Bà sinh ngày 20-10-1920, ở làng Thuần Mỹ, xã Thuần Mỹ, tổng Tường Phiêu, huyện Tùng Thiện cũ (nay là xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội) là một trong những cái nôi sinh ra các anh tài của xứ Đoài. Cả cuộc đời hoạt động và cống hiến cho cách mạng, nhưng bà lại chỉ được biết đến với vai trò là phu nhân của Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ Hoàng Quốc Việt, em ruột của nhà cách mạng nổi tiếng Khuất Duy Tiến. Người phụ nữ với những chiến công lặng thầm khuất dưới cái bóng vĩ đại của chồng ấy là Khuất Thị Bảy.

bong-hoa-tham-lang-1
Bà Hạ Chí Nhân, con gái cả của bà Khuất Thị Bảy và đồng chí Hoàng Quốc Việt. Ảnh: Tuấn Tú.

Bà Khuất Thị Bảy (hay Bưởi, Vĩnh…) là con gái thứ 7 của cụ Tổng Khuất Duy Tiết (Đính), hương thân có tiếng bậc nhất của trấn Sơn Nam hồi bấy giờ. Từ năm 16 tuổi, được anh trai là Khuất Duy Tiến và đồng chí Trường Chinh giác ngộ, bà Bảy tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1937, bà được giao nhiệm vụ phụ trách cơ quan liên lạc của Xứ ủy Bắc Kỳ tại Bắc Giang. Dù xuất thân con nhà gia thế nhưng khi tham gia cách mạng, bà rất nhiệt tình, xông xáo, không ngại khó, ngại khổ. Ông Nguyễn Thanh Quất, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang còn nhớ lần gặp bà vào sớm Mồng Một Tết năm 1941. Đêm đó, trời rét căm căm, bà Bảy từ Hà Nội lên mang theo tay nải đựng đầy tài liệu đi cùng nữ đồng chí với đôi quang gánh nặng trên vai, vì trời xẩm tối nên ghé vào ngôi đình Mai Sơn, Hiệp Hòa, Bắc Giang xin trú tạm. Gần Giao thừa, khi các bô lão lục đục sắm lễ cúng Tất niên thì bà Bảy chào lên đường. Ông Quất kể: “Tôi thấy trời rét quá, sợ hai người phụ nữ đi giữa đêm nguy hiểm nên ngăn cản thì bà Bảy trả lời đi như vậy là an toàn nhất rồi vội vã lên đường”.

Trong trí nhớ của ông Quất, đó là một phụ nữ rất xinh đẹp và tháo vát. Nhìn tác phong nghiêm túc và có vẻ bí mật của bà, ông ngầm hiểu bà đang làm nhiệm vụ quan trọng nên không hỏi gì thêm. Mãi sau này ông mới biết bà là một nữ đảng viên, hoạt động cách mạng không chỉ ở địa bàn Bắc Giang mà còn ở 6 tỉnh lân cận. Bà từng giữ nhiều cương vị quan trọng như: Khu ủy viên Khu Đ-Xứ ủy Bắc Kỳ, Ủy viên Ban Cán sự Thành ủy Hải Phòng, Ủy viên Ban Công vận thành phố Hải Phòng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Yên, Thành ủy viên thành phố Huế - Xứ ủy Trung Kỳ…

bong-hoa-tham-lang-2
Bác Hồ đến thăm gia đình đồng chí Hoàng Quốc Việt và bà Khuất Thị Bảy (bên trái Bác) khi con gái đầy 1 tháng tuổi và đặt tên cháu là Hạ Chí Nhân tại Điềm Mặc, Thanh Định, Định Hóa, Thái Nguyên, tháng 2-1949. Ảnh do gia đình cung cấp.

Bà Khuất Thị Bảy có tác phong làm việc rất khoa học, trí nhớ tốt và đặc biệt là khả năng vận động quần chúng. Trong cuốn Lịch sử cách mạng xã Trạch Mỹ Lộc, Phúc Thọ, Hà Tây (2007), đoạn viết về cuộc mít-tinh lớn diễn ra vào ngày 6-1-1941 (âm lịch) tại Khoang Côm (La Gián) có nhắc đến bà Khuất Thị Bưởi: “Sáng hôm đó có hơn 100 thanh niên phản đế và lực lượng quần chúng từ các nơi về tham dự. Sau khi đội ngũ chỉnh tề, mọi người nghiêm trang, lắng nghe các đồng chí Phan Trọng Tuệ, Nguyễn Huy Phường và Khuất Thị Bưởi nói chuyện tình hình trong nước và thế giới. Mọi người đều vô cùng phấn khởi, tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo. Đặc biệt là chị em rất phấn khởi khi nghe đồng chí Khuất Thị Bưởi phát biểu, kêu gọi chị em tham gia đấu tranh cách mạng, đồng thời bênh vực sự bình đẳng cho phụ nữ”.

Tháng 9-1941, bà Bảy về Hải Phòng làm Ủy viên Ban Cán sự Thành ủy Hải Phòng, Ủy viên Ban Công vận, Phụ vận thành phố Hải Phòng, phụ trách Nhà máy Tơ và Chỉ. Do bị chỉ điểm, bà bị bắt, lần lượt bị giải đi làm án ở các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nội, Sơn Tây, Nam Định. Cả trong lao tù, bà vẫn luôn tuyên truyền cho binh lính gây ảnh hưởng cho Đảng. Bị giải về Hưng Yên làm án, ra tòa, bà diễn thuyết trước hàng trăm quần chúng gây chấn động. Bà bị kết án 20 năm tù khổ sai, đày đi nhiều nhà lao rồi cuối cùng bị giải về Căng Bắc Mê, Tuyên Quang (nay thuộc Hà Giang)-một nơi rừng thiêng nước độc. Trong tù, bà vẫn luôn giữ vững khí tiết bất khuất, luôn có trách nhiệm củng cố tổ chức, tuyên truyền anh chị em trong tù giữ vững sinh hoạt Đảng. Tháng 2-1944, bà được đồng chí Hoàng Quốc Việt và Chu Văn Tấn tổ chức vượt ngục, đón lên Tuyên Quang tham dự thành lập Đội Cứu quốc quân 3 và đã phát biểu rất cảm động trong buổi lễ long trọng này.

Tháng 8-1944, với vai trò là Ủy viên Ban Cán sự Vĩnh Yên cùng đồng chí Bí thư Đinh Đức Thiện và đồng chí Phạm Học do cấp trên phái về, bà Bảy làm công tác quần chúng, phục hồi và xây dựng cơ sở cách mạng, lực lượng tự vệ chiến đấu địa phương, phát triển các đoàn thể cứu quốc chuẩn bị lực lượng giành chính quyền ở Vĩnh Yên. Sau thắng lợi giành chính quyền, bà Khuất Thị Bảy được biệt phái vào Huế.

Ngày 25-8-1945, khi ông Trần Huy Liệu và ông Cù Huy Cận nhận ấn kiếm thoái vị của vua Bảo Đại thì bà Bảy đang lặng lẽ làm công tác “triều đình vận” trong nội cung của vị vua cuối cùng này. Theo lời kể của bà Lê Thị Dinh, người cung nữ cuối cùng của triều đình nhà Nguyễn vốn rất thân cận với bà Từ cung Thái hậu-vị Thái hậu có tinh thần dân tộc và tầm ảnh hưởng lớn nhất tại triều đình nhà Nguyễn năm 1945, khi còn sống có kể lại, bà Khuất Thị Bảy trước lễ thoái vị của Bảo Đại đã nhiều lần gặp hai vị Từ cung và Nam Phương Hoàng hậu. Vì vậy, nghe lời hai bà này chỉ sau lễ thoái vị vài ngày, Bảo Đại đã có mặt tại Hà Nội gặp Bác Hồ và vui vẻ nhận chức cố vấn của Chính phủ mới. Cũng chính vì công tác triều đình vận còn nhiều phức tạp nên bà Bảy đã ở lại Huế làm Thành ủy viên thành phố Huế (từ tháng 8-1945 đến cuối năm 1946). Cùng với Thành ủy và nhân dân Huế, bà Bảy đã mời Nam Phương Hoàng hậu ra làm cố vấn cho tổ chức Tuần lễ vàng thành công tại kinh thành Huế.

Sau khi lập gia đình với đồng chí Hoàng Quốc Việt, bà Khuất Thị Bảy tiếp tục cùng chồng phục vụ cách mạng. Theo lời kể của bà Hạ Chí Nhân, con gái cả của bà Bảy, hình ảnh mẹ tranh thủ về thăm các con khi trời xẩm tối rồi lại vội vã ra đi khi các con còn chưa tỉnh giấc lặp đi lặp lại khiến chị em bà quen dần. Bà Nhân tâm sự: “Chẳng được ở với ba mẹ, trẻ em thời kháng chiến chúng tôi là thế. Chúng tôi thấu hiểu những hy sinh của ba mẹ tôi, vì nhiệm vụ chung của đất nước mà phải xa lìa những đứa con khi chúng còn quá bé bỏng. Chắc mẹ tôi đã phải chịu đựng nhiều lắm!”.

Bị địch bắt, giam cầm và tra tấn dã man, lại chịu nhiều gian khổ trong suốt thời gian dài hoạt động cách mạng nên sau này, bà Khuất Thị Bảy thường xuyên đau ốm. Phải đấu tranh chống lại bệnh tật, đồng thời cố gắng làm tròn các công việc được Đảng giao, bà Bảy luôn cố gắng chịu đựng không một lời kêu ca. Bà Nhân kể: “Tôi không sao quên được hình ảnh mẹ tôi mỗi khi trời trở gió, những cơn đau đầu dồn dập kéo đến vì di chứng đòn roi của địch, nằm trên giường bệnh, hai tay mẹ bám chặt vào thành giường, môi mím lại cố ghìm giữ cơn đau”.

Đến khi khỏe lại, bà Bảy lại lao mình vào công việc không ngừng nghỉ. Bên cạnh chồng, bà vừa là người vợ, vừa là đồng chí cùng ông sẻ chia những khó khăn, nhọc nhằn của cuộc sống. Sự hy sinh và những cống hiến thầm lặng của bà giống vị ngọt của trái hồng xiêm do chính tay bà trồng trong vườn nhà. Hằng năm, đến mùa hồng xiêm, bà đều tự tay hái, ươm chín rồi gọt cho chồng con thưởng thức. Vậy mà không ai biết rằng, bà chưa một lần nếm, chỉ đến khi lâm trọng bệnh, con gái Hạ Chí Nhân của bà mới giật mình trước câu nói của mẹ: "Hóa ra hồng xiêm nhà mình ngọt quá, con nhỉ!"./.

BÍCH TRANG   

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: