BH voi Thanh Hóa
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Xí nghiệp
 cơ khí chuyên làm nông cụ của tỉnh Thanh Hóa (10/12/1961)

 Nằm ở cực Bắc miền Trung, cách Thủ đô Hà Nội 150 km về phía Nam, Phía Bắc giáp với ba tỉnh Sơn La, Hoà Bình và Ninh Bình, phía Nam giáp tỉnh Nghệ An, phía Tây giáp tỉnh Hủa Phăn (nước Cộng hoà DCND Lào), phía Đông là Vịnh Bắc Bộ.Thanh Hóa có bề dày lịch sử hào hùng và truyền thống văn hoá độc đáo. Suốt mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, Thanh Hóa là quê hương của nhiều  anh hùng dân tộc, danh nhân như: Bà Triệu, Lê Hoàn, Lê Lợi, Lê Văn Hưu, Lê Thánh Tông, Đào Duy Từ,... Cùng với những trang lịch sử oai hùng, càng khẳng định xứ Thanh là một vùng “Địa linh nhân kiệt”. Là người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có tầm nhìn chiến lược về mảnh đất và con người nơi đây. Người đã nhiều lần trực tiếp về thăm cũng như gửi thư động viên, thăm hỏi, biểu dương thành tích của Đảng bộ và nhân dân Thanh Hoá trong sản xuất và chiến đấu.

Khi toàn dân bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp,công việc bận rộn nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên. Người khởi hành từ ngày 18/2/1947, nhưng do đường xa, đi lại khá nguy hiểm Bác phải đi vòng qua Hòa Bình, Ninh Bình cho đến sáng sớm ngày 20/2/1947 Bác mới đến Thanh Hóa. Gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ tỉnh, với thân sĩ trí thức, các tầng lớp nhân dân, Bác bày tỏ mong ước Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh xây dựng tỉnh nhà thành một tỉnh kiểu mẫu. Bác nhận định: Thanh Hoá muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt. Bác cũng chỉ rõ xây dựng tỉnh “kiểu mẫu” trên mọi mặt phải bắt đầu từ cá nhân mỗi người trước: làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu, một nước kiểu mẫu. Chia tay trong lần gặp ấy, Bác đã nhắn gửi tha thiết với lời hẹn ngày trở lại: Đồng bào trong tỉnh hãy xắn tay áo làm đi, lần sau về đây tôi sẽ thấy mỗi người là một người “kiểu mẫu”.

Mười năm sau, ngày 13/6/1957, nhân dân Thanh Hoá lại vinh dự được đón Bác về thăm lần thứ hai. Người đã khen ngợi và ghi nhận những đóng góp to lớn của nhân dân Thanh Hóa trong vai trò “hậu phương lớn” của kháng chiến chống Pháp và đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong buổi nói chuyện, Người có nhắc đến sự hy sinh của những người con ưu tú đã đóng góp cho kháng chiến, những công trình kinh tế như đập Bái Thượng, đê sông Mã, sông Chu, những địa phương có nhiều thành tích như xã Vĩnh Khang đã xóa xong nạn mù chữ... Người kết luận: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”(1).

Những lần về thăm ấy của Bác là nguồn cổ vũ, động viên kịp thời cho người dân Thanh Hóa quyết tâm chiến đấu, hết lòng vì lý tưởng độc lập cho dân tộc. Điều này còn có ý nghĩa chiến lược vì Thanh Hoá là một trong những tỉnh có tiềm lực lớn về nhiều mặt: Đất rộng, người nhiều, nhân dân có truyền thống anh dũng đấu tranh và cần cù lao động, có địa thế phát triển về kinh tế biển, đồng bằng và rừng núi. Khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, cần phải huy động nhân lực, vật lực tối đa, Thanh Hóa là địa phương có điều kiện để đáp ứng. Mảnh đất này là huyết mạch của con đường chi viện cho tiền tuyến miền Nam, con người nơi đây luôn tiếp sức ủng hộ sức người, sức của, góp phần to lớn vào thắng lợi của cách mạng dân tộc.

Năm 1957, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi chưa lâu. Thanh Hóa đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm về thăm. Trong buổi họp mặt nhân dân tại thị xã Thanh Hoá, Người đã khen ngợi nhân dân Thanh Hóa mưu lược, dũng cảm đặc biệt là tuổi trẻ có nhiều đóng góp và hy sinh vì cách mạng: “...Thanh niên tham gia bộ đội có các đồng chí anh hùng như: Lò Văn Bường, Trần Đức, Tô Vĩnh Diện, Lê Công Khai... đó là những người rất ưu tú, chẳng những làm vẻ vang cho cả tỉnh mà còn vẻ vang cho cả nước non ta”(2).

Năm 1960, tại Đại hội đại biểu Công đoàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ VI, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu và căn dặn địa phương những lời thật tâm huyết. Trước hết Người nhấn mạnh vai trò của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn trong phong trào thi đua yêu nước: Thi đua tốt là phải làm nhanh, nhiều tốt, rẻ. Bốn chữ ấy đi liền với nhau. Nhanh, nhiều nhưng không tốt, không rẻ là không được”(3). Thi đua tốt sẽ xóa tan mọi nỗi khó khăn, thắng mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng. Bác luôn mong muốn và tin tưởng tổ chức công đoàn và lực lượng công nhân sẽ làm gương xung phong cho đồng bào hậu phương. Bác đã chia sẻ những khó khăn với bà con nông dân về nền nông nghiệp cũ kỹ và lạc hậu. Muốn nông nghiệp của Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung phát triển phải có biện pháp cải tiến nông cụ hiện có theo hướng vừa đơn giản ai cũng làm được. Muốn làm được công việc này thì công nhân phải giúp nông dân một cách có kế hoạch. Sự chỉ bảo ân cần và những lời động viên của Bác trong buổi gặp gỡ ấy mãi là một kỷ niệm sâu sắc trong trí nhớ của những người con tỉnh Thanh được gặp và trực tiếp nghe Bác dặn dò. Trong lần về thăm ấy, Bác đã có dịp nghỉ lại ở Đền Cô Tiên – Sầm Sơn, nơi được thiên nhiên đã ưu ái cho một bãi biển kỳ thú, nên thơ cùng với nhiều tích sử từ ngàn xưa để lại. Sau khi đi thăm và thưởng ngoạn cảnh đẹp của Sầm Sơn, Bác đã tắm biển và kéo lưới cùng bà con ngư dân, gặp gỡ và trao đổi với cán bộ, Bác căn dặn: Nếu nơi đây có một hệ thống dịch vụ khách sạn và có phương tiện đưa đón khách nghỉ mát để tới Hòn Mê thì sẽ thu được nhiều của cải từ đây... Ghi nhớ lời dạy của Người, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Sầm Sơn đã từng bước phát huy thế mạnh kinh tế biển, đưa ngành du lịch - thuỷ sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng và phát triển khu du lịch Sầm Sơn là một trong những địa danh nổi tiếng, là niềm tự hào của Ngành Du lịch Thanh Hoá và du lịch cả nước.

Ngày 16/12/1961 Bác trở lại Thanh Hóa. Thời gian ấy, miền Bắc bắt đầu kế hoạch 5 năm, xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội đồng thời làm hậu phương lớn để miền Nam kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.Bác đến thăm Nhà máy cơ khí Thanh Hoá, Hợp tác xã Thành Công, rồi Người ân cần đến thăm hỏi các cháu trường mầm non, thăm Hợp tác xã nông nghiệp điển hình Yên Trường (Yên Định).  Khi nói chuyện với đồng bào, cán bộ Bác đã khẳng định: “...Tỉnh ta có ngót 12 vạn đảng viên và đoàn viên thanh niên lao động, đó là một lực lượng rất lớn. Cán bộ, đảng viên và đoàn viên thanh niên cần phải thực sự xung phong gương mẫu tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống quan liêu mệnh lệnh, chống lãng phí, tham ô... Ra sức phát triển và củng cố tốt Đảng và Đoàn; đoàn kết toàn dân. Làm được như thế thì Thanh Hoá chắc sẽ trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở  miền Bắc...”(4).

Có thể nói, những lần Bác về thăm Thanh Hóa đều là những mốc thời gian quan trọng của cách mạng cả nước nói chung và là vinh dự riêng cho nhân dân Thanh Hóa. Mỗi chuyến đến thăm Bác đều biểu dương khen ngợi cũng như phê bình một cách kịp thời. Không chỉ trực tiếp về thăm, Bác còn nhiều lần gửi thư, biểu dương, khen ngợi và tặng Huy hiệu của Người cho những thành tích xuất sắc của quân và dân xứ Thanh trên mọi mặt sản xuất và chiến đấu: Tháng 6/1950, Bác đã viết thư gửi đồng bào Thanh Hóa, Người nói: “Tôi thay mặt bộ đội địa phương cảm ơn đồng bào và thay mặt Chính phủ khen ngợi đồng bào”(5). Bác khen ngợi ba xã xuất sắc nhất: Xã Tân Tiến, xã Hoằng Lộc và xã Đông Anh. Trong đó xã Đông Anh có thành tích cao nhất là giúp bộ đội địa phương 3.800.000 đồng nên được Bác tặng riêng một lá cờ, phần dưới cờ là chữ Hồ Chí Minh. Tháng 11/1954, Bác gửi thư và tặng quà huy hiệu cho cán bộ, đồng bào, thanh niên, dân công ở công trường xe lửa và đập sông Chu. Quan tâm đến tuổi trẻ Thanh Hoá cùng với tuổi trẻ Nghệ an vượt qua gian khổ xây dựng tuyến đường sắt Thanh Hóa - Nghệ An, ngày 19/5/1964, Bác gửi thư khen: Thanh niên đã xung phong tình nguyện làm việc đó, thế là đã làm đúng khẩu hiệu “Đâu Đảng cần thanh niên có, đâu Đảng khó có thanh niên”. Sau đó 3 năm, năm 1967, biết tin các trung đội nữ dân quân Thanh Hóa lập thành tích bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, tiêu biểu như: trung đội dân quân gái Hoa Lộc (Hậu Lộc); xã Thanh Thủy (Tĩnh Gia); xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa); Hà Tiến (Hà Trung),… Bác đã gửi thư khen: “...Cùng với thành tích to lớn chống Mỹ cứu nước của phụ nữ cả nước ta, chiến công của các cháu làm rạng rỡ thêm truyền thống của phụ nữ Việt Nam dũng cảm đảm đang. Bác vui lòng khen ngợi các cháu và tặng mỗi cháu một Huy hiệu”(6).

Trở lại những ngày Mỹ ném bom miền Bắc ác liệt, Thanh Hóa lập nhiều chiến công và đã được Bác kịp thời biểu dương, khen ngợi. Đặc biệt, những tấm gương điển hình trong sản xuất như các hợp tác xã thâm canh lúa giỏi: Hợp tác xã Đông Phương Hồng (Thọ Hải - Thọ Xuân), hợp tác xã Thắng Lợi (Xuân Thành - Thọ Xuân)... rồi rất nhiều những cá nhân có thành tích xuất sắc trong lao động và chiến đấu được Bác tặng thưởng Huy hiệu của Người. Những thành tích cụ thể được Bác khen ngợi là vậy nhưng bên cạnh đó những biểu hiện sống xa cách với dân, có những việc làm không vì dân, ảnh hưởng đến lợi ích của dân Bác lại thẳng thắn phê bình, kỷ luật và khuyên nhủ cặn kẽ. Đối với những cán bộ có thái độ quan liêu, hách dịch trong ứng xử với dân, là những người chưa được dân hài lòng, tin trọng Bác luôn phân tích đưa ra cho họ lời khuyên, dạy bảo ân cần, thấm thía: Phải làm trọn “người đày tớ của nhân dân”: Phụng sự nhân dân, gần dân, hiểu dân, làm cho dân tin, dân quý. Cụ thể trong buổi nói chuyện với nhân dân khi về thăm Thanh Hóa lần cuối 1961 Bác đã khen các cấp lãnh đạo đoàn kết nhất trí, tận tụy phục vụ nhân dân, chấp hành chỉ thị của cấp trên một cách nghiêm chỉnh. Bác cũng nhắc nhở cần phải lãnh đạo cụ thể hơn nữa, phải đi sâu đi sát hơn nữa. Phải tuyệt đối tránh tư tưởng chủ quan thỏa mãn, tránh tác phong quan liêu mệnh lệnh, phải khắc phục lề lối làm việc luộm thuộm. Phải hết sức chú trọng bồi dưỡng cán bộ cũ và dìu dắt những cán bộ trẻ tiến lên.

Những lời động viên khen ngợi và phê bình kịp thời của Bác có một ý nghĩa thật lớn lao, một sự lan tỏa mạnh mẽ đến kỳ diệu. Những cá nhân, đơn vị nào được khen ngợi thì phấn khởi tin tưởng; tổ chức nào, cơ sở nào bị phê bình thì kịp thời sửa chữa, khắc phục. Hình ảnh của vị lãnh tụ - Hồ Chí Minh trong những lần về với nhân dân tỉnh Thanh Hóa mãi là hình ảnh đẹp, tư tưởng đạo đức và tấm gương sáng ngời ấy luôn tỏa sảng và là niềm tin để nhân dân Thanh Hóa luôn cố gắng phấn đấu trở thành một tỉnh “kiểu mẫu”, đạt được nhiều thành tựu trên mọi lĩnh vực như niềm tin và sự mong mỏi của Người lúc sinh thời.

Phát huy truyền thống tốt đẹp của lịch sử dân tộc và niềm tự hào về mảnh đất địa linh nhân kiệt. Thực hiện những lời chỉ bảo ân cần của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã làm việc quên mình, đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Đã 41 năm Người đi xa, trong khoảng thời gian ấy đất nước và nhân dân tỉnh Thanh đã trải qua nhiều thăng trầm nhưng cũng đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Với những tiềm năng, lợi thế vốn có của địa phương; Thanh Hóa đã đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn diện từ 7,8 % năm 2005 tăng lên 11,5 % năm 2010 trong đó thu nhập bình quân đầu người đến năm 2010 đạt 4,5 triệu đồng/người/năm trở lên. Số hộ đói nghèo từ 46,77% năm 2001 giảm xuống còn hơn 30% năm 2010. Ngành kinh tế Lâm nông - TTCN - Xây dựng và dịch vụ hiện nay là những ngành đang được tỉnh đầu tư quan tâm. Đã có nhiều khu công nghiệp mới được quy hoạch với quy mô lớn để mở rộng các ngành nghề công nghiệp như chế biến sản phẩm từ rừng, sản xuất đá Granit, thủy điện... Nhiều năm nay, du lịch vẫn là một trong những ngành đem lại lợi nhuận phát triển kinh tế chủ yếu nhằm nâng cao đời sống của người dân. Trong tương lai, ngoài tiềm năng khai thác du lịch biển, Thanh Hóa đã và đang triển khai nhiều dự án khai thác và xây dựng nhiều khu du lịch sinh thái, du lịch gắn liền với địa danh, tên tuổi của các vị anh hùng dân tộc đã được sinh ra trên mảnh đất này. Cùng với sự đi lên của kinh tế, giáo dục, y tế an ninh cũng được tỉnh quan tâm và phát triển đồng bộ. Ngay từ những tháng đầu tiên, Chính quyền lâm thời Cách mạng cũng đã dốc sức vào Bình dân học vụ – Từ tháng 9/ 1945 cho tới tận ngày hôm nay, có thể nói không lúc nào tỉnh Thanh Hóa sao nhãng công tác này.

          Trong những lần về thăm, Bác Hồ cũng luôn luôn nhắc nhở phải làm tốt Bình dân học vụ – Bổ túc Văn hóa. Bác dặn gia đình cũng là 1 trường học, trẻ em cũng là giáo viên, cả làng góp gạo nuôi thầy giáo, không có giấy thì viết vào cát, không có bút thì dũng lẽ tre (cành tre nhỏ). Nhờ sự quan tâm rất mực của lãnh tụ, của Đảng bộ và Chính quyền tỉnh, đội ngũ những người làm công giáo dục Thanh Hóa đã làm nên thành tựu lớn lao của mình. Hơn 60 năm kiên trì, bền bỉ liên tục xóa mù chữ, dạy Bình dân học vụ – Bổ túc văn hóa cho đông đảo nhân các dân tộc trong tỉnh và cho cán bộ, công nhân viên trình độ dân trí, trình độ văn hóa của cán bộ địa phương đã được nâng lên rõ rệt. Năm 2004, 11/11 xã, thị trấn có số trường được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở. Cả tỉnh đã xây dựng được 10 trường đạt chuẩn Quốc gia. Hàng năm khánh thành trên 12 làng, bản, cơ quan văn hoá, trong đó có 60% số hộ đạt gia đình văn hóa trở lên... Cả huyện có trên 26 Bệnh viện Đa khoa và 27 Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố đáp ứng được đầy đủ nhu cầu và phục vụ nhân dân tận tình chu đáo.

Trở lại Thanh Hóa hôm nay, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng trước sự phát triển vượt bậc với bao thay đổi. Thanh Hoá đã sớm trở thành một trong những trung tâm giao lưu kinh tế giữa Bắc Bộ với Bắc Trung Bộ và là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội mạnh của cả nước. Sự tiến bộ và phát triển đi lên của Thanh Hóa hôm nay là món quà vô giá kính dâng Bác Hồ. Những lời khen ngợi, phê bình và dặn dò chỉ bảo ân cần của Người mãi mãi là nguồn động viên to lớn đối với cán bộ và nhân dân Thanh Hóa trong quá trình hội nhập và phát triển.

Chú thích:

1. Hồ Chí Minh Toàn tập, t.8, tr.400, Nxb CTQG. 2000

2. Báo Thanh Hoá, số ra ngày 19/8/2008

3. Sđd. t.10, tr.178, Nxb CTQG. 2002

4. Sđd. t.10, tr.486, Nxb CTQG. 2000

5. Sđd. t.12, tr.238, Nxb CTQG. 2000

6. Sđd, t.12, tr.315

 Mai Lệ Huyền/Phòng Tuyên truyền – Giáo dục
Theo ditichhochiminhphuchutich.gov.vn
Kim Yến (st)

Bài viết khác: