Dẫu bận trăm điều quốc kế, dân sinh, Bác Hồ vẫn luôn dành thời gian đến thăm và chỉ đạo các địa phương. Sáng ngày 6 tháng 4 năm 1961, ngày vinh dự, tự hào và thật đáng nhớ của nhân dân Bắc Giang, Bác Hồ về thăm và nói chuyện với ba vạn người tại sân vận động thị xã.
Bây giờ, những người may mắn được chứng kiến buổi gặp gỡ thân thiết và trang trọng ấy nay đã ở bậc cao niên. Nhưng với họ, được nghe Bác căn dặn là những lời luôn thấm thía nhắc nhở suốt cuộc đời. Thân thiết, cởi mở, Bác căn dặn việc xây dựng Đảng, chính quyền, phát triển kinh tế, chăm lo thế hệ trẻ... sao cho Bắc Giang vững vàng về kinh tế, phát triển văn hoá - xã hội ổn định. Bác đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng và nhắc nhở: "Đảng ta là đảng lãnh đạo cách mạng. Ngoài lợi ích của nhân dân, đảng ta không có lợi ích nào khác. Vì vậy, cán bộ và đảng viên phải một lòng, một dạ phục vụ nhân dân, phải là người đày tớ hết sức trung thành với nhân dân". Trước đó, Người đã từng căn dặn, nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải coi việc nước, phụng sự nhân dân là trước hết và trên hết. Trong cuộc sống của mình, Người luôn làm gương cho việc hy sinh quyền lợi cá nhân, gia đình vì sự nghiệp lớn của dân tộc.
Trong bối cảnh năm đầu của thập niên sáu mươi thế kỷ trước, khi chuẩn bị bước vào kế hoạch 5 năm lần thứ nhất có nhiều vấn đề đặt ra sau khi cải tạo kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, riêng với Bắc Giang, Bác còn căn dặn: "Cán bộ phải thật sự đoàn kết, nhất trí, phải đi sâu, đi sát, phải lãnh đạo thiết thực và toàn diện. Phải chống tư tưởng bảo thủ, chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh, chống lãng phí, tham ô", "một điểm quan trọng nữa là cần phải củng cố tốt và phát triển tốt các chi bộ Đảng và các chi đoàn thanh niên". Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ luôn được Bác coi trọng. Trong thực tế lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo đất nước ngay sau khi nước nhà độc lập, Bác đã khẳng định: "Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết phải có nhân tài. Trong số hai mươi triệu đồng bào không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa đổi điều đó và trọng dụng những kẻ hiến năng, các địa phương cần phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết".
Bàn sâu về công tác tuyển dụng, đào tạo và sử dụng cán bộ, trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" (10 - 1947), khi nói về việc dạy cán bộ và dùng cán bộ, Bác luôn quan tâm đến vấn đề đào tạo, quy hoạch thay thế cán bộ và coi đó là một tất yếu. Bác viết: "Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Vì vậy, Đảng ta phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta". Nhấn mạnh tính chiến đấu trong Đảng, lường trước sự suy thoái trong đội ngũ cán bộ và việc đào tạo cán bộ thay thế, Người viết: "Đảng ta là một đoàn thể đấu tranh. Trong cuộc tranh đấu thường hao tổn một số cán bộ quý báu. Vì vậy chúng ta càng phải quý cán bộ, phải bổ sung cán bộ, phải giữ gìn cán bộ cũ và đào tạo cán bộ mới". Bác biết rằng: "Trong Đảng ta có những nơi thường dùng những người văn hay, nói khéo, nhưng không làm được việc, không ra tranh đấu. Mà những đồng chí viết không hay, nói không thạo nhưng rất trung thành, hăng hái, rất gần gũi quần chúng, thì bị dìm xuống. Chúng ta phải sửa chữa ngay quan điểm đó". Tuy nhiên, khi nói đến chính sách cán bộ và việc tạo điều kiện cho họ phấn đấu hết mình, Bác yêu cầu: "Phải cho họ điều kiện sinh sống đầy đủ mà làm việc. Khi họ đau ốm phải có thuốc thang. Tuỳ theo hoàn cảnh mà giúp họ giải quyết vấn đề gia đình. Những điều đó rất quan hệ với tinh thần của cán bộ và sự đoàn kết thân ái trong Đảng. Không phải vài ba tháng , vài ba năm mà đào tạo được một người cán bộ tốt... Phải thương yêu cán bộ giúp họ học tập thêm, tiến bộ thêm". Khi dùng cán bộ phải hiểu rằng: "Không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay, vì vậy chúng ta phải khéo dùng người, sửa chữa những khuyết điểm cho họ, giúp đỡ ưu điểm của họ". Những dòng Di chúc cuối cùng để lại, Bác vẫn nhắc nhở "Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ (đoàn viên thanh niên), đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên".
Từ đó, qua nhiều kế hoạch 5 năm, qua nhiều nhiệm kỳ đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, cán bộ và nhân dân trong tỉnh đã đẩy năng suất cây trồng, vật nuôi lên từng bước vững chắc, tự túc được lương thực thực phẩm và sản xuất được hàng hoá xuất khẩu. Với Bác Hồ, nhân đạo tức là phải chống thứ giặc nghèo nàn - cội nguồn của những tệ nạn xã hội, suy dinh dưỡng, bệnh tật, kém văn hoá - giáo dục, suy thoái thể chất, tinh thần và nhân cách. Bởi vậy, Bác khát khao cho mọi người "ngày càng tiến bộ lên, càng ngày càng giầu có".
Lời Người căn dặn năm nào, bây giờ đang được lớp lớp con cháu chứng minh bằng thực tế sinh động. Dẫu còn những gia đình phải đương đầu vật lộn trong cuộc sống khó khăn nhưng những thành tựu về giáo dục, y tế, văn hoá và một số lĩnh vực trên địa bàn tỉnh đã có những bước tăng trưởng đáng mừng. Cán bộ, nhân dân Bắc Giang đã có thể báo công dâng Bác những gì đã làm được trong 45 năm làm theo Di chúc của Người và tiếp tục thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"./.
Lan Hương
Theo Báo Bắc Giang
Huyền Anh (st)