cả các cô, các chú và các cháu.

Trong hoàn cảnh cả nước có chiến tranh, sự nghiệp giáo dục của chúng ta vẫn phát triển nhanh, mạnh hơn bao giờ hết.

Bác vui lòng biết rằng mặc dù hoàn cảnh khó khǎn, hiện nay miền Bắc nước ta đã có một vạn hai nghìn trường phổ thông, mỗi xã đều có trường cấp một, nhiều xã đã có trường cấp hai, các huyện đều có ít nhất một trường cấp 3. Số người đi học đã hơn 6 triệu, trong đó có hơn 1 triệu cán bộ và công nông đang học bổ túc vǎn hoá. Số người vào học các trường đại học và trung học chuyên nghiệp tǎng gần gấp 3 lần so với trước chiến tranh chống Mỹ. Hơn 30 trường đại học và 200 trường trung học chuyên nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với các ngành và các địa phương, đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ, tập trung cũng như tại chức.

Các trường đã có nhiều cố gắng trong việc thi đua dạy tốt và học tốt, bảo đảm an toàn cho thầy và trò, làm cho đời sống vật chất và tinh thần ngày càng tiến bộ.

Mặc dù giặc Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc ác liệt, chúng không những đã thất bại thảm hại trên mặt trận chính trị, quân sự, mà ta đã thắng chúng cả trên mặt trận giáo dục và đào tạo cán bộ.

Làm được như vậy là nhờ Đảng ta có đường lối đúng đắn, quân đội và nhân dân ta rất anh hùng; và cũng do các cô, các chú, các cháu trong các trường học đã cùng nhau vượt qua nhiều khó khǎn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Nhân dịp này, Bác khen ngợi những cố gắng và thành tích mà các cô, các chú và các cháu đã đạt được.

Nhưng đế quốc Mỹ còn ngoan cố. Cách mạng nước ta còn phải khắc phục nhiều khó khǎn gian khổ để đạt thắng lợi hoàn toàn. Hiện nay, Đảng và nhân dân giao cho các cô, các chú, các cháu nhiệm vụ lớn hơn trước. Vì vậy, Bác nhắc các cô, các chú và các cháu mấy điều sau đây:

- Thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tǎng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đốí trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho, luôn luôn cố gắng cho xứng đáng với đồng bào miền Nam anh hùng.

- Dù khó khǎn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng vǎn hoá và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật.

- Các cô các chú, các cháu phải cùng nhau tổ chức và quản lý đời sống vật chất và tinh thần ở các trường học ngày một tốt hơn, tǎng cường bảo đảm sức khoẻ và an toàn.

Nhiệm vụ của cô giáo, thầy giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang.

Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng. Cần phải phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường và nhân dân để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đó.

Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta, do đó các ngành, các cấp đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chǎm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới.

Bác mong chờ những thành tích mới của các cô, các chú và các cháu./.

Chào thân ái và quyết thắng

                   BÁC HỒ

 Báo Nhân Dân, số 5299, ngày 16-10-1968

Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia t12, tr 402-404”

Trong những cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, lớp lớp thầy giáo, cô giáo trẻ theo tiếng gọi của lý tưởng cách mạng đã xung phong ra trận, cống hiến sức lực và trí tuệ của mình cùng các thế hệ cha anh viết nên bản hùng ca bất tử, khắc ghi tên mình vào trang sử vẻ vang của dân tộc. Ở lại hậu phương, các thế hệ người thầy tiếp tục truyền lửa đến học trò, để rồi từ bục giảng, chính các thầy cô lại nhen nhúm, khơi dậy lòng yêu nước, chí căm thù giặc, nuôi dưỡng lý tưởng sống cao đẹp cho nhiều thế hệ học sinh, sinh viên. Mỗi bài giảng của thầy như thôi thúc học trò tiếp bước cha anh, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, xếp bút nghiên lên đường “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, thực hiện lý tưởng cao đẹp “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Những người thầy cầm súng đã góp một phần không nhỏ tạo nên “dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”. Trong phần đầu của “Thư gửi các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp đầu năm học mới, Bác viết “Thân ái gửi lời thăm hỏi tất cả các cô, các chú và các cháu”. Bác chỉ rõ trong hoàn cảnh cả nước còn chiến tranh, sự nghiệp giáo dục của chúng ta vẫn phát triển nhanh, mạnh hơn bao giờ hết. Bác nhấn manh, mặc dù giặc Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc ác liệt, chúng không những đã thất bại thảm hại trên mặt trận chính trị, quân sự, “mà ta đã thắng chúng cả trên mặt trận giáo dục và đào tạo cán bộ”. Đây là lời khen, là lời khích lệ, là nguồn động viên kịp thời nhất mà Bác dành cho toàn quân đội, nhân dân, thầy và trò cả nước bấy giờ, không chỉ khơi dậy lòng yêu nghề, niềm tự hào đối với nghề, tinh thần trách nhiệm của các thầy giáo, cô giáo, công nhân viên mà còn khơi dậy ý thức học tập của học sinh, sinh viên trong những năm tháng đất nước chiến tranh ác liệt.

Trong bức thư, Bác không quên căn dặn, chỉ dẫn, định hướng, mong mỏi, yêu cầu đối với ngành giáo dục trong việc đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau là việc cần thiết. Bác đặt ra nhiệm vụ đối với thầy và trò đó là: Phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tǎng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đốí trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho, luôn luôn cố gắng cho xứng đáng với đồng bào miền Nam anh hùng.

Bác căn dặn: Dù khó khǎn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tuởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng vǎn hoá và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật.

Bác không quên chỉ dẫn: Các cô các chú, các cháu phải cùng nhau tổ chức và quản lý đời sống vật chất và tinh thần ở các trường học ngày một tốt hơn, tǎng cường bảo đảm sức khoẻ và an toàn.

Cuối thư Bác nhấn mạnh quan điểm: Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng. Cần phải phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường và nhân dân để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đó. Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta, do đó các ngành, các cấp đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chǎm sóc nhà trường về mọi mặt, đưa sự nghiệp giáo dục của nước ta lên những bước phát triển mới. Có thể nói, lời dạy của Bác về xây dựng khối đại đoàn kết trong sự nghiệp giáo dục, làm rõ trách nhiệm của Đảng, chính quyền trong sự nghiệp phát triển giáo dục là những chỉ dẫn soi đường cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Bức thư cuối cùng Bác gửi cho ngành Giáo dục không dài, với chưa đầy 800 chữ nhưng thật hàm súc, ngôn ngữ đại chúng mộc mạc, giản dị, dễ hiểu, xúc động. Lời xưng hô thân mật, gần gũi, chân tình. Giọng thư ân cần, tha thiết, sâu lắng. Bức thư mang đậm chất nhân văn và phong cách Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ ràng nhưng giản dị những tình cảm sâu sắc, cháy bỏng và mong muốn tột bậc của Bác, đồng thời thể hiện nhiều triết lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục. Những triết lý, quan điểm, tư tưởng ấy của Người càng trở nên có ý nghĩa to lớn đối với từng giai đoạn phát triển của đất nước, đặc biệt đối với ngành Giáo dục khi cả nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế đòi hỏi phải có những con người thực sự giỏi, thực sự năng động và sáng tạo nên trách nhiệm của những người thầy, lại càng nặng nề, khó khăn nhưng cũng vô cùng vinh quang. Chính vì thế cả thầy và trò phải ra sức học tập, lý thuyết phải luôn gắn liền với thực tế kết hợp với tư duy khoa học, đồng thời cũng cần chống lại những tệ nạn đang làm ảnh hưởng xấu môi trường giáo dục trong sáng, lành mạnh mà bấy lâu nay biết bao nhiêu thế hệ thầy cô giáo nhà trường đã và đang dày công vun đắp.

Thấm nhuần tư tưởng và lời dạy của Bác, Đảng và Nhà nước ta hơn bao giờ hết luôn coi trọng sự nghiệp giáo dục, coi giáo dục là “Quốc sách hàng đầu”, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển, trong đó vị trí người thầy được coi là nhân vật trung tâm của quốc sách ấy. Vì vậy, vị trí, vai trò, trọng trách của người thầy đối với nền giáo dục nước nhà càng hết sức quan trọng, quyết định trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực của đất nước cũng như hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Năm 1982 đã lấy ngày 20/11 hàng năm làm “Ngày Nhà giáo Việt Nam”; quan tâm và tạo điều kiện cho đông đảo đội ngũ thầy giáo, cô giáo được đào tạo chính quy, để họ thực sự là những “kỹ sư tâm hồn”; đồng thời chăm lo cho cơ sở vật chất của ngành giáo dục như trường lớp, phương tiện, đồ dùng dạy học ngày một tiến bộ, văn minh và hoàn thiện…

Trước yêu cầu đòi hỏi của xã hội đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà, những cuộc vận động của ngành giáo dục trong thời gian qua như: “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương sáng về tinh thần học tập và sáng tạo”… đã được xã hội hưởng ứng, nâng cao vị thế của ngành giáo dục. Tuy ngành Giáo dục đang gặp những khó khăn nhất định nhưng các nhà giáo đều hiểu rằng ngoài kiến thức, nhân cách - tấm gương để thuyết phục học sinh và phụ huynh còn phải có lòng nhiệt huyết, tình thương và trách nhiệm - yếu tố quyết định chất lượng giáo dục của nước nhà; nỗ lực, đồng sức đồng lòng thực hiện việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thực hiện tốt phong trào thi đua Dạy tốt - Học tốt, phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Do vậy, trước tác động lớn của thời kỳ hội nhập và mặt trái của cơ chế thị trường, những người thầy tâm huyết vẫn kiên định, vững vàng bản lĩnh, giữ vững cốt cách của nhà giáo, vững tin vào “nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”, yêu quý học sinh, sinh viên của mình, cảm hóa học sinh, sinh viên bằng sức hút của nhân cách và tri thức, đồng thời không ngừng rèn luyện chuyên môn, gần gũi với học sinh, sinh viên, với đồng nghiệp, với cộng đồng, biết yêu thương, quan tâm học trò; coi trọng rèn luyện về mọi mặt để “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo”.

Đã 45 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi về cõi vĩnh hằng, 46 năm (15/10/1968 - 15/10/2014) từ khi Bác Hồ gửi thư cho Ngành Giáo dục lần cuối cùng, 32 năm Ngày truyền thống Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2014), nhưng những lời dạy của Người vẫn còn nguyên giá trị và ý nghĩa sâu sắc đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà. Đó không chỉ là cơ sở lý luận cho việc xác định chiến lược đào tạo con người, chủ trương, đường lối chỉ đạo phát triển nền giáo dục Việt Nam của Đảng ta qua các thời kỳ cách mạng, mà còn là những bài học, những kinh nghiệm thực tiễn giáo dục, thiết thực và hiệu quả đối với người làm công tác giáo dục hiện nay. Vì vậy, để xứng đáng với sự quan tâm, lòng mong mỏi thiết tha và lớn lao của Bác, Đảng và Nhà nước ta ngày nay và mai sau phải kiên định phương châm “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, khắc ghi và thực hiện lời Bác dạy “Dù khó khǎn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”./.

Huyền Trang 

Bài viết khác: