Hồi ấy, vào mùa Xuân 1946, tôi ở trong Ban Chấp hành Đoàn Phụ nữ Cứu quốc tỉnh Bến Tre. Ban Chấp hành phụ nữ giao cho tôi nhiệm vụ tổ chức một Đoàn gồm các mẹ, các chị, cùng một số thanh niên ra hỏa tuyến chúc Tết bộ đội. Tôi đang say sưa làm công tác thăm hỏi bộ đội thì có lệnh Tỉnh ủy gọi về. Tôi được nhận nhiệm vụ mới, rất đặc biệt, hoàn toàn không ngờ tới. Tôi được cử đi trong Phái đoàn Nam Bộ ra miền Bắc báo cáo với Hồ Chủ tịch và Chính phủ về tình hình sau Hiệp định sơ bộ 6-3-1946, và xin vũ khí trang bị cho Nam Bộ.
Đoàn chúng tôi theo đường biển đi từ Bến Tre đến Phú Yên. Lần đầu tiên lênh đênh trên mặt biển, nhiều người say sóng đến ứa ra mật xanh, mật vàng, nằm liệt. Nặng nhất là bác sĩ Trần Hữu Nghiệp. Chỉ có tôi và anh Ca Văn Thỉnh khá nhất, nhờ nhịn ăn và không nằm. Từ Phú Yên, chúng tôi ngồi xe lửa ra Hà Nội.
Bước chân xuống đất Hà Nội, lòng tôi xôn xao, rạo rực. Tôi là con gái miệt đất vườn, gần 26 tuổi đầu chưa đi ra khỏi tỉnh Bến Tre. Ngày nay, nhờ cách mạng, tôi được đến Thủ đô của Tổ quốc. Tôi bỡ ngỡ đủ thứ, chỉ có một điều làm tôi quen ngay là tình cảm đầm ấm ruột thịt của đồng bào Hà Nội, đồng bào miền Bắc.
Chiều tháng 5. Nắng hè rực rỡ. Chúng tôi đang ngồi chuyện trò thân mật tại nhà anh Đặng Thai Mai, hồi đó là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, thì nghe tiếng ôtô đậu trước cổng. Một ông già phúc hậu, người dong dỏng cao, thoăn thoắt bước vào. Đúng là Bác rồi! Giống hệt như trong ảnh mà tôi đã thấy. Tôi đứng im nhìn Bác. Ôi? Ước mơ của tôi ngờ đâu sớm thành sự thực.
Lần đầu tiên gặp Bác một cách rất bất ngờ, tất cả chúng tôi hết sức cảm động bởi đôi mắt của Bác, đôi mắt sáng ngời, đầy chí kiên quyết, nhưng đồng thời cũng thân thương, trìu mến, hiền hậu vô biên...
Bác ung dung, tươi vui trong bộ ka-ki giản dị, Bác cười niềm nở và bắt tay từng người rồi ngồi bên cạnh tôi.
Gặp Bác! Chúng tôi vừa xúc động trước tấm lòng thương yêu chăm sóc của Người, vừa sửng sốt và bối rối vì sự thiếu sót của Đoàn.
Khi vừa ở chiến khu ra, chúng tôi nghĩ ngay rằng trong chương trình của Đoàn ở Thủ đô, một việc phải làm trước tiên là đến chào Hồ Chủ tịch. Sau một chuyến đi đường dài vất vả, chúng tôi vừa đến Hà Nội hôm trước chưa kịp đến nơi Bác, thì Bác đã đến thăm chúng tôi.
Bác hỏi thăm sức khỏe từng đồng chí trong Đoàn. Nhưng tất cả đều nghẹn ngào, không ai thưa với Bác được một lời.
Những ngày đi đường, anh chị em trong Đoàn bàn nhau chuẩn bị gặp Bác sẽ báo cáo những gì. Riêng tôi cũng sắp xếp trong óc những điểm về tình hình của phụ nữ Nam Bộ để báo cáo với Bác. Nhưng đến lúc Bác cho tôi được nói trước, thì bao nhiêu điều đã chuẩn bị để báo cáo với Bác biến đi đâu mất.
Thấy tôi vẫn chưa hết xúc động, Bác cười vui và gợi từng ý để tôi có thể nhớ mà báo cáo lại. Bác nói dịu dàng, lòng tôi như ấm lên. Tôi bình tĩnh dần và lắng nghe từng câu hỏi cặn kẽ của Bác mà báo cáo. Giọng tôi lúc đầu hơi run, nhưng sau thì mạnh bạo hẳn lên. Tôi báo cáo rành rọt từng sự việc.
Bác chăm chú nghe chúng tôi báo cáo. Bỗng hai giọt nước mắt chảy trên gò má Bác. Ôi! Suốt đời, tôi không bao giờ quên những giọt nước mắt ấy. Những giọt nước mắt của Bác đọng lại mãi mãi trong tâm hồn tôi. Tôi nghĩ đó là cả một biển tình thương bao la của Người dành cho đồng bào Nam Bộ.
Bác nhìn chúng tôi rất trìu mến, và giọng Bác ấm áp:
- Đồng bào và chiến sĩ đang ra sức khắc phục khó khăn, thiếu thốn để kháng chiến. Chính phủ và đồng bào cả nước sẽ hết sức cùng chiến sĩ và nhân dân Nam Bộ hiện đang anh dũng đấu tranh để giữ vững độc lập dân tộc. Chúng ta nhất định thắng lợi, vì chúng ta có sức mạnh đoàn kết của toàn dân. Chúng ta nhất định thắng lợi, vì cuộc đấu tranh của chúng ta là chính nghĩa.
Chiều hôm đó, gia đình anh Đặng Thai Mai làm cơm mời Bác và chúng tôi. Chúng tôi sửa soạn kê bàn, xếp ghế để dọn cơm. Anh Tư Thỉnh và anh Chín Nghiệp đang bố trí lại chiếc bàn ăn, thì Bác đi tới đỡ một tay. Nhìn bác sĩ Nghiệp - anh cao gần 1 mét 80, nặng 75 - 76 ki-lô - Bác nói: ''Người Việt Nam ta ai cũng to, cao như chú thì tốt quá!''.
Chúng tôi vui sướng được ăn cơm với Bác. Bữa cơm gia đình thật thân mật, ấm cúng. Trong bữa ăn, Bác hỏi chúng tôi rất nhiều chuyện về Nam Bộ. Bác hỏi cả chuyện học hành và sinh hoạt của anh chị em cán bộ, chiến sĩ. Đồng chí Trưởng đoàn báo cáo cụ thể với Bác về tình hình sau Hiệp định sơ bộ 6-3 và các mặt khác. Bác lại hỏi chuyện riêng mỗi người chúng tôi.
Bác quay sang tôi hỏi tiếp:
- Trong ấy, thiếu thốn súng đạn lắm. Các cô, các chú muốn xin bao nhiêu khẩu mang về?
Thật là Bác đã nói đúng điều quan trọng nhất mà các đồng chí lãnh đạo ở Nam Bộ đã dặn đi dặn lại mãi trước khi chúng tôi lên đường ra Hà Nội.
Quả Bác là người cha đã hiểu thấu tâm tình của con. Tôi báo cáo với Bác:
- Dạ thưa Bác, thiếu lắm.
Bác nói thong thả:
- Thế nào Trung ương và Chính phủ cũng có súng gửi vào Nam. Nhưng nước ta còn nghèo, các cô các chú về phải đánh giặc cho giỏi, cướp lấy súng của nó mà dùng thì mới có nhiều vốn.
Bác và chúng tôi đều cười tin tưởng.
Bác nói tiếp:
- Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước. Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta.
Lần thứ hai, Đoàn chúng tôi đến chào Hồ Chủ tịch ở Bắc Bộ phủ. Bác vẫn đón tiếp chúng tôi thân mật như người trong gia đình. Ít hôm sau, chúng tôi lại được vinh dự thay mặt cho Nam Bộ đang chiến đấu đến mừng sinh nhật Bác, nhân ngày 19-5. Trìu mến nhìn chúng tôi, Bác nói:
- Tôi xin cảm ơn các cô, các chú Nam Bộ. Thật ra các báo ở Thủ đô trong dịp này đã làm to ngày sinh của tôi. Hiện nay nước ta đang có nhiều khó khăn.
Giọng Bác càng xúc động:
- Các cô, các chú về báo cáo với nhân dân miền Nam thân yêu rằng: Lòng Già Hồ, lòng nhân dân miền Bắc lúc nào cũng ở bên cạnh đồng bào Nam Bộ.
Nói xong Bác khóc. Chúng tôi đều khóc?
Theo Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Định, Nguyên Phó tư lệnh lực lượng vũ trang quân giải phóng miền Nam Việt Nam
Theo baotanghochiminh.vn
Minh Thu (st)