bia BLDS 2005

Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) - (sau đây gọi tắt là dự thảo Bộ luật) bao gồm 712 điều được chia thành 6 phần. Ít hơn 65 điều so với Bộ luật Dân sự hiện hành, trong đó có 265 điều của Bộ luật năm 2005, sửa đổi gần 300 điều, bổ sung hơn 170 và bãi bỏ 150 điều... dự thảo Bộ luật gồm có 6 phần sau:

Phần thứ 1: “Quy định chung” từ Điều 1 đến Điều 180.

Phần thứ 2: “Quyền sở hữu và các vật quyền khác” từ Điều 181 đến Điều 303.

Phần thứ 3: “Nghĩa vụ và hợp đồng” từ Điều 304 đến Điều 631

Phần thứ 4: “Thừa kế” từ Điều 632 đến Điều 688

Phần thứ 5: “Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài” từ Điều 689 đến Điều 710

Phần thứ 6: “Điều khoản thi hành” từ Điều 711 đến Điều 712.

Dự thảo Bộ luật quy định nhiều nội dung đổi mới cơ bản cả về phạm vi điều chỉnh, chủ thể, quyền sở hữu, tài sản, giao dịch dân sự... Dưới đây, Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh xin giới thiệu cùng bạn đọc về những điểm mới cơ bản trong Dự thảo Bộ luật này:

1. Phần thứ nhất “Quy định chung” từ Điều 1 đến Điều 180

Về phạm vi điều chỉnh: Quy định về những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các quan hệ khác hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm.

Về quyền nhân thân: Dự thảo Bộ luật tiếp tục đưa ra quy định các quyền nhân thân cụ thể (từ Điều 30 - 51), sửa đổi một số điều cho phù hợp với Hiến pháp như quyền được bảo đảm an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân (thay cho quyền bí mật đời tư)… đồng thời, bổ sung một số quyền mới, như: Quyền lập hội, quyền tiếp cận thông tin, quyền sống… Ngoài ra, theo Điều 51 dự thảo Bộ Luật, các quyền con người, quyền nhân thân khác về dân sự đều được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Trong đó, bổ sung họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo tập quán. Thay đổi họ theo họ của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà bên vợ, chồng người nước ngoài là công dân.

Về quan hệ pháp luật dân sự: Dự thảo Bộ luật chỉ quy định chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự là cá nhân và pháp nhân, đồng thời có một số quy định riêng về việc tham gia quan hệ pháp luật dân sự của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân (từ Điều 119-121); một số quy định riêng về việc tham gia quan hệ dân sự của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương và ở địa phương (từ Điều 115-118).

Về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định: Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu”. Về nội dung này, Điều 145 dự thảo Bộ luật đề xuất: “Trường hợp luật quy định hình thức là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự mà hình thức đó không được tuân thủ thì giao dịch dân sự đó bị vô hiệu, trừ các trường hợp sau đây: a) Việc không tuân thủ quy định về hình thức không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người khác và chủ thể giao dịch dân sự đã chuyển giao tài sản hoặc đã thực hiện công việc. Trong trường hợp này, theo yêu cầu của một hoặc các bên, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm hoàn tất thủ tục đối với giao dịch dân sự đó; b) Trường hợp chủ thể chưa chuyển giao tài sản hoặc chưa thực hiện công việc thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Toà án cho phép thực hiện quy định về hình thức của giao dịch dân sự trong một thời hạn hợp lý; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch dân sự đó bị vô hiệu”.

Về giao dịch dân sự: Điều 148 dự thảo Bộ Luật sửa đổi  như sau: “Trường hợp đối tượng của giao dịch dân sự là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu mà tài sản đó đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết tài sản là đối tượng của giao dịch đã bị chiếm đoạt bất hợp pháp hoặc ngoài ý chí của chủ sở hữu; Trường hợp đối tượng của giao dịch dân sự là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu mà tài sản đó chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba thì giao dịch này bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa.”

Dự thảo Bộ luật đã có nhiều sửa đổi, bổ sung liên quan đến các quy định về giao dịch dân sự theo hướng bảo đảm tốt hơn quyền tự do thể hiện ý chí, sự an toàn pháp lý, sự ổn định của giao dịch, quyền, lợi ích của bên thiện chí, bên ngay tình.  Cụ thể như: Giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức nhưng không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người khác và chủ thể giao dịch đã chuyển giao vật, tiền hoặc đã thực hiện công việc thì giao dịch đó vẫn có hiệu lực; trường hợp này, theo yêu cầu của một hoặc các bên, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm hoàn tất thủ tục đối với giao dịch đó; Quy định về giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu cũng được sửa đổi để bảo đảm công bằng, phù hợp hơn với quyền, lợi ích của chủ thể xác lập giao dịch; Quyền của người thứ ba ngay tình được bảo vệ triệt để hơn theo nguyên tắc, trong trường hợp đối tượng của giao dịch là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu mà tài sản đó đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết tài sản là đối tượng của giao dịch là do bị chiếm đoạt bất hợp pháp, ngoài ý chí của chủ sở hữu; việc chuyển giao tài sản thông qua đấu giá hoặc căn cứ theo bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền cũng được bảo vệ...

Về đại diện: Dự thảo Bộ luật quy định đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền của cá nhân, pháp nhân. Pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật và pháp nhân có thể là người đại diện theo ủy quyền cho các chủ thể khác.

Về thời hiệu: Dự thảo Bộ luật quy định về thời hiệu hưởng quyền dân sự và thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự. Cá nhân, pháp nhân căn cứ vào thời hiệu để bảo vệ quyền dân sự của mình. Tòa án có thể tuyên bố chủ thể được hưởng quyền dân sự hoặc được miễn trừ nghĩa vụ dân sự do việc hết thời hiệu.  

Phần 2 “Quyền sở hữu và các vật quyền khác” từ Điều 181 đến Điều 303.

Dự thảo Bộ luật cũng có nhiều quy định mới so với Bộ luật Dân sự hiện hành. Phần “Quyền sở hữu và các vật quyền khác” quy định về căn cứ xác lập và thời điểm xác lập quyền sở hữu, các vật quyền khác; bảo vệ, hạn chế quyền sở hữu và các vật quyền khác; chiếm hữu, quyền sở hữu và các vật quyền khác (như quyền địa dịch, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt, quyền ưu tiên). Trong đó, về thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác, Dự thảo Bộ luật quy định quyền sở hữu và các vật quyền khác được xác lập kể từ thời điểm chuyển giao vật, tức là thời điểm bên có quyền hoặc người đại diện hợp pháp của họ được trực tiếp nắm giữ, chi phối vật, trừ trường hợp luật hoặc hợp đồng có quy định khác. Trường hợp luật quy định việc chuyển giao vật phải được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền thì thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký.

Về chiếm hữu: Dự thảo Bộ luật quy định người chiếm hữu tài sản được suy đoán là ngay tình. Người nào cho rằng người chiếm hữu là không ngay tình thì phải chứng minh. Trường hợp một người nào đó có yêu cầu về quyền sở hữu đối với tài sản đang do người khác chiếm hữu thì Toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác chỉ thụ lý giải quyết vụ, việc với điều kiện người đó đã chấm dứt hành vi vi phạm quyền của người chiếm hữu và khôi phục lại tình trạng ban đầu (nếu có).

Về hình thức sở hữu: Dự thảo Bộ luật quy định hình thức sở hữu trong BLDS bao gồm sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung.

Về các vật quyền khác: Dự thảo Bộ luật quy định một số quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản (vật quyền khác) như: Quyền địa dịch, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt, quyền ưu tiên và các vật quyền khác được quy định trong các luật có liên quan. Các quyền này được xác lập trong trường hợp Hiến pháp, Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.

Phần thứ 3 “Nghĩa vụ và hợp đồng” từ Điều 304 đến Điều 631;

So với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, quy định về nghĩa vụ và hợp đồng tại dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) có một số điểm sửa đổi, bổ sung cơ bản như: Dự thảo không quy định lại những vấn đề pháp lý đã được quy định tại Phần thứ nhất “Quy định chung” liên quan đến các nguyên tắc cơ bản, hành vi pháp lý, đại diện, thời hiệu; các quy định về các biện pháp cầm cố, thế chấp, cầm giữ và bảo lưu quyền sở hữu được chuyển vào Phần thứ hai “Quyền sở hữu và các vật quyền khác để phù hợp với bản chất pháp lý của các biện pháp bảo đảm này”.

Về trách nhiệm do không thực hiện đúng nghĩa vụ được sửa đổi, bổ sung theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn của Việt Nam, bảo đảm sự an toàn, thông thoáng của giao lưu dân sự, trong đó có quy định về trách nhiệm chứng minh về việc miễn trừ nghĩa vụ bồi thường của bên vi phạm, về nghĩa vụ của bên bị vi phạm trong việc hạn chế thiệt hại của mình.

Về hợp đồng: Trong dự thảo Bộ luật những quy định chung về hợp đồng được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định chung nhất về hợp đồng, định hướng trong việc xây dựng các quy định về hợp đồng trong luật chuyên ngành; đủ để áp dụng trong trường hợp các luật chuyên ngành thiếu quy định về hợp đồng so với Bộ luật Dân sự hiện hành.  Ngoài ra, Dự thảo còn bổ sung một số quy định mới phù hợp với thông lệ quốc tế, thực tiễn Việt Nam, nhất là các quy định về điều kiện giao dịch chung, điều chỉnh hợp đồng khi có thay đổi hoàn cảnh, hủy bỏ và hậu quả của hủy bỏ hợp đồng... Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung quy định về hợp đồng thông dụng theo hướng Bộ luật dân sự chỉ quy định về những hợp đồng mang tính đặc trưng và đại diện.

Dự thảo Bộ luật không quy định về hợp đồng mua bán nhà ở, hợp đồng thuê nhà ở, hợp đồng bảo hiểm so với Bộ luật Đân sự hiện hành.

Dự thảo Luật cũng bổ sung một loại hợp đồng mới là hợp đồng hợp tác để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn về hợp tác trong sản xuất, kinh doanh. Theo dự thảo, hợp đồng hợp tác là hợp đồng, theo đó nhiều người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thỏa thuận về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm. Hợp đồng hợp tác phải được lập thành văn bản và được công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng.

Đối với một số hợp đồng cơ bản như hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng vay tài sản, hợp đồng thuê tài sản... đã được bổ sung nhiều quy định để bảo đảm các quy định này có thể áp dụng cho các hợp đồng có liên quan và cũng bao quát được những dạng thức hợp đồng phái sinh, đặc thù có thể phát sinh trong thời gian tới.

Dự thảo cũng hoàn thiện chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, theo đó, người bị thiệt hại không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của bên gây thiệt hại để thay thế cho quy định hiện hành đang tạo gánh nặng chứng minh của người bị thiệt hại. Bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về bồi thường thiệt hại cho cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường, tính mạng, sức khỏe của người dân.

Phần thứ tư “Thừa kế” từ Điều 632 đến Điều 688

Dự thảo Bộ luật quy định về quyền thừa kế, thời điểm mở thừa kế, di sản, người thừa kế, không có quyền hưởng di sản, quản lý di sản; điều kiện có hiệu lực của di chúc, quyền của người lập di chúc, hình thức của di chúc, di chúc chung của vợ chồng, hiệu lực pháp luật của di chúc, người thừa kế không phụ thuộc vào di chúc, di sản dùng vào việc thờ cúng, di tặng; những trường hợp thừa kế theo pháp luật, người thừa kế theo pháp luật, thừa kế thế vị và thanh toán phân chia di sản...

Về từ chối nhận di sản dự thảo Bộ luật quy định phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản cụ thể “Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản- Khoản 3, Điều 64, Dự thảo Bộ luật (sửa đổi) ” còn tại Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Thời hạn từ chối nhận di sản là sáu tháng, kể từ ngày mở thừa kế. Sau sáu tháng kể từ ngày mở thừa kế nếu không có từ chối nhận di sản thì được coi là đồng ý nhận thừa kế- khoản 3, Điều 642”.

Về di chúc chung của vợ chồng được sửa đổi theo hướng trong trường hợp vợ, chồng lập di chúc chung mà có một người chết trước, thì chỉ phần di chúc liên quan đến phần di sản của người chết trong tài sản chung có hiệu lực pháp luật; nếu vợ, chồng có thoả thuận trong di chúc về thời điểm có hiệu lực của di chúc là thời điểm người sau cùng chết, thì di sản của vợ, chồng theo di chúc chung chỉ được phân chia từ thời điểm đó, thay cho quy định hiện hành là di chúc chung của vợ chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết.

Về việc hạn chế phân chia di sản dự thảo Bộ luật cũng sửa đổi theo hướng: Nếu người vợ/chồng còn sống chứng minh được việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của họ và gia đình, thì họ có quyền yêu cầu tòa án gia hạn trong trường hợp đã hết thời hạn 3 năm theo quyết định của tòa án mà tình trạng cuộc sống của vợ/chồng và gia đình vẫn khó khăn nghiêm trọng thay vì chỉ 3 năm như quy định hiện hành của Bộ luật Dân sự 2005.

Về thời hiệu thừa kế dự thảo Bộ luật cũng sửa đổi quy định thời hiệu về thừa kế đối với bất động sản là 30 năm, đối với động sản là 10 năm. Điểm mới đáng lưu ý trong thời hiệu về thừa kế là quá thời hạn trên, nếu di sản đang thuộc người thừa kế quản lý thì thuộc quyền sở hữu của họ. Nếu người quản lý di sản không phải là người thừa kế thì phân thành 2 trường hợp: Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu hoặc được lợi một cách ngay tình, liên tục, công khai và phù hợp pháp luật thì họ trở thành chủ sở hữu; nếu không có người khác chiếm hữu hoặc được lợi về di sản thì di sản thuộc về nhà nước. Đây là một sự khác biệt so với quy định về thừa kế hiện nay. Với quy định này, sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc trong giải quyết tranh chấp thừa kế hiện nay.

Phần thứ 5 “Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài” từ Điều 689 đến Điều 710

Đặc biệt, trong nguyên tắc xác định và áp dụng pháp luật trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, để làm rõ mối quan hệ giữa phần này với các quy phạm xung đột tại pháp luật chuyên ngành, Dự thảo Bộ luật quy định các bên có thể lựa chọn áp dụng pháp luật theo nguyên tắc sau: Các bên có thể lựa chọn pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài theo quy định của Phần thứ 5 “Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài” của dự thảo Bộ luật; Trường hợp các bên không lựa chọn pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài theo quy định tại khoản 1 Đluaatj690 của dự thảo Bộ luật  hoặc pháp luật Việt Nam không có quy định về việc xác định pháp luật áp dụng thì pháp luật của nước nơi có quan hệ gắn bó nhất với quan hệ dân sự đó được áp dụng.

Tập quán do các bên lựa chọn được áp dụng đối với các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài nếu hậu quả của việc áp dụng tập quán đó không trái với trật tự công. Trong trường hợp hậu quả của việc áp dụng tập quán do các bên lựa chọn trái với trật tự công thì pháp luật Việt Nam được áp dụng./.

Kim Yến (Tổng hợp)

Bài viết khác: