1. Có thể nói dân chủ là một lý tưởng lớn của nhân loại, là khát vọng đồng thời cũng là mục tiêu tranh đấu của con người, mỗi quốc gia dân tộc qua mỗi chặng đường lịch sử. Qua mỗi hình thái kinh tế xã hội từ cộng đồng nguyên thủy đến chiếm hữu nô lệ, rồi chế độ phong kiến đến chế độ tư bản chủ nghĩa – dân chủ (cả về khái niệm lẫn nội dung) từng bước được nhân loại nhận thức, hiểu biết để biến nó trở thành vừa là mục tiêu, vừa là động lực kích thích con người vươn tới, đấu tranh và giành lại cái quyền mà “thượng đế đã ban cho họ”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên trong cảnh “nước mất nhà tan”, các cuộc đấu tranh quật khởi chống lại bè lũ cướp nước và bán nước đều “bị dìm trong bể máu”. Nhưng với thiên tài trí tuệ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức ra cái lỗi thời, cái dẫn đến thất bại của các cuộc đấu tranh đó không phải là “mục tiêu” mà chính là “phương pháp”. Cái lỗi thời của phương pháp đã khiến các sĩ phu yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân ngậm ngùi với thất bại… Cũng vào thời điểm lịch sử đó với Chủ tịch Hồ Chí Minh, “vào trạc tuổi 13, lần đầu tiên tôi nghe thấy những từ: Tự do - Bình đẳng - Bác ái”, đó chính là tinh thần của cuộc cách mạng Tư sản dân quyền ở Pháp, chính tư tưởng dân quyền ấy đã kích lệ người thanh niên yêu nước ấy “muốn tìm hiểu những gì đang xảy đằng sau các từ ấy”. Và như thế là “hành trình” để ra đi tìm đường cứu nước hay nói một cách khác là sự manh nha cho khát vọng khám phá “trời Tây” đó chính là tinh thần vĩ đại của các cuộc cách mạng dân chủ tư sản đang sôi nổi ở phương Tây với những “tư tưởng dân chủ” đầy hấp dẫn đối với một người yêu nước thương dân nồng nàn như Nguyễn Ái Quốc.

Với nền dân chủ tư sản trước hết con người được thừa nhận là có quyền, và nếu so với chế độ phong kiến thì nền dân chủ tư sản với thể chế dân chủ đại nghị, tam quyền phân lập, thực hiện phổ thông đầu phiếu, các quyền cơ bản của con người được thừa nhận và được thực hiện ở những mức độ khác nhau đã có những tiến bộ vượt bậc. Nguyễn Ái Quốc chiêm nghiệm được điều cơ bản rằng: Chính dân chủ là chìa khóa vạn năng cứu con người thoát khỏi những giới hạn của chính mình. Mà trước hết là thoát khỏi kiếp nô lệ: Giành được độc lập - tự do.

2. Ngày 5-6-1911, trên con tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvin, từ bến cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Theo hành trình của tàu, Nguyễn Tất Thành đã dừng chân ở cảng Mácxây, cảng Lơ Havơrơ (Le Havre) của Pháp. Về mục đích ra đi của mình, năm 1923 Người đã trả lời một nhà báo Nga rằng: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy. Tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy”[1]. Một lần khác trả lời một nhà văn Mỹ, Người nói: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”[2].

Với sức trẻ cộng với khát vọng được tìm hiểu và khám phá, Nguyễn Ái Quốc quyết định đi tiếp một chặng đường khám phá từ Châu Âu sang Châu Phi và Châu Mỹ rồi trở về miệt mài hoạt động trong phong trào công nhân các nước Châu Âu. Nguyễn Ái Quốc đã giác ngộ thêm một nội dung hay một nguyên lý rất cơ bản nữa là: Dân chủ không phải tự nhiên mà có được mà phải đấu tranh quyết liệt, kể cả phải đổ máu để giành lấy, và đối với các nước còn bị đô hộ thì dân chủ trước hết là phải giành cho được độc lập dân tộc. “Tự do đồng bào tôi, độc lập cho tổ quốc tôi” đó chính là khát vọng dân chủ cho những người dân mất nước. Và tiếp đó là những năm tháng hoạt động không mệt mỏi của Nguyễn Ái Quốc từ Pháp sang Anh rồi lại từ Anh trở lại Pháp - Pari lúc đó đang là trung tâm của phong trào cách mạng dân chủ. Từ việc tham gia tổ chức những người Việt Nam yêu nước tại Pháp đến việc sáng lập Hội Liên hiệp thuộc địa, Hội Các dân tộc bị áp bức Á Đông, ra tờ báo “Người cùng khổ”, thay mặt nhân dân Việt Nam gửi đến Hội nghị Véc xay Bản yêu sách 8 điểm nổi tiếng... tất cả chỉ với một khát khao duy nhất là tố các tội ác thực dân đối với nhân dân An Nam, nhân dân Đông Dương và các nước thuộc địa khác. Đồng thời gửi đến nhân loại tiến bộ niềm khát khao của các dân tộc thuộc địa mong muốn được độc lập tự do và được hưởng quyền dân chủ của mình. Điều mà chính các cuộc cách mạng dân chủ tư sản đã lấy làm ngọn cờ đấu tranh và thừa nhận đó là quyền vốn có của con người.

Việc Nguyễn Ái Quốc tham gia Đảng Cộng sản Pháp tháng 12 năm 1920, ngoài sự giác ngộ thì không thể không nói đến chính Đảng Xã hội và sau này là Đảng Cộng sản Pháp đã công khai lên án chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương và các nước thuộc địa, và ủng hộ các cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân các nước thuộc địa. Có thể nói chính điều đó đã khiến Nguyễn Ái Quốc bị thuyết phục và hào hứng tham gia vào tổ chức chính trị đó. Chính người Cộng sản An Nam mảnh khảnh đó với tinh thần yêu nước tuyệt vời, với niềm yêu thương sâu sắc đồng bào mình, đã làm cho nhân loại thức tỉnh về một thế giới chưa hoàn thiện - một thế giới đang còn bóc lột, áp bức và nô dịch - một thế giới đang cần giải phóng, cần “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” theo tinh thần dân chủ của chính các cuộc cách mạng dân chủ tư sản mang lại.

Đến khi gặp được Luận cương của Lê-nin “Về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”, trái tim yêu thương con người của Nguyễn Ái Quốc như đã vỡ òa: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ, đây là cái cần cho chúng ta, đây là con đường giải phóng cho chúng ta”. Tinh thần đó được Người thấm nhuần sâu sắc và quyết tâm biến nó thành hiện thực trên đất nước mình. Tháng 5 năm 1941, sau bao gian nan khổ ải, Nguyễn Ái Quốc đã về đến Tổ quốc, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định rằng: ‘Trong lúc này nếu quyền lợi của dân tộc không đòi được thì quyền lợi của giai cấp cộng sản vạn năm cũng không đòi được’. Khẳng định đó thể hiện quyết tâm của Nguyễn Ái Quốc, thể hiện tinh thần dân chủ cho số đông, tinh thần dân chủ cho mọi người – trước hết là dân tộc chứ không phải giai cấp. Khi tiếp cận một cách đầy đủ và nghiên cứu quan điểm này chúng ta càng thấy sự hơn hẳn, sự vượt trội của Nguyễn Ái Quốc: Về vấn đề “Dân chủ” từ khái niệm đến cuộc đấu tranh cách mạng thực hiện dân chủ cho đồng bào mình.

3. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước Dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á được thành lập. Trong Bản Tuyên ngôn độc lập đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng: “Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Thượng đế cho họ những quyền không thể chối cãi được trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Điều khẳng định đó trước hết là thừa nhận các giá trị dân chủ của các cuộc cách mạng Pháp và cách mạng Mỹ. Đồng thời tuyên bố với thế giới rằng nước Việt Nam là một nước dân chủ, là một quốc gia có độc lập, chủ quyền. Từ nay, toàn thể quốc dân Việt Nam quyết tâm đoàn kết, bảo vệ nền dân chủ ấy.

Việc tổ chức Tổng Tuyển cử ngay vào ngày 06/01/1946 và ban hành Bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên vào tháng 12/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng khẳng định các giá trị dân chủ của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và tinh thần dân chủ của quốc dân đồng bào, là những người thực sự làm chủ vận mệnh mình, làm chủ đất nước và xây dựng cuộc sống của chính mình. Và từ đó cho đến suốt các giai đoạn cách mạng sau này, kể cả qua 2 cuộc kháng chiến vô cùng gian khổ và phức tạp, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quyết tâm giữ vững chế độ dân chủ và từng bước xây dựng một Nhà nước dân chủ nhân dân, với một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là “làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăm, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Tinh thần dân chủ ấy, quyết tâm dân chủ ấy còn được chỉ rõ rằng: “Nếu dân đói Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm Đảng và Chính phủ có lỗi”…Đó chính là một nền dân chủ cho mọi người, một nền dân chủ toát lên từ tình yêu thương con người – con người là tất cả, ngay cả quyền lực cũng không thể đặt lên trên con người, như Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn các thế hệ cán bộ của mình là: “Nước ta là nước dân chủ, mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân, mọi lợi ích đều thuộc về nhân dân”. Dân chủ theo Chủ tịch Hồ Chí Minh phải hiểu đến tận cùng như vậy. Dân chủ không chỉ dừng lại ở khái niệm hay với những khẩu hiệu rất hoành tráng nhưng sáo rỗng. Chẳng thế mà Người thường căn dặn cán bộ đảng viên rằng: Việc gì nhỏ mà có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Dân chủ với nội dung trước hết là yêu thương con người theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nó phải rất cụ thể như là quyền bầu cử, ứng cử, con người phải được tham gia trực tiếp vào việc qui định Hiến pháp đến các chính sách cụ thể về quốc kế dân sinh. Con người được hưởng dân chủ phải được tự do, hạnh phúc, phải được lao động, được học tập và chữa bệnh. Cho nên khi nói về trách nhiệm của Đảng với dân Người không ngại ngần khẳng định rằng: Đảng cần phải lo cả tương cà mắm muối cho dân và đưa ra kết luận rằng: Có độc lập tự do rồi mà dân vẫn đói khổ, thì độc lập tự do ấy chẳng có ý nghĩa gì.

4. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, sau gần 30 năm thực hiện đổi mới, với sự phát triển nhanh chóng của đất nước, đặc biệt là về phát triển kinh tế nhưng những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường vào xã hội ta cũng không phải là nhỏ. Với những vấn đề được Đảng và Nhà nước rất lưu tâm như: Nền kinh tế phát triển không bền vững; lãng phí tài nguyên; ô nhiễm môi trường; phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu sắc; đạo đức xã hội xuống cấp, những giá trị văn hóa truyền thống bị xâm hại… Và đặc biệt là một bộ phận không nhỏ đảng viên có chức quyền phai nhạt lý tưởng, suy thoái đạo đức, thiếu gương mẫu, sa vào chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng, bè phái, vi phạm quyền dân chủ, làm cho uy tín của Đảng bị giảm sút. Đây là vấn đề đang gây bức xúc trong Đảng và trong xã hội. Nghị quyết TƯ 4 khóa 11 đã khẳng định và quyết tâm lớn trong vấn đề xây dựng Đảng trong giai đoạn hiện nay. Điều cần phải nhắc tới ở đây chính là để xảy ra hiện tượng này như Nghị quyết Trung ương 4 Khoá 11 chỉ ra, trước hết là do cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở một số nơi chưa đến nơi đến chốn, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, nói không đi đôi với làm, hoặc làm chiếu lệ. Các nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi vừa bị buông lỏng trong thực hiện, vừa chưa được quy định cụ thể để làm cơ sở cho công tác kiểm tra, giám sát… Để khắc phục tình trạng này cách duy nhất là Đảng phải nhận thức đúng những sai lầm khuyết điểm của mình và quyết tâm sửa chữa những sai lầm khuyết điểm của mình. Phải quyết tâm và kiên trì học tập đạo đức cách mạng: “Trung với nước, hiếu với dân, yêu thương con người, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, tinh thần quốc tế cộng sản”. Phải hoàn toàn tin tưởng vào lực lượng vô địch là nhân dân, phải dựa vào dân với quyết tâm lấy dân làm gốc theo đúng tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì mới đi đến thắng lợi được./.

[1] Báo Nhân dân, số: 4062, ngày 18-5-1965

[2] Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.23

Theo ditichhochiminhphuchutich.gov.vn
Huyền Trang (st)

Bài viết khác: