Vi bac si gia
Bác sĩ Mai Khắc Thái (thứ 4 từ trái sang) và các cán bộ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chuẩn bị cho lễ viếng Bác Hồ sáng 5/9/1969 tại Hội trường Ba Đình. (Ảnh tư liệu)

KTĐT - Một phòng khám nhỏ khá yên tĩnh trên phố Lương Khánh Thiện, ở đó vị bác sĩ già vẫn ngày đêm miệt mài với công việc của mình, khám bệnh miễn phí cho mọi người.  

Ông là Đại tá, bác sĩ Mai Khắc Thái, người đã từng vinh dự được ứng trực trông nom thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những ngày đêm trực chiến bên thi hài Bác

Tôi tìm đến ông vào một ngày Hà Nội nắng như đổ lửa, nhưng phòng khám của ông vẫn tấp nập người đến, đi. Vị cựu Đại tá quân y 86 tuổi ấy tay thoăn thoắt với những cây kim, dò từng huyệt đạo châm cứu cho bệnh nhân. Trong lúc chờ ông xong việc, tôi ngắm nhìn xung quanh, mọi thứ ngăn nắp, gọn gàng cho thấy một tác phong quân đội vẫn hiện hữu. Phòng khám thêm trang trọng, linh thiêng nhờ những bức ảnh Bác Hồ. Và bên này là ảnh ông chụp cùng Tổ y tế tham gia bảo vệ thi hài Bác, bên kia chụp cùng lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chuẩn bị lễ viếng Bác Hồ sáng 5/9/1969. Nghỉ tay, ông bắt đầu câu chuyện đầy hào hứng. Những kỷ niệm, cảm xúc năm xưa như ùa về trong trái lim người lính già.

Sinh ra trong một gia đình dòng dõi “trâm anh”, ngay thuở nhỏ, ông đã được rèn luyện, giáo dục những đức tính cần cù, chăm chỉ, ham học hỏi. Ông nội của ông chính là cụ Mai Khắc Đôn, nguyên là Thượng thư Bộ Lễ, kiêm giáo đạo và là thầy dạy chữ Hán cho vua Duy Tân. Tuy làm quan trong thời Pháp thuộc nhưng cụ vô cùng yêu dân, thanh liêm, chính trực. Cảm mến đạo đức và tấm lòng yêu nước, thương dân của nhà vua trẻ Duy Tân, cụ đã gả con gái của mình, là tiểu thư Mai Thị Vàng cho nhà vua. Để tưởng nhớ và biết ơn vị quan thanh liêm này, mới đây UBND thành phố Huế đã quyết định lấy tên cụ để đặt cho một con đường mới mở trên địa bàn phường Kim Long... Ông kể say sưa, rồi chuyển sang câu chuyện của bản thân mình.

Câu chuyện của ông đưa chúng tôi về những năm tháng theo cách mạng của một thanh niên xứ Huế. Năm 1946, nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ, thanh niên xếp bút nghiên lên đường chiến đấu, ông tham gia Vệ quốc quân ở chiến trường Nam bộ. Khi đoàn của ông đi đến Khánh Hòa thì địa phương này bị địch chiếm nên phải ngược lên Tây Nguyên. Là một trong số ít người có trình độ văn hóa lúc bấy giờ nên ông được cử đi học lớp y tá (năm 1947), rồi về phụ trách công tác y tế tại Tiểu đoàn 1, mang tên Nguyễn Nhạc, thuộc Trung đoàn 67 (Trung đoàn này gồm 3 Tiểu đoàn, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ). Sau đó, ông được đề bạt lên Viện phó Viện 1 Quảng Ngãi, rồi Viện phó Viện 5 Phú Yên. Cuối năm 1952, cấp trên cử ông cùng 11 y tá của Nam và Trung trung bộ xuyên rừng Trường Sơn ra Việt Bắc học y sĩ. Khi ta mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, lớp học kết thúc để học sinh đi làm nhiệm vụ, ông phụ trách trại tù Âu Phi ở Quảng Xương - Thanh Hoá. Trao trả tù binh dưới Sầm Sơn xong, ông về Hà Nội làm việc tại một đơn vị nghiên cứu ở sân bay Gia Lâm. Sau khi tốt nghiệp Trường Sĩ quan Quân y, năm 1965 ông lại được cử đi Liên Xô học y học và tâm lý hàng không.

“Vinh hạnh nhất suốt cuộc đời quân ngũ của tôi, đó là những ngày trực chiến bên thi hài Bác Hồ”, giọng ông chùng xuống, xúc động. Ông kể tiếp: “Năm 1969, Bác ốm nặng, Trung ương biết Người khó qua khỏi nên cử đoàn bác sĩ Việt Nam sang Liên Xô học kỹ thuật bảo quản thi hài trong 6 tháng (Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh làm Trưởng đoàn). Năm ấy tôi vẫn đang là sinh viên, làm Bí thư Liên chi, phụ trách khối Chi đoàn quân đội của Học viện Quân y Leningrad; hồi đó không có người phiên dịch chuyên ngành y nên tôi được giao nhiệm vụ phiên dịch”.

Khi Bác mất, một nhóm chuyên gia của nước bạn được mời sang để hướng dẫn ta thực hiện ướp thi hài. Bác sĩ Thái tháp tùng đoàn chuyên gia về nước chở khí tài, bình thủy tinh, dung dịch… qua Việt Nam để thực hiện việc ướp thi hài Bác. “Hình ảnh cảm động nhất là hàng triệu người dân, bạn bè quốc tế đổ về Quảng trường Ba Đình viếng Bác, ai ai cũng nước mắt tuôn rơi… Bác nằm đó, như trong giấc ngủ ngon, gần gũi, thân thương biết nhường nào, Bác đã ra đi, nhưng hình ảnh Bác vẫn mãi mãi trong tâm trí mỗi người con đất Việt”, giọng đứt quãng, ông Thái kể lại câu chuyện cảm động về Bác Hồ. Với ông, 120 ngày làm nhiệm vụ bảo vệ thi hài Bác Hồ là niềm vinh dự, là những kỷ niệm không thể quên. 

Vi bac si gia 2
Bác sĩ Mai Khắc Thái. Ảnh: Thanh Hải

Một kỷ niệm nữa cũng khó quên với Đại tá, bác sĩ Thái. Đó là khi ông nhận nhiệm vụ làm Viện phó Viện Phòng không Không quân, kiêm Chủ tịch Hội đồng Giám định Không quân, ông đã khám, tuyển dụng và nghiên cứu diễn biến sức khỏe của Anh hùng vũ trụ Phạm Tuân, từ năm 1980 - 1986. “Lúc bây giờ tuyển phi công vũ trụ ngặt nghèo lắm, trong số hàng trăm người, tuyển được 30, 40 người, khi gửi lên Viện Phòng không Không quân, chỉ còn 5 người “lọt”. 5 người này được gửi sang Liên Xô tiếp tục khám tuyển, nhưng được 2 người là Phạm Tuân và Bùi Thanh Liêm đủ tiêu chuẩn. Sau khi test các vòng, Phạm Tuân được chọn là nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Việt Nam. Sau 6 năm nghiên cứu sức khỏe của Anh hùng vũ trụ, ngày 23/4/1987 bác sĩ Mai Khắc Thái được Uỷ ban Nghiên cứu vũ trụ Việt Nam trao giải thưởng khoa học vì đã hoàn thành xuất sắc công trình khoa học: “Đánh giá sức khoẻ phi công nghiên cứu vũ trụ Phạm Tuân trước, trong, sau chuyến bay vũ trụ Xô - Việt”.

Phải lấy đức làm trọng

Sau khi về hưu, 20 năm nay, bác sĩ Thái mở phòng khám để tiếp tục chữa bệnh cứu người. Ở phòng khách và phòng khám của bác sĩ Thái đều treo trang trọng các bức thư pháp chữ “Đức”. Thấy tôi ngắm nhìn những bức thư pháp này, ông giải thích: Thầy thuốc phải lấy đức làm trọng, nếu không thì không nên làm nghề. Bác Hồ đã dạy “Thầy thuốc như mẹ hiền”, muốn được như mẹ hiền phải có tấm lòng. Chữa bệnh thì thân hay sơ, giàu hay nghèo đều như nhau, không vì đồng tiền mà làm sai lệch thiên chức của mình”. Rồi ông nhắc lại quy tắc của Hải Thượng Lãn Ông: “Đạo làm thuốc là một “nhân thuật” chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình không nên cầu lợi kể công”. Quan niệm như vậy, nên cách ông ứng xử với bệnh nhân cũng hết sức thân thiện, gần gũi. Và bệnh nhân từ khắp các tỉnh, thành trên cả nước đến với phòng khám của ông ngày một nhiều hơn. “Tôi ít thấy một vị bác sĩ nào dù tuổi cao mà lại minh mẫn, nhanh nhẹn đến vậy. Hơn thế, ở ông có một tấm lòng, ông coi chúng tôi như người thân. Chữa bệnh ở đây một thời gian khá dài, nhưng chưa bao giờ tôi thấy ông có một cử chỉ, hay một lời nói nặng với bệnh nhân”, một bệnh nhân đến từ Lạng Sơn bày tỏ. Trước đó, khi tôi hỏi thăm tìm đến phòng khám, một người dân gần đấy bảo: “Chị tìm bác sĩ Thái chứ gì, đúng là tiếng lành đồn xa. Tôi cũng chữa bệnh ở đấy, hàng xóm láng giềng bác không lấy tiền”.

Phương pháp chữa bệnh của ông là Đông, Tây y kết hợp, châm cứu nhưng đi theo đường giải phẫu Tây y và sử dụng tân dược để điều trị. Đây là một phương pháp chữa bệnh mới nhưng rất hiệu quả. Nhiều bệnh nhân đau lưng, đau thần kinh, rối loạn tiền đình, liệt, méo mặt, méo miệng đều tìm đến ông và cải thiện bệnh lý trên 80 - 90%. Hàng ngày, phòng khám của ông khám, tư vấn và kê đơn thuốc miễn phí cho mọi đối tượng, miễn phí điều trị cho hàng xóm, thương binh nặng; người nghèo, người tàn tật được giảm phí điều trị trên 20%. Phòng khám của ông thu hút ngày càng nhiều bệnh nhân, phần do những ưu đãi đặc biệt, nhưng điều quan trọng hơn, ở đó luôn có tiếng cười, lời động viên, an ủi ân cần của vị bác sĩ già. “Tôi mở phòng khám, có chút thu nhập để động viên, nhưng mục đích chính là chữa bệnh cứu người. Trong khi bệnh nhân đang cần đến, mà mình ngồi không, dưỡng già thì không đành, lao động là vinh quang", vị bác sĩ già phấn chấn nói.

Gần 12 giờ trưa, chúng tôi rời phòng khám của ông, trời nắng chói chang, vẫn có thêm những bệnh nhân đội nắng đến khám bệnh. Và ông lại mất giấc ngủ trưa, nhưng tôi hiểu, niềm vui cứu người lại được nhen lên trong trái tim vị Đại tá, bác sĩ đã trọn đời cống hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân./.   

                                                                 

Theo Hải Lý/ Báo Kinh tế&Đô thị

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: