Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.Nghị định có hiệu lực từ 10/1/2015.   

Theo Nghị định những người thuộc đối tượng tinh giản biên chế có tuổi đời dưới 53 tuổi đối với nam, dưới 48 tuổi đối với nữ và không đủ điều kiện để hưởng chính sách về hưu trước tuổi hoặc có tuổi đời dưới 58 tuổi đối với nam, dưới 53 tuổi đối với nữ và không đủ điều kiện để hưởng chính sách về hưu trước tuổi theo quy định, nếu thôi việc ngay thì được trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm và được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, cán bộ, công chức, viên chức do sắp xếp tổ chức thôi giữ chức vụ lãnh đạo hoặc được bổ nhiệm, bầu cử vào chức vụ mới có phụ cấp chức vụ lãnh đạo thấp hơn so với phụ cấp chức vụ lãnh đạo đang hưởng thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo đang hưởng đến hết thời hạn giữ chức vụ bổ nhiệm hoặc hết nhiệm kỳ bầu cử. Trường hợp đã giữ chức vụ theo thời hạn được bổ nhiệm hoặc nhiệm kỳ bầu cử còn dưới 6 tháng thì được bảo lưu 6 tháng.

Các trường hợp chưa xem xét tinh giản biên chế:

Những người đang trong thời gian ốm đau có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền; cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; những người đang trong thời kỳ xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự;

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định về Chính sách về hưu trước tuổi; chính sách chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước; chính sách thôi việc; cách tính phụ cấp cũng như trình tự, thời hạn giải quyết tinh giản biên chế…

Nghị định số 103/2014/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 11 tháng 11 năm 2014 Quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động.

Theo Nghị định quy định tăng mức lương tối thiểu vùng thêm từ 250.000 – 400.000 đồng/tháng, đối với người lao động cụ thể như sau:

- Vùng I: 3.100.000 đồng/tháng (tăng 400.000 đồng);

- Vùng II: 2.750.000 đồng/tháng (tăng 350.000 đồng);

- Vùng III: 2.400.000 đồng/tháng (tăng 300.000 đồng);

- Vùng IV: 2.150.000 đồng/tháng (tăng 250.000 đồng).

Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo về việc điều chỉnh lương hưu đối với cán bộ xã đã nghỉ việc; theo đó, sẽ tăng 8% đối với toàn bộ đối tượng (không phân biệt thời điểm nghỉ hưu).

Nghị định số 105/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.Nghị định có hiệu lực từ 1/1/2015.

Theo Nghị định người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (người lao động) mức đóng bảo hiểm bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động.

Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì mức đóng hằng tháng cũng bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản.

Còn mức đóng của người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày; người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng; cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng là 4,5% mức lương cơ sở.

Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng thì mức đóng bằng 4,5% tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động. Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thì đóng bằng 4,5% tiền trợ cấp thất nghiệp.

Riêng người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và người lao động trong thời gian được cử đi học tập hoặc công tác tại nước ngoài thì không phải đóng bảo hiểm y tế.

Thông tư số 40/2014/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành và hướng dẫn thực hiện danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế. Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/01/2015.

Thông tư danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế gồm: 845 hoạt chất, 1064 thuốc tân dược; 57 thuốc phóng xạ và hợp chất đánh dấu.

Danh mục này là cơ sở để quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí thuốc sử dụng cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Thông tư 162/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính Quy định chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản cố định trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước thêm điều khoản quy định về trích khấu hao tài sản cố định của cơ quan, tổ chức, đơn vị như sau:

- Tài sản không tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, góp vốn liên doanh, liên kết: chỉ tính hao mòn tài sản, không trích khấu hao.

- Tài sản tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, góp vốn liên doanh, liên kết: phải trích khấu hao tài sản cố định (trừ trường hợp liên kết tạo ra pháp nhân mới hoặc cho thuê).

Nghị định số 102/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Nghị định có hiệu lực từ 1/1/2015.  

Theo Nghị định quy định với trường hợp tổ chức được Nhà nước giao đất xây dựng nhà ở để bán nhận trách nhiệm làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà ở, người nhận quyền sử dụng đất ở mà chậm làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận kể từ ngày bàn giao nhà ở, đất ở thì sẽ bị phạt từ 10 triệu đến 1 tỷ đồng tùy thời gian làm chậm và số hộ gia đình, cá nhân bị làm chậm. Hành vi lấn chiếm đất ở sẽ bị phạt từ 5-10 triệu đồng.

Nghị định số 107/2014/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/01/2015.

Theo Nghị định quy định mức phạt: Ở khung phạt đầu tiên, mức phạt được giữ nguyên là từ 5-7 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trên 60% đến 100% đối với xe có trọng tải dưới 5 tấn, trên 50% đến 100% đối với xe có trọng tải từ 5 tấn trở lên và xe xi téc chở chất lỏng (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc); Ở khung phạt thứ hai, đối với hành vi điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải trên 100% thì sẽ bị phạt tiền từ 7-8 triệu đồng, cao hơn mức phạt hiện đang áp dụng (từ 5-7 triệu đồng).

Nghị định số 116/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Nghị định có hiệu lực từ ngày 18/01/2015.

Theo Nghị định quy định các vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật (vật thể) bị tạm ngừng nhập khẩu gồm: Vật thể nhập khẩu từ quốc gia, vùng lãnh thổ có nguy cơ cao mang theo đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam mà chưa có biện pháp xử lý triệt để; vật thể nhập khẩu từ một quốc gia, vùng lãnh thổ bị phát hiện nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật hoặc sinh vật gây hại lạ mà cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương đã có thông báo về việc không tuân thủ quy định kiểm dịch thực vật của Việt Nam; vật thể từ quốc gia hoặc vùng lãnh thổ có thông tin chính thức về sự bùng phát đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam.

Nghị định số 117/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về Y tế xã, phường, thị trấn. Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 31/01/2015.

Theo Nghị định  người làm việc tại Trạm Y tế xã là viên chức. Số người làm việc tại Trạm Y tế xã nằm trong tổng số người làm việc của Trung tâm Y tế huyện được xác định theo vị trí việc làm trên cơ sở khối lượng công việc phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế ở địa phương theo vùng miền.

Nghị quyết số 99/NQ-CP của Chính phủ: Về việc miễn thị thực có thời hạn đối với công dân các nước: Liên bang Nga, Nhật Bản, Đại Hàn Dân Quốc, Vương quốc Đan Mạch, Vương quốc Na Uy, Vương quốc Thụy Điển và Cộng hòa Phần Lan

Nghị quyết quy định miễn thị thực cho công dân các nước: Liên bang Nga, Nhật Bản, Đại Hàn Dân Quốc, Vương quốc Đan Mạch, Vương quốc Na Uy, Vương quốc Thụy Điển và Cộng hòa Phần Lan khi nhập cảnh Việt Nam với thời hạn tạm trú tại Việt Nam không quá 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh, trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Chính sách miễn thị thực khi nhập cảnh Việt Nam cho công dân các nước nêu được thực hiện trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2019 và sẽ được xem xét, gia hạn theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Thông tư số 47/2014/TT-BCT của Bộ Công thương quy định về quản lý website thương mại điện tử. Thông tư có hiệu lực từ ngày 20/01/2015.

Theo Thông tư quy định thương nhân, tổ chức, cá nhân không được sử dụng website thương mại điện tử để kinh doanh các hàng hóa hạn chế kinh doanh sau: Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ; thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác; rượu các loại; thực vật, động vật hoang dã quý hiếm, bao gồm cả vật sống và các bộ phận của chúng đã được chế biến và các hàng hóa hạn chế kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.4. Điểm mới về thu phí thoát nước thải sinh hoạt

Nghị định 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải tại đô thị, khu công nghiệp và khu dân cư nông thôn tập trung chính thức có hiêu lực từ ngày 01/01/2015.

Theo đó hộ thoát nước đã thanh toán tiền dịch vụ thoát nước theo Nghị định này thì sẽ không phải trả phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.

Đối với địa phương đang thực hiện thu phí thoát nước có lộ trình điều chỉnh theo Nghị định 88/2007/NĐ-CP thì sẽ tiếp tục thực hiện đến lần điều chỉnh tiếp theo sẽ thực hiện theo quy định tại Nghị định này.

Ngoài ra để khuyến khích phát triển, các dự án thoát nước và xử lý nước thải đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung được hỗ trợ:

- Ưu đãi tiền sử dụng đất, tiền thuê đất;

- Hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào bằng nguồn vốn ngân sách địa phương;

- Ưu đãi, hỗ trợ khác.

Kim Yến (Tổng hợp)

Bài viết khác: