Thật may khi được một nhà báo trẻ giới thiệu cho tôi gặp cụ Nguyễn Công Ích, người đã từng được tổ chức phân công nhiệm vụ cắt tóc và sửa râu cho Bác Hồ từ năm 1965 đến 1967.

Thật may khi được một nhà báo trẻ giới thiệu cho tôi gặp cụ Nguyễn Công Ích, người đã từng được tổ chức phân công nhiệm vụ cắt tóc và sửa râu cho Bác Hồ từ năm 1965 đến 1967. Năm nay cụ Ích đã 88 tuổi, ở thôn Trung xã Liên Trung, huyện Ðan Phượng, Hà Nội, nhưng vẫn còn nhanh nhẹn và thể hiện rõ phong độ của một chiến sĩ cảnh vệ năm nào. Ðặc biệt, cụ vẫn còn tràn đầy cảm xúc với những ký ức không thể nào quên, cho dù đã gần nửa thế kỷ trôi qua...

Mỗi lọn tóc là một bài học đường đời

Khi ấy chiến sĩ cảnh vệ Nguyễn Công Ích mới cập kề tuổi 38, chẳng thể ngờ mình được gần gũi Bác Hồ một cách thân thiết đến vậy. Trước đó, có tới ba người đã được phân công làm việc này, theo từng thời gian nối tiếp nhau. Anh là người thứ tư được Cục trưởng Cục Cảnh vệ gọi lên dặn dò tiếp nhận công việc. Đây là cơ hội có một không hai và cũng là mơ ước cho bất cứ chiến sĩ cảnh vệ nào. Nguyễn Công Ích có bàn tay khéo léo, được rèn luyện và thử thách nhiều giai đoạn. Từ năm 18 tuổi đã tham gia cướp chính quyền. Anh đã từng là đội trưởng cảnh vệ tháp tùng Bác ra sân bay đi dự Hội nghị Phông-ten-nơ-blô (Fontainebleau) vào ngày 7/9/1946. Đó là lần đầu tiên anh được gặp Bác và chăm chú lắng nghe từng lời Người dặn dò trước khi máy bay cất cánh. Khi đó anh mới 19 tuổi, với niềm vui không kể xiết, một vinh dự cho một chiến sĩ trẻ.

loi-bac-suoi-am-1
Cụ Nguyễn Công Ích (bên trái) và tác giả

Sau này trải qua thời kỳ hoạt động cách mạng tại quê hương, rồi lên Chiến khu Việt Bắc, chiến sĩ Nguyễn Công Ích tham gia kháng chiến 9 năm trường kỳ, gian khó cho đến Chiến thắng Điện Biên lừng lẫy địa cầu trở về, anh cũng không bao giờ nghĩ mình lại có được vinh dự gần gũi Bác Hồ đến thế. Bởi sau ngày tiếp quản Thủ đô 10/10/1954, anh được điều chuyển về Phòng Quản trị Bộ Tư lệnh Cảnh vệ. Đúng 11 năm sau, anh được trao nhiệm vụ sang làm công tác phục vụ đặc biệt, mỗi tháng cắt tóc và sửa râu cho Bác một lần.

Đó là một vinh dự quá lớn đối với một chiến sĩ. Anh vừa mừng vừa lo âu, bởi nếu để sơ sẩy điều gì thì thật có lỗi với Bác và cũng là có lỗi với dân chúng. Tuy là mái tóc nhưng cũng phải thể hiện được nét nổi bật nhân cách của Bác. Nhân hậu và ung dung tự tại. Hàng triệu người dân coi Bác đẹp như một ông tiên là vì thế. Đó là một phong cách điềm đạm, bao dung và nhìn xa trông rộng. Mái tóc và bộ râu của Bác phải toát lên ánh sáng đó và trở thành nét đẹp của cả dân tộc. Chính vì thế mà lần cắt tóc đầu tiên cho Bác đã làm chiến sĩ Nguyễn Công Ích thao thức suốt đêm. Khi được Bác khen và đồng đội tán thưởng, anh mới thở phào, lòng tràn ngập niềm vui...

Từ đó, mỗi tháng đến kỳ hẹn và theo lệnh của ông Vũ Kỳ, chiến sĩ cảnh vệ kiêm tay kéo tài hoa Nguyễn Công Ích được phép vào Phủ Chủ tịch cắt tóc cho Bác. Theo lịch, Bác thường cắt tóc vào đầu giờ chiều và chỉ kéo dài 30 phút. Sau đó Bác tự gội đầu. Nhưng điều nhớ nhất với Nguyễn Công Ích là sự ân cần và quan tâm của Bác trong những câu chuyện mà mỗi lần anh được vào Phủ Chủ tịch. Cho dù mỗi lần chỉ có 30 phút, nhưng tình cảm của Bác thật lớn lao. Bác hỏi han đến cả những chiếc tem phiếu của từng người trong gia đình anh và bà con xung quanh trong thời kỳ khó khăn đó. Nào chuyện bố mẹ, chuyện vợ con cùng những vất vả gian khổ của bà con nông dân, mỗi khi phải đương đầu với thiên tai, lũ lụt. Thậm chí, có lần Bác còn lệnh cho các cấp chính quyền kiểm tra và gia cố đê điều ở quê hương anh để điều tiết nước tưới tiêu cho những cánh đồng xung quanh. Mỗi lần là một sự quan tâm và tình cảm sâu sắc của Bác đối với người dân.

Tình cảm yêu thương và kính trọng Bác ngày một sâu sắc trong tâm hồn người chiến sĩ cảnh vệ Nguyễn Công Ích. Như một nỗi niềm chia sẻ tự tấm lòng, anh chợt có ý nghĩ muốn giữ lại những sợi tóc của Bác. Một tấm lòng đến với một tấm lòng. Trong trái tim anh trào dâng tình cảm và quý trọng Bác bởi cả đời Người đã hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, không màng danh lợi và hạnh phúc cho riêng mình. Những sợi tóc bạc theo năm tháng đáng trân trọng biết nhường nào. Thế là anh bắt đầu ý tưởng của mình. Mỗi lần cắt tóc cho Bác, anh đều gom lại cho vào một chiếc túi ni lông và ghi dấu thời gian trên đó. Suốt ba năm, anh gom được 30 lọn tóc. Bởi đến năm 1968, chiến sĩ cảnh vệ Nguyễn Công Ích được cử đi bảo vệ và phục vụ đoàn Chính phủ ta sang Hội nghị Paris, ký kết với Mỹ chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Dẫn đầu phái đoàn Chính phủ ta là các cố vấn cấp cao Lê Đức Thọ và Xuân Thủy.

Nhưng Hội nghị gặp nhiều trở ngại giữa hai bên ngày đó phải kéo dài mấy năm liền. Sau chiến thắng Mậu Thân 1968, sức khỏe của Bác ngày một yếu. Cùng với các đồng chí ở bên Pháp, chiến sĩ Nguyễn Công Ích biết tin Bác mất đã mất ăn mất ngủ vì thương nhớ Bác. Đúng đêm đó, anh đã thắp nén nhang bên những lọn tóc Bác mà anh mang theo, để kính viếng và tiễn biệt Người. Những lọn tóc của Người luôn luôn được ấp ủ bên trái tim anh. Vậy là anh không còn ngày được gặp lại Bác. Đêm tiễn biệt ấy, người chiến sĩ cảnh vệ Nguyễn Công Ích đã không nén được tình cảm thương yêu Người. Anh khóc cùng với những câu chuyện ấm áp của Bác được khắc ghi suốt cuộc đời mình. Sau này trở về nước, anh trao toàn bộ 30 túi đựng tóc ấy cho Bảo tàng Lịch sử của Ngành Công an, với sự mong mỏi những kỷ vật ấy gắn bó với toàn dân tộc và bất tử với lịch sử cách mạng nước nhà.

loi-bac-suoi-am-2
Mẫu tóc được lưu giữ

Vẫn còn đó lời Bác âm vang

Lại một sự bất ngờ đối với tôi, khi cụ chợt nhớ đến những tiếng chim trong khu nhà sàn, nơi Bác Hồ đã từng ở. Chung quanh ao cá là những cây hoa và đàn chim hay bay về đậu trên những ngọn cành cao. Chúng hót ríu ran làm rung động cả cánh rừng cây trong khu vườn mà cụ đã từng ngẩn ngơ mấy chục năm đã qua. Những ký ức về Bác lại dâng trào trong tâm hồn người chiến binh già ấy. Cụ bồi hồi nhớ lại những vần thơ chúc Tết cuối cùng của Bác Hồ, xuân 1969, như một lời khẳng định đanh thép và ý chí kiên cường của cả dân tộc. Đôi mắt cụ Nguyễn Công Ích bừng sáng khi những câu thơ của Bác bỗng vụt nhớ trong lòng. Cụ đọc sang sảng lời của Bác như một tuyên ngôn của dân tộc: “Vì độc lập, vì tự do, đánh cho Mỹ cút đánh cho Ngụy nhào”.

Đặc biệt cụ không thể quên điện thư chúc Tết của Bác gửi cho những người đang công tác ở Paris ngày ấy. Cụ còn nhớ hai câu kết của bức điện gửi sang: “Gà xuân túc tắc rạng đông. Đưa tin thắng trận cờ hồng bay cao”. Cụ nhắc tôi, 1969 là năm con gà mà. Vậy đó, cụ kể, chỉ mấy năm sau, đúng như lời Bác chỉ đạo: “Đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào...”, đất nước hoàn toàn thống nhất. Lời của Bác để lại như lời hịch của non sơn gấm vóc mãi mãi trường tồn./.

Bài và ảnh: Vương Tâm

http://suckhoedoisong.vn

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: