Hồ Chí Minh hiện thân cho khát vọng về tự do, hạnh phúc của nhân loại trong đó có các tín đồ tôn giáo, như một đại biểu nước ngoài đã phát biểu tại Hội thảo Quốc tế kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Chúng tôi đến đây, có người theo đạo Hồi, có người theo đạo Phật, đạo Tin lành, đạo Thiên chúa, trước chúng tôi không hiểu nhau, qua hai ngày hội thảo, chúng tôi có thể ngồi lại nói chuyện vui vẻ với nhau, vì chúng tôi có cái chung là lý tưởng Hồ Chí Minh: Muốn cho nhân loại được tự do hạnh phúc".
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đã từng bôn ba hải ngoại chịu cảnh tù đầy, nguy hiểm cũng chỉ vì mục đích là độc lập cho dân tộc và hạnh phúc cho mọi người.
Khi đặt cách mạng giải phóng dân tộc nhằm đáp ứng độc lập dân tộc như mục tiêu hàng đầu, một nhiệm vụ chiến lược nhằm giải quyết nhu cầu bức xúc cho toàn dân, thì Hồ Chí Minh vẫn coi chủ nghĩa xã hội không chỉ là một định hướng mà còn là một cứu cánh, một ngọn cờ để cổ vũ, tập hợp quần chúng.
Đấu tranh giải phóng dân tộc để giành thắng lợi đã khó, song cách mạng xã hội chủ nghĩa còn cam go hơn nhiều, vì cuộc cách mạng này hoàn toàn chưa có tiền lệ trong lịch sử dân tộc. Tiến hành cuộc cách mạng chủ nghĩa xã hội cần phải huy động sức mạnh của toàn dân, trong đó có đồng bào theo tôn giáo. Vận động đồng bào có đạo tham gia sự nghiệp cách mạng ở Hồ Chí Minh trở thành nghệ thuật độc đáo.
Hồ Chí Minh là một chiến sĩ cộng sản lỗi lạc, đồng thời cũng là một anh hùng dân tộc. Bác quan tâm đến người già, lo lắng cho con trẻ, chú ý đến thanh niên, đồng cảm với phụ nữ. Riêng với đồng bào có tín ngưỡng, ngoài việc quan tâm đến nhu cầu vật chất của bà con, Người còn đặc biệt chú trọng đến nhu cầu tâm linh của họ. Người vui với niềm vui và buồn với nỗi buồn của bà con giáo dân. Thái độ chân tình, cởi mở, bao dung và luôn thấu hiểu nỗi trăn trở, suy tư của đồng bào, Hồ Chí Minh đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng tín đồ các tôn giáo. Người thấy muốn cuốn hút đồng bào có đạo tham gia sự nghiệp cách mạng chung của nhân dân cần chú ý một số vấn đề sau:
Một là, đoàn kết tôn giáo trên cơ sở tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân.
Trong lịch sử dân tộc, các thế lực phản động luôn biến mâu thuẫn giữa cách mạng và phản cách mạng, giữa nhân dân lạo động với đế quốc, thực dân bằng mâu thuẫn giữa hữu thần và vô thần, giữa duy vật và duy tâm để chia rẽ khối đoàn kết dân tộc. Muốn cuốn hút đồng bào có đạo vào sự nghiệp cách mạng, muốn đoàn kết giữa đồng bào có tín ngưỡng và không có tín ngưỡng cũng như đoàn kết những người theo các tôn giáo khác nhau, trước hết phải tôn trọng nhu cầu tâm linh của bà con có đạo. Vì lẽ ấy, Hồ Chí Minh luôn quan tâm giáo dục mọi người tôn trọng và thực hiện quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân. Chỉ một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập ở Quảng trường Ba Đình (3/9/1945), Người đã đề nghị Chính phủ ta tuyên bố tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết.
Hai là, muốn vận động quần chúng có đạo tham gia cách mạng phải giải quyên một số vấn đề về vướng mắc về tư tưởng.
Vấn đề thứ nhất là quan hệ giữa dân tộc và tôn giáo
Hồ Chí Minh rất quan tâm đến mối quan hệ này, nhất là khi đất nước còn đắm chìm trong đêm dài nô lệ, đang đấu tranh giành độc lập dân tộc. Người nêu mối quan hệ giữa tôn giáo với dân tộc giản dị, dễ hiểu nhưng rất độc đáo và sâu sắc: Kính Chúa gắn liền với yêu nước, phụng sự Thiên chúa và phụng sự Tổ quốc, nước có vinh thì đạo mới sáng, nước có độc lập thì tín ngưỡng mới được tự do. Nhân ngày lễ Thiên Chúa giáng sinh, khi gửi thư cho đồng bào Công giáo, cuối thư Người còn viết: "Thượng đế và Tổ quốc muôn năm"
Theo Hồ Chí Minh đối với người có tôn giáo thì đức tin tôn giáo và lòng yêu nước không hề mâu thuẫn. Một người dân Việt Nam có thể vừa là một người dân yêu nước đồng thời cũng vẫn là một tín đồ chân chính, cũng như những kẻ chống lại dân tộc, đồng thời cũng chính là những kẻ phản Chúa. Chúng không chỉ là "Việt gian ma còn là giáo gian", là những kẻ" phản Chúa , phản dân, phản nước".
Hồ Chí Minh yêu cầu người Công giáo tốt phải là người công dân tốt, kính Chúa và yêu nước vừa là trách nhiệm công dân vừa là bổn phận dân Chúa: "Dân tộc giải phóng thì tôn giáo mới được giải phóng. Lúc này chỉ có quốc gia mà không phân biệt tôn giáo nữa, mỗi người đều là công dân của nước Việt Nam và có nhiệm vụ chiến đấu cho nền độc lập hoàn toàn của Tổ quốc"
Tôn giáo với dân tộc bao giờ cũng được Hồ Chí Minh xem xét và giải quyết trên tinh thần của khối đại đoàn kêu toàn dân. Tôn giáo chỉ có thể khẳng định được mình khi sống giữa lòng dân tộc và dân tộc trên con đường phát triển phải biết khai thác, chắt lọc những giá trị tích cực của các tôn giáo.
Vấn đề thứ hai là, tôn giáo trong xã hội xã hội chủ nghĩa:
Ph.Ăng ghen và V.I Lênin đã từng phê phán gay gắt những phần tử tả khuynh vô chính phủ: "Chủ trương cấm tôn giáo trong xã hội chủ nghĩa". Những người sáng lập học thuyết Mác-Lênin không phủ nhận sự tồn tại của tôn giáo trong chủ nghĩa xã hội.
Để cho đồng bào có đạo an tâm hành đạo trong chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh có thái độ rất rõ về vấn đề này, ngày 10/5/l958, khi trả lời câu hỏi của các cử tri Hà Nội rằng: "Tiến lên chủ nghĩa xã hội thì tôn giáo có bị hạn chế không?" Hồ Chí Minh trả lời: "Không. Ở các nước xã hội chủ nghĩa, tín ngưỡng hoàn toàn tự do. Ở Việt Nam cũng vậy, Người còn nói rõ thêm người cộng sản tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội không những không tiêu diệt tôn giáo mà còn bảo hộ tôn giáo. Đảng cộng sản chỉ chủ trương tiêu diệt tội ác người bóc lột người.
Người luốn nhắc nhở: "Các cấp uỷ phải quan tâm đến phần đời và phần đạo của đồng bào Công giáo", phải làm cho bà con phần xác ấm no và phần hồn thong dong.
Vấn đề thứ ba là, vô thần và hữu thần người có tín ngưỡng tôn giáo, liệu có vào Đảng được hay không?
Giữa người cộng sản và người có tín ngưỡng, tôn giáo có sự khác nhau về thế giới quan, nhưng sự khác biệt ấy không tất yếu dẫn đến sự khác nhau về quan điểm chính trị. Nghĩa là người có cũng như không có tín ngưỡng, tôn giáo vẫn có thể cùng phấn đấu cho một mục tiêu chính trị nhất định. Chính vì lẽ ấy mà sinh thời V. I Lênin đã rất chú ý tới việc kết nạp đảng viên có đạo.
Ở Việt Nam, Hồ Chí Minh nói rõ: "Có anh em hỏi một người Công giáo có thể vào Đảng Lao động được không? Có. Người tôn giáo nào cũng vào được, miễn là trung thành, hăng hái làm nhiệm vụ, giữ vững kỷ luật của Đảng. Nước ta kinh tế lạc hậu, kỹ thuật kém, tôn giáo là duy tâm, cộng sản là duy vật nhưng trong điều kiện hiện tại người theo đạo vẫn vào Đảng được". Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy trong nước ta cũng như trên thế giới có nhiều chức sắc và tín đồ các tôn giáo tham gia đấu tranh cách mạng và nhiệt tâm xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Và cũng lại không ít những kẻ chẳng có tín ngưỡng, tôn giáo gì vẫn cam tâm ôm chân ngoại bang bán rẻ Tổ quốc. Vậy, hiển nhiên là hữu thần hay vô thần, có hay không có tín ngưỡng, tôn giáo không phải là lý do quyết định thái độ chính trị của mỗi người.
Thực tế qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng viên có đạo luôn phát huy được vai trò của mình trong cộng đồng có tín ngưỡng. Họ sẵn sàng hy anh cả tính mạng vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, nhiều đảng viên có đạo cũng đã giữ vững được vai trò lãnh đạo của mình trong đồng bào có tôn giáo .
Ba là, muốn vận động quần chúng có tôn giáo phải tìm ra mẫu sô chung, điểm tương đồng.
Hồ Chí Minh thấy rõ sức mạnh và đánh giá cao vai trò của quần chúng trong sự nghiệp cách mạng bộ phận quần chúng có tín ngưỡng có đặc điểm riêng mà muốn tập hợp, huy động, cuốn hút được họ tham gia vào sự nghiệp cách mạng phải có phương pháp riêng.
Theo Hồ Chí Minh muốn đoàn kết lương giáo, hòa hợp dân tộc còn phải tìm ra được những điểm chung, những nét tương đồng. Từ mẫu số chung ấy có khả năng vượt qua được những sự khác biệt về nhận thức và tư tưởng để mọi người theo hoặc không theo tôn giáo đều đoàn kết chặt chẽ với nhau nhằm phấn đấu cho mục tiêu lí tưởng chung ấy. Sự tương đồng đó là:
- Vì mục tiêu độc lập dân tộc và giải phóng xã hội, giải phóng con người khỏi sự áp bức, nô dịch. Người khẳng định chỉ có thể giải phóng được dân tộc thì mới có thể đem lại hạnh phúc cho nhân dân, đem lại tự do cho tôn giáo. Muốn vậy phải xoá bỏ mọi thành kiến, nghi kỵ, đối đầu... để cùng góp sức mưu cầu việc giành độc lập cho Tổ quốc.
- Người chú ý khai thác sự tương đồng giữa chủ nghĩa xã hội và lý tưởng của tôn giáo, giữa lý tưởng của người cộng sản với mong muốn ước vọng của tín đồ tôn giáo chân chính; giữa tư tưởng nhân văn của các vị giáo chủ với những nhà sáng lập ra chủ nghĩa xã hội khoa học.
- Độc lập dân tộc phải đem lại cơm ăn, áo mặc và tự do tín ngưỡng cho quần chúng có đạo. Hồ Chí Minh cho rằng: Nước có độc lập mà dân vẫn đói vẫn khổ thì thứ độc lập ấy chẳng có ý nghĩa gì. Do đó độc lập dân tộc phải đem lại hạnh phúc cho nhân dân, có như vây mới có thể đoàn kết được quần chúng có đạo.
Bốn là, muốn vận động quần chúng phải biết tôn trọng giáo chủ, thừa nhận những giá trị nhân bản, tính hướng thiện trong các tôn giáo
Đối với các tín đồ tôn giáo, những vị giáo chủ như Thích Ca Mâu Ni, Đức chúa Giê - su, Đức Khổng Tử... được họ một lòng sùng kính và tôn vinh.
Hồ Chí Minh luôn tỏ lòng kính trọng, ngưỡng mộ các danh nhân của thế giới, không phân biệt họ thuộc tôn giáo nào, vô thần hay hữu thần, là người phương Đông hay người phương Tây... ở họ, Người đã chắt lọc, rút ra những giá trị tư tưởng để kế thừa. Từ Phật Thích Ca, Khổng Tử, Chúa Giê-su đến Các Mác, Tôn Dật Tiên... Hồ Chí Minh coi họ là những vĩ nhân của lịch sử, những bậc thầy mà Người nguyện là người học trò nhỏ của các vị ấy. Hồ Chí Minh đã khái quát, cô đọng những giá trị đạo đức trong học thuyết mang tính nhân bản của chúa Giê- su, phật thích Ca và Khổng Tử: "Chúa Giê - su dạy: Đạo đức là bác ái, Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi, Khổng Tử dạy: DĐạo đức là nhân nghĩa". Người khuyên kể cả người cộng sản cũng phải biết học tập, tiếp thu để tự hoàn thiện mình: "Về tinh thần, bằng cách đọc các tác phẩm của Khổng Tử và về mặt cách mạng bằng cách đọc các tác phẩm của Lênin".
Năm là, muốn vận động đồng bào các tôn giáo tham gia cách mạng phải có phương pháp phù hợp.
Không bao giờ Người đem lý luận chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa duy vật mác-xít để nói với đồng bào có tín ngưỡng. Hồ Chí Minh còn phê bình, uốn nắn cán bộ cố nhồi nhét chủ nghĩa Mác-Lênin, một cách thô thiển cho người có đạo. Người thường nói những điều vừa tầm, phù hợp với trình độ dân chúng và tình cảm của giáo dân, như việc tuyên truyền lòng yêu quê hương, đất nước, nhu cầu về độc lập dân tộc và tự do tín ngưỡng vốn là nhu cầu thiết thân đối với họ. Người không đồng tình và nghiêm khắc với những hành vi mê tín dị đoan. Nhưng ai không vừa lòng với những ai cư xử thô bạo, hoặc "đao to búa lớn" mà chủ trương kiên trì giáo dục. Cần lấy cái mới để thay dần cái cũ, lấy cái tốt để thay thế cái xấu, cái tiến bộ thay cho cái lạc hậu bằng cách "dần dần nói cho người ta hiểu, để người ta vui lòng làm, chứ không có quyền ép người ta". Người thẳng thắng phê bình cán bộ lúc nào cũng thích nói "nào khách quan, chủ quan", nào "tích cực,tiêu cực", nào "khoa học hoá" và "gì gì hoá" mà "tốt nhất là miệng nói tay làm, làm gương cho người khác bắt trước"
Phương pháp tôn giáo vận là phải biết gắn nhiệm vụ của cách mạng với lý tưởng của những người sáng lập ra các tôn giáo. Đây là phương pháp độc đáo của Hồ Chí minh nhằm động viên tín đồ và chức sắc các tôn giáo tham vào cuộc đấu tranh cách mạng.
Để đồng bào có đạo dễ tiếp thu Người thường trích lời lẽ trong kinh Thánh, kinh Phật nhằm động viên tín đồ các tôn giáo tham gia sự nghiệp cứu nước kiến quốc Đối với đồng bào Công giáo, Người khuyên ở khắp nước, đồng bào Công giáo và ngoại Công giáo đương đem cả lực lượng vào kháng chiến và kiến quốc, tinh thần hi sinh phấn đấu ấy tức là noi theo tinh thần cao thượng của Chúa Giê-su. Người cho rằng, chúng ta kháng chiến cứu nước, thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, cải cách ruộng đất làm cho người cày có ruộng, tín ngưỡng tự do. Như thế là những việc Chính phủ và nhân dân ta làm, đều phù hợp với tinh thần Phúc âm. Bác chúc đồng bào Công giáo làm trọn chính sách của Chính phủ cũng là làm trọn tinh thần của Đức chúa Cơ đốc.
Khi cuộc kháng chiến của dân tộc ta bước vào thời kì ác liệt, Hồ Chí Minh viết thư cho đồng bào công giáo Người mong đồng bào đoàn kết chặt chẽ trong công cuộc kháng chiến để phụng sự Đức Chúa, phụng sự Tổ quốc, và để thực hiện lời Chúa dạy hoà bình cho người lành dưới thế. Hồ Chí Minh luôn cho rằng những mơ ước về một xã hội bình đẳng, tự do, bác ái của những người sáng lập ra tôn giáo là phù hợp với lí tưởng của những người cộng sản. Sự tương đồng về mục tiêu, lí tưởng ấy là điều mà chúng ta cần khai thác nhằm động viên; khích lệ đồng bào các tôn giáo đoàn kết tham gia vào sự nghiệp chung của dân tộc. Người ghi nhận Chúa Cơ đốc sinh ra lám gương mọi giống phúc đức như: Hy sinh vì nước, vì dân, làm gương lao động, công bằng ruộng đất, tin thờ Chúa bằng tinh thần. Chúng ta kháng chiến cứu nước, thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, cải cách ruộng đất làm cho người cày có ruộng, tín ngưỡng tự do như thế là những việc Chính phủ và nhân dân ta làm, đều hợp với tinh thần phúc âm. Người chúc đồng bào Công giáo làm trọn chính sách của Chính phủ cũng là làm trọn tinh thần của Chúa Cơ đốc. Và Hồ Chí Minh cho rằng, chúng ta kháng chiến trường kì và gian khổ nhưng chúng ta nhất định thắng lợi và hưởng hạnh phúc thực sự như Chúa Cơ đốc đã hứa với chúng ta.
Người luôn khẳng định rằng con đường mà dân tộc ta đi trong đó có sự tham gia của đồng bào các tôn giáo tiến hành kháng chiến đánh đuổi ngoại xâm là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với tinh thần của Chúa và Phật. Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao và kính trọng những danh nhân lịch sử không kể họ thuộc tôn giáo nào, vô thần hay hữu thần. Trong tất cả những bức thư mà Người gởi cho giáo dân, giáo sĩ, Phật tử nhân ngày lễ Thiên chúa giáng sinh hoặc Phật đản mà hầu như năm nào Bác cũng viết thể hiện rõ tấm lòng tôn trọng niềm tin của người khác ở Người. Tôn trọng tâm lí, tình cảm tôn giáo, Bác đã để lai ấn tượng đẹp đẽ trong lòng giáo sĩ và giáo dân.
Còn trong bức thư gởi đồng bào Phật giáo nhân ngày Đức Phật thành đạo năm l947, Người nêu rõ: Nay đồng bào ta đại đoàn kết, hi sinh xương máu, kháng chiến đến cùng, để đánh tan thực dân phản động, để cứu quốc dân ra khỏi khổ nạn, để giữ quyền thống nhất và độc lập của Tổ quốc. Thế là chúng ta làm theo lòng đại từ bi của Phật Thích Ca, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi khổ ải nô lệ. Hồ Chí Minh coi trọng công tác tuyên truyền cho đồng bào tín đồ các tôn giáo hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ để họ tự giác thực hiện và đấu tranh chống âm mưu lợi dụng tôn giáo của địch. Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên: "Khi phát động quần chúng, cán bộ phải hết sức chú ý đến điều đó. Sai một ly đi một dặm, nơi nào dân cũng tốt, lương cũng như giáo; nhưng vì có cán bộ không biết tổ chức, không biết tuyên truyền, lại tự tư tự lợi, không cảnh giác nên đã để cho bọn phản động chui vào các đoàn thể rồi phá hoại.
Người cho rằng muốn làm tốt công tác tôn giáo thì phải kiên nhẫn và phải thực sự "ba cùng" (cùng sống, cùng ăn, cùng làm việc) với nhân dân. Phải biết nhẫn nại. Nói với người nghe một lần người ta không hiểu thì nói đến hai lần, ba lần...về đức tính này phải học theo những người đi truyền giáo.
PGS, TS Nguyễn Đức Lữ
Giám đốc Trung tâm Khoa học về Tín ngưỡng và Tôn giáo
Theo Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam
Tâm Trang (st)