"Toàn dân đoàn kết" và "khéo dùng chiến thuật du kích" là hai điều cần để “đánh giặc xâm lấn nước ta” trong bài viết của Hồ Chí Minh, ký bút danh B.V, đăng trên tờ Việt Nam Độc lập, số 160 tại Cao Bằng - Bắc Kạn, ngày 1-5-1943.

Trả lời câu hỏi “Trần Hưng Đạo thắng giặc Nguyên là nhờ đâu?”, Bác viết: Là nhờ hai điều: Một là đoàn kết toàn dân, quyết tâm đánh giặc cứu nước. Hai là khéo dùng chiến thuật du kích để giết giặc. Nhà vua mở Hội nghị Diên Hồng để bàn việc chống giặc cứu nước. Trong Hội nghị ấy, vua tôi đều một lòng vì nước mà hy sinh chiến đấu. Toàn dân đã đoàn kết rồi, bây giờ làm thế nào để chống giặc? Trần Hưng Đạo tính, quân giặc người đông, thế mạnh, nếu ta đem toàn lực ra đánh với nó, thì sợ bị tiêu diệt. Vậy chỗ nào thế giặc mạnh thì quân ta lùi, còn dân thì làm vườn không, nhà trống, rồi quân và dân hết sức khôn khéo tiêu hao quân giặc, đánh phá đường vận tải. Đến lúc nào giặc sức yếu, lại thiếu lương thực ta sẽ dụ chúng vào một nơi hiểm hóc, đánh úp cho một trận nhừ tử… Chính trận thắng trên sông Bạch Đằng là như thế.

hai-dieu-can-dan-bac-ho
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đoàn đại biểu Nam Bộ từ chiến trường miền Nam
ra Chiến khu Việt Bắc (tháng 10-1949). Ảnh tư liệu

Yêu nước là một truyền thống cực kỳ quý báu của nhân dân ta. Nhờ đoàn kết triệu người như một, toàn dân ta đứng lên tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trong năm 1945, tiếp tục đánh thắng hai đội quân xâm lược Pháp, Mỹ, bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc…

Nhưng trong lịch sử dân tộc cũng đã để lại những bài học, dù chúng ta “đã đoàn kết, nhưng vẫn thất bại, không thắng được quân xâm lược”. Theo Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh “nếu đã đoàn kết được mà phải thua là do không có cách đánh”. Qua kinh nghiệm đánh giặc cứu nước, giữ nước của nhân dân ta trong các cuộc kháng chiến chống các thế lực phong kiến phương Bắc, kết hợp với kinh nghiệm của một số quốc gia, dân tộc, Hồ Chí Minh đã đi đến một kết luận rất quan trọng: “Du kích là cách đánh giặc của dân tộc bị áp bức chống đế quốc” (sách “Chiến thuật du kích” - Tổng bộ Việt Minh xuất bản tháng 5-1944). Người giải thích thêm: “Du kích là cách đánh úp, hay đánh lén, đánh lúc kẻ thù không ngờ, không phòng”. Nhưng muốn đánh du kích thắng lợi lại “phải có đường chính trị đúng”, “phải dựa trên cơ sở quần chúng”, “phải có tổ chức vững chắc và nghiêm mật”, “phải có một lối đánh rất tài giỏi” (trích từ sách “Chiến thuật du kích”).

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chống Mỹ, cứu nước, thực hiện lời dạy “đánh du kích” của Bác Hồ, lực lượng vũ trang ta, ngoài những đơn vị “quả đấm” còn có những “đội biệt động”, “tổ đặc công” hoạt động trên bộ, trên biển; còn có những “tổ máy bay du kích” lấy ít đánh nhiều, đánh úp, đánh lén, bắn hạ nhiều máy bay hiện đại, như Thần Sấm, Con Ma… của không quân Mỹ.

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội và trước nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, hai điều dặn lại trên của Bác Hồ luôn có ý nghĩa thời sự với chúng ta hôm nay và mai sau...

TS NGUYỄN VĂN KHOAN

Theo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: