Đảng bộ và quân dân Ninh Bình rất vinh dự và tự hào 5 lần được đón Bác Hồ về thăm. Điều đó nói lên tình cảm lớn lao của Bác và lòng biết ơn sâu nặng của cán bộ, quân, dân Ninh Bình đối với Bác kính yêu. Thời gian qua đi, song hình ảnh Bác kính yêu cùng những lời chỉ bảo ân cần và tình cảm của Người mãi mãi in đậm trong ký ức của cán bộ và nhân dân Ninh Bình.

BH voi Ninh Binh
Bác Hồ trò chuyện với cán bộ, công nhân nông trường Đồng Giao- Tam Điệp

Trong khoảng 15 năm, tính từ tháng 1/1946 đến tháng 7/1960, Bác Hồ về thăm Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình, thể hiện tình cảm lớn lao của Bác với Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân trong Tỉnh, đồng thời cũng gắn với những nhiệm vụ to lớn của Đảng, của cách mạng. Đoàn kết lương giáo, tăng gia sản xuất, diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm; xây dựng củng cố chính quyền cách mạng, đoàn kết và dân chủ; xây dựng củng cố hậu phương, mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất. Đây là những vấn đề rất quan trọng của cách mạng Việt Nam nói chung và của Ninh Bình nói riêng, luôn luôn được Bác quan tâm…

Cán bộ, đảng viên và nhân dân Ninh Bình mãi mãi ghi nhớ và thực hiện lời Bác dạy: “ĐOÀN KẾT VÀ DÂN CHỦ - MỘT LÒNG MỘT DẠ PHỤC VỤ NHÂN DÂN”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, vừa là lãnh tụ thiên tài của dân tộc, vừa là Bác Hồ kính yêu của mỗi người dân Việt Nam. Cả cuộc đời của Bác vì dân, vì nước. Tư tưởng của Người trở thành ngọn cờ hiệu triệu, ngọn đuốc soi đường và là niềm tin, sức mạnh cho mỗi người chúng ta. Tiếng nói của Người trở thành tiếng nói của non sông, đất nước, hợp với ý nguyện của mỗi người dân từ trẻ đến già.

Đối với Ninh Bình, Bác Hồ dành sự quan tâm trong suốt các thời kỳ cách mạng. Từ Cách mạng Tháng Tám thành công đến lúc Bác đi xa, 5 lần Ninh Bình được vinh dự đón Bác về thăm. 5 lần là không nhiều so với mong muốn của chúng ta, nhưng không ít so với nhiều tỉnh anh em. Và, khi Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X khai mạc (tháng 5/1969) (lúc ấy sức khoẻ Bác đã giảm sút nhiều) Bác không về dự, nhưng gửi tặng Đại hội bức chân dung của Người với dòng chữ “Khuyên cán bộ một lòng, một dạ phục vụ nhân dân. Chúc đồng bào các dân tộc đoàn kết chặt chẽ, sản xuất tốt, chiến đấu giỏi, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Chính tay Bác ghi dòng chữ “ngày 26-5-1969” và ký dưới tấm ảnh. Đồng thời Người còn dặn đồng chí Hà Thị Quế, Uỷ viên Trung ương Đảng, thay mặt Trung ương về dự Đại hội, nhắc Đại hội phải thật sự “đoàn kết và dân chủ”.

“Đoàn kết và dân chủ”, “Một lòng một dạ phục vụ nhân dân”, đó là tư tưởng lớn của Người, là tấm gương sáng ở Người, là lời căn dặn ân cần, lòng mong muốn của Người, đối với các thế hệ cán bộ, đảng viên trong mọi thời kỳ cách mạng đã qua, hôm nay và mãi mãi sau này!

Tư tưởng lớn đó, lời căn dặn và lòng mong muốn ấy của Bác xuyên suốt; hàm chứa trong lời căn dặn của Người ở tất cả các lần Người về thăm Ninh Bình và hội tụ lại trong lời dặn của Bác gửi Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, cũng là lời dặn dò cuối cùng trước lúc Bác đi xa…

Ngày từ lần đầu tiên về thăm Ninh Bình, thăm đồng bào Phát Diệm, Kim Sơn (ngày 13-1-1946) sau khi cách mạng mới thành công, việc nước còn nhiều bề bộn, thù trong giặc ngoài chống phá quyết liệt, Bác Hồ kêu gọi lương, giáo đoàn kết, vì “nước không độc lập thì tôn giáo không được tự do”, lương, giáo đoàn két để làm cho nước nhà được độc lập. Và, khi đề cập đến dân chủ, đến bổn phận của cán bộ đối với dân, Người chỉ rõ: “Chính phủ cũng như các cấp chính quyền bây giờ là tôi của dân, chứ không phải là quan hồi Pháp thuộc để bắt nạt dân”. Người chỉ rõ công việc trước mắt là đồng bào phải “tham gia chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, phải đoàn kết, hăng hái tham gia kháng chiến, kiến quốc”. Chính vì sự đoàn kết lương giáo, đoàn kết dân tộc để chiến thắng kẻ thù, giành và giữ độc lập cho Tổ quốc mà Người chẳng những trực tiếp đến thăm trong một thời gian ngắn, 5 lần Người gửi thư cho Giám mục Lê Hữu Từ, với lòng mong muốn xây dựng và phát triển sự đoàn kết lương giáo.

Khi về dự Hội nghị Điền chủ tại Nho Quan (ngày 10-2-1947) để bàn việc giúp đỡ đồng bào tản cư Bác Hồ lại kêu gọi “đoàn kết” để “trường kỳ kháng chiến”, “toàn diện kháng chiến” đi đến thắng lợi. Và cũng một lần nữa Người nói: “Chính phủ Việt Nam là Chính phủ của dân. Những người giúp việc cho Chính phủ là công bộc của dân, không phải là những ông quan. Đồng bào được tự do phê bình, nhắc nhở, khuyên bảo”.

Trong lần về thăm và kiếm tra công tác chống hạn ở Ninh Bình (ngày 15-3-1959) và dự Hội nghị Sản xuất đông xuân (ngày 18-10-1959), Bác nhắc phải đoàn kết để đẩy mạnh sản xuất, xây dựng hợp tác xã. Người nhấn mạnh “phải đoàn kết toàn dân, đoàn kết trong Đảng và ngoài Đảng, đoàn kết lương, giáo… đoàn kết chặt chẽ để thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm,  xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”. Và, Bác lại nhắc nhở: “Cán bộ, đảng viên phải xung phong, gương mẫu trong mọi việc”. Bác chỉ rõ, nguyên nhân của khuyết điểm trong vụ sản xuất Đông Xuân không đạt kế hoạch: “Là vì cán bộ chủ quan, chưa điều tra nghiên cứu kỹ, chưa bàn bạc kỹ với quần chúng, chưa đi đúng đường lối quần chúng. Mức đặt ra chưa phải từ dưới lên mà ở trên dội xuống. Khuyết điểm đó chính là do cán bộ còn quan liêu, mệnh lệnh, chưa phát huy được dân chủ “Cả cuộc đời Bác là tấm gương sáng, vô cùng cao đẹp về “đoàn kết và dân chủ”, về sự hy sinh phấn đấu “một lòng một dạ phục vụ nhân dân”, vì hạnh phúc của nhân dân.

Tình cảm của Người, tư tưởng của Người khắc ghi trong tiềm thức, trong tâm khảm, trong trí nhớ và trong trái tim của bao thế hệ cán bộ, nhân dân Ninh Bình, trở thành động lực lớn lao trên con đường xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Theo Ninhbinh.gov.vn
Minh Thu (st)

Bài viết khác: