Ngày 10-12-1948, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã đồng thuận thông qua bản “Tuyên ngôn Thế giới về nhân quyền”. Sau sự kiện này, ngày 4-12-1950, với Nghị quyết số 423, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã đồng thuận ra tuyên bố lấy ngày 10-12 hằng năm là “Ngày Nhân quyền quốc tế”. Hàng năm, các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc đều kỷ niệm ngày này, nhằm tôn vinh ý nghĩa, giá trị lớn lao của bản tuyên ngôn.

Sau Tuyên ngôn nhân quyền, Liên hợp quốc đã cho nghiên cứu và ban hành hai công ước: “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị” và “Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa” năm 1966 quy định tất cả những quyền và tự do cơ bản của con người. Bản tuyên ngôn nhân quyền thế giới cùng với hai công ước trên được cộng đồng quốc tế xem là “Bộ luật quốc tế về quyền con người”. Đồng thời dựa trên bộ luật này, cơ chế bảo vệ quyền con người của Liên hợp quốc cũng đã được hình thành. Cơ quan chịu trách nhiệm chủ yếu về nhân quyền của Liên hợp quốc hiện nay là Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Đây chính là ý nghĩa và tầm quan trọng lớn lao của bản tuyên ngôn thế giới về quyền con người.

Buoc tien vung chac

Các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ VIII.
 Ảnh: qdnd.vn
 

Quyền con người là một trong những mục tiêu, lý tưởng đối với Đảng và Nhà nước ta. Trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã viết như sau: “Thay cho xã hội cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”(1). Song trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, quyền con người ở các thuộc địa lại bị tước đoạt bởi chế độ áp bức, bóc lột của chủ nghĩa đế quốc. Bởi vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã đi theo con đường của Chủ nghĩa Lê-nin, làm cách mạng giải phóng dân tộc, lấy đó tiền đề để đi đến xây dựng xã hội XHCN với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, nhân dân làm chủ, xã hội công bằng, văn minh. Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo giành được độc lập dân tộc, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - nay là nước CHXHCN Việt Nam đã ra đời. Hiến pháp 1946 - Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam lần đầu tiên các quyền công dân và quyền con người được tôn trọng và bảo vệ.

Hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đầy hy sinh, gian khổ nhằm bảo vệ không gian sinh tồn và quyền sống còn của dân tộc kéo dài 30 năm. Trong điều kiện đó, nhiều quyền về kinh tế, xã hội chưa có điều kiện thực hiện đầy đủ.

Đổi mới là một thời kỳ đặc biệt của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Bản lĩnh của Đảng ta đã thể hiện rõ trong bước ngoặt lịch sử này. Đảng ta chủ trương chọn lọc, kế thừa các giá trị của nền văn minh nhân loại, trong đó có kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, dân chủ và quyền con người. Tuy nhiên, Đảng ta đã quán triệt nguyên tắc: Đổi mới phải dựa trên Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, giữ vững định hướng XHCN, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng và quyền làm chủ của nhân dân. Việt Nam không chấp nhận mô hình dân chủ, nhân quyền của phương Tây, không sao chép mô hình “dân chủ, công khai”, “đa nguyên, đa đảng” của cải tổ. Nhờ sự lãnh đạo vững vàng, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã vượt qua khủng hoảng kinh tế-xã hội, từng bước vươn lên đạt được những thành tựu to lớn về nhiều mặt: Chính trị ổn định; kinh tế tuy đang phải đối diện với khó khăn, song vẫn giữ được tăng trưởng khá, Việt Nam vẫn là quốc gia có sức hấp dẫn lớn các nhà đầu tư; xã hội cởi mở, đoàn kết; giá trị văn hóa của các dân tộc đang được khôi phục và phát triển; quan hệ quốc tế rộng mở, vị thế của đất nước được nâng cao. Với những thành tựu to lớn về mọi mặt, Việt Nam đã được Liên hợp quốc tín nhiệm bầu làm thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc khóa 2014-2016.

Dựa trên cương lĩnh, đường lối của Đảng, cho đến nay, Việt Nam đã ký kết, phê chuẩn hầu hết các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người, đồng thời đã nội luật các công ước đó trong pháp luật quốc gia.

Hiến pháp 2013 (được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28-11-2013) lần đầu tiên quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân được quy định đầy đủ, một cách trực tiếp, tách bạch tại Chương II. Có thể nói, văn kiện quan trọng này là sự tiếp thu những giá trị phổ quát về quyền con người, đồng thời đã kế thừa, mở rộng quyền công dân đã được ghi nhận trong các bản Hiến pháp trước đây của Nhà nước ta.

Trong Chương II các quyền dân sự, chính trị được xem là “nhạy cảm” đã được quy định đầy đủ. Chẳng hạn, công dân có quyền: Tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào…(Điều 24); quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình… (Điều 25). Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.

Những nguyên tắc về quyền con người cũng đã được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 bao gồm 3 nội dung lớn: Xác định rõ mối quan hệ giữa Nhà nước với người dân; Nguyên tắc hạn chế quyền và nguyên tắc “suy luận vô tội”. Chẳng hạn, Điều 14, Hiến pháp 2013 ghi: “1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.

Năm 2013, Việt Nam đã ký “Công ước chống tra tấn”(2). Theo giải trình của Bộ Công an và đề nghị của Chủ tịch nước tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội ta đã phê chuẩn việc nhà nước ta gia nhập công ước này. Đây là một trong những công ước quan trọng về quyền con người. Công ước này xác định Nhà nước có trách nhiệm bảo hộ quyền của tất cả mọi người, trong mọi hoàn cảnh (kể cả đang trong tình trạng bị giam giữ hoặc đang thi hành án phạt tù...), đều được tôn trọng nhân phẩm, không bị tra tấn, hạ nhục và bảo đảm các điều kiện sống khác... Nội dung này được xem là một quyền tuyệt đối, một quyền không bị hạn chế của quyền con người.

Cũng tại Kỳ họp này, Quốc hội đã phê chuẩn “Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật”, mà Việt Nam đã ký ngày 22-10-2007.

Cũng như pháp luật của các nước khác, các quyền và tự do của con người nói chung, các quyền công dân nói riêng trong Hiến pháp 2013, trong những trường hợp nhất định, việc hưởng thụ quyền của cá nhân phải gắn với nghĩa vụ công dân. Trong những nghĩa vụ này, có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật. Đây là nội dung của mệnh đề “do pháp luật quy định” hoặc “theo quy định của pháp luật”, sau nội dung của một số điều luật.

Đáng tiếc trong thời gian qua, nhất là từ khi Quốc hội nước ta thông qua Hiến pháp 2013, một số người, hoặc không hiểu, hoặc cố tình “ không hiểu” đã có hành vi vi phạm pháp luật. Chẳng hạn, họ cho rằng, quyền biểu tình đã được quy định trong Hiến pháp 2013 (3). Hay một số người cho rằng, Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 2013 đã quy định, công dân có quyền “lập hội”(4), từ đó họ đã cho ra đời một số tổ chức mạng với nhóm khởi xướng và tổ chức “ ký tên” tham gia, như “Tuyên bố” về “ Phong trào con đường Việt Nam”; “Tuyên bố 258” (Tuyên bố của mạng lưới Blogger Việt Nam”; “Tuyên bố về thực thi quyền dân sự, chính trị”; Tuyên bố mạng “Diễn đàn xã hội dân sự”… Về mặt pháp lý, đây là những hành động và tổ chức phi pháp, bởi vì, theo quy định của Điều 25, Hiến pháp 2013, “ Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

 Trong dịp kỷ niệm Ngày Nhân quyền quốc tế năm nay, một số mạng xã hội đã ra “thông điệp” xuyên tạc, vu cáo trắng trợn chế độ ta đã “tước bỏ mọi nhân quyền” được nêu ra trong Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế.

Không phủ nhận rằng, hiện nay Việt Nam đang phải đối diện với không ít những vấn đề về quyền con người, như sự phân hóa giàu nghèo, tình trạng quan liêu tham nhũng, tình trạng người dân không được hưởng đầy đủ các hàng hóa, dịch vụ tương xứng với chất lượng và giá cả… Tuy nhiên, với việc nhận thức đúng đắn hơn, đầy đủ hơn về CNXH và con đường đi lên CNXH, tiếp tục hoàn thiện nền dân chủ XHCN; xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; xây dựng và phát huy vai trò tư vấn, phản biện của Mặt trận Tổ quốc, của các tổ chức đoàn thể xã hội…, các quyền và tự do cơ bản của con người trên đất nước ta nhất định sẽ được bảo đảm ngày càng tốt hơn. Nhân quyền ở Việt Nam có bước tiến vững chắc vì gắn chặt với Hiến pháp và hệ thống pháp luật của nước ta. Điều đó có nghĩa, quyền con người sẽ tồn tại vững chắc, lâu dài trong xã hội ta.

-----------

(1). Các Mác, Ph.Ăng-ghen, Tuyển tập, T1, Nxb ST, HN, 1980, tr. 569

(2). Tham khảo “Công ước chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hoặc đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục”, 1984. Trung tâm nghiên cứu QCN, Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, HN, 2001, Tr 358.

(3). Điều 25 “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.

(4). Điều 25, Hiến pháp 2013.

BẮC HÀ

Theo Báo Quân đội nhân dân

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: