Với bài “Em mơ gặp Bác Hồ”, nhạc sĩ Xuân Giao đã rất khéo đưa hình ảnh Bác Hồ kính yêu vào trong giấc mơ của các em thiếu nhi.
Trong số các nhạc sĩ có bài hát hay viết cho thiếu nhi như Lưu Hữu Phước, Phong Nhã, Phạm Tuyên,, Mộng Lân, Hoàng Long, Hoàng Lân, Trần Viết Bính, Bùi Đình Thảo…thì người yêu nhạc không thể không nhớ nhạc sĩ Xuân Giao với hai bài hát nổi tiếng “Em mơ gặp Bác Hồ”, “Cháu yêu bà” được trẻ em và cả người lớn hát vang trong mỗi gia đình.
Hồi nhạc sĩ Mộng Lân phụ trách các chương trình ca nhạc thiếu nhi trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), các nhạc sĩ Thái Cơ, Xuân Giao… công tác ở Nhà Xuất bản Âm nhạc hay đến Đài để hát cho nhau nghe những tác phẩm mới và đàm đạo về âm nhạc trong nhà trường. Chúng tôi thường “lẩy” ra một số bài hát hay, rồi phân công nhờ nhau viết lời bình trong các chương trình ca nhạc thiếu nhi cho phong phú. Tôi cũng là một trong số đó.
Bác Hồ với thiếu nhi (Ảnh tư liệu)
Nhạc sĩ Xuân Giao kể: “Hình ảnh Bác Hồ in sâu trong tâm trí tôi từ khi được đón Bác tại Hải Phòng năm 1946. Rồi nhiều lần được biểu diễn phục vụ Bác, những kỷ niệm đó luôn sống mãi trong trái tim tôi.
Đi biểu diễn hoặc đi công tác, có dịp tôi lại kể cho mọi người nghe về những lần được gặp Bác. Qua đó, tôi hiểu thêm niềm yêu kính Bác của người dân rất lớn lao, thành kính, ai cũng mơ ước được gặp Bác. Có lẽ trên thế giới, Bác Hồ là vị Lãnh tụ được các nhạc sĩ say mê viết nhiều bài hát nhất. Tôi nghĩ được sáng tác bài hát về Bác là mong ước trong lòng mỗi nhạc sĩ Việt Nam.
Năm 1969, Bác Hồ ra đi vào cõi vĩnh hằng, trong nỗi đau thương mất mát lớn lao đó có những bài hát thương tiếc, đẫm nước mắt. Hình ảnh Bác Hồ như tôi đã hiểu “Bác Hồ không mất, Bác là bất diệt”. Thế là bài hát Em mơ gặp Bác Hồ ra đời.
Tôi mang đến Đài Tiếng nói Việt Nam gặp anh Mộng Lân, không lâu sau được phát trên làn sóng và được đưa vào chương trình dạy hát trên Đài. Tôi cũng được đọc nhiều lá thư của thính giả trong đó có cả các em thiếu nhi gửi về khen ngợi động viên và kể chuyện dàn dựng cho bài hát này khi biểu diễn. Khi hát, các em biểu diễn động tác múa rất dễ thương.
Hầu hết ở các nhà trẻ, mẫu giáo, các bé đều yêu thích bài hát này. Lần tôi đi Tây Bắc gặp một vị Chủ tịch xã người Mông. Khi nghe giới thiệu “Đây là tác giả bài hát Em mơ gặp Bác Hồ”, ông ôm lấy tôi và nói “Mình thuộc bài hát rồi đấy, vợ thuộc, con thuộc rồi đến mấy đứa cháu cũng thuộc, cả nhà đều thuộc đấy. Ở đây, các cháu mẫu giáo nó hát bằng tiếng Mông à”.
Đi đến các nhà trẻ, mẫu giáo từ Nam ra Bắc đều được các cháu hát cho nghe, nhìn những gương mặt bụ bẫm, trắng trẻo rất đáng yêu của các cháu hát và múa Em mơ gặp Bác Hồ, tôi thấy xúc động vô cùng…”.
Nhạc sĩ Xuân Giao quê gốc ở Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên, sinh năm 1932 tại Hải Phòng. Ngay khi còn trẻ ông đã rất yêu thích ca hát, sinh hoạt trong tổ chức Hướng đạo sinh, lại được nhạc sĩ Hoàng Quý hướng dẫn về âm nhạc.
Tháng 12/1946, khi đó chú bé Xuân Giao 14 tuổi, được tham gia Đoàn thiếu nhi đón Bác Hồ từ Pháp về. Cả một biển người và cờ hoa đón Bác. Hình ảnh Bác Hồ vĩ đại, thiêng liêng mà xiết bao gần gũi đã in sâu trong tâm khảm.
Rồi Xuân Giao tham gia kháng chiến, vào Trường Sĩ quan lục quân. Tốt nghiệp khoá học, ông được biên chế về Trung đoàn 99, sau đó, về Đoàn Văn công của Trung đoàn, rồi chuyển về Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị.
Các cựu Thanh niên xung phong tặng hoa nhạc sĩ Xuân Giao (Ảnh: Báo GTVT)
Là diễn viên hát, nhưng ông thích sáng tác, lúc nào rỗi là cắm cúi đọc sách âm nhạc, học hỏi sáng tác qua các nhạc sĩ đàn anh. Những năm ở Đoàn văn công Tổng cục Chính trị, ông có nhiều dịp được cùng anh chị em trong Đoàn biểu diễn mỗi khi Bác Hồ chiêu đãi khách nước ngoài.
Năm 1958, ông được tham dự Festival Thanh niên thế giới. Đoàn ta đi một vòng qua các nước Trung Quốc, Mông Cổ, và khi đến Thủ đô Bình Nhưỡng thì gặp Bác Hồ đang thăm Triều Tiên, được biểu diễn cho Bác Hồ xem.
Năm 1961, Xuân Giao rời quân ngũ về Nhà xuất bản Âm nhạc và múa, ông làm cán bộ biên tập Âm nhạc. Từ đây, Xuân Giao viết nhiều tác phẩm nổi tiếng, khai thác chất liệu dân ca các vùng, âm điệu trữ tình tươi trẻ, lạc quan, ca từ nhiều chất thơ.
Bài hát Giữ biển trời Quảng Bình – Vĩnh Linh (1965) là kết quả của đợt đi thực tế trong những ngày tháng gian khổ toàn quân và dân ta đương đầu với giặc Mỹ, Chào sông Mã anh hùng là bản hùng ca đậm đà chất dân ca xứ Thanh (hiện nay là nhạc hiệu của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Thanh Hóa), Cô gái mở đường ca ngợi các cô gái thanh niên xung phong trong đạn bom, gian khổ vẫn lạc quan yêu đời tràn sức trẻ...
Qua mấy lần tai biến mạch máu não, sức khoẻ có giảm sút, nhưng hàng ngày, nhạc sĩ Xuân Giao vẫn hăng hái tập dưỡng sinh, vẫn chăm chỉ đọc báo, đọc thơ để tìm cảm xúc sáng tác, ông nhờ con gái chép nhạc hộ, vì tay ông run viết không được chính xác.
Nhớ một lần tôi đến thăm, ông nói với tôi rằng “năm 90 tuổi mình mới “đi”, còn duyên nợ với đời nhiều lắm”. Ấy thế mà, tôi được tin ông đã từ giã cõi trần trước 8 năm. Vĩnh biệt nhạc sĩ Xuân Giao, khán thính giả cả nước vẫn luôn nhớ ông và yêu thích những bài ca quen thuộc của ông./.
Nhạc sĩ Dân Huyền
Theo vov.vn
Minh Thu (st)