Lan cuoi cung Bac muon vao Nam
Cây vú sữa miền Nam bên Nhà sàn của Bác

(DVT.vn) - Không thực hiện được ý nguyện của mình, Bác đã ngồi yên lặng hồi lâu và không giấu được nỗi buồn.

Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi”. Năm 1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập. Năm 1962, Bác tiếp đoàn đại biểu Mặt trận do Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu dẫn đầu ra thăm miền Bắc. Bác rất xúc động khi được nghe các đại biểu kể về tinh thần bất khuất, bám đất giữ làng của đồng bào miền Nam.

Giờ phút chia tay ai cũng bùi ngùi xúc động. Sau khi nhận những món quà của đồng bào miền Nam, Người xúc động nói: “Bác chẳng có gì tặng lại đồng bào miền Nam cả, Bác chỉ có cái này” -  Bác đặt tay lên trái tim mình và nói: “Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi”.

Thay mặt 14 triệu đồng bào miền Nam, Đoàn yêu cầu Trung ương: “Phải cố gắng giữ gìn sức khỏe của Bác cho thật tốt, để đồng bào miền Nam có thể được gặp Người khi nước nhà hoàn toàn thống nhất”.

lan cuoi cung bac muon vao nam 2
Bác ôm hôn ông Nguyễn Văn Hiếu, Thư  ký Ủy ban Trung ương

Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra thăm miền Bắc. Đó là ngày 20/10/1962.

Trước đó, năm 1946, khi kháng chiến nổ ra ở miền Nam, Bác khẳng định: “Nam Bộ là máu của máu Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

Đầu Xuân 1955, đồng bào miền Nam gửi tặng Bác cây vú sữa. Cây vú sữa này được trồng trong vườn Phủ Chủ tịch, Bác thường dành thời gian buổi sáng và sau ngày làm việc buổi chiều để chăm tưới cho cây vú sữa. Năm 1958 khi Bác chuyển về ở và làm việc tại nhà sàn, Người gợi ý chuyển cây vú sữa trồng cạnh nhà sàn để hàng ngày Bác được nhìn thấy cây vú sữa của miền Nam, như luôn được gần đồng bào chiến sĩ miền Nam thân yêu.

Khi Đảng và Nhà nước có ý định dành tặng Bác phần thưởng cao quý nhất, Huân chương Sao Vàng, Bác không nhận và nói hãy chờ khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng.

Tình cảm của Bác đối với miền Nam, miền Nam đối với Bác thật da diết, đúng như Tố Hữu viết: “Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà - Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha…”

Nhiều lần, trong chiến tranh, Bác đề nghị cho Bác vào Nam nhưng vì an toàn và sức khỏe của Bác, Bộ Chính trị đều không đồng ý.

Vào mùa xuân năm 1968, Bác dưỡng bệnh ở Bắc Kinh theo lời mời của Đảng và Nhà nước Trung Quốc. Trước khi vào Nam công tác, đồng chí Lê Đức Thọ bay sang Bắc Kinh báo cáo tình hình và nhận chỉ thị của Bác. Sau công việc, Bác nói:

- Chú vào trong đó bàn với chú Hùng (tức đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục), bố trí để Bác vào thăm đồng bào miền Nam.

Để từ chối Bác, đồng chí Lê Đức Thọ nêu lý do, nếu Bác muốn vào Nam chỉ có thể đi đường hàng không từ Hà Nội qua Phnôm Pênh, mà như vậy, sẽ phải làm hộ chiếu và mọi người sẽ dễ dàng nhận ra Bác vì Bác để râu…

Nghe vậy, Người bảo:

- Thì Bác cạo râu đi!.

- Nhưng Bác cạo râu đi thì đồng bào miền Nam không còn nhận ra Bác nữa!

Câu trả lời này khiến Bác ngồi yên lặng hồi lâu và không giấu được nỗi buồn.

Lát sau, Bác lại bảo:

- Cho Bác đi theo đường biển! Bác sẽ cải trang làm một thủy thủ hoặc giấu Bác dưới gầm tàu!. Và Người vạch ra phương án lên đường rất chi tiết, rất tỉ mỉ.

Nhưng đồng chí Lê Đức Thọ vẫn từ chối chuyến đi mà Bác Hồ mong đợi, vì sức khỏe của Người không cho phép, với lời hứa: Bộ Chính trị sẽ cố gắng thu xếp để đồng bào miền Nam sớm được gặp Bác!

Nhưng hơn ai hết, Bác biết rằng, ước nguyện lớn lao ấy khó còn có thể thực hiện. Khi chia tay người học trò của mình, Hồ Chủ tịch đã ôm lấy đồng chí Lê Đức Thọ và rơi nước mắt -  những giọt nước mắt dành cho đồng bào miền Nam yêu quý của Người, còn xót xa, nóng hổi đến hôm nay…

 

Theo Báo Doanh nhân Việt Nam Toàn cầu

Huyền Trang (st)

 

Bài viết khác: