Bác Hồ kính yêu của chúng ta chưa có dịp để một lần vào thăm đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, song tình cảm của Bác luôn luôn hướng về Tây Nguyên, hướng về miền Nam ruột thịt. Đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên cũng mãi giành trọn niềm tin và lòng thành kính sâu sắc đến Người. Như lời của Nhà thơ Tố Hữu: "Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà/ Miền Nam mong Bác nỗi mong cha".
Bác Hồ trong lòng người dân Tây Nguyên năm 1969
Trong những năm tháng kháng chiến, Bác luôn hướng về Tây Nguyên, chia sẽ, động viên đồng bào đoàn kết trong sản xuất và chiến đấu chống quân thù. Nhân Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku ngày 19-4-1946, Bác gửi thư chúc mừng và căn dặn: "Hôm nay đồng bào khai hội, sum họp một nhà thật là vui vẻ. Tiếc vì đường sá xa xôi, tôi không đến dự được. Tôi tuy xa nhưng lòng tôi và Chính phủ vẫn gần gũi đồng bào. Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia rai hay Ê đê, Xê đăng hay Ba na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau…". Trong kháng chiến chống Mỹ, dù bận trăm công ngàn việc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường xuyên quan tâm, điện và gửi thư khen ngợi, động viên khích lệ tinh thần đối với cán bộ, quân và dân các tỉnh Tây Nguyên. Năm 1968, cuộc kháng chiến diễn ra ác liệt ở cả 2 miền Bắc - Nam, Bác Hồ vẫn gửi điện thăm hỏi đồng bào, chiến sĩ và cán bộ Tây Nguyên. Điện ghi: “Quân và dân Tây Nguyên già trẻ, trai gái, Kinh - Thượng đoàn kết một lòng, luôn luôn nêu cao truyền thống anh hùng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thi đua giết giặc lập công, giữ gìn buôn rẫy, thu được nhiều thành tích to lớn, cùng đồng bào cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Người lại dặn: “Đồng bào và chiến sĩ Tây Nguyên đã đoàn kết, càng phải đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, cố gắng phát huy mạnh mẽ những thắng lợi đã giành được, luôn nêu cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu của địch, ra sức cũng cố và phát triển vùng giải phóng và phục vụ tiền tuyến…Tây Nguyên nhất định cùng cả nước tiến lên đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược”. Nhiều người con ưu tú của dân tộc Tây Nguyên ra Bắc công tác, học tập, đào tạo và đã được vinh dự gặp Bác. Người đầu tiên là bác sĩ Y Ngông Niê Kđăm, đại biểu Quốc hội khóa I. Người thứ hai được gặp Bác là ông Kso Ní, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Về sau có Anh hùng Núp, thiếu tướng Y Blok Êban, Kso Krơn, nghệ sĩ Y Bơm…Bác đã giành thời gian gặp gỡ từng người ân cần thăm hỏi, động viên và dặn dò trước khi họ trở về phục vụ cho quê hương. Bác nói: “Tây Nguyên là một bộ phận không thể tách rời của nước Việt Nam thống nhất. Một bàn tay hoàn chỉnh phải có cả năm ngón, một ngón tay đau thì cả bàn tay cũng đau”. Những lời căn dặn của Bác khiến mọi người con Tây Nguyên mãi mãi khắc ghi.
Đáp lại tình cảm đó, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên luôn tin tưởng và tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hàng vạn người dân Tây Nguyên không được may mắn gặp Bác, nhưng họ vẫn luôn có niềm tin, tình cảm hướng về Người. Tình cảm đó đã được thể hiện qua rất nhiều câu chuyện cảm động từ các buôn làng Tây Nguyên: Chuyện cụ Rơchon Ýut ở làng Lứt, huyện Chư Pah, Gia Lai giữ tấm ảnh Bác Hồ được tặng làm lưu niệm trong dịp Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam ngày 19-4-1946, mãi đến phong trào Đồng khởi (1960), khi quê cụ đã được giải phóng, cụ phấn khởi đưa tấm ảnh Bác trao lại cho cán bộ ta trước khi cụ qua đời . Chuyện Bók Vừu, người dân tộc Ba na, một anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược của tỉnh Kon Tum, khi bị địch bắt và hành hình, Bók đã trăn trối với bà con: "Tôi có chết thì cũng là người Ba na, người Đảng, là con cháu Cụ Hồ, dân làng nhớ trả thù cho tôi…". Hay như đồng chí Đei (dân tộc Ba na), Bí thư chi bộ làng Krong Hra, xã Yang Bắc, huyện An Khê, Gia Lai, đã hô to khẩu hiệu :"Bok Hô arih ling lang" (Hồ Chủ tịch muôn năm) trước khi Mỹ-Diệm nhằm vào anh nổ súng. Nhiều người đã gan dạ làm thơ, sáng tác nhạc ca ngợi về Bác Hồ ngay trong những dịp tham gia chương trình văn nghệ do chính Mỹ-Ngụy tổ chức…Vào thời kỳ Mỹ-Diệm công khai phá hoại Hiệp định Giơnevơ, chúng tăng cường "tố cộng, diệt cộng", cán bộ của ta ở các tỉnh Tây Nguyên được phân công về bám làng, bám dân; cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân; dạy con chữ, chữa cái bệnh cho nhân dân. Nhân dân nơi đây rất mực tin tưởng vào cán bộ, tin vào Đảng và Bác Hồ. Hình ảnh Bác Hồ đã được khắc sâu trong lòng người dân, với những khái niệm giản dị nhưng thành kính vô cùng: tiếng nói Bác Hồ; anh bộ đội Cụ Hồ; hạt muối, hạt gạo, củ sắn Bác Hồ, cái chữ Bác Hồ…Bà con đồng bào các dân tộc chân tình bộc bạch: "Đảng và Bác Hồ đã bày cho dân biết cái chữ, làm ra đất, làm ra nước, dạy cho dân biết cứu đói, cứu đau, có cái ăn, cái mặc và hiểu biết mọi việc trên đời"…
9 giờ 47 phút ngày 02-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã qua đời. Chấp hành Chỉ thị của Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Thường vụ Khu uỷ Khu V, từ ngày 04 đến ngày 10-9-1969, tại vùng giải phóng các tỉnh Tây Nguyên, các Ban Tang lễ được thành lập để tổ chức lễ tang và truy điệu Bác; đồng bào Tây Nguyên, kể cả đồng bào trong vùng địch tạm chiếm đã khóc ào lên khi nghe tin Bác mất, bằng mọi hình thức công khai hay bí mật, đồng bào các dân tộc đã để tang Bác trong 7 ngày, có nơi tới 9 ngày… có làng đánh chiêng tang báo tin cho nhau…tất cả trẻ em đến cụ già đều tỏ lòng đau thương vô hạn. Bác không còn là một mất mát không thể bù đắp. "Hỡi ơi Bok mất đất trời còn không?".
Trong suốt thời gian kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược, nhân dân Tây Nguyên đã tuyệt đối trung thành với Đảng, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nói và làm theo lời Bác, thực hiện theo Di chúc của Bác. Trong kháng chiến, nhân dân nơi đây vẫn luôn phải sống trong cảnh đói rách, thiếu cơm, lạt muối, chỉ vì hậu quả của sự khủng bố, bóc lột tàn bạo của bọn thực dân, đế quốc xâm lược. Tuy vậy, với một lòng son sắc đi theo Đảng, theo Bác Hồ; với bản chất cần cù, chịu khó vươn lên trong gian khổ, nhân dân nơi đây đã tìm cách khắc phục khó khăn, vừa tăng gia sản xuất đóng góp cho cách mạng, vừa trực tiếp cầm súng ra chiến trường…đã cùng với các lực lượng và nhân dân cả nước giành thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và đang phấn khởi đi lên chủ nghĩa xã hội, con đường mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn./.
Bài, ảnh: Ngô Đức Hải
Theo tuyengiaokontum.org.vn
Minh Thu (st)