“Trong những trận đánh tiếp theo, nhiều chiến sĩ trên trận chốt hôm đó đã không còn nữa. Họ đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhưng tấm ảnh Bác Hồ của Trung đội trưởng Lê Bá Dương để lại vẫn được các chiến sĩ chuyền tay nhau giữ cho đến ngày thống nhất nước nhà. Và chiến công dâng Người, ngày mỗi nhiều thêm. Tấm ảnh đó đã trở thành hiện vật truyền thống quý báu của trung đoàn…” (Trích trong lịch sử Trung đoàn 27-Triệu Hải - Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân-1990), kể về sự tích tấm ảnh Bác Hồ của Trung đội trưởng Lê Bá Dương và đồng đội từng hôn trước lúc phát pháo hiệu gọi pháo của đơn vị bắn hủy chốt, chấp nhận hy sinh cùng trận địa trong trận chốt giữ Đồi thám báo thuộc cụm cao điểm 544 (Pu-lơ) tại Mặt trận đường 9, ngày 21-6-1971.
Những người còn sống sau trận chốt (từ trái qua): Vi Sinh Thoòng-chiến sĩ B40, Trung đội trưởng Lê Bá Dương, chiến sĩ Phùng Hòe. Ảnh: Đặng Anh Vinh
Và không chỉ là hiện vật truyền thống! Tháng 1-2008, tại lễ kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập trung đoàn, đồng chí Chính ủy Sư đoàn 390 khi nhận lại tấm ảnh Bác Hồ với lời thề quyết tử viết bằng máu đó đã khẳng định: Đây không chỉ là hiện vật, mà hơn thế, còn là báu vật của đơn vị!
Tuy nhiên, với tôi-người trực tiếp dùng máu mình viết nên lời thề quyết tử trên tấm ảnh Bác Hồ, thì đó là cả một chuỗi những câu chuyện cảm động và sâu sắc và cũng là bài học về ý chí chiến đấu, về khát vọng độc lập tự do, thống nhất đất nước của Bác Hồ - bài học cho đến bây giờ trong cuộc đối đầu với mọi cám dỗ thời bình, với những mưu đồ diễn biến hòa bình của kẻ thù vẫn còn nguyên giá trị.
1. Năm 1968, một người lính của Đại đội 4, Tiểu đoàn 2 Nghệ An đỏ, thuộc Trung đoàn 27 Xô viết Nghệ Tĩnh (nay là Trung đoàn 27 - Triệu Hải), trong cùng một trận đánh tại bắc đường số 9, Quảng Trị đã dùng khẩu B41, lần lượt bắn tiêu diệt 6 xe tăng địch, trở thành dũng sĩ diệt tăng nổi tiếng mặt trận B5. Người lính đó là Trung đội phó Lê Nhật Tụng. Với chiến công đặc biệt xuất sắc đó, tháng 5-1969, Lê Nhật Tụng được vinh dự đại diện cho các chiến sĩ Quân giải phóng đường 9 Quảng Trị, tham gia đoàn đại biểu dũng sĩ Quân giải phóng miền Nam ra Hà Nội dự đại hội chiến sĩ thi đua. Cũng trong dịp này, Lê Nhật Tụng đã có được niềm hạnh phúc tột cùng khi được tham gia đoàn đại biểu dũng sĩ Quân giải phóng miền Nam thăm, chúc thọ Bác Hồ. Để rồi, ngày trở lại đơn vị, trong hành trang của mình, ngoài chiếc Huy hiệu Bác Hồ do chính người tự tay gắn trên ngực áo của Lê Nhật Tụng, cùng tấm ảnh Lê Nhật Tụng đang cùng các dũng sĩ miền Nam quây quần bên Bác, còn có nguyên những câu chuyện cảm động về Bác Hồ. Những câu chuyện đó được Lê Nhật Tụng kể lại cho chúng tôi đã trở thành niềm tự hào và là bài học sâu sắc, trở thành động lực giúp những người lính Trung đoàn 27 vượt qua những cam go, thử thách, sẵn sàng hy sinh xương máu vì độc lập tự do của Tổ quốc. Và một trong những câu chuyện cảm động được kể đi kể lại nhiều lần như sau:
Hôm đó, mặc dù tuổi Bác đã cao, sức khỏe Bác không được tốt như trước, nhưng Bác Hồ vẫn dành cả một khoảng thời gian khá dài để tiếp và thăm hỏi các cháu nam, nữ dũng sĩ miền Nam. Trên bàn tiếp khách được bày sẵn những đĩa kẹo, bánh, trái cây. Mặc dù Bác liên tục nhắc mọi người ăn kẹo, uống nước, nhưng trong một không khí ấm áp tình cha con, nên cả đoàn như quên hẳn các đĩa kẹo, bánh, nước trà trên bàn. Cứ vậy, sau những lời thăm hỏi, động viên và tự tay mình gắn Huy hiệu của Bác cho từng người, Bác Hồ chia tay với đoàn. Nhưng ra đến cửa, Bác bỗng dừng bước, ngoảnh về phía dãy bàn còn nguyên các đĩa kẹo bánh và bình nước trà rồi dặn:
- Kẹo bánh của nhân dân cho đó, các cháu ăn không hết thì chia nhau mang về-Rồi bất ngờ Bác nhấn mạnh từng lời-Còn nước thì nhất định không được chia!
Lời dặn thật bất ngờ và càng không ai ngờ, đó là lần cuối cùng những người lính giải phóng, những người con dân đất Việt có mặt hôm đó trong lễ mừng thọ lần cuối cùng của Người được nghe trực tiếp lời Người dặn dò: Nước thì nhất định không được chia! Vâng, đó chính là lời dặn, và cũng khát vọng thống nhất đất nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đau đáu suốt cả cuộc đời, thực sự là bài học về ý chí chiến đấu, hy sinh vì “độc lập tự do”, trở thành hành trang cho mỗi người lính chúng tôi đi tiếp suốt chiều dài chiến tranh, tiếp tục thực hiện ý chí, lời thề và là khát vọng thiêng liêng của mỗi con dân đất Việt: Vì độc lập tự do, vì sự nghiệp thống nhất đất nước.
Tấm ảnh Bác Hồ với lời thề quyết tử viết bằng máu được chính Lê Bá Dương trao qua Thiếu tướng Lê Mã Lương cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự. Ảnh: Trần Huấn
2. Đêm 3-9-1969. Trên đường vượt dốc cao điểm 405 để chuẩn bị cho trận đánh mới, chúng tôi nhận được tin đau đớn: Bác Hồ qua đời. Mệnh lệnh của đơn vị gấp rút trở về hậu cứ chịu tang Bác. Chúng tôi như chết lặng giữa sườn núi, bất chợt trong tôi trào lên một nỗi tiếc nuối khôn nguôi. Vậy là vĩnh viễn tôi không còn có cơ hội thực hiện mơ ước một lần được gặp và mừng thọ Bác Hồ như người đồng đội tôi đã từng.
Ngước lên thác nước đổ phía đầu suối Cù Đinh, những câu chữ như theo bóng hình Bác bỗng đổ về thành lời:
Đung đưa võng mắc lưng sườn dốc
Đêm về gió núi lạnh tái tê
Khuya nghe suối đổ như triều dậy
Vẫn ấm lòng con, bóng Bác về
Vâng, chúng tôi đã vĩnh viễn không bao giờ có cơ may được gặp Bác như người đồng đội của chúng tôi. Nhưng Bác vẫn luôn hiện hữu bên chúng tôi trong từng chặng gian nan trận mạc với lời dặn như tạc vào lòng mỗi người lính giải phóng rằng: Nước không được chia.
3. Tháng 6-1971. Sau hơn 1 tháng thực hiện phương châm “Vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt”, Trung đoàn chúng tôi đã siết chặt vòng vây, ép cao điểm 544 vào thòng lọng. Nhiệm vụ đánh trận quyết định tiêu diệt 544 – con mắt thần đặc biệt quan trọng trong hệ thống hàng rào điện tử Mắc-na-ma-ra được giao cho Tiểu đoàn 2. Để thực hiện trận quyết chiến điểm này, ta bắt buộc phải tổ chức chiếm và chốt giữ được Đồi thám báo đối diện với đỉnh 544 khoảng 400m. Tuy nhiên, chiếm Đồi thám báo không khó, song giữ được nó thì quả là điều nan giải vì địa hình hẹp, không thể bố trí được lực lượng.
Đêm 21-6, khi tiếp cận lên khe nước lưng chừng cao điểm 544, tôi được lệnh lên gặp trực tiếp chỉ huy tiểu đoàn. Bên gộp đá vỡ toác còn khét mùi thuốc đạn, tôi được giao nhiệm vụ dẫn một tổ trong trung đội của mình chiếm lĩnh đồi thám báo với mục tiêu ngắn gọn: Bằng mọi giá, hãy cố giữ lấy trận địa một ngày, để đến tối, tiểu đoàn sẽ lấy đó làm bàn đạp tấn công dứt điểm 544. Từng nếm trải qua hàng chục trận đánh chốt, tôi hiểu hơn ai hết sự ác liệt của trận đánh ngày mai mà tôi sẽ đương đầu. Linh cảm cho một trận đánh sinh tử, chỉ được quyền thắng không lùi, tôi lẳng lặng lấy cuốn sổ tay, lột bỏ toàn bộ những trang viết cho vào ba lô gửi lại cho anh em phía sau, chỉ giữ lại tấm ảnh Bác Hồ ở đầu trang và lặng lẽ cất vào túi áo bên ngực trái.
Đúng như dự đoán! Sau buổi tối lên chiếm lĩnh trận địa, tổ chức đào công sự, gài mìn chống tấn công… vừa xong cũng là khi trời hửng sáng. Một buổi sáng được “mở màn” bằng hàng loạt trận oanh kích của máy bay, xen kín từng đợt pháo cấp tập vào chốt dọn đường cho 2 đại đội tăng cường lính ngụy từ đỉnh 544 nống ra hòng chiếm lấy ngọn đồi sinh tử. Phía ta, chúng tôi vẫn giữ lối đánh chốt điềm tĩnh, lần lượt hàng chục lần hất các mũi tấn công của 2 đại đội tăng cường lính ngụy ngược về điểm xuất phát nơi yên ngựa. Ồ ạt tấn công, liên tục bị đánh vỗ mặt, bọn địch đã phải bỏ lại từng chồng xác chết chỉ cách mũi súng của tổ chốt chúng tôi hơn chục mét. Tuy vậy, về phía chúng tôi, 2 trong số 4 chiến sĩ hy sinh, 3 người còn lại cũng lần lượt bị thương nặng, cơ số đạn vơi dần.
16 giờ chiều, qua tiếng súng, dường như đoán biết lực lượng ta rất mỏng nên bọn địch đã chia làm ba hướng cùng lúc nhào lên. Trên trận địa bấy giờ chỉ còn lại 3 người đều bị thương nặng. Sau một lúc vừa bắn, vừa nhặt những quả lựu đạn địch ném túi bụi về phía công sự để đáp trả lại chúng…, chẳng may một trái lựu đạn lăn tới gần nổ toác miệng công sự, khiến tôi và Phùng Hòe bị chồng thêm mấy vết thương. Không còn sự lựa chọn khác, và trước cái chết cận kề, tôi lấy trong túi áo tấm ảnh Bác Hồ, rồi dùng máu từ vết thương viết thẳng vào tấm ảnh… Bác Hồ ơi, bắt đầu từ hôm nay 20-6, con cùng đồng đội bắt đầu nổ súng diệt địch, giữ chốt đến cùng. Quán diệt được 7 tên, Hòe, Dương, Thoòng mỗi người hơn một chục. Ghi sâu lời Bác dạy, hễ còn tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn chiến đấu quét sạch nó đi. Bác ơi, trách nhiệm, quyết tâm của chúng con là giữ chốt… Sau khi viết và thành kính hôn ảnh Bác, tôi chuyển qua cho Phùng Hòe làm theo rồi bình thản lấy ba trái pháo hiệu loại cầm tay lần lượt điểm hỏa và đồng loạt cho nổ các quả mìn DH10 mà trước đó khi gài, tôi đã cố tình gài một nửa hướng về phía địch, một nửa gài ngược hướng về phía mình chấp nhận hủy chốt.
Theo đúng hiệp đồng, ngay khi nhận được tín hiệu của chúng tôi, pháo 120 của đơn vị bạn phía sau cấp tập chụp thẳng vào chốt. Cả trận địa bấy giờ như trong chiếc cối giã bằng các loại đạn pháo của cả ta và địch. Cũng chỉ cảm nhận được một thoáng tiếng nổ dữ dội trước khi tôi cùng cả tổ chốt chìm trong khói pháo. Sau này nghe đồng đội kể lại, tôi mới biết: Sau trận pháo kéo dài đến tối đã hất địch trở lại yên ngựa, đội hình tiểu đoàn khi lên chốt chuẩn bị tấn công 544 đã phát hiện “xác” tôi và hai đồng đội sũng máu trong bùn đất tơi tả vì bom pháo. Ngay khi tìm được “xác” những chiến sĩ của mình, đồng chí Ngô Ất, Chính trị viên đại đội rút từ túi áo của tôi tấm ảnh Bác với lời thề viết bằng máu, ai nấy đều ứa nước mắt. Cũng đêm đó, tấm ảnh Bác Hồ và lời thề quyết tử viết bằng máu của chúng tôi đã được Chính trị viên Ngô Ất chuyển cho đồng chí Lê Văn Dưỡng, Chính trị viên tiểu đoàn mang theo cùng đơn vị tấn công tiêu diệt hoàn toàn cao điểm 544.
Vâng, đêm đó, cùng với tấm ảnh Bác Hồ, hiện hữu trong từng mũi tấn công của những người lính giải phóng lên đánh chiếm cao điểm 544, là từng lời mang khát vọng của người: Nước không được chia!
Theo Lê Bá Dương
Báo Quân đội nhân dân
Huyền Trang (st)