Bác Hồ không những là một nhà báo mà còn là người sáng lập ra báo chí cách mạng Việt Nam. Người là tác giả của hàng chục cuốn sách, hàng nghìn bài báo với hàng trăm bút danh khác nhau.

Trước năm 1960, Nhà xuất bản Sự thật in cuốn “Sửa đổi lối làm việc” của Bác, nhưng lâu không thấy trả nhuận bút. Một hôm có chuông điện thoại, đồng chí Minh Tranh - Giám đốc Nhà xuất bản Sự thật nhấc ống nghe:

- Ai đấy ạ?

- Bác! Bác muốn gặp đồng chí Minh Tranh.

Nhận ra Bác gọi điện đến, đồng chí Minh Tranh xúc động thưa:

- Thưa Bác, cháu đây ạ!

- Bác ôn tồn nói:

- Các chú xuất bản sách của Bác đã lâu, sao không trả tiền nhuận bút cho Bác?

Đồng chí Minh Tranh nghe vậy rất lo lắng, thưa:

- Dạ!... Thưa Bác, quả thật chúng cháu có lỗi với Bác.

Bác bảo:

- Bác là Chủ tịch nước mà các chú còn quên trả nhuận bút, vậy các tác giả khác người ta sống bằng gì để viết sách cho các chú?

Hôm sau, đồng chí Minh Tranh trực tiếp đến tận Phủ Chủ tịch xin phép gặp Bác để biếu sách và gửi tiền nhuận bút cho Bác. Được biết, Bác đã dùng số tiền nhuận bút cuốn sách nói trên để tặng một nhà trẻ mồ côi ở Hà Nội.

Nhà báo Hồng Khanh, nguyên phóng viên Báo Nhân Dân, năm 2002 có dịp đến gặp cụ Lê Hữu Lập ở 26 Hàng Chuối (Hà Nội). Lúc này, cụ Lập đã ngoài 80 tuổi, cụ đã có 11 năm làm văn thư cho Bác ở Phủ Chủ tịch. Cụ kể rằng: Từ năm 1958 đến 2-9-1969 (ngày Bác qua đời), cụ Lập vinh dự đứng tên là “Lê Hữu Lập” trong sổ tiết kiệm của Bác gửi ở quầy tiết kiệm phố Hàng Gai (Hà Nội). Tiền tiết kiệm Bác gom góp, dành dụm từ tiền lương hàng tháng và tiền nhuận bút.

Mùa hè năm 1967, cuộc chiến đấu giữa quân và dân ta với không quân Mỹ đánh phá miền Bắc ác liệt, thấy Bác mặc áo may ô, quần thường. Ông Lập buột miệng nói:

- Dạ thưa Bác, hôm nay trời nóng...

Không ngờ, ông Lập vừa nói xong, đã nghe Bác nhẹ nhàng động viên:

- Càng nghĩ tới nóng thì càng nóng thêm. Mà cứ nghĩ tới lúc này bà con nông dân trên đồng ruộng, anh công nhân trên lò cao, người chiến sỹ trên mâm pháo... thì thấy đỡ nóng. Chú nhìn thấy kìa!

Nói rồi, Bác chỉ tay lên phía sân thượng Hội trường Ba Đình, nơi đang có một số bộ đội phòng không trực chiến đấu dưới ánh nắng chói chang. Hôm sau, Bác bảo ông Lập ra quầy tiết kiệm Hàng Gai rút hết số tiền trong sổ tiết kiệm của Bác gửi Bộ Quốc phòng để có thêm nước giải khát cho bộ đội phòng không, không quân.

Bác còn dùng các khoản tiền trên vào các công việc từ thiện, động viên những tấm gương người tốt, việc tốt, giúp đỡ cá nhân, đồng chí đồng bào khó khăn do thiên tai, địch họa.

Theo Báo Hải Dương online

Huyền Trang (st)

 

Bài viết khác: