Bác Hồ là nơi hội tụ tinh anh dân tộc Việt Nam và tinh hoa nhân loại. Bất kỳ ai, sống vào thời đại nào, ở phương trời nào đều có thể qua tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tìm được nhiều điều để học tập. Nhà báo Việt Nam mong có dịp tiếp cận Người, hơn thế, được phục vụ Người trong các chuyến đi công tác.
Qua mỗi lần đi, thế nào cũng thu nhận được nhiều điều. Từ cách hành xử thường ngày đến từng câu nói tưởng ngẫu nhiên của Hồ Chí Minh hầu như đều hàm chứa ý nghĩa nhân văn, do đó có sức truyền cảm.
Có gì mà viết lắm thế?
Vụ lúa chiêm 1958, miền Bắc hạn to, ruộng đồng khô nẻ. Nhân dân nô nức làm thủy lợi, đào mương dẫn nước vào đồng. Bác Hồ về thăm tỉnh Hưng Yên. Hôm ấy, một ngày tháng Giêng, trời rét đậm. Bác Hồ rời Hà Nội thật sớm. Đến huyện Tiên Lữ, có mấy vị lãnh đạo tỉnh chờ sẵn ven đường. Bác xuống xe bắt tay, hỏi han mọi người, rồi băng băng đi bộ vào cánh đồng.
Nông dân năm xã đang đào một con sông. Bác Hồ bước rất nhanh giữa cánh đồng khô, đến mỗi nơi có đồng bào làm Bác dừng lại, thăm hỏi động viên. Bà con hoan hô Bác. Bác xua tay: “Đừng hoan hô Hồ Chủ tịch, hãy hoan hô nước khi nào nước về”. Hễ gặp các vị cao niên là Bác tiến đến thăm hỏi. Có một cụ tên là Đoàn Đình Kiêu, năm ấy 82 tuổi, người thôn Hoàng Xá, xã Trung Dũng cũng tham gia làm thủy lợi. Bác nắm chặt tay cụ, nói: “Tôi cảm ơn cụ đã làm gương cho con cháu”. Rồi Bác quay lại bảo cán bộ địa phương đi theo: “Các cụ cùng chống hạn để làm gương cho con cháu như thế là rất tốt, nhưng phải chú ý sức khỏe các cụ, chớ để các cụ làm quá sức”.
Gặp ông Chủ tịch huyện quần áo tinh tươm đang đứng chờ để chào Bác. Bác bảo Chủ tịch đưa tay xem. Rồi Bác nói nhỏ: “Tay chú sạch quá. Cán bộ cũng phải cùng lao động với bà con, để cho bà con thấy mình là người của nhân dân”.
Đến xã cuối cùng, Bác Hồ dừng lại, rút trong túi ra một phong bì nhỏ. “Đây là phần thưởng của Bác Hồ. Có bảy chiếc huy hiệu tất cả. Năm chiếc tặng bà con năm xã, một chiếc thưởng xã nào thi đua giỏi nhất, còn một chiếc Bác tặng riêng cụ Kiêu”.
Do mỗi xã phụ trách một khúc sông, cho nên bà con tản mát. Bác Hồ đi bộ đến mấy cây số liền. Tôi tất tưởi theo, lắng nghe Bác nói chuyện với ai xong, lại tới hỏi rõ họ tên, người thôn nào xã nào..., để khi viết bài khỏi lẫn lộn, rồi vội vã chạy cho kịp đoàn. Hồi ấy tôi đang sức trai mà mệt phờ, nhưng vui vì nghe và ghi được nhiều điều, thú vị nhất là chuyện Chủ tịch đi bộ qua cánh đồng gồ ghề nứt nẻ. Con sông đang đào nơi bác về thăm năm ấy sau khi hoàn thành được đồng bào gọi là “Sông Bác Hồ”, nay vẫn giữ nguyên tên.
Tối hôm ấy về Hà Nội, tôi viết bài tường thuật dài đăng Báo Nhân Dân. Hôm sau, khoảng chín giờ, có điện thoại từ Văn phòng Chủ tịch nước, mời tôi lên ngay. Anh Trần Quý Kiên chờ sẵn. Anh là cán bộ cách mạng lão thành, có thời gian làm Thứ trưởng Thủy lợi (hiện nay Hà Nội có một phố mang tên Trần Quý Kiên). Anh chỉ nói vắn tắt: Bác Hồ cho gọi. Anh vào báo cáo với Bác, rồi dẫn tôi vào.
Bác đang làm việc, ngước mắt hỏi: “Chú Quang à? Bác đã đọc bài của chú trên báo. Viết thế là được. Nhưng Bác hỏi chú, trong bài mấy lần chú nhắc đi nhắc lại chuyện Hồ Chủ tịch đi bộ giữa cánh đồng. Vậy ra từ trước tới nay, Bác Hồ toàn đi xe, chưa từng lội bộ bao giờ à? Bác Hồ đi bộ, thì có cái gì mà viết lắm thế?”. Tôi bối rối, chỉ còn biết chắp tay lúng búng: “Cháu xin cảm ơn Bác. Cháu đã thấy khuyết điểm. Lần sau cháu xin cố gắng.”
Viết cho đúng, cho hay, có nhiều người đọc
Như một sự tình cờ, Tết Bính Thân tôi có vinh dự một mình đón Bác đến Báo Nhân Dân, đúng vào sáng Nguyên đán. Hôm ấy (12/01/1956), tôi được phân công trực tòa soạn. Số báo Xuân đã phát hành từ trong năm, báo nghỉ hai ngày để “ăn Tết”. Trực chẳng phải làm việc gì; chẳng qua cần có người, nhỡ có bạn đọc, cộng tác viên nào bất thần tạt vào thăm chăng.
Sáng đầu năm, đúng như dự kiến, có mấy cụ già phố Hàng Trống thay mặt tổ dân phố đến chúc Tết tòa soạn. Tôi đang tiếp mấy cụ ở phòng khách tầng trệt ngôi biệt thự thì người bảo vệ chạy vào, nói không ra hơi: "Bác Hồ! Bác Hồ đến!"
Tôi vội chạy ra sân, nhìn về cổng chính không thấy ai. Thì ra, Bác Hồ đi từ Câu lạc bộ Thống nhất sang, qua một cổng nhỏ vốn thông từ cơ quan báo sang sân chiếu phim của câu lạc bộ. Bác thoăn thoắt bước vào nhà. Theo sau có bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, cùng vài người cận vệ.
Tôi chắp tay rước Bác vào phòng khách. "Chú Tùng đâu?", Bác hỏi. - "Thưa Bác, anh Hoàng Tùng lên Văn phòng chúc Tết Trung ương. Cháu là cán bộ được phân công trực cơ quan."
Mấy cụ già lối phố sửng sốt trước vinh dự được gặp Bác Hồ đúng vào sáng tân niên, đứng dậy kính cẩn chắp tay, lúng túng không biết nên làm gì. Tôi giới thiệu với Bác, đây là mấy cụ ở cùng phố sang thăm cơ quan. Bác Hồ vui vẻ nói: "Năm mới, nhân được gặp các cụ, tôi chúc các cụ vạn sự như ý. Nhờ các cụ chuyển lời Hồ Chủ tịch chúc Tết gia đình và đồng bào khu phố". Mấy ông già vẫn chưa hết ngỡ ngàng, bác sĩ Trần Duy Hưng rỉ tai: "Kìa, các cụ chúc Tết Bác đi".
Hôm ấy, Bác Hồ đến thăm cán bộ miền Nam đang tập trung tại Câu lạc bộ mừng năm mới. Không rõ có ai báo tin Bác đến, hay vì trông thấy mấy chiếc xe hơi đỗ ở cổng chính Câu lạc bộ phía đường Lê Thái Tổ, mà chẳng mấy chốc đồng bào tập trung đông nghịt, chờ để được nhìn và hoan hô Bác. Càng lâu càng đông. Hôm ấy Bác Hồ còn có kế hoạch thăm một đơn vị quân đội và mấy nơi khác nữa ở mãi tỉnh Hà Đông. Chắc sợ trễ giờ, bởi đã gặp nhân dân đầu năm mới, thế nào Chủ tịch cũng cho dừng xe lại để thăm hỏi, các đồng chí tổ chức chuyến thăm liền mời Bác theo ngõ tắt, lối thông sang tòa soạn báo; từ đây ra cổng chính phía phố Hàng Trống.
Trong phòng khách, Bác Hồ vẫn đứng mà nói chuyện. Tôi mời Bác ngồi. Bác xua tay: "Chú để mặc Bác. Chú làm gì ở tòa báo?" - "Thưa Bác, cháu làm phóng viên." Bác nói: "Chú là nhà báo. Vậy năm mới, Bác chúc chú viết báo cho đúng, cho hay, có nhiều người đọc. Chú nói lại với chú Hoàng Tùng và toàn thể các cô, các chú trong cơ quan là Bác Hồ có lời chúc Tết anh chị em".
Nói xong, Bác bắt tay mọi người, không quên mấy anh bảo vệ cơ quan vừa bỏ luôn nhiệm sở, chạy đến đứng thập thò ngoài cửa. Xong, Bác thoăn thoắt ra sân. Hai chiếc xe hơi vừa đến. Bác Hồ quay lại tươi cười đưa tay vẫy chào mọi người.
Mấy năm sau, tháng 4 năm1959 tôi lại được nghe Bác Hồ nói chuyện tại Đại hội lần thứ hai Hội Nhà báo Việt Nam. Nhân kể chuyện thời Bác tập làm báo tiếng Nga ở Liên Xô, Bác dẫn lời người hướng dẫn Bác: “Chớ viết khô khan quá. Phải viết cho văn chương. Vì ngày trước khác, người đọc báo chí chỉ muốn biết sự thật. Còn bây giờ khác, sinh hoạt đã cao hơn, người ta thấy hay, thấy lạ, thấy văn chương thì mới thích đọc”.
Theo Phan Quang VOV
Phương Thúy (st).