Trong số những người được Bác Hồ đặt tên, có người là cán bộ lãnh đạo cao cấp, có người là tướng lĩnh và có người sống, làm việc bên cạnh Bác.  

Thời kháng chiến chống thực dân Pháp, có 8 đồng chí mà ai cũng biết: Trường - Kỳ - Kháng - Chiến - Nhất - Định - Thắng - Lợi. Cũng là những người giúp việc Bác, có các đồng chí được mang tên: Cần - Kiệm - Liêm - Chính hoặc Kiên - Quyết. Nếu “Trường - Kỳ - Kháng - Chiến - Nhất - Định - Thắng - Lợi” là khẩu hiệu nhắc mọi người cùng Bác chống giặc ngoại xâm, giành độc lập, tự do hoàn toàn cho đất nước, thì Cần - Kiệm - Liêm - Chính là những đức tính cao đẹp của người cách mạng, của mỗi công dân sống trong thời đại Hồ Chí Minh. Bác Hồ từng nói: “Cần, kiệm, liêm, chính… chính là những đức tính không thiếu được của mỗi con người, cũng như trời có bốn mùa, đất có bốn phương, thiếu một phương không thành đất, thiếu một mùa không thành trời, thiếu một đức tính thì không thành người”. Người còn nói: “Bất kỳ ở địa vị nào, làm công tác gì, chúng ta đều là đầy tớ của nhân dân. Cơm chúng ta ăn, áo chúng mặc, vật liệu chúng ta dùng đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân. Muốn làm như vậy, chúng ta phải cố gắng thực hiện cần, kiệm, liêm, chính.

            Trước hết là cần, tức là tăng năng suất trong công tác, bất kỳ công tác gì.

            Kiệm tức là không lãng phí thì giờ, của cải của mình và của nhân dân.

            Liêm tức là không tham ô, luôn luôn tôn trọng, giữ gìn của công và của nhân dân.

            Chính tức là việc phải làm dù nhỏ cũng làm, việc trái thì dù nhỏ cũng phải tránh.

            Bốn điều đó đi liền với nhau”.

            Tấm gương sáng ngời cần, kiệm, liêm, chính của Bác thể hiện hằng ngày, vô cùng sinh động, ảnh hưởng rất sâu sắc đến hành động và suy nghĩ của mỗi người sống cạnh Bác. Bốn cái tên Bác đặt - Cần, Kiệm, Liêm, Chính  như một lời dạy thấm thía mỗi ngày, nhắc từng người sống và làm việc theo tấm gương của Bác kính yêu.

            Tôi đã tìm gặp và hỏi chuyện một số đồng chí có tên nói trên. Giờ đây họ đã già yếu, có người không còn nữa. Cảm tưởng chung là họ rất khiêm tốn, không thích nói về bản thân mình, trái lại, họ giữ trong tâm trí mình nhiều kỷ niệm đẹp về Bác trong cuộc sống đời thường. Xin được ghi lại ở đây một vài mẩu chuyện.

            Đồng chí Cần là người chuyên lo ăn uống, quần áo cho Bác. Đồng chí có vóc người như Bác, nên khi may quần áo cho Bác, đồng chí mặc vừa là Bác mặc vừa. Quần áo thường ngày Bác thích màu gụ, nên khi may xong đồng chí mang sang Xí nghiệp Tô Châu nhuộm gụ. Bộ nào hơi cũ là đồng chí thay bộ khác cùng kiểu, cùng màu nên lúc đầu Bác không biết. Một thời gian sau Bác thấy quần áo vẫn mới, Bác bèn đánh dấu rất kín và phát hiện ra đồng chí đã đổi quần áo của Bác. Bác liền phê bình, từ đó rất khó thay đổi quần áo của Bác. Áo bác dùng lâu, giặt đi giặt lại nhiều lần nên cổ áo bị sờn và rách dần. Khi mọi người đề nghị Bác cho thay cái khác, Bác bảo: “Cả cái áo chỉ sờn chỗ cổ, mà vứt đi thì không được, chú chịu khó tháo rồi lộn trong ra ngoài, may lại vẫn lành lặn như mới”.

            Làm theo ý Bác được mấy lần, sau không thể khắc phục được nữa Bác mới cho thay cái mới…. Chị Liên là người được đồng chí Cần nhờ may vá giúp Bác. Chị kể lại, khi làm việc này mới thực sự hiểu Bác giản dị và tiết kiệm đến chừng nào, cầm kim mà lòng chị rưng rưng cảm động. Chị hình dung Bác như thấu hiểu nỗi lòng người mẹ hiền thôn quê tần tảo lo cho đàn con nhỏ miếng ăn, manh áo trong cảnh túng thiếu.

            Tuy Bác ở Nhà sàn, nhưng nơi ăn cơm và những sinh hoạt khác vẫn giữ nguyên chỗ cũ (tức là ngôi nhà trệt của người thợ điện trước đây phục vụ Phủ Toàn quyền), cách xa nhau khoảng 100m. Đi ăn cơm, Bác phải đi vòng qua nửa bờ hồ, dần dần trở thành thói quen. Trước khi đi ăn cơm, Bác đi bách bộ, vừa thư giãn tinh thần vừa tập thể dục. Nhiều hôm mưa bão, Bác vẫn xắn quần, mang ô lội qua những vũng nước. Các đồng chí phục vụ đề nghị Bác ăn cơm tại Nhà sàn. Bác không đồng ý. Người nói: “Nếu Bác không ướt thì chú Cần sẽ ướt; cơm chờ người chứ người không chờ cơm”.

            Trước đây, có một người chuyên nấu cơm cho Bác tên là Lộc, đã không may qua đời vì bị sốt rét ác tính. Bác thương xót và khóc như mất đi một người ruột thịt. Vào dịp sinh nhật Bác, mọi người tìm một bó hoa rừng chúc mừng sinh nhật Người. Bác rất xúc động. Người rơm rớm nước mắt.

Cảm ơn các chú, nhưng bó hoa này ta mang ra đặt lên mộ đồng chí Lộc.

            Những người giúp việc Bác được Bác rất quan tâm. Còn nhớ năm 1950, sau Chiến thắng Biên giới, Bác được nhân dân tặng một số quần áo may sẵn. Bác không dùng mà để làm phần thưởng cho những người sống cạnh Bác. Trong số quần áo đó, có bộ tốt, bộ xấu. Bác bảo mọi người bắt số hay nhường nhau chứ không tự tay tặng cho từng người. Bác bảo:

- Bác mà tặng từng chú thì chú nào được bộ tốt bảo Bác là thiên vị, chú nào được bộ xấu lại bảo Bác không công bằng.

Câu chuyện về tấm gương “cần, kiệm, liêm, chính” của Bác có thể kể bằng nhiều cuốn sách sinh động, vì đó là cả một cuộc đời hết sức cao đẹp, thể hiện từng ngày, từng giờ trong sinh hoạt. Tấm lòng và phong cách sống của Bác để lại trong lòng người giúp việc những kỷ niệm cảm động, không thể nào quên. Chẳng hạn, Người đã sử dụng chiếc xe Pôpêda giản dị trong suốt 15 năm, dứt khoát không cho đổi xe sang. Bác tỏ ra không bằng lòng khi cơ quan đã nới rộng căn nhà sàn Bác ở, không báo cáo Bác. Lúc nào Người cũng nghĩ tới đồng bào còn chật vật, thiếu thốn. Đến tận hôm nay và mãi mãi về sau, tấm gương “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” của Bác được nêu cao để mọi người học tập và tự rèn luyện đạo đức cho mình..

Theo Trần Đương
 Sách Cốt cách Hồ Chí Minh, NXB Thanh niên năm 2010
Huyền Trang (st)

Bài viết khác: