Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “dĩ bất biến ứng vạn biến” đã được thực tiễn sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất Tổ quốc kiểm nghiệm, khẳng định giá trị lịch sử quý báu, lâu bền đối với cách mạng Việt Nam.

dau tranh theo tu tuong hcm

Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chúng ta cần tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu sâu sắc, làm sáng tỏ những vấn đề thuộc nguyên tắc phương pháp luận, để tìm ra những đối sách, giải pháp, vận dụng vào thực tiễn đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo nước ta.

1. Quan điểm “dĩ bất biến ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được hiểu một cách tổng quát là, lấy cái không thay đổi (bất biến) để đối phó với muôn sự thay đổi; đối phó với muôn sự thay đổi (ứng vạn biến) để thực hiện, bảo vệ, củng cố, phát triển cái bất biến. Đây là quan điểm mang tính nguyên tắc phương pháp luận biện chứng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hoạt động đối ngoại. Cái bất biến cơ bản nhất mà Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Người, của dân tộc Việt Nam, là hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, dân chủ, và hạnh phúc của nhân dân. Người từng nói: “Mục đích bất di bất dịch của ta vẫn là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì linh hoạt”(1). Như vậy, cái bất biến chính là mục tiêu, là chiến lược cách mạng xuyên suốt, cái vạn biến không chỉ là “muôn sự thay đổi”, mà còn là sự vận dụng linh hoạt các sách lược, con đường, cách thức, lộ trình phù hợp với từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể, để thực hiện hiệu quả nhất mục tiêu, chiến lược đã được xác định.

Cái bất biến cũng được xác định trong từng lĩnh vực hoạt động cụ thể. Ví dụ như: Trong đấu tranh ngoại giao, phải quán triệt quan điểm độc lập tự chủ, tự lực, tự cường - có nghĩa là dân tộc Việt Nam phải tự mình vạch ra đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ trên cơ sở lợi ích quốc gia và phù hợp với chuẩn mực quốc tế, thích ứng với xu thế thời đại; trong lĩnh vực nhận thức luận, cái bất biến là lương tâm, bản lĩnh, trí tuệ, sự bình tĩnh, sáng suốt, thái độ khách quan, khoa học (không được để cảm tính thay cho lý trí); nhìn cho rộng, suy cho kỹ, luôn làm chủ tình thế “thấy trước, chuẩn bị trước”; “Muốn thành công: Thì phải biết trước mọi việc”(2); phải tích cực chuẩn bị các điều kiện, nhưng phải biết chọn thời cơ để giành thắng lợi từng bước, giành thắng lợi từng bộ phận. 

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn thực hiện được cái bất biến, phải ứng vạn biến - linh hoạt kết hợp hài hòa giữa chiến lược và sách lược, giữa cương và nhu, giữa chủ động và sáng tạo; muốn “ứng vạn biến” phải nhận thức đúng về thế và lực của chủ thể, của quốc gia, và của đối tượng, cái thuận và nghịch của tình hình thế giới trong từng giai đoạn và thời điểm cụ thể; đồng thời, sự vạn biến không được xa rời cái bất biến mà phải phục vụ cái bất biến, sự vạn biến phải biết điểm dừng, tránh làm tổn hại cái bất biến, nhất là không được phạm đến cái bất biến - là chủ quyền quốc gia.

Trong cuộc đời cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trước hết, trên hết. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Người đã gửi đến các nước trên thế giới thông điệp khẳng định: 1) Việt Nam là một nước độc lập - vì, chỉ những quốc gia độc lập, tự do thật sự, mới có quyền quyết định đường lối đối nội và đối ngoại của đất nước mình; 2) Khẳng định Việt Nam thực hành đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình và hợp tác với các nước trên cơ sở “tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nhau, không xâm phạm, không can thiệp vào các công việc nội bộ, bình đẳng và hai bên cùng có lợi, chung sống hòa bình”(3); 3) Thay mặt quốc gia Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố “nhân dân chúng tôi thành thật mong muốn hòa bình. Nhưng nhân dân chúng tôi cũng kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước”(4). 

Những năm 1945 - 1946, trong hoàn cảnh hiểm nghèo, phải đối phó với nhiều kẻ thù, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở xác định “dân tộc trên hết”, “Tổ quốc trên hết”, đã tỉnh táo đề ra những đối sách khôn khéo, phân hóa cao độ kẻ thù: Lúc thì chủ trương “Hoa - Việt thân thiện”, chọn thời cơ thương lượng để hòa với quân Tưởng, hạn chế hành động chống phá cách mạng Việt Nam của chúng và để rảnh tay đối phó với thực dân Pháp; lúc thì chọn thời cơ thương lượng hòa hoãn với Pháp để đuổi nhanh quân Tưởng về nước, thực hiện chủ trương “hòa để tiến”. Cũng trong năm 1946, trước sự hiếu chiến, khiêu khích của thực dân Pháp, để đẩy lùi nguy cơ xung đột lớn, tranh thủ thêm thời gian xây dựng lực lượng, với phương châm “còn nước còn tát”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký những hiệp ước nhân nhượng với Pháp, trong đó có Tạm ước 14-9, đây là “nhân nhượng cuối cùng của Đảng và Chính phủ ta, nhân nhượng nữa là phạm đến chủ quyền đất nước, là hại đến quyền lợi cao trọng của dân tộc”(5). Lịch sử cho thấy, đối sách biện chứng giữa “dĩ bất biến” và “ứng vạn biến”, là một trong những nhân tố/yếu tố cơ bản đưa nước ta ra khỏi tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” trong buổi đầu vừa mới giành được chính quyền từ tay đế quốc, phong kiến.

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc (1946 - 1975), Việt Nam phải chiến đấu với những đối phương mạnh hơn gấp nhiều lần về tiềm lực kinh tế, quân sự. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, và thấm nhuần quan điểm độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, toàn vẹn lãnh thổ; trong hoàn cảnh vô vàn khó khăn, thử thách, nhưng chúng ta đã xây dựng được thực lực mạnh mẽ, và tạo lập được một mặt trận nhân dân thế giới rộng rãi đoàn kết, ủng hộ Việt Nam, đưa các cuộc kháng chiến chống xâm lược đến thắng lợi hoàn toàn.

Vào thời kỳ đổi mới, trong quan hệ quốc tế, mục tiêu đối ngoại vì lợi ích quốc gia, được thể hiện qua các Văn kiện Đại hội và nghị quyết của Đảng, qua chủ trương đối ngoại “hội nhập sâu hơn và đầy đủ hơn với các thể chế kinh tế toàn cầu, khu vực và song phương, lấy phục vụ lợi ích đất nước làm mục tiêu cao nhất”(6). Mục tiêu phục vụ lợi ích đất nước cũng được khẳng định cụ thể, trực tiếp trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), và trong Báo cáo chính trị của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI (tháng 01-2011). Ở cả hai văn kiện, Đảng đều xác định mục tiêu đối ngoại là “vì lợi ích quốc gia, dân tộc,...”(7). Việc nêu lợi ích quốc gia, dân tộc là mục tiêu trực tiếp của đối ngoại, điều đó có nghĩa: Bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc là nguyên tắc mà tất cả các hoạt động đối ngoại, từ đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đến ngoại giao nhân dân, đều phải tuân thủ(8). 

2. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “dĩ bất biến ứng vạn biến”, cần được vận dụng sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của nước ta hiện nay.

Thứ nhất, quán triệt quan điểm mang tính nguyên tắc: Chủ quyền biển, đảo là chủ quyền quốc gia trên biển - là lợi ích quốc gia thiêng liêng, bất khả xâm phạm, là cái bất biến; để đấu tranh bảo vệ lợi ích thiêng liêng đó, phải linh hoạt - phải ứng vạn biến.

Từ năm 2009, Trung Quốc tuyên bố yêu sách Đường 9 đoạn “Đường lưỡi bò”, chiếm đến hơn 80% diện tích Biển Đông (bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam); tiếp theo động thái này, năm 2010, Trung Quốc khẳng định, Biển Đông là một trong những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc; năm 2012, Trung Quốc thành lập “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, và thành lập một đơn vị đồn trú mới đóng quân trên hòn đảo này. Đặc biệt, ngày 02-5-2014, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou-981) cùng nhiều tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam - đây là bước đi nhằm hiện thực hóa yêu sách Đường 9 đoạn, vi phạm đặc biệt nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, và vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC). Các hành động của Trung Quốc đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông, và trực tiếp “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”(9). Hành động và dã tâm của phía Trung Quốc, khiến nhân dân cả nước ta phẫn uất, sục sôi tinh thần quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; dư luận quốc tế cũng đồng loạt bày tỏ thái độ quan ngại về tình hình Biển Đông. Vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, hơn lúc nào hết đặt ra một cách cấp bách. Bảo vệ chủ quyền biển, đảo trên Biển Đông trở thành điểm nóng thử thách lương tâm, bản lĩnh, trí tuệ của con người Việt Nam.

Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “dĩ bất biến ứng vạn biến”, trước hết, phải thấm nhuần nguyên tắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nguyên tắc này phải được quán triệt trong hành động của mọi công dân Việt Nam. Phải xác định vững chắc lập trường kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước, kiên quyết đấu tranh bằng mọi hình thức, bằng mọi giải pháp hòa bình buộc Trung Quốc rút giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam. 

Trong “ứng vạn biến”, cần cảnh giác trước những hành động, lời nói mưu toan hạ thấp giá trị chủ quyền biển, đảo; hoặc làm suy giảm lòng tự tôn dân tộc, tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc; hoặc làm phân tán ý chí quyết tâm, tư thế sẵn sàng đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của quân và dân cả nước.

Thứ hai, trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, phải quán triệt quan điểm của Đảng, Nhà nước về kiên trì các giải pháp hòa bình trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế; trên cơ sở phát huy nội lực, phải linh hoạt, khôn khéo sử dụng các phương sách từ ngoại giao, pháp lý, đến ứng xử trên thực địa, để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông, từ ngày 02-5-2014 đến nay, “Việt Nam đã nhiều lần chủ động gửi công hàm, giao thiệp trên 30 lần ở nhiều cấp khác nhau để phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan và tàu hộ tống vào vùng biển của Việt Nam - hành động xâm phạm các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam; yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam”(10). Đồng thời, Việt Nam đã 4 lần gửi thư đề nghị Tổng Thư ký Liên hợp quốc lưu hành các tài liệu của Việt Nam liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Mặc dù phía Trung Quốc đã rút giàn khoan Hải Dương 981 nhưng vẫn tiếp tục có những hành động gây hấn đối với ngư dân và lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam. Tình hình đó buộc chúng ta phải thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước. 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Muốn làm cách mạng thắng lợi thì phải phân biệt rõ ai là bạn ai là thù, phải thực hiện thêm bầu bạn, bớt kẻ thù”(11). Vận dụng quan điểm của Người, cần phải bình tĩnh, sáng suốt trong phân tích, đánh giá bản chất vấn đề Biển Đông trên các khía cạnh địa - chính trị và chủ quyền quốc gia, đánh giá bản chất mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, để có những đối sách hợp lý bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và xây dựng một mối quan hệ đúng đắn giữa hai quốc gia - quan hệ hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định sức mạnh nội lực là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Ngay từ năm 1941, Đảng đã nhận thức đúng đắn: “Ta có mạnh thì họ mới chịu “đếm xỉa đến”. Ta yếu thì ta chỉ là một khí cụ trong tay của kẻ khác, dầu là kẻ ấy có thể là bạn đồng minh của ta vậy”(12). Nội lực là sức mạnh bên trong - nguồn sức mạnh không bị lệ thuộc, gồm sức mạnh của nền kinh tế độc lập tự chủ, nền chính trị độc lập tự chủ, sức mạnh quân sự và văn hóa, xã hội của đất nước; sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh của sự đồng thuận - đó là sức mạnh tổng hợp quốc gia, là thực lực quốc gia. 

Trong tình hình hiện nay, muốn tạo sự đồng thuận quốc gia, quy tụ và phát huy sức mạnh toàn dân bảo vệ chủ quyền biển, đảo, cần phải: 1) Thông tin trung thực, kịp thời để mọi người dân hiểu biết đầy đủ về chủ quyền lãnh thổ trên biển; về những mưu đồ, và hành động xâm phạm chủ quyền biển, đảo nước ta; 2) Nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ biển, đảo của mỗi người dân; 3) Củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; 4) Xây dựng, lực lượng hải quân, lục quân, không quân đủ sức bảo vệ biển, đảo; trước mắt đủ sức bảo vệ vững chắc Trường Sa trong mọi tình huống; duy trì thường xuyên hoạt động của các lực lượng chấp pháp để tiếp tục khẳng định chủ quyền trên biển, nhất là ở những vùng lãnh hải của Việt Nam đang bị xâm phạm; 5) Phát triển kinh tế biển nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng biển, và bảo đảm an ninh, chủ quyền biển, đảo; duy trì bình thường các hoạt động của ngư dân trên vùng biển thuộc lãnh hải Việt Nam, nhưng phải có phương án thật tốt bảo vệ tính mạng và tài sản của ngư dân.

Thế giới ngày nay đang diễn ra sự liên kết, hợp tác rộng lớn vì hòa bình và phát triển; thế giới ngày nay có sức mạnh to lớn, đủ sức để ngăn chặn hiệu quả mọi hành vi bành trướng, đe dọa hòa bình nói chung, hòa bình và tự do hàng hải trên Biển Đông nói riêng. Vấn đề đặt ra là, chúng ta phải làm như thế nào, để thế giới chú ý đến những gì đang diễn ra tại Biển Đông; để thế giới biết được tính chính đáng và quyết tâm thật sự của Việt Nam trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, từ đó tranh thủ được sức mạnh cộng đồng quốc tế. Có thể nói, trong các giải pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, thì ngoại giao vẫn là giải pháp tốt nhất để kiểm soát, và giải quyết những tranh chấp trên Biển Đông hiện nay.

Nước ta là một bộ phận của thế giới, theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những hoạt động của nước ta “có muôn ngàn sợi dây liên hệ với cuộc đấu tranh chung của thế giới tiến bộ”(13); do đó phải thực hành chính sách đối ngoại rộng mở, “chính sách hòa bình và quan hệ tốt”, chính sách hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi. Trong quan hệ với các nước, các tổ chức quốc tế, cần tìm ra những điểm đồng, khai thác mọi khả năng có thể, nhằm tập hợp lực lượng đoàn kết ủng hộ Việt Nam theo nhiều cấp độ. Để có được sự ủng hộ quốc tế, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải làm cho thế giới hiểu rõ về Việt Nam, về cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam và sự phù hợp về lợi ích khu vực, thế giới trong mục tiêu đấu tranh của Việt Nam.

Biển Đông là tuyến vận tải biển lớn thứ 2 thế giới, ước tính mỗi năm, giá trị hàng hóa vận tải đường thủy trong khu vực này lên đến hơn 5.000 tỷ USD(14). Nhiều nước và tổ chức khu vực, quốc tế có lợi ích từ biển Đông, như: 70% tàu chở dầu của Nhật Bản đi qua Biển Đông; hai phần ba khí tự nhiên của Hàn Quốc được vận chuyển qua Biển Đông; Hoa Kỳ - một siêu cường hàng hải, đã nhiều lần tuyên bố họ có lợi ích quốc gia ở Biển Đông. Lợi ích của Hoa Kỳ gắn với hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và không quốc gia nào được độc chiếm, chi phối Biển Đông; lợi ích kinh tế của EU ở khu vực này là: 18,1% xuất khẩu của EU là tới Đông Á, trong khi toàn châu Á là 21,4%. EU nhập khẩu 30,1% hàng hóa từ Đông Á trong tổng số 34,3% từ châu Á(15). Trong tổ chức ASEAN, 4 nước thành viên của tổ chức này, là Phi-líp-pin, Việt Nam, Ma-lai-xi-a và Bru-nây có các tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông liên quan trực tiếp đến yêu sách Đường 9 đoạn của Trung Quốc; đối với tổ chức ASEAN, Biển Đông là chủ đề gắn với xây dựng môi trường hòa bình và ổn định cho phát triển và phồn vinh của khu vực - một lợi ích hàng đầu của các nước trong Hiệp hội Đông Nam Á. 

Nhìn tổng thể, các nước, các tổ chức khu vực, quốc tế, đều có chung lợi ích trong việc duy trì hòa bình, an ninh và tự do hàng hải trên Biển Đông; đều tỏ thái độ chống lại các mưu toan dùng vũ lực độc chiếm, chi phối Biển Đông; đều mong muốn Biển Đông là vùng biển hòa bình, hợp tác, và thịnh vượng. 

Mặt khác, chủ quyền biển, đảo Việt Nam được bảo đảm bằng cơ sở pháp lý và lịch sử, phù hợp Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), nên cuộc đấu tranh của Việt Nam chống sự xâm phạm biển, đảo trong lãnh hải của đất nước, là việc làm chính nghĩa, được cộng đồng quốc tế ghi nhận; cuộc đấu tranh của Việt Nam cũng bao gồm trong đó mục đích bảo đảm hòa bình, an ninh và tự do hàng hải trên Biển Đông. 

Trên đây là những “điểm đồng”, là điều kiện để có được sự ủng hộ quốc tế đối với Việt Nam. “Điểm đồng” này cần phát huy thông qua hệ thống truyền thông quốc tế.

Để tranh thủ sự ủng hộ quốc tế trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo, cần phải: 1) Thực hiện các kênh ngoại giao với nhiều hình thức, nhằm làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ cơ sở pháp lý, cơ sở lịch sử của chủ quyền biển, đảo Việt Nam; đặc biệt là phải phát huy được hệ thống truyền thông quốc tế trong việc cung cấp kịp thời, khách quan để các nước, trong đó có người dân Trung Quốc, hiểu biết thực chất về tranh chấp trên Biển Đông; hiểu biết về lập trường tôn trọng luật pháp quốc tế và sự kiên trì của Việt Nam về giải quyết hòa bình, không sử dụng vũ lực trong các tranh chấp chủ quyền biển, đảo; 2) Về pháp lý, vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông cần được quốc tế hóa, trong điều kiện cụ thể, có thể khởi kiện những hành động vi phạm luật pháp quốc tế ra trước cơ quan tài phán quốc tế phù hợp để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; 3) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế song phương và đa phương, nhằm khai thác nguồn lợi kinh tế Biển Đông, chia sẻ lợi ích, tạo lợi ích đan xen về kinh tế Biển Đông với các nước, chia sẻ trách nhiệm bảo vệ hòa bình, tự do hàng hải trên Biển Đông; 4) Đối với tổ chức ASEAN, cần thể hiện sâu sắc hơn tư cách thành viên chủ động, tích cực và trách nhiệm cao; góp phần ngăn chặn âm mưu “bẻ đũa từng chiếc”, củng cố đoàn kết cộng đồng ASEAN, tăng cường quan hệ với các thành viên, giữ vững và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực; củng cố mối quan tâm chung của ASEAN là hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); 5) Tăng cường, phát huy mối quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện đã được xác lập với các nước có tranh chấp ở Biển Đông; với các nước lớn, có lợi ích kinh tế, an ninh, tự do hàng hải trên Biển Đông, có lợi ích trong việc chống lại tham vọng độc chiếm, chi phối Biển Đông; 6) Trong quan hệ với bên ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở “Phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ”; trên cơ sở đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, phải ưu tiên củng cố, phát triển các mối quan hệ có lợi cho việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam./.

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2009, t. 7, tr. 319

2. Hồ Chí Minh: sđd, t. 3, tr. 546

3. Hồ Chí Minh: sđd, t. 8, tr. 58

4. Hồ Chí Minh: sđd, t. 4, tr. 469

5. Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2006, tr. 163

6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2006, tr. 114

7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, tr. 236

8. Học viện Ngoại giao, Phạm Bình Minh (Chủ biên): Đường lối, chính sách đối ngoại Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, tr. 71

9. Trả lời của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị, ngày 14-01-2013, (http://www.mofa.gov.vn/vi/tt_baochi/pbnfn/ns130115024915, ngày 15 tháng 01 năm 2013)

10. Việt Nam đề nghị Liên hiệp quốc lưu hành hai văn bản về lập trường của Việt Nam về vụ giàn khoan Hải Dương 981 và chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa (http://www.mofa.gov.vn/vi/nr040807104143/nr040807105001/ns140704032356)

11. Hồ Chí Minh: sđd, t. 10, tr. 605

12. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t. 7, tr. 244

13. Hồ Chí Minh: Tuyển tập, Nxb. Sự thật, H, 1960

14.http://dantri.com.vn/su-kien/washington-post-my-can-hanh-dong-de-ngan-can-tham-vong-cua-trung-quoc-o-bien-dong-875972.htm

15. Theo: EU ở đâu trong xung đột Biển Đông?, ngày 10-8-2012, Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/84013/eu-o-dau-trong-xung-dot-bien-dong-.html

PGS, TS. Đinh Xuân Lý, Đại học Quốc gia Hà Nội

Theo Tạp chí Cộng sản điện tử

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: