Phút quây quần bên Bác Hồ

Thầy Vũ Tiến Quân chưa kịp đáp câu hỏi của Bác thì các chuyên gia Liên Xô đã ùa đến. Nữ chuyên gia thể dục dụng cụ Dina bước lên chào Bác trước, rồi đến huấn luyện viên điền kinh Xéc-gây Vitali. Cả ông phó trưởng đoàn chuyên gia huấn luyện bóng đá cung kính hỏi thăm sức khỏe Bác Hồ bằng tiếng Nga. Không đợi phiên dịch Bác Hồ dùng tiếng Nga đáp. Các chuyên gia Liên Xô, đoàn các bộ tháp tùng, thầy Quân… đều cười rất vui. Phiên dịch Đặng Bảo Ngọc nói to cho mọi người cùng biết: “Ông X. Philatov báo cáo với Bác là các vận động viên, cầu thủ ta tập luyện có ý thức và kỷ luật rất tốt. Tuy khối lượng vận động lớn, bài tập nặng, nhưng ai nấy đều rất cố gắng. Anh em cầu thủ còn được ăn mức 30 đồng/tháng!”.

Bác ân cần nói:

- Đất nước Việt Nam còn bị chia cắt, nhân dân còn vất vả, đời sống chưa khá, các vận động viên thể thao ăn mức ấy là cao ngang cấp tướng đấy. Công nhân, cán bộ cũng chỉ được ăn mức 18 đồng/tháng, gạo chỉ có 225gram/bữa cũng đã là sự cố gắng lớn của Chính phủ.

Bác Hồ nói chuyện với cán bộ giáo viên, chuyên gia và sinh viên tại Hội trường lớn

Rồi Bác bảo lãnh đạo nhà trường đưa đi thăm nơi ăn ở, sinh hoạt, nhà vệ sinh… Bác bước vào khu nhà bếp trước. Nấu ăn cho cả nghìn người ăn mức tương đối cao (6,8hào/bữa) nên “bộ phận anh chị nuôi” vô cùng vất vả. Bác gặp ông Thảo, ông Xô (người Hoa) và chị em đang nhặt rửa rau lo chuẩn bị bữa cơm trưa. Bác gặp và hỏi chuyện, động viên từng người. Bác căn dặn cần coi trọng mặt vệ sinh thực phẩm, bảo quản đồ dùng nhà bếp phải sạch sẽ. Bác nhắc nhà bếp tổ chức tăng gia trồng nhiều rau xanh để cải thiện bữa ăn. Rời nhà bếp, Bác đi thăm một căn nhà lá của học sinh lớp nữ. Hồi này, nhà trường triển khai học tập thực hiện “4 tác phong” của Trung tướng - Chủ nhiệm Ủy ban thể dục thể thao Hoàng Văn Thái phát động: Gian khổ - Giản dị - Đoàn kết - Khiêm tốn - Khẩn trương - Hoạt bát - Tổ chức - Kỷ luật, trật tự nội vụ được duy trì. Khi ngủ dậy, mọi người phải gấp chăn màn vuông vức như bộ đội ở doanh trại. Bác dừng chân bên giãy giường của một tổ nữ lớp 9 do chi Đinh Thị Tâm làm lớp trưởng. Mấy người đi sau thấy Người lấy ngón tay miết xuống giát giường thì đều nghi ngại. Khi Bác giơ ngón tay lên, không thấy có bụi bẩn, bèn nói với mọi người: “Giữ sạch sẽ thế này rất tốt!” thì ai nấy đều thấy nhẹ cả người.

Bác vòng sang dãy nhà giáo viên ra xem giếng nước. Người đi men theo bên dãy nhà 3 tầng đang xây dựng. Phó hiệu trưởng Vũ Tiến Quân đưa Bác qua sân điền kinh xem thầy trò đang tập luyện. Thầy Võ Đức Phùng và Nguyễn Phi Hải làm mẫu môn ném tạ xích: Các giáo viên Dương Văn Sầm, Đoàn Kim Phách và Nguyễn Thị Hồng biểu diễn môn nhảy cao; Giáo viên Đặng Tuệ Trí dạy môn nhảy sào ở góc cuối sân. Giáo viên dạy điền kinh cho lớp 2 (nam), lớp 10 (nữ) ở sân ngay trước cửa nhà chuyên gia, binh dự được thấy Bác gần và rõ nhất. Các giáo viên Võ Đức Phùng, Đoàn Kim Phách, Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Thị Tuyết Minh, Đặng Ngọc Giao (giáo viên bóng rổ) sáng ấy không có giờ lên lớp, cũng nhanh chân ra cùng các giáo viên điền kinh nghe Bác Hồ thân mật hỏi chuyện. Các chuyên gia Liên Xô lúc trước đó đã được đón Bác, nghe Bác Hồ hỏi chuyện đến lúc này cùng dẫn Bác và các vị khách bước vào sân điền kinh. Phó hiệu trưởng Vũ Tiến Quân đã bình tĩnh trở lại, chủ động vừa nghe Bác hỏi chuyện học tập, việc ăn ở của cán bộ, giáo viên, học sinh. Ông Quân đứng sát ngay bên Bác Hồ giới thiệu về buổi học, nội dung học “giáo án hai nội dung” theo sáng kiến của tổ giáo viên thực hành. Thấy Bác tỏ vẻ như chưa rõ “giáo án hai nội dung là như thế nào?”. Thầy Quân giải thích mạch lạc rõ ràng: Vì học sinh đông, giáo viên chuyên môn chưa đủ lên lớp, nên phải áp dụng phương pháp nửa số học sinh học nội dung này, nửa số học sinh còn lại học nội dung kia. Sau một giờ thì hai bên đổi cho nhau. Riêng giáo viên thì có vất vả hơn, phải “hai lần lên lớp”. Bác khẽ gật đầu và hỏi: “Thế chú có trả lương giáo viên gấp đôi không?”. Lát sau Người nhẹ nhàng: “Bác hỏi vậy thôi, nhưng đã hiểu và rất thông cảm, có điều giáo viên cần mẫn với trách nhiệm, chú đừng phụ công anh chị em cần để nhiều người cùng biết sự cố gắng đó, nên tôn trọng sự đóng góp quý báu như vậy!”. Thấy Bác Hồ cười vui với thầy Phó hiệu trưởng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đứng ngay sau lưng Bác, đồng chí Nguyễn Khai đứng xế bên, các chuyên gia Liên Xô nhìn Bác chăm chú và cũng vui lây. Không khí trên sân điền kinh buổi sáng ngày hôm ấy đến nay vẫn như chưa hề vợi niềm chan hòa lớn đó.

Khoảng 9h30 rời sân điền kinh Ban giám hiệu mời Bác và Đoàn qua thăm quan nhà tập thể dục, nơi đó các vận động viên đội tuyển quốc gia đang tập luyện. Các khối học sinh tập bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ… ở các sân phía khu nhà tranh lũ lượt được tạm dừng tập để lên hội trường lớn nghe Bác Hồ nói chuyện.

Trương Xuân Hùng
Theo http://www.upes1.edu.vn
Thu Hiền (st)

Bài viết khác: