"Bác đón thân nhân cán bộ, chiến sĩ làm việc tại Bắc Bộ Phủ trong bộ kaki màu sữa đã nhạt, ngồi với khách trên tấm chiếu trải dọc lối mòn trong vườn hoa, cạnh mấy rá cơm trắng...".

chuyen ke nguoi chup anh
Ông Phan Xuân Thuý, người chụp ảnh Bác Hồ Tết năm 1946, kể lại câu chuyện còn ít sử sách nhắc đến.

Theo ông Thuý, sử sách hầu như không thấy nhắc đến câu chuyện về Bác Hồ ăn Tết đầu tiên Việt Nam độc lập, năm Bính Tuất 1946 với thân nhân cán bộ, chiến sĩ làm việc tại Bắc Bộ Phủ. 

Vào khoảng cuối tháng 1/1946, giáp Tết khoảng dăm ngày, em trai của ông Thuý là Phan Đức Sử vừa được anh Lâm Kính, (Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 308, là 1 trong 12 chiến sĩ đầu tiên của đội Việt Nam Giải Phóng quân) đưa vào bộ đội những ngày tổng khởi nghĩa. Khi đó, Sử làm bảo vệ tại Bắc Bộ Phủ, về nhà thông báo: "Bác Hồ bảo, ngày mai ai có gia đình ở gần đây, Bác mời vào Phủ ăn Tết cùng".

Thế là hôm đó, cả nhà ông Thuý như... ngừng thở! Cụ thân sinh của ông, cụ Phan Xuân Trang cứ đi đi lại lại chỉ để... chọn bộ trang phục nào cho "phải" khi gặp Bác! Còn ông Thuý, suốt đêm lục cục lau chùi lại chiếc máy ảnh Retina của Đức cho "buổi hành nghề có lẽ là thiêng liêng nhất đời mình"- ông tự nhủ thầm như thế trong suốt đêm không ngủ.

Buổi sáng hôm sau diễn ra không như... gia đình ông nghĩ!

"Người giản dị, ân cần đón khách ở vườn hoa Bắc Bộ Phủ trong bộ kaki màu sữa đã nhạt. Cạnh Người có anh Vũ Kỳ và cả anh Nguyễn Lương Bằng. Bác bảo mọi người ngồi xuống chiếu trải dọc theo lối mòn đường vườn hoa. Cụ thân sinh của tôi lớn tuổi nhất nên được ngồi cạnh Bác. Rồi Người ân cần hỏi thăm đại diện khoảng chục gia đình: Chuẩn bị Tết ra sao? So với Tết năm ngoái thế nào? Bác còn dặn: "Sao cho mọi người đều được hưởng cái thú vui vẻ Tết xuân đầu tiên của nước Việt Nam độc lập".

Mới đầu, ông Thuý được ngồi cạnh, vòng tay qua đầu gối cụ thân sinh nên nghe Bác nói rõ từng lời. Một lúc sau, ông sực nhớ ra "nhiệm vụ" nên dứng phắt dậy chuẩn bị chụp ảnh.

Ông Thuý kể: "Bác kéo tay tôi ngồi xuống nhưng "máu nghề nghiệp" nổi lên, tôi chỉ kịp nói "Bác cho cháu chụp ảnh" rồi chạy ra vòng ngoài, cách đó chừng chục mét. Cứ thế, tôi chỉ biết bấm lia lịa cho đến khi mọi người chào Bác ra về. Suốt buổi hôm đó, tôi chả kịp ăn miếng gì nên không biết Bác mời mọi người món gì, chỉ nhớ có 2 rá tre đựng cơm trắng đặt 2 đầu. 

Với tôi, được chụp ảnh Bác, được ngắm Bác là quá "no", quá hạnh phúc rồi. Hôm ấy, khi nói chuyện với người nào, Bác đều nhìn trìu mến, lắng nghe câu chuyện của mọi người"!

Nhờ vinh hạnh được chụp ảnh cho Bác Hồ, lại thêm tiếng tăm của hiệu ảnh Quốc Tế nổi tiếng bậc nhất Bờ Hồ hồi ấy, ông Thuý được đồng chí Xuân Thuỷ, khi ấy là Chủ nhiệm báo Cứu Quốc mời về chụp ảnh cho tờ báo.

Thế nhưng, không lâu sau, toàn quốc kháng chiến nổ ra, ông Thuý cùng gia đình rời Hà Nội lên Chiêm Hoá (Tuyên Quang) mà chưa kịp trở thành "nhiếp ảnh báo chí"! Có điều, may mắn thay, trong số ít ỏi hành trang gia đình mang theo có bức ảnh quý giá này. Và gia đình ông đã nâng niu nó cẩn thận như một thứ tài sản quý giá nhất cho đến ngày trao tặng lại Bảo tàng Hồ Chí Minh nhân 114 năm Ngày sinh nhật Bác (2004). 

Những kỷ niệm của ông Phan Xuân Thuý góp thêm một câu chuyện đời giản dị của vị lãnh tụ dân tộc, trong hoàn cảnh bộn bề của đất nước lúc "ngàn cân treo sợi tóc"./.

 

Theo http://tet.vinhphuc.gov.vn/

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: