Làm việc tại Đức, tôi có cơ hội biết rằng, rất nhiều quan chức trong cơ quan Nhà nước Cộng hòa Liên bang (CHLB) Ðức luôn có tình cảm đặc biệt dành cho Bác Hồ và nước Việt Nam thân yêu của mình.

Năm 1961, tôi đang học cấp 1. Một hôm trên lớp cô giáo kể Bác Hồ về thăm Thanh Hóa. Khi ấy, tôi rất muốn được gặp Bác, nhưng ở thời đó, đường đến thị xã Thanh Hóa - nay là thành phố Thanh Hóa, quá xa với một đứa trẻ như tôi.

Rồi đến những năm tháng chống chiến tranh phá hoại miền bắc của đế quốc Mỹ, đã hình thành một thông lệ trong gia đình tôi là vào khoảnh khắc giao thừa, cả gia đình cùng chăm chú nghe lời chúc mừng năm mới của Bác Hồ qua Ðài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Giọng nói ấm áp của Người in đậm trong trí nhớ của tôi. Ðến nay, tôi vẫn nhớ như in những bài thơ chúc Tết của Bác Hồ.

tinh cam dan duc danh cho BH
Bác Hồ dùng thử máy cấy tại Trại Thí nghiệm lúa
thuộc Sở Nông Lâm Hà Nội, năm 1960 (Ảnh tư liệu)

Năm 1969, khi tôi đang học cấp 3, thì nghe tin Bác đã đi xa. Cả gia đình tôi khóc, bà con trong xóm, ngoài làng cùng khóc như mất đi một người thân trong gia đình. Mấy năm sau, tôi trở thành chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Trên đường hành quân vượt Trường Sơn gian khổ và ác liệt, trèo đèo lội suối, cái chết rình rập, hễ hôm nào rảnh rỗi, ngồi trên chiếc võng giữa cánh rừng già sinh hoạt văn nghệ là chúng tôi lại hát Bác đang cùng chúng cháu hành quân, đọc cho nhau nghe những bài thơ trong tập Nhật ký trong tù.

Phần lớn đồng đội của tôi khi ấy vừa rời ghế nhà trường là nhập ngũ. Trên chiến trường Quảng Trị, nơi chúng tôi hàng ngày chiến đấu trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt, những lời nói, những bài thơ của Bác đã khích lệ, tiếp sức chúng tôi, bất chấp bom đạn, sẵn sàng hy sinh tính mạng vì độc lập, tự do của dân tộc.

... Gần một phần tư thế kỷ trước, tôi tới sinh sống, làm việc ở Châu Âu. Sau khi nhận giấy bổ nhiệm, tôi đến gặp trưởng phòng một cơ quan thuộc Bộ Nội vụ CHLB Ðức. Ở cơ quan, mọi người thường gọi nhau và xưng hô bằng họ chứ không dùng tên riêng như ở Việt Nam. Vì vậy họ gọi tôi là "Herr Ho" (ông Hồ), và tôi rất ngạc nhiên khi nghe Trưởng phòng của tôi phát âm rất chuẩn khi ông gọi tôi "Herr Hồ".

Rất thân mật, ông kể với tôi: Ông sinh ra và lớn lên ở Tây Ðức. Năm 1968, khi còn là sinh viên, ông đã thường xuyên xuống đường biểu tình ủng hộ Việt Nam, phản đối cuộc chiến tranh người Mỹ ở Ðông Dương. Hàng trăm lần ông cùng với các bạn bè sinh viên đi trên đường phố Tây Béc-lin hô to khẩu hiệu: "Hồ Hồ Hồ Chí Minh", "Việt Nam - Hồ Chí Minh".

Trong nhiều buổi tọa đàm, họ bàn luận rất nhiều về tầm quan trọng trong quan điểm của Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc và chống lại chủ nghĩa đế quốc. Họ tôn kính Bác Hồ không chỉ vì khả năng thu hút quần chúng, mà cả tính giản dị của Người.

tinh cam dan duc danh cho BH a2
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Đức Vin-hem Pích năm 1957

Làm việc tại cơ quan Liên bang, tôi có cơ hội biết rằng, không chỉ vị trưởng phòng trực tiếp đầu tiên của tôi mà rất nhiều quan chức khác trong cơ quan Nhà nước CHLB Ðức luôn có tình cảm đặc biệt dành cho Bác Hồ và nước Việt Nam thân yêu của mình. Tới lúc giữ chức vụ quan trọng trong chính quyền, rất nhiều người vẫn trung thành với suy nghĩ đã hình thành khi tham gia phong trào thanh niên ủng hộ Việt Nam trong những năm 60 của thế kỷ 20.

Hồi đó, nhiều người Ðức gọi Bác Hồ bằng một từ Ðức là "Ikone"(biểu tượng) của phong trào giải phóng dân tộc, một từ chỉ dành cho những người được đại đa số tôn thờ. Rất nhiều đồng nghiệp của tôi trong những năm qua đã đến du lịch ở Việt Nam. Khi đi làm trở lại, họ kể cho tôi nghe nhiều kỷ niệm ở Việt Nam liên quan đến Hồ Chí Minh. Họ thật sự không ngờ Bác sống giản dị như vậy trong ngôi Nhà sàn ở Phủ Chủ tịch.

Chính những lần đến thăm ngôi Nhà sàn Bác ở, nhiều khách phương Tây hiểu rõ hơn, tại sao mọi người dân Việt Nam yêu mến Bác.

Cuộc đời vì dân vì nước của Bác chính là sự trả lời cho câu hỏi của nhiều người nước ngoài: Tại sao Việt Nam, một nước nhỏ và nghèo đã chiến thắng hai đế quốc lớn? Ở phương Tây, đã có nhiều cuốn sách viết về Bác Hồ được xuất bản. Một cuốn sách được bạn đọc đặc biệt chú ý là cuốn Hồ Chí Minh - Một biên niên sử của nhà báo, nhà văn Ðức nổi tiếng Hen-mút Ca-phen-bơ-gơ, người đã có mặt ở Việt Nam từ năm 1970 đến năm 1973 và từ năm 1980 đến 1984.

Với 25 chương, 256 trang, cuốn sách được Nhà Xuất bản Neues Leben ở Béc-lin xuất bản năm 2009. Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Người, cuốn sách được Nhà Xuất bản Thế giới dịch từ tiếng Ðức sang tiếng Việt.

Tôi thật sự ấn tượng với một bạn trẻ, sau khi đọc cuốn sách đã gửi tới Nhà xuất bản những tâm sự chân thành, Nhà xuất bản công bố lá thư trên in-tơ-nét, trong thư viết: "Trước đó tôi đã có ý định mua, nhưng ông tôi đã tặng cho tôi cuốn sách này. Trước đó, tôi không biết Hồ Chí Minh là ai. Nhưng đọc xong những trang đầu, tôi nhận ra đây là một con người vĩ đại, một nhân vật rất tuyệt vời. Rất quan trọng đối với thế hệ của tôi (tôi sinh năm 1985), phải đọc về những nhân vật nổi tiếng như vậy và tự tạo cho mình một chân dung ở ngoài nước Ðức...

Theo tôi, những việc làm của Hồ Chí Minh cũng có giá trị lớn lao như hành động của Nen-xơn Man-đê-la, Chê Ghê-va-ra và của nhiều chiến sĩ khác đã chiến đấu cho tự do. Di sản của những nhân vật này phải luôn luôn được ghi nhớ, vì rất quan trọng.

Những ai thích các biên niên sử, đề cao văn phong cao thượng, thông tin chuẩn xác, quan tâm đến lịch sử thế giới hiện đại, thì cuốn sách chính là một lựa chọn tuyệt vời với họ. Tác giả của cuốn sách, Hen-mút Ca-phen-bơ-gơ chính là ông của tôi. Qua đây tôi muốn cảm ơn ông. Tôi rất thích đọc cuốn sách (không phải vì tác giả là ông tôi), vì vậy thiết tha khuyên mọi người hãy đọc nó".

Những ai đã đọc cuốn sách cũng phải công nhận cảm nghĩ và lời khuyên của người thanh niên phương Tây này là rất chính xác. Sự chân thực, sâu sắc của cuốn sách đã giúp tôi hiểu thêm về Bác. Tấm gương của Người là một trong các động lực quan trọng giúp tôi vượt qua khó khăn, đứng vững trên chiến trường và trở thành một người có ích./.

Theo Báo Nhân Dân
Minh Thu (st)

Bài viết khác: