Trong lịch sử hình thành, phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam, không thể không nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta.

Dưới sự dẫn dắt của Người, Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát huy sức mạnh toàn dân tộc, làm nên sự nghiệp vĩ đại: Giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam. Bằng cuộc đời hoạt động thực tiễn sinh động, phong phú, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn để lại cho chúng ta di sản quý báu đó là tư tưởng và tấm gương đạo đức sáng ngời.

Sớm nhận thức xu thế phát triển của thời đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin con đường giải phóng của giai cấp công nhân và nhân dân các nước thuộc địa, các dân tộc bị áp bức.

Đưa phong trào cách mạng vô sản vào Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể nước ta, trên cơ sở kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu văn hóa nhân loại. Học thuyết Mác - Lênin chỉ rõ rằng: Đảng Cộng sản là sự kết hợp Chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân. Nhưng từ điều kiện cụ thể của một nước thuộc địa nửa phong kiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, mở lớp Huấn luyện chính trị - đào tạo đội ngũ cán bộ cốt cán, từng bước truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin gắn với phong trào yêu nước vào Việt Nam. Do vậy, các tài liệu tuyên truyền được giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam đón nhận như "người đi đường đang khát mà có nước uống, đang đói mà có cơm ăn". Sự phát triển vượt bậc của phong trào công nhân từ tự phát đến tự giác đã dẫn đến sự ra đời của ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam. Song, sự tồn tại của ba tổ chức cộng sản hoạt động biệt lập trong một quốc gia có nguy cơ dẫn đến chia rẽ lớn. Trong thời điểm đó, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, người duy nhất có đủ năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu từ thực tế cách mạng thống nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ khi chuẩn bị thành lập Đảng đến lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, có nhiều bài nói, bài viết về công tác xây dựng Đảng với mong muốn làm cho Đảng thật sự là một Đảng cách mạng chân chính, là đội tiên phong lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Di sản lý luận và tư tưởng về công tác tổ chức xây dựng đảng của người để lại vô cùng quý giá và phong phú. Trong cuốn Đường Cách mệnh xuất bản năm 1927, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Cách mệnh trước hết phải có cái gì? Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy". Người cũng cho rằng: "…phải có Đảng để tổ chức và giáo dục nhân dân thành một đội quân thật mạnh, để đánh đổ kẻ địch, tranh lấy chính quyền. Cách mạng thắng lợi rồi, quần chúng vẫn cần có Đảng lãnh đạo, vì dù nhân dân đã nắm chính quyền, nhưng giai cấp đấu tranh trong nước và mưu mô đế quốc xâm lược vẫn còn. Vì phải xây dựng kinh tế, quốc phòng, văn hóa, xã hội cho nên Đảng vẫn phải tổ chức, lãnh đạo, giáo dục quần chúng, để đưa nhân dân lao động đến thắng lợi hoàn toàn".

PGS.TS Bùi Đình Phong (Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng) cho rằng: "Trong hoàn cảnh cụ thể của nước ta, một nước thuộc địa, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là "sự kết hợp giữa Chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước". Như vậy, ngay từ đầu, Đảng đã bắt rễ sâu trong "miếng đất màu mỡ" của dân tộc mang trong mình sự gắn bó chặt chẽ vấn đề giai cấp và dân tộc và Hồ Chí Minh đi từ chủ nghĩa yêu nước đến Chủ nghĩa Mác - Lênin, từ giác ngộ dân tộc đến giác ngộ giai cấp, kết hợp giác ngộ dân tộc với giác ngộ giai cấp trên nền tảng Chủ nghĩa Mác - Lênin". Đặt phong trào yêu nước là một trong ba thành tố hình thành Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không chỉ làm phong phú thêm lý luận Mác - Lênin về xây dựng chính đảng vô sản kiểu mới, mà còn khẳng định rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân đồng thời là Đảng của dân tộc Việt Nam. Qua thực tiễn cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Đảng ta xứng đáng là đội tiên phong, là bộ tham mưu của giai cấp vô sản, của nhân dân lao động và của cả dân tộc. Vì vậy, trong xây dựng Đảng, không phải chỉ có giai cấp công nhân mà cả nhân dân lao động và toàn dân tộc đều tham gia. Cả dân tộc thừa nhận Đảng là của mình với cách gọi thân thuộc "Đảng ta" và tin tưởng, quyết tâm thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, tích cực bảo vệ và tham gia xây dựng Đảng. Điều này không phải đảng nào cũng có được.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng và phát triển học thuyết Mác - Lênin, đưa ra các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng nhằm xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức, có tài; tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng và dân; thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn. Trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp đầy cam go, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho ra đời cuốn "Sửa đổi lối làm việc" nhằm chấn chỉnh và đổi mới tác phong công tác của cán bộ, đảng viên; xây dựng và củng cố Đảng thành một đảng Mác - Lênin chân chính, đủ sức lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc đến thắng lợi vẻ vang.

Trong cuộc đời làm cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện là một đảng viên mẫu mực, chấp hành nghiêm các quy định của Đảng. Khi nghiên cứu các tư liệu về Hội nghị TƯ lần thứ nhất Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức ở Hồng Kông (hội nghị phê phán hội nghị hợp nhất đảng), TS Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh đã khẳng định: Dù là người có công thành lập Đảng nhưng lúc đó, Hồ Chí Minh đã chấp hành nghiêm nguyên tắc số một của xây dựng Đảng: "tập trung dân chủ" - nghĩa là cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, bộ phận phục tùng toàn thể. Dù tin tưởng rằng mình đúng, không sai, nhưng Người vẫn chấp hành chỉ thị cấp trên. Tình trạng "bị hiểu sai" đó không phải một năm mà kéo dài gần hết những năm 30 của thế kỷ trước. Nhưng chính thời kỳ đó càng lấp lánh bản lĩnh kiên cường, trí tuệ và tấm lòng son sắt của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với sự tồn tại và phát triển của Đảng. Chính người đồng chí - học trò của Người, Lê Hồng Phong đã nhận xét năm 1935: "Tôi biết rằng đồng chí Quốc rất tích cực trong hoạt động cách mạng và các vấn đề sự nghiệp của Đảng luôn được đồng chí đặt cao hơn cuộc sống cá nhân. Có thể nói rằng đồng chí ấy luôn sống và làm việc vì Đảng".

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng và tấm gương mẫu mực của Người là hành trang quan trọng giúp cho toàn Đảng ta vượt qua khó khăn gian khổ, lãnh đạo nhân dân giành độc lập, tự do cho dân tộc và tiếp nối sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, bên cạnh những thời cơ, vận hội mới, dân tộc ta cũng đứng trước không ít khó khăn, thách thức, do vậy, vai trò lãnh đạo của Đảng càng phải được khẳng định, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng cần được nâng cao hơn bao giờ hết để xứng tầm với các yêu cầu nhiệm vụ mà lịch sử dân tộc giao phó. Đảng ta đã xác định, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt trong đó quán triệt tư tưởng của Người gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sẽ góp phần làm cho Đảng ta trong sạch, vững mạnh, là đạo đức, là văn minh, vững vàng trước mọi thử thách./.

Thành Vinh
Theo hanoimoi.com.vn
Kim Yến (st)

Bài viết khác: