Chắc ít ai được biết vào năm 1968, khi tuổi đã cao, sức khoẻ kém, Bác vẫn có chuyến công tác lên Tam Đảo - Vĩnh Phúc. Và có lẽ đó là chuyến công tác lên Vĩnh Phúc cuối cùng của Người.

nha-bac-o-tam-dao

 

Tuy nhiên, theo yêu cầu công việc đây là chuyến đi công tác hoàn toàn bí mật. Không có những cuộc tiếp xúc với lãnh đạo tỉnh và nhân dân Vĩnh Phúc, không có ảnh ghi lại chuyến đi này. Qua nguồn tư liệu do Bảo tàng Hồ Chí Minh cung cấp, lần công tác này của Bác lên Tam Đảo - Vĩnh Phúc được tóm lược như sau:

Ngày 27-7-1968: 5 giờ 15 phút sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ Hà Nội, 8 giờ đến Tam Đảo. Người họp với các đồng chí Quân uỷ Trung ương, phát biểu ý kiến với Quân uỷ rồi trở về ngôi nhà gỗ ở khu Giao tế. 10 giờ, Người hẹn đồng chí Bùi Quang Tạo - Bộ trưởng Bộ Kiến trúc tới làm việc. 11 giờ, Bác ăn cơm trưa với các đồng chí Lê Duẩn, Lê Trọng Tấn, Bùi Quang Tạo. 17 giờ, Bác ăn cơm với các đồng chí lái xe và bảo vệ. Đ/c Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) sang chào Bác về Hà Nội trước. 17 giờ 45 phút, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời khu nghỉ mát Tam Đảo về Hà Nội.

Những lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Tam Đảo đều ở ngôi nhà gỗ ở Khu Giao tế tại lưng chừng núi. Khu này có 2 ngôi nhà gỗ chung một kiểu kiến trúc, cách nhau chừng 30m. Phía nhau nhà số 1 có căn hầm bằng bê tông do công binh ta đào để trú ẩn tránh chiến tranh phá hoại bằng không quân của giặc Mỹ. Hầm khá dài, gấp khúc, có hệ thống điện chiếu sáng và cánh cửa sắt dầy che chắn. Phía trước nhà số 2 có cây ổi và chiếc ghế bằng xi măng.  Thời kỳ chưa có chiến tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên Tam Đảo thường nghỉ tại ngôi nhà này. Buổi sáng sớm và chiều tối Bác thường ngồi nghỉ dưới gốc cây ổi hoặc trên ghế đá đọc sách, báo hoặc chuyện trò với cán bộ Trung ương, cán bộ Chính Phủ, cán bộ địa phương, cán bộ chiến sỹ bảo vệ cùng đi với Người. Sau này, khi giặc Mỹ bắn phá miền Bắc, Bác lên Tam Đảo, các đồng chí phục vụ mời Bác nghỉ ở nhà số 1 cho gần hầm trú ẩn hơn.

Hiện nay, hai ngôi nhà gỗ đã không còn nữa, chỉ còn lại căn hầm trú ẩn. Cảnh quan Khu Di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Tam Đảo vẫn đủ điều kiện để tôn tạo, phục hồi, phát huy giá trị, phục vụ cho công tác tham quan, nghiên cứu và giáo dục truyền thống. /.

http://tet.vinhphuc.gov.vn/

Khúc Thị Lan Hương (st)

Bài viết khác: