Đói nghèo là một thực trạng của quá trình phát triển kinh tế, nó hiện hữu trong cuộc sống như một yếu tố lịch sử. Đói nghèo đã và đang diễn ra trên khắp các châu lục với mức độ khác nhau, đặc biệt ở các nước lạc hậu, chậm phát triển.

Trên thế giới, hiện hơn 50% dân số đang phải sống dưới mức 2 USD một ngày. Xóa đói, giảm nghèo không còn là vấn đề của mỗi quốc gia riêng biệt mà đã trở thành vấn đề toàn cầu. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế đã quan tâm tìm các giải pháp nhằm hạn chế nghèo đói và giảm dần khoảng cách phân hoá giàu, nghèo trên phạm vi toàn thế giới. Tại Hội nghị cấp cao thiên niên kỷ của Liên hợp quốc với sự tham gia của hơn 150 vị đứng đầu nhà nước, chính phủ, cùng nhiều quan chức của tổ chức này đã ra Tuyên bố Thiên niên kỷ với 8 mục tiêu, trong đó có mục tiêu xoá bỏ tình trạng nghèo cùng cực. Hội nghị đánh giá cao những cố gắng của Việt Nam trong công tác xoá đói, giảm nghèo và quyết định lấy ngày 17-10 hằng năm, ngày mà 55 năm trước đó (17-10-1945) Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi chống giặc đói ở nước ta làm "Ngày thế giới chống đói nghèo".

Hồ Chủ tịch là người luôn luôn chăm lo đến đời sống nhân dân và đặc biệt chú ý đến vấn đề đói nghèo. Người kiến lập và đặt nền móng tư tưởng vĩ đại "xóa đói, giảm nghèo". Chính Bác đã tìm ra đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, mở ra một thời đại mới trong lịch sử dân tộc - thời đại Hồ Chí Minh. Người khai phá con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở một nước nông nghiệp lạc hậu, chưa kinh qua chủ nghĩa tư bản, bị chiến tranh tàn phá, từng bước làm cho "người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm"(1) để đi tới một xã hội dân giàu, nước mạnh. Người luôn xác định: Xóa đói, giảm nghèo là mục đích, một nội dung, một phương hướng chiến lược lâu dài của chủ nghĩa xã hội, nó không phải là công việc cứu tế, là sự ban ơn, mà là một cuộc cách mạng vĩ đại, bền bỉ, tận tâm, tận trí, tận lực. Ngay từ những ngày đầu sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vừa thành công, Chính phủ cách mạng lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu vừa được thành lập, ngày đêm phải đối phó với thù trong, giặc ngoài, nhưng vẫn dành sự quan tâm sâu sắc đến việc chăm lo cuộc sống cho người lao động nghèo khổ, lực lượng cơ bản của cách mạng vừa thoát khỏi cảnh nô lệ, bị áp bức, bóc lột. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý đến vấn đề chống đói. Người kêu gọi toàn dân cùng Chính phủ tập trung lực lượng để chống ba thứ giặc: Giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, trong đó giặc đói được Người đặt lên hàng đầu, vì vậy, diệt giặc đói là một trong 6 nhiệm vụ cấp bách cần phải giải quyết. Người nhấn mạnh: "Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi"(2) và "Dân đủ ăn đủ mặc thì những chính sách của Đảng và Chính phủ sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay đến mấy thì cũng không thể thực hiện được"(3).

Phát biểu trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 10-01-1946, Hồ Chủ tịch nhấn mạnh "Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ".

Chúng ta phải thực hiện ngay: "Làm cho dân có ăn. Làm cho dân có mặc. Làm cho dân có chỗ ở. Làm cho dân có học hành"(4).

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 65 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa đói, giảm nghèo đã trở thành mục tiêu phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, của sự nghiệp cách mạng XHCN cao cả mang tính nhân văn sâu sắc, một trọng điểm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều quyết sách để xóa đói, giảm nghèo như: Cải cách ruộng đất; miễn giảm thuế; xây dựng các công trình xã hội. Bước sang thời kỳ đổi mới, vấn đề xóa đói, giảm nghèo vẫn luôn được thực hiện. Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ VII của Đảng khẳng định: "Hơn bốn năm qua, để đáp ứng các nhu cầu của đời sống nhân dân, chúng ta đã động viên và phát huy khả năng của toàn xã hội, khuyến khích người lao động tăng thu nhập và làm giàu chính đáng"(5). Đại hội lần thứ X của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: "Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và trợ cấp về điều kiện sản xuất, nâng cao kiến thức để người nghèo, hộ nghèo, vùng nghèo tự vươn lên thoát nghèo và cải thiện mức sống một cách bền vững; kết hợp chính sách Nhà nước với sự giúp đỡ trực tiếp và có hiệu quả của toàn xã hội, của những người khá giả cho người nghèo, hộ nghèo nhất là đối với vùng đặc biệt khó khăn. Ngăn chặn tình trạng tái nghèo"(6).

Qua hơn hai mươi năm thực hiện công cuộc đổi mới, công tác xóa đói, giảm nghèo đã được xã hội hóa, thu hút được sự tham gia của mọi cấp, mọi ngành, của đông đảo mọi tầng lớp nhân dân. Thành tựu xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam đã được thế giới đánh giá cao, và được ghi nhận là một điểm sáng về xoá đói, giảm nghèo. Nếu như năm 1993, tỷ lệ đói nghèo ở nước ta khoảng 60% thì đến năm 2009 chỉ còn ở mức 12,3%. Đây là một thành tựu to lớn, thể hiện việc thực hiện thắng lợi chiến lược xoá đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở nước ta hiện đang phải đối mặt với những khó khăn và thử thách lớn. Thu nhập và mức chi dùng bình quân đầu người thấp; khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền có xu hướng tăng; tỷ lệ hộ dân tái nghèo còn lớn, xóa đói, giảm nghèo thiếu tính bền vững. Vì vậy, đối với nước ta, xoá đói, giảm nghèo hiện nay vẫn đang là vấn đề xã hội lớn, một chính sách lớn, một sự nghiệp cách mạng cao cả. Sự nghiệp cách mạng cao cả đó chỉ có thể giải quyết thành công khi chúng ta huy động được sức mạnh tối đa của cả dân tộc. Đảng và Nhà nước cần tập trung tốt hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác xoá đói, giảm nghèo ở các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội và người dân; thực hiện tốt và đồng bộ các chính sách hỗ trợ người nghèo. Bản thân người nghèo cần phải nỗ lực, chủ động khắc phục khó khăn, phát huy tính tự lực, tự cường để vươn lên thoát nghèo thực hiện được lời căn dặn của Hồ Chủ tịch "đem sức ta mà giải phóng cho ta"./.

--------
(1) HCM toàn tập tập5 tr62, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000

(2) HCM toàn tập tập7 tr572, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000

(3) HCM toàn tập tập7 tr572, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000

(4) HCM toàn tập, tập 4. tr152, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000

(5) ĐCSVN, Văn kiện ĐHĐBTQ lần thứ VII, Nxb Sự. Thật, Hà Nội. 1991.

(6) ĐCSVN, Văn kiện ĐHĐBTQ lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2006.

Theo http://www.baonghean.vn/

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: