Giữa tháng 2-1979, Tiểu đoàn 198, Trung đoàn 113, Binh chủng Đặc công đang làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Cam-pu-chia, thì được lệnh cơ động gấp ra bảo vệ biên giới phía Bắc. Máy bay quân sự hạ cánh tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Là chính trị viên (CTV), Bí thư Đảng ủy Tiểu đoàn, tôi cùng cán bộ Tiểu đoàn đi kiểm tra, đôn đốc toàn đơn vị tiếp nhận quân tư trang mới, nhận thêm vũ khí, súng đạn và đặc biệt là tổ chức quán triệt nhiệm vụ cho bộ đội. Tâm trạng bộ đội có nhiều điều đáng quan tâm, nhất là số anh em chiến sĩ nhiều tuổi đời, tuổi quân, chưa được xuất ngũ, đã có vợ con, gia đình. Dù không nói ra, nhưng họ đang nghĩ gì? Và đêm hôm đó, CTV Đại đội 3 Nguyễn Duy Nguồn trực tiếp gặp tôi báo cáo: “Đơn vị có chiến sĩ Nguyễn Sỹ Dậy vắng mặt từ tối, không mang theo trang bị vũ khí, có thể đã đào ngũ!”.
Tôi bình tĩnh mời đồng chí Nguồn vào phòng và hỏi:
- Nhà cậu ấy ở đâu, hoàn cảnh gia đình thế nào?
Là cán bộ chính trị đại đội, trực tiếp với chiến sĩ, nhưng do không mấy sâu sát nên đồng chí Nguồn trả lời chung chung, có phần lúng túng. Biết vậy, tôi không hỏi thêm nữa mà gợi mở:
- Đặc điểm Tiểu đoàn ta, anh em chiến sĩ cũ đáng lẽ đã được giải quyết ra quân từ lâu nhưng do yêu cầu nhiệm vụ, chúng ta động viên bộ đội ở lại tiếp tục chiến đấu. Nay đơn vị “lật cánh” ra phía Bắc, gần quê hương anh em đã xa gia đình lâu ngày, nên thực sự có “tâm trạng”. Đồng chí về cố gắng cùng tập thể cấp ủy, Ban Chỉ huy Đại đội tổ chức, động viên và quản lý bộ đội chặt chẽ để chuẩn bị xuất quân. Còn đồng chí Dậy, do lưu luyến tình cảm, không đấu tranh nổi, nên có thể đã “tranh thủ” chớp nhoáng. Nếu cậu ta lên sớm thì tốt, bằng không bố trí người đón, động viên đồng chí ấy đuổi theo đơn vị, gặp nhau tại biên cương. Thời gian gấp gáp, “nóng bỏng” lắm rồi!
Chính trị viên Nguồn chào tôi ra về, nhưng tâm trạng hẳn lo lắng nhiều đến trách nhiệm. Bất ngờ, gần trưa hôm sau, người chiến sĩ nọ trót bỏ đơn vị về thăm gia đình, đã cùng vợ đi chiếc xe đạp cà tàng mà thường ngày chị ra chợ bán rau, có mặt kịp thời với vẻ hốc hác, bơ phờ, thêm phần bối rối vì ân hận về việc làm nông nổi của mình. Biết chồng đang cùng đơn vị chuẩn bị lên biên giới khi “nước sôi lửa bỏng”, nên dù bịn rịn, chị vẫn động viên chồng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, còn bản thân không quên trách nhiệm nặng nề lo lắng hậu phương. Tối 19-3-1979, từ Gia Lâm, Hà Nội, Tiểu đoàn chúng tôi với đầy đủ quân số, vũ khí trang bị hành quân bằng cơ giới để sáng hôm sau có mặt trong đội hình Trung đoàn 198 đặc công (vừa tái thành lập tại tỉnh Lạng Sơn), bước vào những trận chiến đấu gian khổ, ác liệt bảo vệ biên giới.
Ký kết giao ước thi đua ở Lữ đoàn Thông tin 575, Quân khu 5. Ảnh: Tiến Dũng
Sau này, khi tình hình biên giới tạm ổn định, Trung đoàn bước vào huấn luyện, xây dựng và SSCĐ thường xuyên, cùng quân và dân bảo vệ biên cương Tổ quốc. Một thời gian sau, trên cương vị Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn, qua giao ban hằng tuần, tôi nắm được tại Tiểu đoàn 20 (phiên hiệu mới của Tiểu đoàn 198) trong số anh em có vấn đề về tư tưởng, có chiến sĩ Nguyễn Sỹ Dậy. Cái tên quen quen ấy tôi đã nhận ra từ hôm nghe CTV Nguồn báo cáo sự việc chiến sĩ vắng mặt ở sân bay Gia Lâm.
Một hôm, tôi cuốc bộ vượt đèo dốc đến Tiểu đoàn 20 đóng dưới chân núi Mẫu Sơn, để kiểm tra. Trong lúc bộ đội đang triển khai công tác, tôi ghé vào lán Đại đội 3 và tình cờ gặp chiến sĩ Dậy. Thấy cấp trên xuống, từ trong lán cậu ta vội ra chào. Tôi liền hỏi: “Đồng chí bị ốm à, ăn uống ra sao, y tá đã cho thuốc thang gì chưa?". Chờ tôi hỏi xong, người chiến sĩ được dịp bày tỏ:
- Thưa Thủ trưởng, sức khỏe em vẫn bình thường chứ có bệnh tật gì đâu ạ. Song em buồn vì cán bộ chỉ huy Trung đội, Đại đội. Chuyện thế này Thủ trưởng à, đã mấy năm chưa được về thăm gia đình; thư từ thì thất thường, bởi nơi đóng quân không ổn định. Hôm đơn vị từ phía Nam ra tới Gia Lâm, em đánh liều chạy bộ hơn 30 cây số trong đêm để về xem cụ thể gia đình ra sao. Thật không thể tưởng tượng, căn nhà hai gian xiêu vẹo, vợ em chạy chợ từng ngày bán mớ rau để nuôi cha mẹ già, hai con nhỏ và bản thân, tất cả 5 miệng ăn. Chưa hết đâu, bố em đã 72 tuổi đang chăn vịt ngoài đồng, không may vấp ngã, gãy tay còn bó bột; mẹ em mắt bị đục mờ, đi lại khó khăn. Về thăm gia đình được vài tiếng đồng hồ, nghỉ chưa ráo mồ hôi, không có đồng bạc nào để mua quà cho cha mẹ và con, vậy mà em phải gạt nước mắt ra đi. Em hiểu, mình làm như vậy là sai điều lệnh của quân đội, thế nào đơn vị cũng khiển trách, đánh giá…, nhưng em đành chịu vậy!
- Đồng chí trình bày hết chưa? - tôi hỏi.
- Thưa thủ trưởng, em nói đúng sự thật về hoàn cảnh của mình, nhưng cán bộ cơ sở lại có phần nghi ngại, nên em biết giãi bày cùng ai? Chiến sĩ Dậy nói trong tâm trạng buồn chưa được giải tỏa, nên có phần tỏ ra bất mãn, thường vờ bị ốm, thoái thác nhiệm vụ.
- Tôi tin những điều đồng chí trình bày. Tôi ghi nhận và sẽ nghiên cứu thêm, còn trước mắt, đồng chí cứ tiếp tục công tác cho tốt, không nên bị động trong đấu tranh tư tưởng với bản thân, đồng chí thấy sao?
- Em nghe lời thủ trưởng, cậu ta quả quyết.
- Vậy nhé, mình còn phải đi vài chỗ nữa để thăm anh em, thời gian ít quá, hẹn gặp lại sau.
Trưa hôm đó, tôi trực tiếp trao đổi với đồng chí Chính trị viên Tiểu đoàn 20 và gợi hướng động viên anh em, đừng để họ rơi vào thế bế tắc. Khi về cơ quan, tôi tranh thủ báo cáo với hai anh: Nguyễn Xuân Dung, Chính ủy và Bùi Minh Hiếu, Trung đoàn trưởng, cùng đề xuất cách giải quyết.
Thế rồi nhân chuyến được về Bộ Tư lệnh Đặc công họp theo điện triệu tập, tôi gọi xuống Tiểu đoàn yêu cầu cho Nguyễn Sỹ Dậy tranh thủ 10 ngày phép thăm gia đình, thanh toán chế độ tại đơn vị và quân nhu hậu cần trợ cấp thêm 10kg gạo; hẹn đồng chí Dậy đúng ngày giờ, địa điểm để đi xe cùng với tôi về xuôi. Người chiến sĩ gặp từ bất ngờ này đến bất ngờ khác trong một trạng thái khác thường. Để cậu ta gần gũi, tự nhiên hơn, tôi gợi ý:
- Tiện dịp về Hà Nội họp mấy ngày, tôi bố trí đồng chí cùng đi, nếu thuận đường có thể cho mình về thăm gia đình một chút, được chứ?
- Sợ phiền thủ trưởng thôi, chứ được thế thì quý hóa quá, còn gì bằng. Nhà em rất tiện đường, ngay làng pháo Bình Đà, Hà Tây nổi tiếng ấy chiến sĩ Dậy cởi mở.
- Thế thì tốt, đồng chí dẫn đường nhé!
Chiếc xe u-oát bon bon trên đường, đầu giờ chiều chúng tôi có mặt tại nhà chiến sĩ Dậy. Sau khi thăm hỏi gia đình, trực tiếp "tai nghe mắt thấy", chứng kiến hoàn cảnh gia đình Dậy, làm tôi không khỏi giật mình. Những gì chiến sĩ Dậy kể còn xa thực tế nhiều lắm. Trong đơn vị còn bao nhiêu chiến sĩ có hoàn cảnh như thế này mà mình chưa biết hết, hoặc biết sơ sài, để anh em âm thầm chịu đựng? Tôi tự thấy phần trách nhiệm của mình và thấy có lỗi với họ. Sau khi thăm hỏi gia đình, căn dặn đồng chí Dậy đôi điều, tôi tiếp tục lên xe về trạm khách Binh chủng Đặc công theo nội dung công tác.
Thật bất ngờ, khi trả phép, tuy trở ngại xe cộ và đường sá xa xôi, nhưng chiến sĩ Dậy đã về đơn vị trước hai ngày. Cũng từ đó, chiến sĩ Dậy luôn có tinh thần học tập, công tác hết mình và còn đề xuất nhiều sáng kiến trong tăng gia sản xuất, cải thiện bữa ăn cho bộ đội. Sau đó ít lâu, có đợt ra quân, chiến sĩ Dậy được thăng quân hàm từ trung sĩ lên thượng sĩ và được giải quyết chính sách về địa phương.
Trước lúc chia tay, chiến sĩ Dậy lên gặp tôi trong trạng thái rất phấn khởi và có phần bịn rịn, dường như muốn nói điều gì đó mà không thể diễn tả được thành lời.
Trong đời quân ngũ của mình, từng trưởng thành trong chiến đấu từ chiến sĩ, lần lượt lên đến cán bộ Tiểu đoàn, Trung đoàn, tôi có nhiều kỷ niệm, trải nghiệm. Nhưng điều thấm thía nhất đối với tôi là làm thế nào để cán bộ luôn hiểu lòng chiến sĩ, để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và động viên, giúp đỡ anh em tiến bộ...
Nguyễn Quốc Hoàn
Theo Báo Quân đội nhân dân
Thanh Huyền (St)