Hồ Chí Minh luôn coi cán bộ là công bộc của dân, là người đầy tớ của nhân dân. Do đó, đối với người thì người cán bộ phải biết lo trước cái lo của thiên hạ. Nhìn được như vậy, người cán bộ không chỉ đơn thuần có cái tâm và phẩm chất đạo đức chính trị là đủ mà đòi hỏi phải có cái trí tuệ, năng lực thực hành.

Ngay từ rất sớm, khi còn chưa có chính quyền nhà nước, thì vấn đề cán bộ trong tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là một hệ thống thể chế pháp luật mà còn là việc lựa chọn, tạo dựng và đào tạo người cán bộ, từ đó tìm cách gây dựng nguồn vồn cán bộ ban đầu cho sự nghiệp cách mạng. Do đó, gắn kết tư tưởng Hồ Chí Minh và cán bộ đòi hỏi thực tiễn hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức thể hiện ở tất cả các khâu, qua đó thấy được sự linh hoạt, sáng tạo và phù hợp với thực tiễn.

Chúng ta đang chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, đẩy mạnh cải cách hành chính, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Điều đó đặt ra yêu cầu khách quan là phải xây dựng cho được đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực thích ứng với nó. Muốn vậy chúng ta phải quan tâm hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức theo tư tưởng Hồ Chí Minh và công tác cán bộ. Trong cải cách bộ máy nhà nước Đảng ta xác định trọng tâm là cải cách hành chính. Tiến trình cải cách ấy phải được gắn với chiến lược cán bộ, công chức, coi đây là lực lượng nòng cốt đi tiên phong, vì vậy mà đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức là một trong những nội dung của chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 – 2010 theo Quyết Định số 136/2001/QĐ–TTg ngày 17/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ....

Vì vậy, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về cán bộ, công chức là hết sức cần thiết. Đó là những quy định về kiện toàn của bộ máy nhà nước; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, vị trí và vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức; trình tự, thủ tục tiến hành các hoạt động công việc cùng các quy định về chế độ, chính sách, các bảo đảm điều kiện làm việc cho cán bộ, công chức cũng như các quy định về kiểm soát, kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm nhằm làm trong sạch bộ máy nhà nước, xây dựng bộ máy nhà nước chính quy hiện đại. Có được hệ thống pháp luật cán bộ, công chức hoàn chỉnh là điều kiện quan trọng nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức; để nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức lên ngang tầm nhiệm vụ, nó trực tiếp tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động của cán bộ, công chức cũng như thiết lập kỷ cương pháp chế.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh thì để bảo đảm tiêu chuẩn cán bộ, công chức theo quy định cần phải xây dựng một quy trình tuyển chọn, bố trí, sắp xếp, sử dụng cũng như đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức một cách khoa học. Các nội dung đó quan hệ mật thiết với nhau và cũng được phản ánh trong pháp luật cán bộ, công chức. Việc sắp xếp sử dụng cán bộ, công chức điều quan trọng nhất là phải luật hóa các tiêu chuẩn và quy trình đánh giá cán bộ, công chức như trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã coi đánh giá đúng cán bộ là đã bố trí, sử dụng đúng cán bộ. Hồ Chí Minh là người rất quan tâm đến chế độ, chính sách, đối với đội ngũ cán bộ, đó là những quan điểm hết sức thiết thực, cũng là sự ghi nhận công lao, thành tích và là nguồn động viên khích lệ to lớn thể hiện sự khéo léo tinh tế trong sự dụng cán bộ của người “phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho chúng ta”.

Người luôn có phần thưởng về vật chất để động viên tinh thần kịp thời của cán bộ: Đó có thể chỉ là một lá thư khen, một tấm áo lụa, một chiếc áo khoác chiến lợi phẩm hoặc thẩm chí là một lời chia buồn với những mất mát. Đó là những kinh nghiệm rất quý của Hồ Chí Minh thể hiện chính sách trọng dụng hiền tài đúng đắn và khoa học. Chúng ta cần phải vận dụng tinh thần ấy đưa vào thành những quy định cụ thể trong hệ thống pháp luật mà chúng ta đang hoàn thiện. Theo đó, pháp luật cán bộ, công chức phải thể hiện được tinh thần, bảo đảm được quyền lợi phải đi đôi gắn với trách nhiệm, chế độ chính sách phải công bằng tức là bảo đảm trả công giá trị sức lao động một cách thỏa đáng, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức  phải hài hòa, cân đối mang cả ý nghĩa vật chất và tinh thần phù hợp với thực tiễn đất nước./.

Th.s Võ Thị Thúy Hà
Theo truongchinhtrina.gov.vn
Tâm Trang(st)

Bài viết khác: