Nằm trong quần thể Di tích lịch sử văn hóa Ba Đình, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là di sản lịch sử, văn hoá vô cùng quý giá của quốc gia. Mỗi tài liệu, hiện vật và môi trường cảnh quan di tích nơi đây đều chứa đựng những nội dung lớn về tư tưởng, về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, việc xây dựng, hoàn chỉnh hồ sơ khoa học các nhà di tích và hồ sơ khoa học các tài liệu hiện vật của các nhà di tích trong Khu Di tích luôn được coi là nhiệm vụ hàng đầu, cơ bản của Phòng Sưu tầm – Kiểm kê – Tư liệu, nhằm góp phần phục vụ cho công tác nghiên cứu và tuyên truyền về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Khu Di tích.

Thực hiện kế hoạch công tác chuyên môn, Phòng Sưu tầm – Kiểm kê – Tư liệu đã tổ chức buổi gặp gỡ nhân chứng là Đại tá Đặng Phan Thái – người được giao nhiệm vụ thiết kế 03 công trình mang ký hiệu H66, H67 và K9 tại Phủ Chủ tịch và khu vực Đá Chông. Ông cho biết:

1. Công trình H66, (hay còn gọi là Hầm H66): Công trình có ký hiệu là Đx theo hồ sơ xây dựng của Cục Công trình Bộ Tư lệnh Công binh, đơn vị thiết kế và thi công căn hầm này. Còn ký hiệu H66 được đặt theo hồ sơ kiểm kê khoa học bước đầu năm 1970 của Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh. Căn hầm H66 được xây dựng với mục đích là nơi trú ẩn trực tiếp phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh khi có báo động. Ngoài ra căn hầm còn là địa điểm họp với các đồng chí trong Bộ Chính trị (sức chống đỡ của căn hầm gấp 1/5 lần so với những công trình trước đây). Công trình được khởi công xây dựng vào ngày: 17-5-1966 và hoàn thành vào ngày: 7-8-1966. Lúc đầu căn hầm làm ngầm toàn bộ, sau do tình hình địa chất thuỷ văn nên phải xử lý một phần tấm chắn đạn nổi và tạo thành hình dáng như một quả đồi. Với công năng và nhiệm vụ, căn hầm Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng khi có báo động phòng không là một trong những di tích quan trong trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch, đơn vị thi công do đồng chí Trần Sỹ Yêm - Tiểu đoàn phó Phụ trách về thi công thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 259. Sau khi xây xong, đồng chí đã gửi báo cáo kết quả công trình lên Hồ Chủ tịch. Người thiết kế công trình là đồng chí Đặng Phan Thái lúc đó là Thượng uý chuyên thiết kế các công trình mật phục vụ các đồng chí lãnh đạo. Sau khi hoàn thành công trình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thưởng cho đơn vị thi công một chiếc đài rađiô Roumania và một buổi xem văn nghệ. Sau đó, đồng chí Yêm đã gửi bức thư cảm ơn tới Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm tới đơn vị.

nguoi thiet ke 3 cong trinh   a1
Đồng chí Đại tá Đặng Phan Thái – người ngồi thứ 3 từ trái sang
 đang kể lại quá trình thiết kế các công trình mang ký hiệu H66, H67

Đồng chí Vũ Kỳ, nguyên là Thư ký riêng của Bác kể lại, Bác đã xuống hầm H66 này trú ẩn một vài lần, khi xuống không lần nào Bác đóng cửa hầm. Bác chỉ xuống hầm khi thật cần thiết và vẫn liên lạc ra ngoài bằng điện thoại. Còn đồng chí Cù Văn Chước, nguyên là cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch, người đã giúp việc cho Bác nhiều năm cho biết: Tháng 5-1967 giặc Mỹ bắn phá ác liệt, Bác cùng Bộ Chính trị đã nhiều lần họp ở đây, có khi Bác gọi điện trực tiếp chỉ đạo từ hầm H66 này.

Như vậy căn hầm H66 là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng làm hầm phòng không trong thời gian Mỹ bắn phá ác liệt miền Bắc từ tháng 5-1966 đến tháng 9-1969. Thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn ở lại Nhà sàn cùng với Trung ưởng Đảng, Chính phủ trực tiếp chỉ đạo công cuộc chống Mỹ, cứu nước, Người không đi sơ tán mặc dù các đồng chí trong Bộ Chính trị đã nhiều lần mời Bác tạm sơ tán để bảo vệ an toàn cho Người. Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị đã quyết định xây căn hầm phòng không.Việc xây dựng căn hầm (H66) thể hiện sự quan tâm của Trung ương Đảng và Chính phủ, Bộ Chính trị đã thay mặt cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chăm lo tới sức khoẻ của Người. Căn hầm đã đi vào lịch sử, là một trong những di tích quan trọng trong Khu Di tích lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Hiện nay, Di tích này vẫn giữ nguyên như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 2. Nhà H67(ĐK2): Công trình có tên gọi  N1-5  đặt theo ngày khởi công. Theo hồ sơ xây dựng của Cục Công trình Bộ Tư lệnh Công binh, đơn vị thiết kế và xây dựng ngôi nhà, ngôi nhà khi xây dựng xong có tên gọi ĐX67 hoặc N1-5, cũng đều là tên gọi của H67. Còn theo hồ sơ khoa học của Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh thì công trình này được vào sổ kiểm kê bước đầu năm 1970 có ký hiệu là H67(hay ký hiệu DK2), ngôi nhà được xây dựng vào năm 1967 còn chữ H do ngôi nhà thông ra hầm H66 nên cũng gọi là H67. Ngôi nhà được khởi công là ngày 1-5-1967 và hoàn thành ngày 30-6-1967 (gần 2 tháng thi công), (Trong thời gian báo động liên tục, Bác phải lên xuống hầm nhiều lần mà sức khoẻ của Bác lại yếu nên các đồng chí trong Bộ Chính trị quyết định phải làm một ngôi nhà liền kề hầm trú ẩn để Bác tiện việc xuống hầm đỡ phải lên xuống Nhà sàn, đỡ vất vả và không an toàn cho Bác). Công trình H67, có tường đổ bê tông, cột sắt dày 60cm, chống được rốc két, máy bay bắn bất ngờ, và rất tiện xuống hầm  mỗi khi có báo động.

Trong thời gian từ ngày 30 - 6 - 1967 đến trước ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh mệt nặng, tại ngôi nhà này, nhiều cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị đã diễn ra để quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Tại đây, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bàn bạc, quyết định những vấn đề chiến lược, nhằm đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta tới toàn thắng và xây dựng chủ nghĩa xã hội miền Bắc. Cũng tại căn phòng nhỏ này, Người còn gặp cán bộ các ngành và ký những văn bản cuối cùng trước lúc đi xa. Ngày 17- 8-1969, do sức khoẻ của Người rất yếu, bác sĩ đề nghị Người không lên Nhà sàn nữa mà ở hẳn căn phòng này để chữa bệnh. Tuy nằm trên giường bệnh, Bác vẫn làm việc, hàng ngày Người vẫn nghe các đồng chí trong Bộ Chính trị đến báo cáo công việc ở hậu phương và tiền tuyến, vẫn nghe đọc sách, báo và bản tin. Tập báo và bản tin từ 17- 8 đến 24-8-1969 còn ghi lại bút tích của Người. Ngày 31- 8-1969, Người gửi lẵng hoa tặng các chiến sỹ tên lửa Sư đoàn 361 khi được nghe báo cáo các chiến sỹ tên lửa Hà Nội đã bắn rơi một máy bay không người lái của Mỹ. Buổi chiều, Người muốn ăn một bát cháo, các đồng chí phục vụ nấu một bát cháo ngon, Người ăn hết. Buổi tối, Lễ kỷ niệm mừng Quốc khánh được tổ chức long trọng tại Hội trường Ba Đình. Vì mệt, không đến dự, Người hỏi về việc tổ chức lễ kỷ niệm lần này, Người cảm thấy khoẻ hơn và tỉnh táo hơn. Ngày 2-9-1969, bệnh của Người diễn biến rất xấu và mỗi lúc một trầm trọng. Đúng 9h47 phút, Người qua đời sau một cơn đau tim đột ngột.

nguoi thiet ke 3 cong trinh   a2
Đồng chí Đại tá Đặng Phan Thái đang giới thiệu với cán bộ
Khu Di tích về kết cấu của ngôi nhà H67

Đến thăm ngôi nhà H67, mọi người đều xúc động vì nơi đây đã lưu giữ những giây phút cuối đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Chính trị đã thay mặt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân xây dựng nơi ở và làm việc an toàn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngôi nhà làm cho Bác ở nhưng Người chỉ ở có hơn 10 ngày cuối cùng của cuộc đời mình và là nơi đã chứng kiến những ngày đêm Bộ Chính trị, các đồng chí Trung ương, tập thể các giáo sư, bác sĩ trong nước và nước ngoài hết lòng cứu chữa cho Bác trong những ngày Người ốm nặng. Ngày 26-8-1969, sức khoẻ của Người diễn biến phức tạp. Hội đồng giáo sư, bác sĩ và các y tá của Viện Quân y 108 thường xuyên túc trực bên Người để chăm sóc, theo dõi diễn biến sức khoẻ của Người. Nhưng vì tuổi cao bệnh nặng, Người đã vĩnh biệt chúng ta. Người đi xa đã để lại muôn vàn tình yêu cho mọi người, mọi lứa tuổi. Đến thăm nơi đây mọi người đều xúc động, Chủ tịch Hồ Chí Minh sống giản dị, liêm khiết, tiết kiệm là tấm gương sáng cho chúng ta tọc tập và noi theo.

3. Công trình K9 (Khu Đá Chông): Thuộc tỉnh Sơn Tây cũ. Tháng 5-1957 nhân chuyến về thăm tỉnh Sơn Tây, Chủ tịch Hồ Chí Minh có dự một buổi diễn tập của Sư Đoàn 308 trên sông Đà. Vị trí mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn để nghỉ ăn trưa và trò chuyện với chiến sĩ của Sư Đoàn 308 vốn được nhân dân trong vùng gọi là Khu Đá Chông. Sở dĩ có tên gọi Đá Chông bởi nơi đây có nhiều phiến đá nhọn tựa như hình mũi tên, mũi mác nhô lên mặt đất. Quan sát địa hình vùng này Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy an toàn nên đã chọn làm căn cứ bí mật cho Trung ương từ năm 1965. Từ năm 1969 đến năm 1975, nơi đây là địa điểm bí mật cho việc giữ gìn thi hài của Bác. Cũng tại Khu Đá Chông còn lưu giữ nhiều câu chuyện cảm động về Người. Đầu năm 1965, đế quốc Mỹ leo thang ra miền Bắc. Hà Nội, Hải Phòng là những trọng điểm của chúng. Trước tình hình chiến sự ác liệt như vậy, để bảo vệ an toàn cho Bác. Bộ Chính trị đã yêu cầu Bác di chuyển đến một địa điểm bí mật tên gọi là K4, nhưng đến chiều lại về, thấy bất tiện, mấy ngày sau lại có tin Mỹ ném bom ra Hà Nội, Các đồng chí trong Bộ Chính trị quyết định mời Bác lên Khu Đá Chông (Lúc đó ở đấy chưa xây dựng công trình như hiện nay). Sau khi Bác chọn Đá Chông làm căn cứ bí mật cho Trung ương, nơi đây mới được xây dựmg một hệ thống hầm trú ẩn để bảo đảm an toàn cho Bác và các đồng chí trong Bộ Chính trị. Sau khi đưa thi hài Bác về Lăng ngày 18-7-1975, thì Khu Đá Chông này lại được gọi là K9.

Đại tá Đặng Phan Thái là người được giao nhiệm vụ thiết kế 3 công trình H66, H67, K9. Ông sinh ngày 1-2-1932 ở xã Nhân Nghĩa, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Hiện trú quán tại 188/17 phố Quán Thánh, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội ông nhập ngũ tháng 2-1948 và nghỉ hưu tháng 5-1992. Cấp bậc Đại tá, Phó phòng Phòng Quy hoạch, Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng. Ông vào Đảng ngày 25-5-1950, chính thức 25-11-1950, được tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Trong chống Pháp, ông là trinh sát Trung đoàn 66, Đại đoàn 304, chiến đấu trên các chiến trường đồng bằng Bắc Bộ, trung du, miền núi… như Chiến dịch Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Thu Đông 1951-1952, Hoà Bình, Thượng Trung Lào… Với các thành tích trong chiến đấu, ông đã được tặng Huân chương Chiến công các hạng Ba, Nhì, Huy hiệu Bác Hồ và được cử là đại biểu dự Lễ mừng Hồ Chủ tịch về Thủ đô 01-01-1955. Sau đó ông lại được đi học Trường Văn hoá Kiến An năm 1955-1956. Năm 1957, ông về công tác tại Phòng Công trình Bộ Tư lệnh Công binh (Lúc đó là Cục Công binh), được giao nhiệm vụ vô cùng  nặng nề là thiết kế các công trình mật cho các đồng chí lãnh đạo trung ương Đảng và Chính phủ. Lúc đó, ông tưởng chừng như không thể vượt qua nhiệm vụ này vì chưa hiểu biết gì về công trình mà chỉ nghe đã thấy xa lạ, trình độ văn hoá của ông lúc đó mới hết lớp 8/10, trong khi nhiệm vụ được giao thiết kế các công trình tối mật cho lãnh đạo Đảng và Nhà Nước, quân đội ở nơi làm việc, sở chỉ huy và các khu căn cứ (ATK) đều có yêu cầu cao về khoa học kỹ thuật. Nhưng nhờ sự giúp đỡ của đồng nghiệp cùng với sự cố gắng hết mình để vượt qua những hạn chế của bản thân bằng cách cố gắng học tập chuyên môn nghiệp vụ, vừa học vừa làm, và còn đi dự học các chuyên đề ở Trường Đại học Bách khoa như: Sức bền vật liệu, cơ kết cấu và cách tính toán công trình công sự, đường hầm của Liên Xô, nên dần dần ông cũng tiếp cận được những yêu cầu của công việc. Năm 1973, ông tham gia xây dựng Lăng Bác, là Trưởng phòng Phòng Kỹ thuật cơ quan đặc trách của quân đội và là Phó phòng Phòng Kỹ thuật công trường chung của Nhà Nước. Tháng 2-1976, ông được về công tác tại Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu về quy hoạch thiết bị chiến trường và đảm nhiệm Phó phòng Phòng Quy hoạch. Từ tháng 2-1982 đến tháng 5-1992, ông còn trực tiếp giúp Bộ lập quy hoạch, chỉ đạo xây dựng quản lý hệ thống Sở Chỉ huy các khu ATK, lập kế hoạch để Bộ giao nhiệm vụ xây dựng công trình, đường sá, sân bay, quân cảng… Vừa làm việc, ông vừa chú trọng, chuyên cần học tập để nâng cao trình độ. Từ tháng 8-1978 đến 8-1979, ông được đi học tự động hoá chỉ huy tại Học viện Phrunde- Liên Xô.

Với những thành tích trong chiến đấu và công tác, ông Đặng Phan Thái đã nhận nhiều Huân chương Chiến công hạng Ba, hạng Nhì, Huy hiệu Bác Hồ, Huân chương Vẻ vang các hạng Nhất, Nhì, Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhì. Huy chương Quân kỳ quyết thắng và nhiều bằng khen, Huy hiệu Chiến sĩ thi đua của Bộ Tư lệnh Công binh. Đặc biệt, ông đã nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và Công nghệ ngày 30-8-2005.

Là một cán bộ trưởng thành từ gia đình nghèo khó, có ý chí và quyết tâm lớn trong cuộc sống, có tình cảm sâu sắc với đồng đội và với cấp dưới, cương trực, thẳng thắn, nhưng lại biết khoan dung, Đại tá Đặng Phan Thái có nhiều cống hiến trong xây dựng các công trình đặc biệt của Trung ương và của Bác Hồ. Đối với thế hệ trẻ, ông là một người anh đáng kính./.

Nguyễn Thị Bình 
Theo ditichhochiminhphuchutich.gov.vn
Minh Thu (st)

Bài viết khác: