Đầu tháng 5-1951, tôi đang là Đại đội trưởng Đại đội 612 sơn pháo 75mm thuộc Tiểu đoàn 960 pháo binh Mặt trận Tây Bắc thì được lệnh đưa toàn bộ đại đội cùng vũ khí đi Cao Bằng nhận nhiệm vụ mới. Chúng tôi khẩn trương tháo rời pháo thành từng bộ phận chất lên lưng lừa, ngựa rồi tổ chức hành quân. Sau những ngày hành quân vất vả, vừa đến Cao Bằng thì được lệnh trả pháo vào kho để sang Trung Quốc nhận vũ khí mới. Lúc này, biên giới Việt - Trung đã được khơi thông sau Chiến thắng Biên Giới cuối năm 1950, nối liền chiến khu và vùng giải phóng rộng lớn với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và qua đó với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Để tiếp nhận viện trợ, ta đã thành lập Ban Tiếp nhận Biên giới đóng ở đất bạn gần biên giới Việt- Trung. Chúng tôi qua cầu Thủy Khẩu (một cây cầu bắc qua sông Thủy Khẩu mà ta gọi là Pặc Nặm, biên giới tự nhiên giữa hai nước, một bên là xã Tà Lùng, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng, bên kia là nước bạn), được đại diện Ban Tiếp nhận Biên giới ra đón.

lan-dau-gap-bac-1
Vợ chồng Đại tá Trần Thọ Vệ. Ảnh: Văn Ngô.

Để bảo vệ tuyến đường vận tải qua biên giới, nhất là cây cầu Thủy Khẩu, bạn đã viện trợ cho ta bốn khẩu pháo cao xạ 37mm và cho một trung đội do Tô Bài trưởng (đồng chí trung đội trưởng họ Tô theo cách gọi của bạn) chỉ huy, gồm hai trắc thủ đo xa và một khẩu đội chiến sĩ giúp ta huấn luyện. Thế là từ một đại đội pháo mặt đất, từ nay, chúng tôi được vinh dự là đại đội pháo phòng không đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Được sự giúp đỡ của bạn, chúng tôi khẩn trương ổn định để bước vào huấn luyện.

Ngày 2-1-1952 đối với chúng tôi là một ngày đáng nhớ nhất khi vinh dự được đón Bác Hồ đến thăm. Hôm đó, trên đường đi công tác ở Liên Xô và Trung Quốc về nghỉ tại Ban Tiếp nhận Biên giới, khoảng 9 giờ sáng, Bác ra sông tắm. Vừa tắm xong thì một chiếc máy bay của Pháp bay đến. Tôi ra lệnh cho đơn vị nổ súng. Bị bất ngờ, nó vòng tránh rồi bỏ trốn về phía Nam. Chúng tôi đã bắn khá nhiều đạn nhưng vì pháo đặt cách xa nhau tới 700-800m, hỏa lực và hỏa khí đều phân tán nên đã để tên “giặc trời” chạy thoát. Trong lúc chúng tôi chiến đấu, không ngờ Bác đã theo dõi trận đánh ngay từ đầu. Chiều hôm đó, đồng chí Nguyễn Danh Phan-Trưởng Ban Tiếp nhận Biên giới, cho người đến báo đơn vị chuẩn bị đón một cán bộ cao cấp đến thăm. Nhận được tin, tôi vội vã trở về thì anh Hà Việt Nga-trực ban đại đội đã tập hợp bộ đội xong. Tôi thấy một cụ già dáng nhanh nhẹn, khỏe mạnh, vai đeo túi dết, chiếc khăn mặt bông dài quấn qua cằm lên đầu, đội chiếc mũ cát, mặc quần vải ka-ki, áo sơ mi dài tay, bên ngoài khoác chiếc áo va-rơi màu rêu đi cùng đồng chí Trần Đăng Ninh-Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp, đang tới gần. Cụ già bỏ mũ cầm trên tay và giở chiếc khăn mặt vắt lên vai. Chúng tôi thật không ngờ “người cán bộ cao cấp” đó lại là Bác Hồ. Tôi vội hô bộ đội đứng nghiêm rồi chạy đến báo cáo Bác. Bác tươi cười vẫy chào bộ đội rồi nói: “Hôm nay trên đường đi công tác xa về, Bác tới thăm các chú”. Rồi Bác hỏi thăm tình hình sức khỏe, ăn ở, sinh hoạt của đơn vị. Tôi lần lượt trả lời các câu hỏi của Bác. Thấy bộ đội vẫn đứng nghiêm, Bác nhắc: “Kìa, chú cho bộ đội “nghỉ” đi chứ. Để bộ đội đứng “lập chính” mãi sao?”. Tôi vừa dứt tiếng hô “nghỉ”, Bác liền hỏi: “Sáng nay các chú vừa bắn máy bay phải không?”. Tôi thưa: "Thưa Bác, đúng ạ!". Bác lại hỏi: “Thế các chú bắn hết bao nhiêu viên đạn, có trúng không?”. Tôi khẽ đáp: “Thưa Bác, chúng cháu bắn gần hết 100 viên nhưng không trúng ạ!". "Thế các chú có biết mỗi viên đạn giá trị bao nhiêu không?”-Bác lại hỏi tiếp. “Dạ thưa, chúng cháu nghe nói mỗi viên đạn tương đương một đồng cân vàng ạ”. Bác gật đầu rồi nhẹ nhàng nói: “Vậy là sáng nay các chú bắn mất gần 10 lạng vàng rồi đó. Nước ta còn nghèo, phần lớn vũ khí phải nhờ các nước anh em giúp đỡ, là loại hàng đắt tiền nên khi sử dụng các chú phải hết sức tiết kiệm. Muốn vậy, các chú phải chịu khó học tập, rèn luyện, làm chủ được vũ khí, thành thạo chiến thuật để đã bắn là trúng, đã đánh là thắng, có phải thế không?”. Cả đại đội đồng thanh đáp: “Thưa Bác, đúng ạ!”.

lan-dau-gap-bac-2
Bác Hồ với bộ đội pháo cao xạ Trung đoàn 234 (Đoàn Tam Đảo). Ảnh tư liệu.

Sau đó, Bác tiếp tục nói chuyện với đơn vị, căn dặn mọi người phải đoàn kết, giữ nghiêm kỷ luật, có mối quan hệ tốt với nhân dân nước bạn nơi đang đóng quân. Rồi Bác nói, đại ý là hiện nay, ta mới có 4 khẩu pháo cao xạ 37mm song trên đà phát triển của quân đội và đáp ứng yêu cầu kháng chiến, chúng ta sẽ có nhiều pháo hơn, các chú phải phấn đấu để làm nòng cốt cho một binh chủng cao xạ trong tương lai không xa. Rồi Bác hỏi tôi: “Đơn vị chú có tất cả bao nhiêu quân?”. Tôi báo cáo xong, Bác lấy từ túi dết ra một tút thuốc lá, một hộp bánh to và nói: “Hôm qua Tết dương lịch, các đồng chí Trung Quốc biếu Bác quà, Bác biếu lại các chú. Mỗi chú hai điếu thuốc và ít bánh”. Tôi cảm động đón quà từ tay Bác rồi chia cho bộ đội. Được quà của Bác nhưng không ai muốn hút, muốn ăn. Ai cũng muốn giữ lại làm kỷ niệm món quà của Bác cho. Trước lúc ra về, Bác dặn: “Hôm nay đến thăm các chú cũng là dịp Bác chính thức phát động thi đua luyện quân lập công cho đơn vị. Khi nào các chú bắn rơi được máy bay nhớ cho Bác biết, Bác sẽ khen thưởng”. Chúng tôi cùng hô vang: “Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Bác quay sang hỏi đồng chí Trần Đăng Ninh: “Chú có nói gì với bộ đội nữa không?”. Đồng chí Trần Đăng Ninh thưa: “Dạ thôi ạ, chỉ mong đơn vị làm tốt những điều Bác dạy…”.

Những ngày sau đó, theo lời Bác, toàn đơn vị chúng tôi đã dấy lên phong trào thi đua sôi nổi và chỉ hơn hai tháng sau, ngày 5-3-1952, chúng tôi đã bắn tan xác một chiếc máy bay của Pháp biệt danh “Gấu mèo” chỉ với gần 30 viên đạn. Chiếc máy bay bốc cháy cắm đầu sang đất bạn, tên giặc lái không kịp nhảy dù. Ta thu được 4 khẩu tiểu pháo 20mm gắn trên máy bay. Ít ngày sau, chúng tôi nhận được thư Bác. Bác nói Bác rất vui lòng khi chúng tôi hạ được máy bay địch rơi tại chỗ. Bác sẽ đề nghị Chính phủ thưởng Huân chương cho đơn vị. Riêng Bác thưởng cho một con bò để khao quân. Và sau đó, Ban Tiếp nhận Biên giới đã chuyển cho chúng tôi phần thưởng của Bác để ăn mừng chiến thắng./.

NGÔ VĂN ĐANG (Ghi theo lời kể của Đại tá Trần Thọ Vệ, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 612) .

Theo Báo Quân đội nhân dân

Huyền Anh (st)

Bài viết khác: