Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình, có lần trả lời phỏng vấn đài BBC về phụ nữ Việt Nam, rằng: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khởi xướng con đường giải phóng phụ nữ tại Việt Nam. Người đã thức tỉnh phụ nữ tham gia giải phóng dân tộc, từ đó giải phóng chính mình. Người luôn cảm thông với nỗi thống khổ của phụ nữ Việt Nam dưới ách thống trị của thực dân Pháp và bọn phong kiến”.

           Ông Vũ Kỳ, Thư ký của Bác kể: “Một lần tới dự một cuộc hội nghị, nhìn hội trường, Bác hỏi: Này các chú, phụ nữ đâu không thấy ngồi hàng đầu? Các cô có đây không? Có tiếng đáp “Có ạ” phía cuối. Bác thẳng thắn: Vậy mời lên đây ngồi. Ngay việc ngồi cũng không bình đẳng. Phụ nữ muốn bình đẳng không phải bảo Đảng, Chính phủ hay nam giới mời lên đây ngồi mà phải tự đấu tranh giành lấy.

phu nu
Bác Hồ trò chuyện thăm hỏi, với phụ nữ dân tộc vùng cao - Ảnh: Tư liệu

         Từ lúc mới về nước, sống và hoạt động bí mật ở Pắc Bó, Bác đã đào tạo cán bộ nữ. Bà Nông Thị Trưng đã viết: “Đến Pắc Bó, chưa kịp nghỉ ngơi, anh Đại Lâm, người giữ trạm đầu nguồn đã đưa chúng tôi đến gặp “ông ké”. Cụ hỏi gia cảnh rồi khuyên: “Từ nay cháu đã có gia đình lớn là cách mạng. Cháu phải học và hoạt động chống giặc. Mình lấy lại độc lập rồi cuộc sống sẽ khác. Từ đó tôi ở lại Pắc Bó, mỗi ngày vào lán của Bác học tập. Bác dạy cho tôi từ chuyện thế giới, chuyện cộng sản đến cả cách ứng xử hàng ngày. Bác dặn đi dặn lại: “Đừng làm việc gì khiến dân mất lòng tin”. Tám tháng Bác chỉ dạy, tôi học được nhiều hơn mấy năm tập trung học lý luận sau này. Tôi trưởng thành là nhờ những bài học giản dị, thiết thực đó”.

         Ngày 08.03.1952, Ngày Phụ nữ Quốc tế và Khởi nghĩa Hai Bà Trưng trong hoàn cảnh còn kháng chiến gian khổ không tổ chức làm lễ, nhưng Bác đã gửi thư khen ngợi: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.

Báo chí Hà Nội thời ấy viết nhiều về Phạm Thị Vách, một cô gái nông dân hai lần được tặng Huy hiệu Bác Hồ. Sinh năm 1940, tại xã Hùng Cường, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, 17 tuổi, Phạm Thị Vách đã nổi tiếng trong các phong trào thủy lợi Nghiêng đồng đổ nước ra sông, Vắt đất ra nước thay trời làm mưa. 18 tuổi, là kiện tướng trên công trường thủy lợi Bắc Hưng Hải. Cuối năm 1958, về thăm công trường thủy lợi nổi tiếng này, Hồ Chủ tịch đã gửi Huy hiệu Bác Hồ tặng kiện tướng Phạm Thị Vách. Năm 1960, Bác đích thân trao Huy hiệu thứ hai cho bà. Dù đã ngoài 70 tuổi, bà Vách vẫn nhớ như in: “Tôi không thể quên được ngày hôm đó, Bác về Hưng Yên dự Hội nghị Công tác thủy lợi toàn miền Bắc (lúc đó Hưng Yên luôn dẫn đầu về làm thủy lợi). Sau khi nghe báo cáo thành tích, Bác hỏi Bí thư Tỉnh ủy Lê Quý Quỳnh về những điển hình nữ có nhiều không? Bí thư dẫn tôi lên. Bác cười tươi lắm, gọi tôi là “bé Vách” rồi Bác hỏi Hội nghị “Mọi người có đồng ý để Bác tặng bé Vách Huy hiệu lần thứ hai không? Cả hội trường hô to “Đồng ý ạ!”, đứng dậy vỗ tay không ngớt. Trên sân khấu, Bác tự gắn Huy hiệu cho tôi. Bác căn dặn “Cháu làm tốt rồi, học tập tốt rồi thì phải làm tốt hơn nữa. Phải gần gũi lắng nghe quần chúng, học tập quần chúng để mà làm”.

           Phạm Thị Vách học hết cấp III bổ túc văn hóa, lần lượt làm chủ nhiệm hợp tác xã, chủ tịch xã, bí thư đảng ủy xã. Tháng 05.1962, tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 3, “bé Vách” 22 tuổi, được phong tặng Anh hùng Lao động. Chị đã không ngừng học tập và làm việc, có nhiều thành tích, là đại biểu Quốc hội khóa 3, 4, 5. Bây giờ bà vẫn là tấm gương cho con, cháu và nhân dân địa phương “học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy”.

             Trên tuyến đường 12A ở huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, trong một ngôi nhà, chủ nhà treo trang trọng tấm ảnh lớn, hàng chục năm rồi vẫn nổi bật trước bó hoa tươi thắm là Bác Hồ và cô gái đều cười rất tươi. Đó là tấm ảnh chụp tại Đại hội Thanh niên xung phong toàn quốc lần thứ 4 tại Hà Nội, tháng 07.1967, một tay máy đã chớp ngay khoảnh khắc nữ TNXP Nguyễn Thị Kim Huế từ Quảng Bình ra, ôm bó hoa chạy ào lên sân khấu khi Bác Hồ vừa bước ra. Tấm ảnh này được nhà in Trần Phú in và phát hành hàng vạn tấm.

          Nguyễn Thị Kim Huế sinh năm 1939, sớm mồ côi, được bên ngoại nuôi nhưng thời đó ai cũng là nông dân nghèo nên phải sớm lao động kiếm sống. Năm 1965, máy bay Mỹ bắn phá ác liệt, Nguyễn Thị Kim Huế đã xin chồng, tình nguyện vào TNXP phục vụ trên tuyến đường 12A, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình quê hương. Đơn vị có 182 người, trải qua nhiều trận đánh, họ đã san lấp mặt đường, bảo đảm thông đường nhanh cho xe ra tiền tuyến. Trận B52 đánh phá ác liệt ngày 03.07.1966 trên đoạn đường 12A đã làm hàng chục người chết, bị thương. Nguyễn Thị Kim Huế cùng đồng đội vừa san lấp mặt đường, vừa tìm xác người chết, vừa cứu thương và rà phá bom nổ chậm, bom từ trường trong máu, nước mắt và khói bụi mịt mù suốt mấy ngày. Chị cũng bị bom vùi lấp mấy lần và bị thương. Sau những trận sinh tử quyết liệt đó, ngày 01.01.1967, Nguyễn Thị Kim Huế được phong tặng Anh hùng Lao động.

          Nguyễn Thị Kim Huế vinh dự được gặp Bác Hồ 5 lần: Tháng 11.1966, tỉnh cử chị ra tập huấn ở Hưng Yên. Trong buổi kiểm tra tập bắn đạn thật, chị bắn 3 viên đạn vào vòng tâm. Chị kể: “Lúc ấy có một ông già tóc bạc phơ, mặc bộ bà ba, đi dép cao su đến gần tôi, hỏi: Cháu có bí quyết gì bắn súng giỏi như vậy? Tôi thật thà trả lời: Cháu chỉ bình tĩnh, tự tin, nín thở, bóp cò thôi ạ”. Buổi chiều họp tổng kết khóa học, ông già ấy khoác bộ kaki sờn cũ, khen tôi: Con gái Quảng Bình sản xuất giỏi, làm gì cũng giỏi. Lúc ấy tôi mới biết đó là Bác Hồ!”.

         Gặp Bác Hồ lần thứ 3 tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua tháng 01.1967, Quảng Bình có ba phụ nữ anh hùng: Mẹ Suốt, Nguyễn Thị Kim Huế và Trần Thị Lý. Tháng 07.1967, tại Đại hội TNXP toàn quốc lần thứ 4, Nguyễn Thị Kim Huế, được cử ôm hoa lên tặng Bác và chụp tấm ảnh đẹp (đã nói trên). Trước khi đi dự lễ Kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng Mười Nga, chị và các đại biểu được gặp Bác và nghe Bác dặn dò. Trong buổi họp báo quốc tế ở Liên Xô, có nhà báo hỏi: “Dũng sĩ diệt Mỹ sao nhỏ bé thế?” Kim Huế khảng khái: “Tôi tuy nhỏ bé nhưng tinh thần không nhỏ. Chúng tôi không sợ kẻ thù, lớp này hy sinh, có lớp khác lên thay”. Về nước, Bác khen chị trả lời thông minh, đanh thép.

Trên báo Việt Nam Độc Lập, do Bác Hồ sáng lập, Bác là người đầu tiên quan tâm đến thương binh liệt sĩ. Ngày 27.07.1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Sau ngày thống nhất nước nhà đến nay, có nhiều đồng chí, đồng đội và cơ quan đơn vị bộ đội, TNXP đi tìm hài cốt đồng đội, trong đó có nhiều phụ nữ làm công việc thiêng liêng này. Ngày 27.09.1967, nối tiếp đường mòn Trường Sơn, tuyến đường vận tải IC huyền thoại ra đời giữa rừng sông nước miền Tây Nam Bộ, với 800 TNXP có tuổi đời trung bình 15-16 tuổi, trong đó 80% là nữ, đã vận chuyển khối lượng lớn vũ khí trên xuồng ghe, mang vác lội sình lầy. Đến khi cuộc chiến tranh kết thúc, có 399 người hy sinh, nhiều người chưa tìm thấy hài cốt. Ngày 02.07.1997, chị Tô Thị Tuyết Thu, hiện ở trong hẻm đường Nguyễn Việt Dũng, TP Cần Thơ, là TNXP tuyến IC xưa, tổ chức đi tìm hài cốt đồng đội. Chị Thu có chồng hy sinh sớm, khi chị đang mang thai đứa con đầu cũng là đứa con trai duy nhất. Chị có cuốn Nhật ký hành trình tìm đồng đội, có đoạn viết: Ngày 10.06.2002: Mấy anh chị em ôm nhau khóc, nước mắt ràn rụa, mâm cơm đơn sơ bày ra tại chỗ bùn đất mới bới lên: “Sáu, Sáu Bé đây rồi. Hơn 30 năm Sáu nằm ngoài này nhịn đói nhịn khát, hôm nay về đây có chị có em rồi Sáu ơi”. Cứ kiên trì tìm kiếm giữa mênh mông rừng tràm, rừng đước, ngập trong nước, trong 10 năm, Tô Thị Tuyết Thu cùng đồng đội và các đơn vị đã tìm kiếm được 189 bộ hài cốt các liệt sĩ TNXP tuyến đường IC.

         Cuộc chiến chống tham nhũng đang là vấn đề nóng của nước ta. Trong cuộc đấu tranh này, nổi lên những con người đáng khâm phục như bà Lê Hiền Đức.

         Mới 13 tuổi, Phạm Thị Dung Mỹ, quê Bắc Ninh đã tham gia cách mạng. Năm 1950, bà được phân công dịch mật mã các tài liệu cho Bác Hồ. Bác đặt cho bà tên Lê Hiền Đức, sau đó cho bà đi học sư phạm. Ra trường, bà Lê Hiền Đức dạy ở Trường tiểu học Chu Văn An, Hà Nội. Năm 1958, Bác Hồ đến thăm trường, bà Đức được ẵm đứa con gái đầu chưa đầy tuổi ra đón Bác. Năm 1984, nghỉ hưu, bà Lê Hiền Đức tích cực tham gia chống tham nhũng. Bà là người chủ động chống tham nhũng ở mọi nơi mọi lúc, một cách có bài bản và có hiệu quả, bất chấp bị đe dọa, nguy hiểm. Hơn 20 năm kiên trì làm việc, Bà trở thành địa chỉ có uy tín để nhiều người ở Hà Nội và các tỉnh chung quanh đến gặp, gửi thư nhờ bà giúp đỡ cách chống tiêu cực. Vì vậy bà Lê Hiền Đức được đưa vào chung kết Giải thưởng Liêm chính quốc tế 2007 (2007 Integrity Awards). Giải Liêm chính quốc tế (TI), trụ sở đặt tại Berlin, Đức, là tổ chức xã hội được thành lập năm 1993 hoạt động nhằm tạo ra thế giới không có tham nhũng. Tại Diễn đàn chống tham nhũng 2007 tổ chức tại Hà Nội, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, ông Rolp Berman nói: “Việt Nam cần tự hào vì có những công dân như bà Lê Hiền Đức, là người không những chỉ muốn Đảng và Nhà nước chấm dứt nạn tham nhũng, mà còn thể hiện quyết tâm mạnh mẽ đóng góp cụ thể vào cuộc chiến chống tham nhũng. Hy vọng bà sẽ là tấm gương điển hình cho nhiều người Việt Nam khác”.

          Ngày 12.12.2007, Ban Tổ chức Minh bạch thế giới thông báo bà Lê Hiền Đức chính thức đoạt giải thưởng Liêm chính quốc tế cùng 20 người của các quốc gia khác. Ngày 21.01.2008, bà Đức nhận giải thưởng tại Berlin, Cộng hòa liên bang Đức. Giải thưởng không có tiền, chỉ là tờ giấy ghi công lao và một kỷ niệm chương bằng thủy tinh, thật có ý nghĩa với tên của giải thưởng. Đúng như ý nghĩ của bà Đức và những người hăng hái chống tham nhũng, không ai nghĩ làm để nhận giải thưởng! 

Phan Thu Hương

Theo http://nguoilambao.vn

Thu Hiền (st)


Bài viết khác: