khac-ghi-loi-bac-1
Sức mạnh quân đội nằm trong kỷ luật và đoàn kết thống nhất.

Ngày 22 tháng 12 năm 1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập. Đội đã tuyên thệ Mười lời thề danh dự. Trong đó: “Xin thề: Hết sức ái hộ các bạn chiến đấu, trong đội cũng như ái hộ bản thân, hết lòng giúp nhau trong lúc thường cũng như lúc ra trận”(1).

Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng vũ trang được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục và rèn luyện. Đó là quân đội của dân, do dân, vì dân, mang bản chất giai cấp công nhân, có giác ngộ chính trị sâu sắc, có tổ chức chặt chẽ và kỷ luật nghiêm minh. Đoàn kết thống nhất là một phẩm chất, đồng thời còn là một nét đặc sắc trong bản chất cách mạng và truyền thống tốt đẹp của quân đội ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang luôn quan tâm giáo dục rèn luyện tinh thần đoàn kết thống nhất trong quân đội, trong lực lượng vũ trang. Người dạy Quân đội ta phải: “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”(2). Để hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang đó, quân đội ta phải đoàn kết thống nhất.

Tại Hội nghị cao cấp toàn quân ngày 20-3-1958, Hồ Chí Minh đã khẳng định ý nghĩa to lớn của đoàn kết thống nhất, xác định việc xây dựng đoàn kết thống nhất trong quân đội là một nhiệm vụ quan trọng, kể cả trong thời chiến và thời bình, trong chiến đấu và xây dựng, trong lao động sản xuất, công tác và học tập: “Đoàn kết là sức mạnh, cách mạng nhờ đoàn kết mà thắng lợi, kháng chiến nhờ đoàn kết mà thành công…, trong việc xây dựng quân đội, phát triển kinh tế, cũng phải tăng cường đoàn kết…, toàn quân phải đoàn kết phấn đấu, quyết tâm xây dựng quân đội ta thành một quân đội hùng mạnh, sẵn sàng chiến đấu, học tập giỏi, công tác giỏi, sản xuất giỏi”(3).

Trong xây dựng đoàn kết thống nhất trong quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhắc tới vai trò gương mẫu của cán bộ.. Người dạy:“Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(4). Cán bộ có đoàn kết tốt thì nội bộ đơn vị mới đoàn kết, mới thực hiện được đoàn kết với đơn vị bạn, đoàn kết quân dân. Người nhắc nhở cán bộ chỉ huy: “mỗi người chỉ huy về quân sự cũng như về chính trị, phải làm kiểu mẫu, phải giữ vững đạo đức quân nhân”. Đối với chính trị viên, người thay mặt cho tổ chức đảng chăm lo về chính trị tinh thần ở mỗi đơn vị, Người căn dặn: “Đối với bộ đội, chính trị viên phải săn sóc luôn luôn đến sinh hoạt vật chất của họ: ăn, ở, nghỉ, luyện tập, công tác, sức chiến đấu. Về mặt tinh thần, phải săn sóc để nâng cao kỷ luật, bài trừ hủ hóa, phát triển văn hóa và đường lối chính trị trong bộ đội. Đối với bộ đội, chính trị viên phải thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn”(5).

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, vô vàn tấm gương cá nhân và đơn vị đoàn kết hợp đồng, giành khó khăn, thậm chí hy sinh về mình, nhường thuận lợi cho banh cùng hoàn thành nhiệm vụ. Lực lượng vũ trang thành một khối thống nhất làm nòng cốt cho cuộc kháng chiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Ngày nay, quân đội có hàng chục vạn người, cộng với bộ đội địa phương và dân quân du kích thì lực lượng vũ trang và nửa vũ trang của nhân dân ta có hàng triệu người. Hàng triệu người mà một lòng một chí: đánh giặc cứu nước”(6). Người rất cảm kích nhận thấy toàn thể bộ đội và dân quân cùng một chí cương quyết kháng chiến, cùng một lòng đoàn kết và thực hiện quân dân nhất trí.

Truyền thống đoàn kết của quân đội ta được phát huy cao hơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong buổi chiêu đãi mừng quân đội ta 20 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Cán bộ và chiến sĩ thương yêu nhau như ruột thịt, chia ngọt sẻ bùi”(7). Đoàn kết thống nhất trong quân đội là nhân tố hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi trong từng trận đánh cũng như cả cuộc chiến tranh.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết thống nhất trong quân đội phải dựa trên cơ sở đường lối chính sách của Đảng; đoàn kết có đấu tranh; đoàn kết đi đôi với phát huy dân chủ và tôn trọng kỷ luật. Người nói: “Quân đội ta là Quân đội nhân dân. Nhân dân có Đảng lãnh đạo, Đảng có chính cương, chính sách. Đã là Quân đội nhân dân thì phải học chính sách của Đảng”(8). Người căn dặn: Muốn đoàn kết thực sự phải đấu tranh tự phê bình và phê bình để giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ. Tự phê bình và phê bình để thống nhất tư tưởng. Tư tưởng có thống nhất, hành động mới thống nhất. Phê bình và tự phê bình phải xuất phát từ tình thương yêu đồng chí, đồng đội, với động cơ trong sáng nhằm giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Người chỉ rõ: “Mục đích phê bình và tự phê bình là để cho mình tiến bộ, quân đội và nhân dân tiến bộ, để tăng thêm tình đoàn kết giữa cán bộ với cán bộ, giữa cán bộ với chiến sĩ, giữa quân đội với nhân dân”(9). Và, đoàn kết trên cơ sở phát huy dân chủ nhưng đồng thời phải tăng cường kỷ luật. Kỷ luật là sức mạnh của quân đội. “Kỷ luật trong dân chủ, dân chủ phải có kỷ luật… Muốn dân chủ tốt, kỷ luật cao, cán bộ phải gương mẫu phê bình và tự phê bình”(10). Đoàn kết, dân chủ và kỷ luật luôn gắn kết với nhau.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ đoàn kết giữa cán bộ và chiến sĩ. Theo Người, quan hệ giữa cán bộ và chiến sĩ không phải chỉ là quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới, quan hệ công tác, mà còn phải “sống với nhau có tình có nghĩa”. Người căn dặn cán bộ phải thương yêu chiến sĩ và tất yếu chiến sĩ đáp lại lòng thương yêu đó một cách tương xứng. Đó cũng là sự tin cậy lẫn nhau giữa cán bộ và chiến sĩ, mà việc chủ động xây dựng lòng tin đó phải từ phía cán bộ. Người nói: “Người đội trưởng, người chính trị viên phải là người anh, người chị, người bạn của đội viên, chưa làm được như vậy là chưa hết nhiệm vụ. Cán bộ có thân đội viên như chân tay, đội viên mới thân cán bộ như ruột thịt”. Tuy nhiên, theo Người, đó không phải là đoàn kết ngoài miệng, mà phải thực sự đoàn kết trong công tác, trong học tập. Muốn đạt được một sự đoàn kết thật sự như vậy, phải trên cơ sở xác lập được niềm tin và trách nhiệm của cả tập thể cũng như mỗi cá nhân cán bộ, chiến sĩ.

Thực tế đã chỉ rõ, thành công trong xây dựng và thắng lợi trong chiến đấu là bắt nguồn từ sự đoàn kết thống nhất trong tổ chức, giữa lãnh đạo và quần chúng, giữa nhân dân và bộ đội, tiền tuyến và hậu phương, cán bộ và chiến sĩ. Quân đội ta là một quân đội cách mạng. Cán bộ, chiến sĩ trong quân đội ta là những người cùng lý tưởng, bình đẳng về chính trị, thống nhất về mục tiêu và nhiệm vụ chiến đấu. Mối quan hệ trên dưới, quan hệ cán bộ và chiến sĩ trong quân đội ta được xây dựng trên cơ sở tình cảm cách mạng, tình thương yêu giai cấp, tình đồng chí giữa những người bạn chiến đấu chung một lý tưởng. Vì vậy, đoàn kết thống nhất trong quân đội ta có cơ sở khoa học rất vững chắc, đoàn kết trên tình thương yêu giai cấp. Trong quan hệ hàng ngày đối với đồng chí, đồng đội thì thực sự thương yêu, lấy tập thể làm gia đình, lấy đồng chí, đồng đội làm anh em, đơn vị là nhà; cán bộ, chiến sĩ đoàn kết, đồng cam cộng khổ, tin tưởng lẫn nhau, quan tâm giúp đỡ để cùng nhau tiến bộ, cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ; luôn luôn đấu tranh với biểu hiện sai trái.

Hiện nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phải hết sức quan tâm xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân là nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân; xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đoàn kết thống nhất là một vấn đề thuộc về truyền thống, bản chất và nguyên tắc xây dựng của Quân đội ta. Vì thế, việc quán triệt và và vận dụng những quan điểm về đoàn kết thống nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải là một nhiệm vụ thường xuyên.

Trước hết, phải coi trọng việc đoàn kết cán bộ (giữa cấp trên và cấp dưới, giữa cán bộ cùng cấp, giữa cán bộ các dân tộc…). Người cán bộ có nhiệm vụ nặng nề hơn quần chúng, cho nên phải gắn bó mật thiết với nhau trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ huy toàn đơn vị. Phải có quan điểm, thái độ rất đúng đắn trong sự phân công cùng làm nhiệm vụ chung, hết sức tránh tình trạng tính toán về cương vị, quyền hạn cá nhân.

Giữa cán bộ và chiến sĩ, phải trên cơ sở hoàn thành nhiệm vụ chung, mà thân ái giúp đỡ nhau phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, thông cảm với nhau trong công tác, sinh hoạt hàng ngày, tạo nên một không khí đoàn kết, cởi mở, chân tình, cùng nhau hoàn thành mọi nhiệm vụ.

Tiếp đến, muốn đoàn kết tốt phải phát huy dân chủ nội bộ. Một trong nhiều nguyên nhân làm cản trở việc đoàn kết nội bộ là vi phạm nguyên tắc dân chủ. Dân chủ là chìa khóa của sự đoàn kết, dân chủ bị hạn chế thì đoàn kết bị tổn thương. Chỉ có phát huy dân chủ, bàn bạc thống nhất một cách thực sự dân chủ thì mới đi tới tập trung. Nếu dân chủ mà không đi đến tập trung thì dân chủ cũng không có ý nghĩa gì, mà sẽ trở thành dân chủ hình thức.

Việc phát huy dân chủ phải gắn với tăng cường kỷ luật trong quân đội. Thường xuyên giáo dục cán bộ, chiến sĩ chấp hành kỷ luật tự giác, nghiêm minh, đây là một biện pháp quan trọng để xây dựng đoàn kết thống nhất. Người cán bộ, dù ở cấp nào cũng không được tự cho phép mình đứng ngoài kỷ luật quân đội. Người cán bộ, chỉ huy cấp trên trước khi ra chỉ thị, mệnh lệnh phải nghiên cứu đầy đủ điều kiện, hoàn cảnh của cấp dưới; khi đã ra chỉ thị, mệnh lệnh thì phải tạo điều kiện thuận lợi cho cấp dưới chấp hành, và chỉ thị, mệnh lệnh đúng sai phải có gan chịu trách nhiệm; phải thực hiện thưởng, phạt công minh. Từng quân nhân đối với nhiệm vụ, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên phải tuyệt đối phục tùng và thực hiện một cách nghiêm túc.

Để trở thành người bạn thân thiết của chiến sĩ, người cán bộ phải giữ vững đức khiêm tốn, sẵn sàng nghe ý kiến phê bình đóng góp của chiến sĩ; chăm lo nhu cầu vật chất tinh thần của chiến sĩ. Nếu người cán bộ lo lắng đến công việc mà không bồi dưỡng cho chiến sĩ thì dù làm nhiều đến bao nhiêu cũng không thể hoàn thành chức trách. Không một lần nào gặp gỡ cán bộ mà Hồ Chí Minh không nhắc nhở phải chú ý đến đời sống chiến sĩ. Người cho rằng: “Nếu anh em tư tưởng vững, chính trị vững, kỹ thuật khá, thân thể khỏe mạnh thì nhất định thắng. Trái lại, nếu anh em chính trị khá, nhưng quân sự kém, hoặc chính trị, quân sự đều khá, nhưng thân thể yếu đuối thì không thể thắng được”(11).

Xét về mọi mặt, người cán bộ phải là người anh công bằng của các chiến sĩ, phải “thưởng phạt cho công minh. Chớ vì ai ưa mà thưởng, ghét ai mà phạt, ai hẩu với mình thì dùng, ai trực tính nói ngay thì bỏ”(12); sẵn sàng thưởng những người có thành tích, nhưng trái lại, người nào làm sai mệnh lệnh, báo cáo sai thì phải phạt nghiêm khắc. Hồ Chí Minh cho rằng: Nếu không có thưởng thì không có khuyến khích, không có phạt thì không giữ được kỷ luật.

Mục tiêu của đoàn kết là thực hiện lý tưởng cách mạng. Trong giáo dục cán bộ, chiến sĩ, Hồ Chí Minh luôn quan tâm xây dựng và củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, vào thắng lợi cuối cùng, để yên tâm, phấn khởi, đoàn kết phấn đấu trong mọi công tác. Đồng thời, Người cũng kịch liệt lên án chủ nghĩa cá nhân. Hiện nay, mỗi quân nhân, trước hết và quan trọng nhất là phải đề phòng, chống chủ nghĩa cá nhân, vì chủ nghĩa cá nhân thường là nguyên nhân chủ yếu sinh ra thiếu đoàn kết thống nhất trong tổ chức và trong hành động. Để chống chủ nghĩa cá nhân, phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện lúc gặp tình huống bất chắc, lúc thuận lợi cũng như lúc khó khăn. Phải lấy hoàn thành nhiệm vụ làm mục đích, lấy nâng cao giác ngộ chính trị làm cơ sở, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc, lấy nghị quyết của tổ chức đảng, điều lệnh, điều lệ, quy định của quân đội, đơn vị làm nội dung để rèn luyện.

Đoàn kết thống nhất là một nét đặc sắc trong bản chất cách mạng và truyền thống tốt đẹp của Quân đội ta. Xây dựng đoàn kết thống nhất trong quân đội là công việc của các cấp uỷ đảng, các tổ chức và toàn thể cán bộ, chiến sỹ trong từng đơn vị. Mỗi tổ chức và mỗi cán bộ, chiến sĩ cần phải tiếp tục quán triệt, làm tốt hơn nữa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đồng thời, phải tổ chức tốt việc nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và trung thành những tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết thống nhất vào trong công tác, học tập, rèn luyện hàng ngày ở đơn vị./.

----------------------------------

1 Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, tập 1, Nxb. QĐND, Hà Nội, 1999, tr.86.

2 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb. CTQG, Hà Nội, 1996, tr.350.

3 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb. CTQG, Hà Nội, 1996, tr.141,142.

4 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb. CTQG, Hà Nội, 1996, tr.269.

5 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb. CTQG, Hà Nội, 1996, tr.392.

6 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb. CTQG, Hà Nội, 1996, tr.722.

7 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb. CTQG, Hà Nội, 1996, tr.350.

8 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb. CTQG, Hà Nội, 1996, tr.318.

9 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb. CTQG, Hà Nội, 1996, tr.321.

10 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb. CTQG, Hà Nội, 1996, tr.466.

11 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb. CTQG, Hà Nội, 1996, tr.320.

12 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb. CTQG, Hà Nội, 1996, tr.480.

Phạm Hồng Đức

Phòng Khoa học Quân sự - Học viện Chính trị, Bộ Quốc Phòng

Theo Tạp chí Xây dựng Đảng

Huyền Anh  (st)

Bài viết khác: