Tôi gặp Marta Rojas, nữ nhà báo Cuba nổi tiếng tại khuôn viên của Đại sứ quán Việt Nam tại La Habana trong một buổi chiêu đãi. Đại sứ Phạm Tiến Tư giới thiệu: “Đây là một nhà báo từng sát cánh cùng quân giải phóng miền Nam Việt Nam trong suốt 10 năm chiến tranh, từng gặp và phỏng vấn Bác Hồ".
Bác Hồ gặp gỡ các đại biểu Châu Mỹ Latine. Ảnh : tư liệu
Hiện bà là Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Cuba – Việt Nam, nguyên Phó Tổng biên tập báo Gramma của Đảng Cộng sản Cuba. Đại sứ Tư tiết lộ, vào dịp mùng 2 tháng 9 này, nhân kỷ niệm 60 năm thành lập nước, chị Marta được Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị mời sang Việt Nam dự cuộc gặp mặt “Những người bạn quốc tế của Việt Nam”.
Hôm sau, chúng tôi đã được gặp lại bà tại trụ sở của Hội Hữu nghị Cuba với các nước. Việt Nam là một phần cuộc đời của Marta Rojas, người nữ phóng viên chiến trường từng viết và gửi về Cuba trên 300 bài báo về cuộc chiến tranh Việt Nam giai đoạn 1965-1975.
Nhờ những bài báo bằng tiếng Tây Ban Nha của Marta, không riêng gì hơn chục triệu người Cuba mà các lực lượng tiến bộ khắp châu Mỹ Latine đã thấu hiểu, cảm phục, và đấu tranh, ủng hộ dân tộc Việt Nam kiên cường quả cảm.
Bà xúc động nói: “Việt Nam luôn ở trong trái tim tôi. Điều làm tôi xúc động nhất, ngoài việc được sống và viết về các chiến sỹ quân giải phóng trong rừng, chính là lần trực tiếp được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, trong một cuộc phỏng vấn chỉ 2 tháng trước khi Người qua đời…”.
Năm 1959, khi Fidel tấn công trại lính Moncada, Marta vừa tốt nghiệp ĐH Báo chí. Cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài Batista thành công, Marta vào làm phóng viên tại tòa soạn báo cách mạng của Đảng Cộng sản Cuba.
Năm 1964, giữa lúc cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam đang cam go quyết liệt, Marta đã chủ động tìm tới đại diện của Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam (MTGPMN) tại La Habana để xin tới Việt Nam viết báo.
Mấy ngày sau, đích thân Fidel gọi Marta lên và giao nhiệm vụ: “Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam đã sẵn sàng đón tiếp, hãy lên đường ngay!”. Cùng đi sang Việt Nam với Marta còn có nam nhà báo Raul Valdes Vivo làm cho Báo Ngày Nay (cũng thuộc Đảng Cộng sản Cuba, sau này hai báo nhập làm một và lấy tên là Gramma).
Nhà báo Raul sau đó từng làm đại sứ Cuba tại Việt Nam trong một thời gian dài, về nước ông làm Trưởng ban Đối ngoại của Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, và hiện nay là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Giám đốc trường Đảng.
Marta và Raul tới Việt Nam qua đường Campuchia rồi luồn rừng vào Tây Ninh. Sáu tháng đầu tiên sống cùng các chiến sỹ quân giải phóng miền Nam, hàng loạt bài báo và bản thảo một cuốn sách đã được Marta liên tục gửi về nước. Nhờ đó, lần đầu tiên nhân dân Cuba và cả Châu Mỹ La tinh đã biết được những chi tiết sống động và chân thực nhất về cuộc chiến đấu kiên cường, mưu trí và dũng cảm của nhân dân Việt Nam.
Marta và các chiến sỹ quân giải phóng tại miền Nam Việt Nam năm 1967 (Ảnh tư liệu)
Suốt trong giai đoạn 1965 - 1975, cứ đều đặn mỗi năm 2 tháng, Marta lại có mặt tại chiến trường miền Nam để viết báo. Năm 1972 chị cũng đã có mặt tại Pháp để đưa tin về cuộc Hội đàm Pa-ri lịch sử.
Có ở Cuba những ngày tháng Tám lịch sử này, mới thấu hiểu tình cảm của tất thảy mọi người dân hòn đảo trong lành và xinh đẹp với Bác Hồ, với Việt Nam vẫn còn sâu đậm, thủy chung đến nhường nào.
Có một sự thực là, khi chúng tôi tới bất cứ đâu dọc theo chiều dài dải đất mang hình con cá sấu kiên cường cũng bắt gặp những lời nói, ánh mắt và nụ cười nồng ấm tràn đầy ngưỡng mộ về Bác Hồ, về Việt Nam của người dân Cuba.
Khi tôi hỏi về cuộc phỏng vấn Bác Hồ do chị thực hiện, Marta không giấu nổi xúc động, mắt rớm lệ đưa tay lên ngực rồi nói: “Đến giờ tôi vẫn giữ nguyên trong trái tim mình, nhớ như in từng chi tiết, không thể nào quên được!”.
Chị cho biết, đây là cuộc phỏng vấn cuối cùng của một nhà báo nước ngoài trước lúc Người đi xa, đó là vào một buổi sáng tháng 7 năm 1969, chị bồi hồi nhớ lại…
7h sáng, Bác mặc một bộ quần áo trắng giản dị ra tận cửa đón chúng tôi. Một điều hết sức bất ngờ là Bác đã chủ động chào tôi trước bằng tiếng Tây Ban Nha rất chuẩn, sau đó Người vui vẻ hỏi thăm sức khỏe của tôi, hỏi thăm sức khỏe của Fidel cũng bằng tiếng Tây Ban Nha. Ấn tượng đầu tiên trong lần đầu gặp Bác, đó là một con người vĩ đại song hết sức giản dị và lịch thiệp. Hôm ấy, Người đi một đôi dép quai hậu không tất…
Tôi đến với mục đích để phỏng vấn Bác, nhưng rốt cục Bác lại là người chủ động “phỏng vấn” tôi trước. Người nói, “Nào chúng ta hãy cùng nhau trò chuyện”.
Bác hỏi về cảm nhận của tôi khi chứng kiến trực tiếp cuộc sống và chiến đấu của bộ đội ra sao, rồi hỏi về tình hình dân chúng tại những nơi tôi đã đi qua kể từ sau chuyến đi đầu tiên vào năm 1965, nhất là thời gian ở Tây Ninh. Bác tiếp tôi tại ngôi nhà nhỏ gần Phủ Chủ tịch, Người đã dành một buổi nói chuyện dài với tôi và phần lớn thời gian là Người hỏi tôi.
Tôi có cảm nhận Người như một nhà hiền triết, một nhà cách mạng chân chính ham hiểu biết. Tôi hiểu Người đang muốn biết thêm thật nhiều về đời sống, tình cảm của dân chúng và các chiến sỹ thông qua một nhà báo nước ngoài như tôi.
Sau khi nghe tôi kể lại, Người xúc động nói: “Nỗi đau của nhân dân Việt Nam cũng chính là nỗi đau của tôi. Tôi dành cả cuộc đời mình cho nhân dân tôi”. Người mong muốn có một nước Việt Nam mười lần tươi đẹp hơn.
Sau này khi được đọc Di chúc của Bác, tôi nhận ra một số điều được viết trong di chúc cũng đã được Người nói với tôi hôm đó, nhưng bằng những lời lẽ giản dị hơn, tôi đã lắng nghe và viết lại trong một bài báo xuất bản vào năm 1969.
Tôi hỏi Người: “Dựa vào đâu mà Chủ tịch hoàn toàn tin tưởng vào thắng lợi trước một kẻ thù hùng mạnh về kỹ thuật, đang ra sức đã tàn phá làng mạc Việt Nam bằng bom đạn suốt ngày đêm như vậy? ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tôi tin vào sức mạnh và sự vĩ đại của nhân dân Việt Nam cùng sự đoàn kết ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân thế giới trong đó có nhân dân Cuba anh em.
Mỗi khi nhân dân Cuba từ bên kia bán cầu tổ chức những cuộc mít tinh, biểu tình thể hiện tình đoàn kết với cuộc đấu tranh của nhân dân chúng tôi, điều đó đã động viên chúng tôi rất nhiều, và nhất là những lời phát biểu của Chủ tịch Fidel Castro làm chúng tôi vô cùng cảm kích. Chúng tôi quyết tâm chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng”.
Người khẳng định: “Trong cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước chúng tôi sẽ còn gặp nhiều khó khăn và gian khổ, nhưng nhất định chúng tôi sẽ giành được thắng lợi!”.
Mục đích gặp để phỏng vấn Người, song Người đã chủ động giới thiệu tất cả về tình hình chính trị, kinh tế và xã hội Việt Nam với tôi. Người nói, trước đây Người cũng từng làm báo.
Tôi nói lời chia tay với Người rằng “Tôi tin tưởng Việt Nam sẽ chiến thắng”, Người cũng nói “Nhân dân Việt Nam có quyết tâm chiến đấu đến cùng và nhất định sẽ thắng lợi!”.
Hai tháng sau, tôi sững sờ khi nghe tin Bác mất. Hồi đó, Việt Nam bị tàn phá khốc liệt. Tôi lại tiếp tục lên đường sang Việt Nam.
Anh Đoàn Văn Thái, Bí thư Trung ương Đoàn tới thăm và tặng quà nữ nhà báo Marta, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Cuba - Việt Nam tại La Habana. Ảnh: Việt Hùng
Tôi tò mò hỏi bà: “Là một phụ nữ nước ngoài, lặn lội sang Việt Nam đầy bom đạn như vậy, bà không sợ sao, động lực nào đã đưa bà tới Việt Nam?”. Marta nói ngay: “Người phụ nữ Việt Nam nhỏ bé, gian khổ như vậy mà vẫn kiên cường. Điều đó làm tôi vô cùng xúc động và đã giúp tôi vượt qua mọi khó khăn”.
Hồi mới sang, Marta sợ nhất ếch, đỉa và vắt, sợ hơn cả máy bay ném bom của Mỹ. Mỗi khi luồn rừng hay lội qua sông, suối thấy đỉa bám lên người mà các cô gái Việt Nam thản nhiên cầm vứt ra, người nữ phóng viên ngoại quốc tròn xoe mắt.
Marta kể, tôi thấy các chiến sỹ trẻ quân giải phóng bị vắt cắn rất nhiều, song họ chỉ lấy ra và để lại trên lá cây. Tôi hỏi vì sao không giết chúng đi? Họ hóm hỉnh trả lời: Đây cũng là vũ khí thiên nhiên để chống lại giặc Mỹ!
Một lần khác, chúng tôi nấp ở ven rừng cùng quân giải phóng nhìn ra đường thấy hai bà cụ cứ thỉnh thoảng lại nhặt một cái gì đó cho vào chiếc túi nhỏ. Tôi thấy lạ bèn hỏi các chiến sỹ đi cùng mới biết, lát nữa sẽ có 1 chiến sỹ nhận chiếc túi để biết đã có bao nhiêu lính Mỹ ngụy đi qua con đường này trong ngày vì 2 bà cụ không biết chữ.
Có chứng kiến tận nơi tôi mới thực sự hiểu sức mạnh chiến tranh toàn dân của người Việt Nam. Chính vì vậy tôi đã hiểu vì sao Bác Hồ lại tin tưởng vào nhân dân của mình, vào cuộc thắng lợi đến thế.
Được hỏi về sự mất mát của nhân dân Việt Nam trong chiến tranh mà bà chứng kiến, Marta đã thực sự xúc động, giọng bà lạc đi khi kể cho tôi nghe về một vài chi tiết vẫn còn hằn trong ký ức bà: Đi cùng các đơn vị giải phóng quân, qua một đêm lại thấy thiếu đi vài gương mặt quen quen, hỏi được biết họ đã nằm lại đâu đó sau một trận chiến.
Đêm trước Mỹ ném bom Napal xuống một ngôi làng, tôi nhìn thấy ánh sáng rất lạ, không hiểu là cái gì. Sáng hôm sau tôi tới tận nơi thấy xác dân thường nằm la liệt vẫn còn phát sáng, khung cảnh thảm khốc khiến tôi vô cùng xúc động. Đường mòn Hồ Chí Minh chúng tôi đi qua bị rải chất độc da cam, mặc dù trời vừa mưa to, chạm vào lá cây mà da chúng tôi còn bị bỏng rộp…
Khi cầm bút viết những dòng này tôi chợt nhớ tới câu nhận xét của nữ nhà báo Cuba đầy kính trọng cũng là nhà báo nước ngoài cuối cùng được phỏng vấn Bác Hồ trong phần cuối câu chuyện của bà về chiến tranh Việt Nam: “Bất cứ lúc nào, nơi nào tôi cũng thấy nhân dân Việt Nam rất lạc quan, vẫn nhảy múa ca hát mặc cho bom rơi đạn nổ, vẫn trồng lúa, gặt hái bình thường trên mảnh đất có nền văn hiến hàng nghìn năm của mình, và cuối cùng họ đã chiến thắng”.
Theo Việt Hùng/vietbao.vn
Kim Yến (st)