TS: Một chuyến đi lịch sử cách đây hơn 65 năm chưa được nhiều người biết tới, đưa Hoàng thân Xu-pha-nu-vông, bác sĩ Đặng Văn Ngữ vượt qua hàng nghìn ki-lô-mét với biết bao nguy hiểm về ATK gặp Bác Hồ. Bài viết dựa vào hồi ký của ông Trương Đình Nghi, CCB Quân tình nguyện Việt - Lào, thành viên của Đoàn, đã tái hiện hành trình của chuyến đi đặc biệt này...
Đoàn khách đặc biệt
Vào khoảng năm 1949, tại một địa điểm hữu ngạn sông Mê Công, trên khu vực ngoại ô của huyện lỵ nhỏ Ăm-phơ- bừng-càn, trên đất Thái Lan (đối diện với hữu ngạn có thị trấn Paksan là huyện lỵ Boi-khan của nước bạn Lào bị chính quyền ngụy tạm chiếm) có một xóm nhỏ ven sông là Việt kiều, làm nghề chài lưới. Trước ngày 19-8-1945, phần đông họ ở Paksan… Sau Cách mạng Tháng Tám, các thành phố và thị trấn ở Lào đều trở thành vùng tạm chiếm, bà con đã di tản sang Thái Lan. Từ năm 1946, theo tiếng gọi của Chính phủ Cụ Hồ và Hội Việt kiều cứu quốc, bà con bất hợp tác với Pháp và ngụy quyền, tiếp tục đóng góp sức người, sức của, tích cực tham gia mở mặt trận phía Tây. Trong xóm nhỏ trên có một số lán thợ cưa ăn ở tập thể, có tổ chức.
Vợ chồng CCB Trương Đình Nghi. Ảnh: Văn Thanh.
Theo sự chỉ đạo của anh Trần Hoàn, toàn bộ những người có mặt ở đây do anh Cơ phụ trách chung. Do yêu cầu của tình hình mới trong nước mở rộng mặt trận phía Tây và củng cố đường giao liên quốc tế, cơ sở kháng chiến của chúng tôi được bổ sung thêm một số đồng chí có năng lực lãnh đạo như đồng chí Lê Đình Tĩnh, nguyên là “chính trị phạm” của phong trào 1936-1939 ở Viêng Chăn, đồng chí Nguyễn Trọng Hiền từ Xiêng Khoảng về, đồng chí Tùng Đoàn, đồng chí Trần Hà Khang… Bắt đầu chỉ là một tổ giao liên nhỏ, từ tháng 3 đến tháng 5-1949 đã phát triển thành một phân khu do đồng chí Trần Hoàn làm Bí thư, kiêm Chỉ huy trưởng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đặc ủy Băng Cốc.
Vào khoảng đầu tháng 10-1949, anh Trần Hoàn đi Băng Cốc để báo cáo tình hình lên đặc ủy và xin chỉ thị mới. Trong thời gian anh Hoàn đi vắng, có một đoàn giao liên từ Khu 4 sang. Trong đó có các anh: Nguyễn Tử Quý, nguyên là công chức từ Xa-vẳn-na-khệt, anh Đào Ngọc Dung, nguyên là chủ tiệm may âu phục… được giác ngộ từ phong trào 1936-1939, anh Trương Văn Quý, trước là học sinh… Các anh đến đây làm nhiệm vụ phối hợp, củng cố đường giao liên giữa Bỏ-ri-khan và Khu 4.
Một hôm, lúc khoảng 4 giờ sáng, chúng tôi thấy anh Trần Hoàn đội áo mưa, tay cầm đèn pin từ thuyền chài đi lên. Theo sau là ba người cùng mặc áo mưa, đi ủng, tay chống ba-toong. Mặc dầu đường dốc, trơn… đoàn người vẫn đi, miệng xì xồ với nhau bằng tiếng Pháp. Chúng tôi đã thức, đều yên lặng khi thấy anh Hoàn đặt ngón tay lên ngang miệng. Ba vị khách được đưa vào nhà anh Tiết, là cơ sở ở sát bờ sông. Còn một số nhân viên tùy tùng cõng đồ thì được dẫn đến trọ ở nhà anh Sười. Ở đây, mỗi khi có khách quan trọng đều được bố trí như vậy để mọi người có điều kiện nghỉ ngơi. Khoảng 10 giờ sáng hôm ấy, anh Hoàn tập hợp anh em trong lán để phổ biến công tác quan trọng. Anh nói: “Đây là một phái đoàn quan trọng của cách mạng Lào, có hai ông. Ông Xu-pha-nu-vông, người đứng đầu Chính phủ Lào. Người thứ hai là ông Sâu-thí-an, còn hoạt động bí mật. Và người thứ ba là bác sĩ Đặng Văn Ngữ, một trí thức yêu nước, từ Nhật Bản, mang theo penicillin, giống thuốc quý đặc biệt về để chữa bệnh cho thương binh, tình nguyện trở về Tổ quốc, xin được gặp Cụ Hồ… Cả ba người đang trên đường về Việt Nam”.
Gian nan hành trình của “đoàn thiên sứ”
Trong cuộc họp kín do đồng chí Trần Hoàn chủ trì có các đồng chí Nguyễn Tử Quý, Đào Ngọc Dung, Trương Văn Quý và tôi. Theo nhận định: Đoàn khách cao cấp này phải có một trung đoàn hộ tống mới bảo đảm an toàn vì đoàn phải hành trình dài ngày, vượt qua hàng nghìn ki-lô-mét, qua nhiều núi cao, vực sâu, vượt qua bao nhiêu đồn bốt địch, băng qua Đông Dương và điểm đến là Việt Nam. Tuy nhiên, do sự khó khăn về đường đi nên tổ chức quyết định chỉ cần một lực lượng nhỏ, gọn, di chuyển nhanh chóng mới bảo đảm được kế hoạch. Anh Trần Hoàn giao nhiệm vụ: Anh Nguyễn Tử Quý làm chỉ huy trưởng, đồng chí Đào Ngọc Dung làm phó chỉ huy, dẫn đường do đồng chí Trương Văn Quý. Còn đồng chí Trương Đình Nghi, phụ trách tổ hậu vệ. Ngoài ra, còn có một số đồng chí bộ đội Lào chủ yếu làm nhiệm vụ chuyển hành lý cho khách.
Một đêm không trăng, trời lất phất gió mùa Đông Bắc, đoàn nhanh chóng bước lên ba chiếc thuyền chài do các anh Cơ, anh Sừng và anh Giáp cầm lái, xuôi theo hữu ngạn sông Mê Công đến Bừng-klà thì dừng lại để chia tay với người đưa tiễn. Tôi nhìn thấy 3 vị khách lần lượt bắt tay và ôm hôn anh Trần Hoàn. Đoàn thuyền lại tiếp tục xuôi dòng vì đối diện với bên kia sông là Pat-ca-đinh, có một đồn địch canh gác rất cẩn mật. Phải đi quá 5km, đoàn thuyền mới dừng lại mấy phút. Sau khi nhận được tín hiệu bằng ánh đèn pin, đoàn thuyền nhanh chóng chuyển hướng, tiến sang tả ngạn, tức là tiến vào vùng địch kiểm soát. Đoàn đổ bộ thuận lợi, an toàn. Tiếng gà rừng gáy nửa đêm như thúc giục mọi người hối hả nhanh chân để vượt qua nơi nguy hiểm. Đồng chí Trương Văn Quý luôn tiến lên phía trước. Tiếp theo là đồng chí Nguyễn Tử Quý, anh Đào Ngọc Dung thường đi sát Hoàng thân, ông Sâu-thí-an và bác sĩ Ngữ… Cuộc hành trình đưa những nhân vật lịch sử qua một đêm đầu tiên đi sâu vào lòng địch thuận lợi. Đoàn phải vượt qua Quốc lộ 13, có ô tô địch qua lại, tinh thần rất căng thẳng. Trời tang tảng sáng, người lính cuối cùng mới qua được điểm sau chót của sự hiểm nguy.
Chỉ khi nào đói mới có lệnh được dừng khoảng 15 phút để ăn xôi nắm. Những lúc như thế, tôi có dịp nhìn rõ Hoàng thân… người có nước da bánh mật, khuôn mặt vuông, cương nghị, có hàng ria mép. Ngài đã từng vào sinh ra tử với quân và dân Lào. Ông mặc bộ ka-ki, chân đi đôi ủng thường bị ướt sũng vì lội suối. Trên vai đeo cái ra-đi-ô, vặn nhỏ để theo dõi tình hình thời sự… Ông Sâu-thí-an, người hơi thấp nhưng tác phong có vẻ nhanh nhẹn, ít nói, ít tiếp xúc. Đúng với tác phong của người đang hoạt động bí mật. Riêng bác sĩ Ngữ, vóc người mảnh khảnh, nước da trắng xanh, đôi mắt sáng, gương mặt tươi tắn. Ông không thạo tiếng Việt, thường nói chuyện với Hoàng thân bằng tiếng Pháp. Phải đi bộ đường rừng nhưng xem ra có vẻ không mệt mỏi lắm. Ngoài bộ ka-ki, ông còn đội mũ phớt, chân đi ba-ta có tất ni-lông dài đến đầu gối... Mỗi lần qua suối, ông lại tháo giày, lội chân không. Tay chống ba-toong. Ông dùng hóa chất chống sên, vắt và luôn chăm sóc sức khỏe cho mọi người. Đêm thứ hai nghỉ lại ở bản Đon Mè. Đầu bản là ngọn núi cao, có cây thông to. Làng này dân cư đông, khoảng 100 nóc nhà. Nghề chính là làm nương. Ngoài ra, còn có nghề buôn bán nhỏ. Tiếp theo là các bản Muôn Nọi, Pha Hom, Xốp Hông, Pha Nghia, Xóp Viêng. Các bản trên thường ở dọc bờ sông Nam Muộn. Vùng này là cơ sở của cách mạng Lào nên đoàn thoải mái hành quân ban ngày. Dân quân thường hỗ trợ, đưa đoàn đi thuyền dài ngày nên cũng đỡ mỏi mệt. Khi qua các bản vùng sâu, vùng xa như thế này, Hoàng thân thường có những buổi nói chuyện về cuộc cách mạng Lào, về việc nhân dân Lào giành quyền độc lập… Cũng như quan hệ anh em Việt - Lào… Bác sĩ Đặng Văn Ngữ thì tuyên truyền cho dân bản giữ gìn vệ sinh nơi ăn chốn ở, không chăn nuôi dưới gầm nhà sàn… Dân trong bản rất sung sướng, tưởng như chuyện thần thoại nghìn năm có một. Dân địa phương đã đón đoàn như đón các vị thiên sứ, chân thành mời khách dừng chân và xin được chiêu đãi. Những cuộc hội ngộ như thế, đoàn đều cảm ơn và cáo từ vì nhiệm vụ phải lên đường gấp. Bà con đã lấy trứng gà và gạo nếp của nhà ra tặng. Đây cũng là một mỹ tục của dân địa phương, đoàn không thể từ chối.
Sau gần một tuần lễ, đoàn bắt đầu phải lội suối. Nếu gặp những ngày mưa rừng kéo dài thì nước suối dâng cao, gào thét, không kém những con sông lớn, có thể kéo trôi bất cứ thứ gì. Do yêu cầu cần đi ngay, không thể chậm trễ nên mỗi người đã chuẩn bị sẵn sợi dây dài khoảng 20m và một tấm ni-lông. Hành lý gói vào ni-lông làm phao. Các sợi dây bện vào nhau như một dây chão. Dây làm thành cái cầu dốc 30 độ từ bên này sang bên kia. Thế rồi lần lượt từng người theo dây mà sang… Chúng tôi đã vượt qua nhiều con suối dữ mà vẫn an toàn.
Kể từ cái đêm vượt sông Mê Công bước chân lên đất Lào, đến hôm nay là tròn một tháng. Mọi người ai nấy đều hào hứng khi hành quân trên đỉnh Trường Sơn. Tôi rất hồi hộp, đôi chân như chắp cánh bay lên. Qua đỉnh Trường Sơn, đoàn chúng tôi đang dần dần đi xuống núi. Đi theo hướng Khe Choang, theo chiều dọc của các con suối, lội tắt qua các khúc cong, chân đặt lên các tảng đá rêu, bập bênh, cách mặt nước khoảng 30cm. Vì đi bộ nhiều ngày, đế giày mòn, không còn độ ma sát. Bỗng một sự cố bất ngờ đến với người cao nhất, Hoàng thân trượt chân trôi theo dòng chảy, nước cuốn đi mấy vòng. Các chiến sĩ bảo vệ kịp thời nhảy theo, ôm Hoàng thân, cõng lên bờ suối bên kia. Mặt mũi, chân tay bị va đập thâm tím, rớm máu, Người đã được bác sĩ Ngữ sơ cứu và tiêm thuốc tăng lực kịp thời. Nhờ sự chăm sóc tận tình của đoàn mà vết thương của Hoàng thân dịu dần. Ông rất bình tĩnh và cảm động trước tình cảm chân thành của các đồng chí Quân tình nguyện Việt Nam. Như không có chuyện gì xảy ra, ông khoan thai nói với trưởng đoàn: “Ông Quý ạ, có lẽ chúng ta phải kiến nghị lên Chính phủ Việt Nam, cần sửa sang con đường này vì chúng ta còn phải sử dụng nó lâu dài”.
Đoạn cuối của chuyến đi
Nghỉ lại phố Dừa khoảng một tuần lễ lấy lại sức rồi chúng tôi đi tham quan nơi mới đặt chân đến. Ở đây có khoảng vài chục nóc nhà lợp tranh, lèo tèo nằm quay mặt ra đường, theo chiều dài của Quốc lộ 7. Thỉnh thoảng, có một đơn vị bộ đội hành quân về phía Cửa Rào. Quân phục nâu, mũ nan bọc vải nâu, có lưới, chân đi dép lốp có quai hậu, vai khoác súng trường. Cấp chỉ huy mặc đồ ka-ki, đeo súng ngắn trễ phía dưới, thắt lưng to bản bằng sợi dây dù. Cán bộ phụ nữ còn rất trẻ, tuổi độ 20, răng đen, tóc vấn khăn nâu, mặc áo cánh cổ thìa, yếm trắng, váy lụa đen dài đến mắt cá. Chân đi dép lốp có quai hậu, lưng đeo ba lô da. Đi lại rất nhanh nhẹn.
Qua thời gian nghỉ ngơi, chúng tôi cũng đã lấy lại được sức khỏe. Một buổi sáng nắng đẹp có một chiếc ô tô khách cỡ vừa, chạy bằng than từ Vinh lên. Trên xe bước xuống là một lãnh đạo tỉnh Nghệ An thay mặt Chính phủ Việt Nam và Quân khu 4 lên đón đoàn chúng tôi. Ông Tài vui vẻ siết chặt tay mọi người, mừng vui không sao tả xiết… Gặp những giây phút nghỉ ngơi, tôi mới được biết Hoàng thân năm ấy mới 40 tuổi, bác sĩ Ngữ trẻ hơn 5 tuổi. Còn ông Tài đã 50 xuân.
Sau bữa sáng đơn sơ, lên xe ô tô, mặc dù là xe chạy bằng than nhưng chúng tôi rất hào hứng vì vừa phải qua một chuyến đi kỳ lạ, ăn đất nằm rừng, trèo đèo lội suối, vào sinh ra tử. Bây giờ mới có thời gian tận hưởng sự thư giãn. Tôi có dịp quan sát hai bên đường, cũng chỉ là cây, là rừng, là những thửa ruộng, những ngọn đồi thấp nhưng sao thấy nó êm ả, yên vui lạ thường. Lòng tôi cứ trào dâng từng đợt thật khó tả…
LÊ LANH
Theo Báo Quân đội nhân dân
Thanh Huyền (st)