Tập san Khoa học xã hội, số 5, tháng 12-1978 của Hội Khoa học Xã hội Việt Nam tại Pháp đăng bài “Một vài tư liệu về thời gian Nguyễn Ái Quốc viết tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, của tác giả Công Thị Nghĩa, tức Thu Trang. Bài báo có trích dẫn những báo cáo của mật thám Pháp khi theo dõi Nguyễn Ái Quốc. Nhưng phân tích nội dung bài báo, chúng ta thấy Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta) là một tấm gương sáng ngời về làm khoa học.
Nói về mục đích của khoa học, Nguyễn Ái Quốc quan niệm rất đơn giản, đó là tìm cho ra những sự thực có lợi cho quần chúng lao động, cho nhân dân Việt Nam, bất chấp khó khăn, rồi công bố cái sự thực ấy bằng những con đường thuận tiện nhất để mọi người chú ý đến nó. Trong báo cáo của mật thám Pháp ngày 19-1-1920 cho biết, Nguyễn Ái Quốc đang viết một quyển sách, nhưng đang rất cần nhiều tài liệu. Nguyễn Ái Quốc nói với một người bạn: “Tôi không muốn tự mình viết lấy vì như thế sẽ không có giá trị thật sự. Tôi sẽ dùng những đoạn văn trong cuốn sách họ viết về thực dân Pháp. Tôi sẽ cố gắng làm cho đậm nét những đoạn ấy”. Theo tác giả Thu Trang, đó có thể là quyển “Bản án chế độ thực dân Pháp” sau này.
Khi viết sách xong, làm thế nào để xuất bản? Để xuất bản một tác phẩm có lợi cho nhân dân và cách mạng, phải có tiền. Nguyễn Ái Quốc nói với người bạn, là Phó quản Lâm: “Điều tôi làm sẽ giản dị thôi. Khi nào tôi hoàn thành xong cuốn sách ấy, tôi sẽ giới thiệu nó với một đảng viên xã hội hay bất cứ một người nào khác. Sau khi biết giá tiền in, tôi sẽ bán thân tôi như một tên đầy tớ. Chả lẽ tôi không biết đánh giày hoặc dọn bàn sao?”.
Báo cáo của mật thám Pháp từ ngày 9 đến 16-3-1920: “Ông Nguyễn Ái Quốc hoàn thành xong việc viết sách, ông nói sẽ đi gặp Ca-sanh và Lông-ghê để xin lời mở đầu cho cuốn sách. Ông Nguyễn có ý định in quyển sách ấy bằng tiền riêng của mình, vì ông ta đã có nói với ông Lâm là đã dành được 300 phrăng. Số tiền này để in lần đầu, sau đó ông sẽ đi xuống tỉnh Pông làm nghề ảnh để in lần thứ hai”.
Qua câu chuyện trên cho thấy: Người làm khoa học nếu thiếu tinh thần tự trọng, thiếu nhiệt tình nóng bỏng theo đuổi tìm hiểu vì quyền lợi của nhân dân lao động, thì khó lòng có tác phẩm lôi cuốn được ai. Chỉ có sự thực được trình bày sao cho con người nắm được bí quyết biến đổi nó, làm chủ nó thì mới có khả năng lôi cuốn người khác. Muốn thế, tự thân người viết phải làm chủ được nó trước, ở ngay đời mình. Lúc đó, không lo xã hội không quan tâm đến tác phẩm. Khoa học hãy có ích cho sự đổi mới của đất nước, đất nước khắc đáp ứng đầy đủ./.
Phan Ngọc
Theo http://www.qdnd.vn
Thu Hiền (st)