1. Luật Hôn nhân và Gia đình số 52/2014/QH13 được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Khoá 13, kỳ họp lần thứ 7 thông qua vào ngày 19-6-2014, gồm 9 chương, 133 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2015.

    Với những sửa đổi, bổ sung quan trọng, phù hợp với thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam, Luật này đã đáp ứng kịp thời các yêu cầu khách quan của đời sống hôn nhân và gia đình trong tình hình mới; bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam. Cụ thể như sau:

1. Nâng độ tuổi kết hôn của nam và nữ: Độ tuổi kết hôn của nam và nữ sẽ được nâng lên và được tính theo tuổi tròn, bắt buộc nam phải từ đủ hai mươi tuổi trở lên, nữ phải từ đủ mười tám tuổi trở lên mới được kết hôn.

2. Không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 bỏ quy định “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính” nhưng quy định cụ thể “không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính-Khoản 2 Điều 8”.

3. Cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là quy định mới của Luật Hôn nhân gia đình năm 2014, với quy định này đã phản ánh được thực trạng hiện nay, và đáp ứng với tình hình phát triển thực tế của các mối quan hệ trong hôn nhân và gia đình.

4. Qui định chế độ tài sản của vợ chồng.

5. Thêm đối tượng được yêu cầu giải quyết ly hôn thay vì chỉ vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng mới có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn như trước đây thì từ ngày 1-1-2015, cha, mẹ, người thân thích khác cũng có thể yêu cầu giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

6. Áp dụng tập quán trong hôn nhân và gia đình.

Luật này thay thế Luật Hôn nhân và Gia đình 2000.

 

2. Luật Việc làm số 38/2013/QH13 được Quốc hội thông qua ngày ngày 16 tháng 11 năm 2013. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.

Luật việc làm có 7 chương với 62 điều, điều chỉnh 05 nhóm vấn đề lớn sau đây:

1. Chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động, bao gồm: Chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm; Chính sách hỗ trợ chuyển dịch việc làm cho người lao động ở khu vực nông; Chính sách việc làm công, đây là chính sách mới nhằm cung cấp việc làm tạm thời có trả công cho người lao động thông qua việc thực hiện dự án hoặc hoạt động sử dụng vốn nhà nước gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cấp xã; Các chính sách hỗ trợ khác.

2. Thông tin thị trường lao động, lần đầu tiên thông tin thị trường lao động được quy định trong văn bản luật, góp phần phát triển thị trường lao động năng động, cạnh tranh, minh bạch và thống nhất.

3. Đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia Luật việc làm quy định việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia nhằm công nhận cấp độ kỹ năng nghề nghiệp (trình độ tay nghề) của người lao động và người lao động được tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia để hoàn thiện năng lực nghề nghiệp, tìm công việc phù hợp hoặc công việc yêu cầu phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

4. Tổ chức và hoạt động dịch vụ việc làm, nội dung này về cơ bản Luật việc làm kế thừa, có sửa đổi, bổ sung và cụ thể hóa các quy định của Bộ luật lao động năm 2012 về tổ chức và hoạt động của tổ chức dịch vụ việc làm nhằm bảo đảm xã hội hóa trong hoạt động dịch vụ việc làm.

5. Bảo hiểm thất nghiệp: Luật quy định đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng và mọi người sử dụng lao động.

Các quy định về bảo hiểm thất nghiệp của Luật bảo hiểm xã hội; Chương IX – Đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia của Luật dạy nghề hết hiệu lực kể từ ngày Luật việc làm có hiệu lực thi hành.

3. Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi các luật về thuế 2014 được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2014. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.

- Thuế TNDN: Dỡ bỏ mức trần 15% chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, hỗ trợ tiếp thị, hỗ trợ chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Áp dụng thuế suất 15% đối với thu nhập của doanh nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

- Thuế TNCN: Thu nhập của cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống không thuộc thu nhập chịu thuế.

- Thuế GTGT: Chuyển mặt hàng phân bón; thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác; máy móc, thiết bị chuyên dùng cho sản xuất nông nghiệp từ đối tượng chịu thuế suất 5% sang đối tượng không chịu thuế.

- Thuế tài nguyên: Chuyển từ đối tượng được miễn thuế sang đối tượng không chịu thuế đối với nước thiên nhiên dùng cho nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp.

- Luật Quản lý thuế: Bỏ quy định phạt chậm nộp thuế 0.07%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp vượt quá 90 ngày và giữ nguyên mức phạt chậm nộp 0.05%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.

4. Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 được Quốc hội thông qua ngày ngày 23 tháng 06 năm 2014.Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.

Luật bảo vệ môi trường (BVMT) trên tinh thần kế thừa các nội dung của Luật BVMT 2005, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật BVMT 2005. Luật hóa chủ trương của Đảng, các chính sách mới về BVMT; mở rộng và cụ thể hóa một số nội dung về BVMT  nhằm đáp ứng yêu cầu BVMT trong giai đoạn mới. Ngoài ra, Luật BVMT 2014 cũng đã xử lý những trùng lặp và mâu thuẫn với các luật khác để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; tạo tiền đề pháp lý để xây dựng các nghị định về BVMT, sắp xếp lại trật tự các chương, điều, câu chữ đảm bảo tính logic và khoa học. Luật BVMT 2014 gồm 20 chương và 170 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015, tăng 5 chương và 34 điều so với Luật BVMT 2005. Về cơ bản Luật BVMT 2014 có những nét đổi mới như sau: Bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm, các nội dung chính của báo cáo đánh giá và cách thực hiện đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC); bổ sung đối tượng phải lập ĐMC. Bỏ một số quy định cụ thể trong Luật về đối tượng phải lập Đánh giá tác động môi trường và giao cho Chính phủ quy định chi tiết danh mục các dự án thuộc diện này.

Luật này thay thế Luật bảo vệ môi trường 2005.

5. Luật Hải quan số 54/2014/QH13 đã được Quốc hội thông qua vào 23/6/2014 tại kỳ họp thứ VII và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/1/2015.

Luật Hải quan sửa đổi 2014 xuất phát từ yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng mà thực tế phát triển kinh tế đối ngoại trước mắt cũng như lâu dài đặt ra; tạo hành lang pháp lý cho hiện đại hóa hoạt động hải quan, áp dụng rộng rãi hải quan điện tử, đáp ứng tốt hơn yêu cầu cải cách hành chính, cải cách thủ tục hải quan hướng tới hoạt động hải quan công khai, minh bạch, hiệu quả hơn, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia, chống buôn lậu và gian lận thương mại.

Một số điểm mới của Luật Hải quan sửa đổi 2014 so với Luật hiện hành: Thời hạn nộp tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu chậm nhất là 04 giờ trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh; đối với hàng hóa xuất khẩu gửi bằng dịch vụ chuyển phát nhanh thì chậm nhất là 02 giờ. Ngoài ra, Luật bỏ quy định cơ quan hải quan phải xác nhận bằng văn bản khi có yêu cầu xuất trình, bổ sung hồ sơ, chứng từ ngoài hồ sơ, chứng từ theo quy định của pháp luật về hải quan.

Luật này thay thế Luật hải quan 2001 và Luật hải quan sửa đổi 2005.

6. Luật Công chứng (sửa đổi) số 53/2014/QH13 đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 ngày 20/6/2014. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.

Mở rộng thêm quyền cho công chứng viên như: quyền công chứng bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài và ngược lại; quyền chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản.

Tăng thời gian đào tạo công chứng viên lên 12 tháng; tăng thời gian hành nghề lên 05 năm đối với thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, luật sư đồng thời phải tham gia khóa bồi dưỡng nghề trong 03 tháng mới được miễn đào tạo nghề; thêm các điều cấm đối với công chứng viên.

Luật này thay thế Luật Công chứng 2006.

7. Luật Phá sản số 51/2014/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2014. Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.

Thay đổi mang tính cơ bản trong Luật Phá sản 2014 là trình tự phá sản doanh nghiệp. Theo Luật Phá sản hiện nay, trình tự phá sản doanh nghiệp như sau nộp đơn yêu cầu và mở thủ tục phá sản; phục hồi hoạt động kinh doanh;thanh lý tài sản và nợ nần và tuyên bố phá sản doanh nghiệp.

Như vậy, nếu không thanh lý được tài sản của doanh nghiệp thì doanh nghiệp không thể phá sản. Để giải quyết tình trạng này, Luật Phá sản 2014 tuyên bố phá sản doanh nghiệp trước rồi mới thanh lý tài sản. Tuyên bố phá sản vừa giúp đối tác biết chính xác tình trạng của doanh nghiệp cũng như tính chất pháp lý của việc bán tài sản trong quá trình thanh lý. Nói khác đi, giờ đây phá sản trở thành quy trình diễn ra lâu dài chứ không phải là một thủ tục chỉ để chốt lại kết quả của việc thanh lý tài sản.

Với việc xem phá sản là một quy trình, luật cũng đã khai sinh một nghề nghiệp mới: Nghề quản tài viên (là nghề kinh doanh có điều kiện). Quản tài viên là người quản lý tài sản, giám sát hoạt động kinh doanh, thanh lý tài sản của doanh nghiệp... trong quá trình phá sản. Quản tài viên sẽ là một nghề độc lập cũng như thừa phát lại, công chứng, luật sư hiện nay.Luật này thay thế Luật phá sản 2004.

8. Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 ngày 18/6/2014  được Quốc hội Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ban hành. Có hiệu lực từ ngày 01/01/2015.

Luật gồm 6 chương và 108 điều, trong đó có nhiều nội dung quan trọng như:

- Nguyên tắc công khai minh bạch trong đầu tư công.

- Các hành vi bị cấm trong đầu tư công: sử dụng vốn đầu tư công không đúng mục đích, không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức; cản trở việc phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư công...

- Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án.

- Trình tự lập, thẩm định, quyết định dự án.

- Lập, thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.

- Thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.

- Nhiệm vụ quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đầu tư công.

9. Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 được Quốc hội Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ban hành ngày 16/8/2014. Có hiệu lực từ ngày 01/01/2015.

Luật này bổ sung một số loại công trình được miễn giấy phép xây dựng như:

- Công trình thuộc dự án được Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các cấp quyết định đầu tư.

- Công trình xây dựng tạm phục vụ cho công trình chính.

- Công trình xây dựng thuộc dự án khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được thẩm định và phê duyệt.

- Nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở có quy mô <7 tầng, diện tích sàn < 500m2 có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt.

- Công trình sửa chữa, cải tạo làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lí kiến trúc.

Luật này thay thế Luật Xây dựng 2003.

10. Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi  số 48/2014/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 17 tháng 06 năm 2014.  Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.

Luật này sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004; theo đó có những nội dung đáng chú ý như sau:

- Cấm giao tàu thuyền cho người không đủ điều kiện điều khiển.

- Phân loại cảng thủy nội địa gồm cảng tổng hợp, cảng hàng hóa, cảng hành khách, cảng chuyên dùng và được phân thành cảng loại I, loại II, loại III.

- Thay đổi điều kiện đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng, máy trưởng.

11. Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam số 47/2014/QH13 được Quốc hội thông qua ngày ngày 16 tháng 06 năm 2014. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.

 Theo Luật này thì người nước ngoài được cấp thị thực nếu thỏa mãn các điều kiện sau:

- Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.

 - Có cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam mời, bảo lãnh trừ trường hợp cho người nước ngoài có nhu cầu nhập cảnh Việt Nam khảo sát thị trường, du lịch, thăm người thân, chữa bệnh.

 - Không thuộc các trường hợp chưa cho nhập cảnh.

- Người nước ngoài vào Việt Nam đầu tư, hành nghề luật sư, lao động, học tập phải có giấy tờ chứng minh mục đích nhập cảnh.

Ngoài ra, đối với Giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đã được cấp trước ngày 01/01/2015 còn thời hạn được tiếp tục sử dụng cho đến khi hết thời hạn ghi trong giấy tờ đó.

Luật này thay thế Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2000.

12. Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi số 46/2014/QH13 được Quốc hội thông qua ngày ngày 13 tháng 06 năm 2014. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.

Luật này sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế 2008, theo đó quy định:

Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động thuộc diện phải đóng bảo hiểm y tế mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ thì buộc phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng (tăng gấp đôi so với trước đây).

Ngoài ra người sử dụng lao động còn phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng bảo hiểm y tế mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ bảo hiểm y tế.

Đồng thời, mở rộng đối tượng tham gia; thay đổi mức đóng, phương thức đóng…

13. Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13 được Quốc hội thông qua ngày ngày 25 tháng 11 năm 2013. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.

Theo Luật thì tổ chức, cá nhân được hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật khi có đủ điều kiện sau đây:

- Người trực tiếp làm dịch vụ bảo vệ thực vật phải có trình độ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành trồng trọt, bảo vệ thực vật, sinh học hoặc có giấy chứng nhận tập huấn về bảo vệ thực vật;

- Có trang thiết bị làm dịch vụ bảo vệ thực vật phù hợp;

- Có địa chỉ giao dịch hợp pháp, rõ ràng;

- Được sự đồng ý bằng văn bản của UBND cấp xã nơi tổ chức, cá nhân này có địa chỉ giao dịch hợp pháp.

Luật này thay thế Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật năm 2001./

Kim Yến (Tổng hợp).

Bài viết khác: