Hệ thống Trợ năng

Chủ nhật, 19/01/2025

Trong các bản Di chúc 1965, 1968, 1969 Người để lại, “việc riêng” tưởng chừng “tuyệt đối bí mật” và riêng tư, Người cũng dành để nghĩ về dân, về nước, để “phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”.

Đoạn “Về việc riêng” trong Di chúc năm 1965, Bác dặn dò về việc tang và viết về hỏa táng. Người dặn “nên gửi một ít tro xương cho đồng bào miền Nam”.

Năm 1968, Bác viết lại đoạn này, dặn tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành, cho mỗi miền Bắc, Trung, Nam mỗi miền một hộp. Người còn bổ sung một đoạn nói về cuộc đời: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.

Bản Di chúc đã công bố năm 1969 lấy nguyên văn đoạn Bác viết về bản thân năm 1968, trừ đoạn nói về hỏa táng.

Theo GS.TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương, đoạn Bác viết “Về việc riêng” đã toát lên tất cả tâm hồn cao đẹp của Người. Người đã hy sinh bản thân, quên mình đi để nghĩ về tất cả. Qua các bản sửa, Người như cảm nhận thấy sự hữu hạn của đời người. Người nói rõ: “Ai đoán biết tôi sẽ sống và phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng mấy năm mấy tháng nữa? (Di chúc 1965), rồi “không ai đoán biết được tôi sẽ sống và phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng mấy tháng, mấy năm nữa?” (Di chúc 1968), cuối cùng là “ai mà đoán biết tôi còn phục vụ cách mạng, phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân được bao lâu nữa?” (Di chúc 1969). Những từ, những chứ ấy cho thấy, dường như Người biết rõ tất cả, cả bệnh và mệnh của mình.

Việc riêng
Nhân dân các dân tộc Tây Bắc vui sướng khi được gặp Bác Hồ năm 1959. (Ảnh tư liệu)

“Về việc riêng…” nhưng Bác không hề đề cập đến cá nhân hay bản thân mình. Bởi suốt đời Người phấn đấu cũng vì hạnh phúc của nhân dân, bởi mục đích của Người khi trả lời các nhà báo nước ngoài đầu năm 1946, sau thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập và Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành Chủ tịch chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước, sau vẫn không hề thay đổi: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".

"Cái riêng" của Người đã hòa quyện trong "cái chung" của dân tộc. Vì thế mà trước lúc đi xa Bác “không có điều gì phải hối hận” chỉ tiếc duy nhất một điều - một điều cao cả, là “không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa” cho dân, cho nước.

Đọc Di chúc, không khỏi xúc động bởi từng câu, từng chữ đều toát lên lòng yêu thương con người của Bác. Bác luôn nghĩ cho nhân dân, không muốn mọi người phải lãng phí thời gian và tiền bạc vì Bác. Ở cả 3 bản Di chúc 1965, 1968, 1969, Người đều căn dặn, khi Người mất, "chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân".

Người “nằm xuống” mà vẫn nghĩ cho những người đang sống: “nên xây 1 cái nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi”, “Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp” (Di chúc 1965). Người “yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là “hỏa táng” bởi “như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng”.

Kể cả khi chỉ còn lại tro xương, Người cũng không nghĩ về mình nữa mà dâng hiến cho khắp 3 miền Bắc – Trung – Nam của Tổ quốc! (Di chúc 1968) và “để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”! (Di chúc 1969).

Theo PGS.TS Phạm Hồng Chương, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, theo quan niệm truyền thống, Di chúc là văn bản nói lên những việc phải làm, những lợi ích mà người chuẩn bị đi vào cõi vĩnh hằng xác định cho con cháu, cho đời sau.

Là người sáng lập Đảng, đồng thời là lãnh đạo cao nhất của Đảng cho đến khi viết Di chúc trong những năm 60 của thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Di chúc trên tinh thần truyền thống ấy mà trọng tâm là những căn dặn của Người giành cho Đảng, về những việc Đảng phải làm để thực hiện được mục tiêu vì lợi ích của Tổ quốc và Nhân dân, để “điều mong muốn cuối cùng” của Người là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” sớm thành hiện thực.

Như thế, "“trước hết nói về Đảng” nhưng trên hết là Nhân dân”. Đó là sự sâu sắc vô cùng trong tư duy triết học Hồ Chí Minh, PGS.TS Phạm Hồng Chương nhấn mạnh./.

Minh Châu

 Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: