Thơ viết về lãnh tụ, về thiên tài, về những người có nhân cách lớn, là một thử thách với bất cứ tác giả nào, đòi hỏi người cầm bút phải có cảm xúc lớn, đồng thời phải có một bản lĩnh nghệ thuật riêng với những tìm tòi, phát hiện độc đáo.

Trước những nhà thơ lớn, viết về Bác Hồ rất thành công thì Nguyễn Hưng Hải là lớp hậu sinh. Nhưng với kiến thức được trang bị từ khi còn là sinh viên khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, cùng với sự trải nghiệm, tự học hỏi và bản lĩnh của một người lính từng là Phóng viên Báo Quân Khu 5 nên Nguyễn Hưng Hải đã khắc tạc được chân dung Bác vừa vĩ đại, nhưng cũng rất bình dị, gần gũi với mọi người. Và nhà thơ đã thành công trong cả hai tập thơ viết về Bác.

Cũng như tập thơ đầu “Bài thơ dâng Bác" đạt giải A của Phú Thọ, giải B của cuộc vận động "Sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh" đợt 1 (2011 - 2013), tập thơ thứ 2 “Dâng Bác một niềm thơ” (Hội LHVHNT Phú Thọ, xuất bản 2014) cũng không kém phần sâu lắng và lại có thêm rất nhiều cái mới. Mới ở nội dung. Mới ở việc xâu chuỗi những ý tưởng thành tư tưởng. Mới ở việc soi chiếu các giá trị, mà đời Bác như một tấm gương lớn; tất cả đều phải soi vào đó để nhìn nhận lại mình, để tự chỉnh đốn và để cảnh báo, thức tỉnh xung quanh. Mới, bởi Nguyễn Hưng Hải là người hay nghĩ ngợi, hay dằn vặt về thân phận, kiếp người, về thời thế. Là một cây bút chuyên nghiệp nên anh ý thức rất rõ về trách nhiệm công dân và nghệ sĩ của mình trong từng sáng tác. Nguyễn Hưng Hải là một gương mặt sáng của thi đàn vùng Đất Tổ. Anh nổi tiếng từ khi còn rất trẻ. Từ cái thuở ban đầu làm thơ đến nay, mạch chủ đạo của thơ Nguyễn Hưng Hải vẫn là những suy tư về thế sự. Thời mở cửa, hội nhập, trong lúc không ít cây bút đi vào cái tôi nhỏ bé, nhân danh cách tân thơ để viết những câu thơ “đèm đẹp, nhàn nhạt”, không có ích cho ai cả thì Nguyễn Hưng Hải vẫn trung thành với lối viết truyền thống, giàu suy tưởng, đầy can dự, day trở suy tư về thế phận người và các giá trị.

Không phải đến bây giờ mà ngay từ tập thơ đầu tiên, tập “Ban mai chóng mặt” - Giải thưởng Hùng Vương của UBND tỉnh Vĩnh Phú (năm 1990), Nguyễn Hưng Hải đã sở hữu một giọng thơ đằm thắm, đôn hậu, giàu chất dân gian rất quý trong lớp trẻ (Chữ của nhà thơ Hữu Thỉnh).

Cùng với việc tiếp tục sáng tác những tác phẩm hay về quê hương, đất nước, về những người thương yêu ruột thịt, những năm gần đây Nguyễn Hưng Hải dành nhiều thời gian, tâm sức và trí tuệ để viết về Bác, viết về người lính và chiến tranh Cách mạng. Đọc “Dâng Bác một niềm thơ”, thấy tràn ngập cảm xúc, có cảm giác Nguyễn Hưng Hải viết bằng cả tấm lòng thành kính vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với bốn tập thơ viết về Bác Hồ, trong đó có hai tập đã xuất bản, hai tập đã gửi tham dự “Cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật hướng đến kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh” do Hội LHVHNT thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, có thể khẳng định: Nguyễn Hưng Hải là một trong những nhà thơ viết nhiều nhất, hay nhất về Bác trong cả nước hiện nay.

Trong bài thơ “Không ai nghĩ Bác là lãnh tụ”, Nguyễn Hưng Hải viết: “Bác bắt tay Xtalin, bắt tay Mao Trạch Đông/ Cũng như khi bắt tay những người dân quê Bác/ Nói tiếng Pháp như người Pháp/ Nói tiếng Anh như người Anh/ Tiếp người Pháp, người Anh Bác nói bằng tiếng Việt/ Giọng Nghệ An quê Bác gió Lào/ Bác vẫn ở nhà sàn, trồng cây quanh bờ ao/ Bạn với cá, với chim/ Cho chim ăn, cá lượn/ Vẫy bàn tay kéo cả trời thấp xuống/ Giơ bàn tay nâng dậy những chồi non/ Đi khắp cả năm châu/ Về thương một lối mòn/ Bàn tay Bác xóa đi nhiều khoảng cách/ Là ông Ké, anh Ba, già Thu, Hồ Chủ tịch/ Bác là người của mọi màu da/ Giữa Pari, Luân Đôn Người không quên cọng rau muống, quả cà…”. Chỉ bằng bấy nhiêu câu thơ, Nguyễn Hưng Hải đã khái quát khá đầy đủ về văn hóa ứng xử của Bác Hồ. Nguyễn Hưng Hải viết về nhân cách mẫu mực của Bác Hồ qua con đường cảm xúc, là sự tương tác đồng hành của thơ với định hướng giáo dục mới. Cho nên, khi ta nói nghệ thuật vị nhân sinh chính là nói về nhà thơ bằng những vần thơ như thế.

Hồ Chí Minh là sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và tinh hoa văn hóa nhân loại. Qua thơ Nguyễn Hưng Hải thấy ở Bác luôn toát lên niềm nhân hậu, sự công bằng, bác ái. Đêm văn nghệ ở Nông trường Mộc Châu, chỗ ngồi xem, bàn ghế kê cái cao cái thấp khiến Bác không vui, và Người đã nhắc nhở: "Bác ngồi thế đằng sau xem thế nào/Thôi bỏ hết dãy bàn kê phía trước/Để tất cả mọi người cùng xem được/Sao lại kê chỗ thấp chỗ cao?". Văn hóa ứng xử của Bác bộc lộ ngay từ những việc rất nhỏ, bình thường nhất. Trong bài thơ "Lời nhắc nhở của Người", Nguyễn Hưng Hải viết: "Đóng cửa bảo nhau là điều ta phải nghĩ/Nhưng cứ đóng cửa bảo nhau công quỹ sẽ còn gì ?". "Đóng cửa bảo nhau" là cái cách thường được ứng xử trong nội bộ gia đình, là một nét đẹp của văn hóa truyền thống. Nhưng nếu nét đẹp ấy bị lợi dụng làm công cụ cho "mối mọt" đục khoét thì đây lại là một thảm họa, trong trường hợp này thơ như một câu hỏi được đặt ra để mọi người cùng suy ngẫm trả lời. Còn trong bài thơ "Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh" Nguyễn Hưng Hải lại viết: "Chẳng có sự cách ngăn nào giữa các bậc hiền tài/ Với một hiền tài đã ở bậc vĩ nhân như Bác/Cũng chẳng có sự khác biệt nào trong ở ăn công tác/Chính phủ Hồ Chí Minh là của đồng bào/ Vẫn là sự tiếp nối những gì Bác đã bàn giao/ Sao giờ lắm tâm tư, lắm những phiền hà không làm sao giải thích."...

Trong bài thơ "Bác như là mọi người dân quê nhà", Nguyễn Hưng Hải viết theo cách "Thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng": " Bác là thần tượng vĩ nhân/ Mà sao chẳng khác người dân quê nhà/ Cũng chai tương, cũng quả cà/ Cọng rau muống héo vắt qua đêm nghèo… / Nhớ quê thì mở to đài / Buồn vui chẳng để phiền ai điều gì/ Vênh vang lấy Bác làm vì/Liệu còn biết thẹn mỗi khi thăm Người?!" Nhiều nhà văn, nhà báo, học giả, nhà chính trị… trên thế giới đã ca ngợi Bác là vị anh hùng dân tộc, suốt đời vì dân vì nước, một lãnh tụ thiên tài cầm lái con thuyền cách mạng cập bến độc lập tự do, một danh nhân văn hóa thế giới. Nhà thơ Nguyễn Hưng Hải với xúc cảm chân thành và một bản lĩnh nghệ thuật riêng đã dâng Bác một niềm thơ có sức cuốn hút người đọc cùng suy ngẫm về những câu hỏi đặt ra từ đời sống và những cảnh báo bức xúc dưới ánh sáng của văn hóa nhân cách Hồ Chí Minh: "Thiệt về mình để người khác phần hơn / Cứ thiệt mãi cũng không là điều tốt/ Đã ai dám suốt một đời như Bác/ Giữa Thủ đô mà vẫn ở nhà sàn/ Đất nước còn nghèo thì dép lốp, quạt nan/ Bác bảo đừng lấy đó làm vinh quang hạnh phúc/ Con cháu phải tài giỏi hơn Người là ước mong của Bác/ Không phải cái gì cũng cứ học làm theo".

Thơ viết về Bác của Nguyễn Hưng Hải, nhà thơ thế hệ kế tiếp đã có thêm rất nhiều nét mới trong cảm quan và tư duy nghệ thuật. Ở Nguyễn Hưng Hải, nhờ không khí đổi mới mà dám nói hết về nhân tính, về những điều trước đây cho là cấm kị, về những cảm giác cũng như linh tính của con người - xu thế viết của những nhà thơ hiện đại. Nguyễn Hưng Hải đã chạm được đến cõi lòng của nhiều người với rất nhiều thương cảm khi đọc bài thơ "Quà của người chị nghèo": "Đêm một mình thương chị nắng mưa/Lặn lội một mình ra thăm Bác/Con vịt mang theo đâu chỉ là con vịt/Quà của người chị nghèo hết mực thương em/…Thương chị một mình trở lại ngõ xưa/Hun hút gió lùa mưa thối đất/Bác cũng một mình lau nước mắt/Đêm Ba Đình ai biết Bác cô đơn". Với khát vọng diễn đạt khái quát hình tượng Bác Hồ, trong bài thơ "Bác là ông Ké bản mình" Nguyễn Hưng Hải viết: "Ai ngờ ông Ké bản mình/Lại là Bác giữa Ba Đình mùa thu". "Ông Ké bản mình" là hình ảnh ông già thân thương, bậc cha ông gần gũi của mọi người trong bản, còn "Bác giữa Ba Đình mùa thu" là hình ảnh vị Chủ tịch nước, vị lãnh tụ của dân tộc. Hai hình ảnh hòa đồng trong một con người. Ở đây những mảnh rời trong cuộc sống bỗng hợp thành sự thống nhất mang ý nghĩa lớn lao. Ở đây bộc lộ một công cụ biểu đạt tế nhị đối với hiện thực đã đến từ chiều sâu cảm xúc, và vì là thơ nên nó đưa đến sự cảm nhận bằng cảm giác vô cùng bất ngờ và thảng thốt. Hai câu thơ này có lẽ là hai câu thơ sống động, có sức hấp dẫn nhất, nói được điều bản chất nhất về hình tượng Bác Hồ, một cách giản dị nhưng vô cùng sâu sắc. So với các tập thơ trước thì ở "Dâng Bác một niềm thơ" (một tập thơ gồm 29 bài, cả lục bát và tự do) tư duy nghệ thuật của Nguyễn Hưng Hải có nhiều cách tân, biến ảo, vận động không ngừng theo hướng hiện đại: Dám nói hết về nhân tính với rất nhiều soi chiếu, từ những câu nói và việc làm cụ thể mà khái quát thành tư tưởng, tâm thế, gửi gắm nhiều thông điệp mang tính thời đại.

Phương thức sáng tác trong tập thơ mới này của Nguyễn Hưng Hải vẫn là sự kết hợp giữa cảm xúc và lý trí, giữa thô ráp và biến ảo, giản dị mà sâu sắc. Nhờ vậy mà anh đã khắc tạc được chân dung Bác một cách đầy đủ và sinh động nhất.

Và như thế "Dâng Bác một niềm thơ" của Nguyễn Hưng Hải đã góp phần mang đến sức mạnh của những giá trị bền vững./.

Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Minh Thu (st)

Bài viết khác: