Những ngày đầu Thu năm nay, cả dân tộc ta lại được sống trong không khí tự hào: Kỷ niệm 69 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9. Hướng về Quảng trường Ba Đình lịch sử của Thủ đô Hà Nội, ta nhớ không nguôi hình ảnh vị Lãnh tụ kính yêu.
Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu
Chính nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cũng chính nơi đây, 45 năm trước, Bác Hồ đi xa, về với Tổ tiên và thế giới người Hiền, để lại cho chúng ta bản Di chúc lịch sử.
Theo Di chúc của Bác Hồ, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã giành được thắng lợi to lớn: Hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp giải phóng miền Nam, thu giang sơn về một mối, đưa cả nước thống nhất đi lên theo con đường xã hội chủ nghĩa. Cũng giống như năm 1945, sau Cách mạng Tháng Tám, tưởng hết họa ngoại xâm, đất nước sẽ có hòa bình, toàn dân ta sẽ bắt tay xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Nhưng cay cú trước thất bại, các thế lực thù địch quốc tế câu kết với nhau, tiến hành bao vây, cấm vận triệt để, toàn diện, gây nên các điểm nóng chống phá từ bên trong, tiến hành hai cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Âm mưu của họ là muốn đảo ngược tình thế, kiềm chế và cản trở con đường đi lên giàu mạnh của dân tộc Việt Nam. Ngót mười năm, sau giải phóng hoàn toàn miền nam, cả dân tộc ta vẫn phải vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa gồng mình chống thù trong giặc ngoài. Nhưng nhìn vào tiền đồ tươi sáng, nhân dân ta đã đồng tâm hợp lực, chịu đựng đói khổ, khó khăn, vững tin vào Trung ương Đảng, tiếp tục chấp nhận sự hy sinh to lớn, đánh bại hai cuộc chiến tranh xâm lược ở hai đầu biên giới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc thân yêu, đồng thời kiên trì và dũng cảm phá thế bao vây.
Trong khó khăn, tận đáy, tận chân tường, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự sáng tạo của nhân dân “tự cứu mình”, cách mạng Việt Nam vượt qua hiểm nghèo, nhảy vọt bằng chiếc cầu Đổi mới toàn diện đất nước. Chính bằng bước nhảy vọt này, đã tạo thế và lực để Việt Nam vững vàng trước cơn cuồng phong bão táp Liên Xô tan rã, chủ nghĩa xã hội theo mô hình Xô-viết sụp đổ ở các nước Đông Âu. Sự sụp đổ này tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến toàn thế giới, làm đảo lộn các thế cờ, sắp xếp lực lượng; đồng thời tạo ra “thời cơ vàng” cho các cuộc tiến công nhiều phía vào chủ nghĩa Mác - Lênin, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản; làm thay đổi cả thế giới quan, nhân sinh quan, quan điểm, lập trường, các ranh giới, chuẩn mực, đồng minh, bạn - thù ở không ít người nhân danh cộng sản,...
Sự vững vàng, kiên định, hướng đúng, ở những thời điểm này, đáng quý biết bao! “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Sức bền và bản lĩnh cách mạng của Đảng ta lại đang đứng trước thử thách mới. Đổi mới có nhiều thành tựu to lớn, làm thay đổi bộ mặt đất nước và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, nhưng cũng đan xen vô vàn thử thách, cam go. Nền độc lập của dân tộc, sự toàn vẹn của lãnh thổ quốc gia bị đe dọa, đòi hỏi chúng ta phải luôn luôn cảnh giác, đề phòng.
Nhiệm vụ xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, dựng nước và giữ nước chưa bao giờ gắn bó chặt chẽ với nhau như lúc này. Chưa bao giờ vận nước, vận dân và vận Đảng đứng trước những thách thức lớn lao như hiện nay. Vai trò của đảng cầm quyền trong hoàn cảnh khó khăn, phức tạp của đất nước và thế giới đòi hỏi Đảng ta phải có bước nhảy vọt mới, đưa cách mạng Việt Nam tiếp tục tiến lên, thực hiện bằng được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh như Di chúc của Bác Hồ căn dặn. Khó khăn chồng chất lên khó khăn. Nhưng, dân có Đảng, Đảng có dân, bằng thế và lực của thời cơ mới, nhất định đất nước ta sẽ vượt qua mọi trở ngại. Niềm tin lớn lao đó của toàn Đảng, toàn dân ta có căn cứ khoa học, có thực tiễn chứng minh.
Nhìn lại chặng đường gần 85 năm qua, đi cùng dân tộc, định hướng đi cho cả dân tộc, đường lối, chủ trương của Đảng cơ bản đúng đắn, được toàn dân thừa nhận. Tất nhiên, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng, có khi Đảng ta cũng không tránh khỏi sai lầm khuyết điểm, thậm chí nghiêm trọng. Nhưng, với lý tưởng cách mạng, tất cả vì Tổ quốc và nhân dân, Đảng ta đã nhận ra khuyết điểm sai lầm và kiên quyết sửa chữa. Một quan điểm, một lập trường, một thái độ như thế chỉ có thể có được ở một đảng chân chính, nên được nhân dân đồng tình, cảm thông, sẻ chia.
Qua thử thách và những cuộc đổi đời thật sự, nhân dân ta vẫn chờ đợi, trông mong vào sự dẫn dắt của Đảng trên con đường tiến lên của dân tộc.
Bằng những gì Đảng của giai cấp cần lao, Đảng của dân tộc đã đem lại cho dân tộc, nhân dân ta vững tin hơn về những thứ mình đã có và Đảng đang cùng dân tộc phấn đấu. Bằng trải nghiệm của lịch sử dân tộc, dân trí cao hơn để mở tầm nhìn ra thế giới, đảng viên ta, nhân dân ta không dễ để đánh mất mình trước những thứ mơ hồ "giả thiết", "nếu như" và cả những thứ bánh vẽ xa vời, "những miền đất hứa".
Theo Di chúc của Bác, "trước hết nói về Đảng", các thế hệ lãnh đạo, các học trò, cháu con của Bác, đã luôn luôn quan tâm công tác xây dựng Đảng. Cùng với các trụ cột phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, công tác xây dựng Đảng được xác định là nhiệm vụ then chốt, thường xuyên.
Ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Cùng trong tháng ấy, ngày 29-9-1969, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Chỉ thị về đợt sinh hoạt chính trị "Học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch". Ngày 6-3-1970, Bộ Chính trị ra tiếp Nghị quyết về cuộc vận động nâng cao chất lượng đảng viên và kết nạp đảng viên Lớp Hồ Chí Minh. Ngay từ ngày ấy, Trung ương đã chỉ rõ: "Toàn Đảng cần nhận rõ việc xây dựng, củng cố và phát triển đảng là một nhiệm vụ cơ bản hàng đầu có tầm quan trọng quyết định đối với mọi thắng lợi của cách mạng".
Từ khi tiến hành sự nghiệp đổi mới, cầm quyền trong điều kiện kinh tế thị trường, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, các thế hệ lãnh đạo trong Bộ Chính trị Đảng ta và Ban Chấp hành Trung ương càng đặc biệt chăm lo cho công tác này, mong muốn toàn Đảng ta phấn đấu vươn lên ngang tầm nhiệm vụ, xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và toàn dân tộc. Một loạt nội dung cốt lõi của công tác xây dựng Đảng được các Đại hội của Đảng, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ra nghị quyết, tập trung đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ then chốt này, coi đó là nhiệm vụ sống còn trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta.
Trong hàng loạt các nghị quyết Đại hội, Hội nghị Trung ương, Bộ Chính trị ở thời kỳ đổi mới, nổi bật là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (lần hai) Khóa VIII, tháng 2-1999: "Một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng" và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, Khóa XI, tháng 12-2011: "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Hai nghị quyết này thể hiện tập trung cao nhất trí tuệ, công sức Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cơ quan tham mưu của Đảng. Sau hai hội nghị, Bộ Chính trị ngày ấy và hiện nay đã quyết định mở các đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng. Đặc biệt, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đang được kiên trì và đẩy mạnh trong toàn xã hội.
Nhưng, một điều day dứt đặt ra cho toàn Đảng ta là vì sao những cố gắng ấy, sự tập trung cao độ ấy mà công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng mới chỉ đạt được một số kết quả, còn nhiều hạn chế, yếu kém, chậm được khắc phục? Đây không phải chỉ là câu hỏi đặt ra cho Đảng, mà còn là những điều bức xúc trong dân.
Chặng đường 45 năm qua, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã thực hiện được rất nhiều điều Bác Hồ căn dặn. Đó là niềm tự hào, cổ vũ chúng ta. Nhưng, còn những điều chưa làm được trong Di chúc, nhất là "nói về Đảng", đang đòi hỏi toàn Đảng ta sự hợp sức, chung lòng, đòi hỏi rất nhiều ở trách nhiệm mỗi đảng viên chúng ta./.
Theo Báo Nhân Dân
Kim Yến (st)