Nhân dân cả nước ta đều biết một điều giản dị và rõ ràng rằng suốt cả cuộc đời Bác Hồ đều vì nhân dân, vì mục tiêu mang đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho từng người dân. Bởi vậy, trước lúc đi xa, trong bản Di chúc của Người, tư tưởng vì con người và giải phóng con người thấm đượm chủ nghĩa nhân đạo cao cả, một triết lý nhân sinh mà Người đã dày công xác lập.

          Theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đảng vĩ đại là ở nơi Đảng biết tìm thấy sức mạnh từ trong nhân dân, vì nhân dân mà làm việc, cống hiến. Chính vì vậy, Bác căn dặn: “Việc gì có lợi cho dân thì phải làm cho kỳ được. Việc gì có hại cho dân, thì phải hết sức tránh”.

bac-ho-nhan-dan
Bác Hồ và nông dân. Ảnh: Tư liệu

Ngay từ những năm tháng gian nan vất vả đi tìm đường cứu nước, Người đã nói rõ mục đích của mình là để giải quyết vấn đề dân tộc và dân chủ ở Việt Nam. Dân tộc là đấu tranh để giải phóng dân tộc, dân chủ là giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân. Tư tưởng dân chủ của Người được phát triển từng bước, khi Người khẳng định: Nước ta là nước dân chủ. Một nước dân chủ, theo quan điểm của Người là tất cả lợi ích, quyền hạn, quyền hành, trách nhiệm đều quy về nơi dân, đều ở nơi dân. "Nhân dân", hai tiếng thiêng liêng ấy vang lên trong lòng Người, cũng là tiếng chuông rung lên trong hàng triệu, hàng triệu trái tim của nhân dân Việt Nam.

Ngay từ năm 1907, 1908, Người đã chứng kiến sức quật khởi vùng lên của nhân dân trong phong trào chống sưu thuế ở Trung Kỳ. Từ "đồng bào" (chung một bọc) được Người dùng từ đây và trong suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Người lấy đức, lấy tình thương yêu thật sự để cảm hóa dân.

Hồ Chí Minh cho rằng, vấn đề quan trọng bậc nhất là vấn đề lợi ích của người dân. Nếu lãnh đạo mang lại lợi ích thiết thực cho dân, sẽ làm cho dân tin Ðảng, tin chế độ. Nguyên tắc chung của chính sách với dân là tạo sự hài hòa giữa ba lợi ích: Lợi ích công dân, lợi ích tập thể, lợi ích xã hội, trong đó, phải hết sức coi trọng lợi ích của người lao động chân chính. Ðiều tiết thu nhập hợp lý và phân chia công bằng lợi ích giữa các tầng lớp nhân dân là việc làm có ý nghĩa nhằm củng cố niềm tin của nhân dân vào Ðảng và Nhà nước. Muốn mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, trước hết, phải có chính sách đúng. Quan điểm của Hồ Chí Minh là: Tất cả đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước đều có ảnh hưởng trực tiếp đến dân, đều phải hướng vào dân và nhằm nâng cao đời sống của nhân dân.

Với trái tim đầy tình yêu thương, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu hiểu và đồng cảm với nỗi thống khổ vì áp bức bất công, vì những gian lao, mất mát trong chiến tranh của nhân dân lao động từ miền xuôi đến miền ngược. Người đề cập cụ thể đến từng đối tượng, cảnh ngộ, thân phận. Vấn đề con người trong tư tưởng nhân văn Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện trong Di chúc là tình yêu thương đối với tất cả mọi tầng lớp người trong xã hội. Người căn dặn, phải có một chính sách đặc biệt đối với mọi tầng lớp nhân dân đã vì Tổ quốc mà hy sinh. Theo Người, đó là công việc nhất thiết phải làm, dẫu khó khăn, phức tạp đến mấy cũng phải ra sức làm…

Trong Di chúc, Người nói về nhân dân vừa chứa chan tình yêu thương, vừa rất tự hào: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hǎng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói nhiều đến lòng tin của người dân với Ðảng và Nhà nước, cụ thể là với những người lãnh đạo, quản lý. Người cho rằng, muốn được dân tin Ðảng, tin Nhà nước của mình, thì người lãnh đạo và quản lý, trước hết, phải dân chủ với dân, tôn trọng dân như tôn trọng chính bản thân mình. Không tôn trọng dân, không dân chủ với dân sẽ làm khoảng cách giữa Ðảng, Nhà nước với dân ngày một xa, làm cho lãnh đạo và người dân cách biệt nhau, xa rời nhau. Người chỉ ra: Trên thì tưởng cái gì cũng tốt đẹp. Dưới thì có gì không dám nói ra. Họ không nói, không phải vì họ không có ý kiến, nhưng vì họ nói ra, cấp trên cũng không nghe, không xét, có khi lại bị trù dập. Họ không dám nói ra thì họ cứ để trong lòng, rồi sinh ra uất ức, chán nản. Rồi sinh ra thói không nói trước mặt, chỉ nói sau lưng, sinh ra thói thậm thà thậm thụt và những thói xấu khác. Vì vậy, Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ cần phải nâng cao, mở rộng dân chủ, để cho người dân được nói lên tiếng nói của mình, động viên mọi người suy nghĩ để làm những việc ích lợi cho dân. Người nói: Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: Dân rất tốt. Theo Người: Mỗi công việc của Ðảng phải giữ nguyên tắc và phải liên hợp chặt chẽ với dân chúng. Nếu không vậy, thì chẳng những không lãnh đạo được dân chúng mà cũng không học được dân chúng. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, đó là trọng dân.

Bác Hồ đã thường xuyên giáo dục cán bộ phải làm tốt công tác vận động nhân dân. Dân vận là vận động từng người dân, góp thành lực lượng toàn dân để chung sức chung lòng xây dựng và bảo vệ đất nước. Ðiều quan trọng là kiên trì giải thích cho dân hiểu trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ, lợi ích của mình. Người lãnh đạo chân chính bao giờ và bất cứ việc gì cũng phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, sao cho phù hợp với trình độ văn hóa, thói quen sinh hoạt, lòng ham ý muốn của dân. Xét cho cùng, mọi điều đều từ dân mà ra và trở về nơi dân. Ðể cho dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra là trọng dân.

Thực hiện theo tư tưởng của Bác Hồ kính yêu, toàn bộ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng ta đều nhằm thực hiện mục tiêu Bác đã đặt ra đó là: Đảng phải phát triển kinh tế - văn hóa xã hội để bảo đảm đời sống ngày càng cải thiện cho nhân dân. Điều đó được thể hiện rõ ràng bằng công cuộc đổi mới xây dựng đất nước của chúng ta. Vượt qua thời kỳ khó khăn khủng hoảng trước năm 1986,  chính sách đổi mới năm 1986 đã mang lại hiệu quả quan trọng. Nước ta từ một nước nghèo hàng năm phải nhận viện trợ lương thực nhưng sau nhiều năm đổi mới, đã trở thành cường quốc xuất khẩu lương thực, kinh tế đã có những chuyển biến mạnh mẽ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt; dân chủ trong xã hội tiếp tục được mở rộng; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh được giữ vững. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được triển khai sâu rộng và hiệu quả, góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định và tăng thêm nguồn lực cho phát triển đất nước. Diện mạo của đất nước có nhiều thay đổi. Thế và lực của nước ta vững mạnh thêm nhiều. Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên, tạo ra những tiền đề quan trọng để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, như căn dặn của Bác.

bac-ho-nhan-dan-2
Cả cuộc đời Người luôn trăn trở về cuộc sống của nhân dân

Tuy nhiên, cùng với những thành tựu rất to lớn ấy, việc thực hiện Di chúc đối với từng cán bộ, đảng viên không phải là ở đâu cũng tốt. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đã chỉ rõ một bộ phận không nhỏ trong cán bộ, đảng viên chúng ta có biểu hiện suy thoái về chính trị và đạo đức lối sống. Điều này dẫn tới giảm thiểu niềm tin của nhân dân và như thế là cán bộ, đảng viên ấy không thực hiện đúng yêu cầu của Bác. Về vấn đề này, việc thực hiện chỉnh đốn Đảng theo đúng yêu cầu của Bác càng trở nên cấp thiết. Cụ thể: Cần phải tạo nên một cơ chế, một chế độ, chính sách làm sao để phân định rõ trách nhiệm, công việc của từng cán bộ, đảng viên; phải đổi mới chế độ đào tạo, bồi dưỡng, đổi mới chế độ xem xét, đánh giá, nhận xét đối với từng cán bộ, đảng viên. Kết hợp với việc đó là phải thực hiện chế độ giám sát đảng viên trong lối sống của mình, đặc biệt là sự giám sát của nhân dân, của đoàn thể chính trị, xã hội để cho việc phê bình, tự phê bình thực sự đi vào cuộc sống, mang lại ý nghĩa thực tế. Hiệu quả mang lại là đội ngũ cán bộ, đảng viên chúng ta ngày càng trong sạch hơn để thực hiện tốt hơn ước nguyện của Bác. Đặc biệt, là thực hiện ước nguyện xây dựng một tổ chức Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Để nâng cao đời sống của nhân dân theo Di chúc của Bác, sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự điều hành của Chính phủ là rất quan trọng, nhưng cần phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và toàn xã hội. Trong đó rất cần cơ chế chính sách phù hợp để người dân tự vươn lên, nâng dần mức sống của bản thân và gia đình.

Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 vừa được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thông qua đã thể hiện quyết tâm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân. Quốc hội đặt mục tiêu trong năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước giảm từ 1,7 đến 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%. Trong năm, tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50%, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 15%...

Để đạt được mục tiêu nói trên, cùng với việc thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của nền kinh tế, Quốc hội yêu cầu tiếp tục bảo đảm chính sách an sinh xã hội; bảo đảm lộ trình tăng lương tối thiểu theo quy định của Bộ luật Lao động đối với khu vực sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp giảm quá tải bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến dưới, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nhất là ở các cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện. Ưu tiên kinh phí cho các dự án cấp bách, ổn định dân cư và tạo sinh kế thuận lợi hơn cho người dân.

Thực hiện Nghị quyết nói trên của Quốc hội cũng là thực hiện lời Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: Không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. 45 năm thực hiện Di chúc của Bác, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu bước đầu. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, Đảng, Nhà nước và nhân dân sẽ tiếp tục phấn đấu thực hiện mục tiêu trong Di chúc của Bác: Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh./.

Thanh Huyền (Tổng hợp)

Bài viết khác: