GS Hoàng Chí Bảo: “Nếu Đảng thành công trong cuộc chiến chống tham nhũng thì đó sẽ là dấu hiệu dứt khoát để lấy lại niềm tin của nhân dân"

Năm 2015, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tròn 85 năm lịch sử. Thực tiễn cách mạng Việt Nam 85 năm qua đã chứng minh, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố hàng đầu, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Vững lòng tin với Đảng

niem-tin-cua-dang
GS Hoàng Chí Bảo

          GS Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương nhận định, 85 năm là một lịch sử quang vinh của Đảng ta và chúng ta có thể tự hào nói dân tộc ta là một dân tộc anh hùng, Đảng quang vinh và Bác Hồ vĩ đại. Để nói được ý nghĩa sự ra đời của Đảng và vai trò của Đảng trong quá trình cách mạng nước ta, phải bắt đầu từ một hiện tượng văn hóa độc đáo của Việt Nam trong thời hiện đại: Đó là sự xuất hiện nhân vật Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - Bác Hồ kính yêu. “Năm 1920, khi Bác tròn 30 tuổi, Bác đã là người đồng sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. 10 năm sau, lúc 40 tuổi, vào năm 1930, Bác là người sáng lập ra Đảng ta. Cho nên, Đảng ta, dân tộc ta và nhân dân ta có một niềm hạnh phúc không dễ gì có được là có một di sản vĩ đại, một nhân cách cao thượng như Bác, để lại một dấu ấn rất đặc biệt trong lịch sử Đảng và trong đời sống của nhân dân ta. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 đánh dấu một bước ngoặt lớn của cách mạng nước ta. Sự ra đời của Đảng có thể nói đã chấm dứt cuộc khủng hoảng triền miên về đường lối cứu nước mà các thế hệ cha anh của ta trước đây, kể cả những bậc tiền bối đầy tâm huyết của Bác Hồ như: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh... cũng đều thất bại”- GS Hoàng Chí Bảo phân tích.

          Kể từ khi ra đời đến nay, một trong những nhiệm vụ quan trọng luôn được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đó là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, để Đảng ta luôn trong sạch vững mạnh, hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

          Sinh thời Bác Hồ từng căn dặn: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi”. GS Hoàng Chí Bảo nhận định, đây là một trong những luận điểm rất then chốt về xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng ta cầm quyền. Bác là người sáng lập Đảng ta, còn là người sáng lập ra chế độ dân chủ cộng hòa của dân tộc ta. Trong nhiều chục năm trên cương vị của người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Bác luôn luôn nhấn mạnh về việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức và Bác là một trong những người có chủ kiến rất rõ ràng về đưa đạo đức cách mạng vào trong đời sống, vào trong lĩnh vực xây dựng Đảng, làm cho Đảng ta trong sạch, vững mạnh. Bác nói: Đảng là đảng chân chính cách mạng và Đảng ta phải là đảng đạo đức và văn minh. Cũng tương đồng với ý tưởng của Lênin trước đây là Đảng phải là đảng trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại. Truyền thống vẻ vang của Đảng và niềm tin của nhân dân  đòi hỏi Đảng phải cố gắng không ngừng, nỗ lực vươn cao hơn nữa để không phụ lòng tin của nhân dân để xứng đáng với niềm tin và sự tự hào mà nhân dân dành cho Đảng của mình.

“Đảng có trong sạch mới vững mạnh được”

          Theo GS Hoàng Chí Bảo, một đảng đã có truyền thống vẻ vang và giành những thắng lợi to lớn để lại dấu ấn trong lịch sử thì không có nghĩa là cứ mãi mãi giữ được như vậy nếu Đảng rơi vào suy thoái, biến chất, và đây là nỗi lo lắng lớn nhất của Bác khi Đảng ta cầm quyền. Tại sao Bác đặc biệt chú trọng chống quan liêu, tham nhũng, sâu xa hơn là chống giặc nội xâm, chống chủ nghĩa cá nhân? Bởi vì, càng vướng vào chức quyền, địa vị, danh lợi thì con người ta  đứng trước nguy cơ hư hỏng, còn với cả một đảng cách mạng đã cầm quyền  thì nguy cơ lớn nhất là xa dân, thoát ly đời sống thực tế, đưa những quyết sách không hợp lòng dân. Niềm tin của dân đối với Đảng đòi hỏi Đảng phải hết sức trong sáng về đạo đức. Một Đảng có trong sạch mới vững mạnh được.

          Bác Hồ cũng luôn nhấn mạnh: Đảng viên đi trước - một tấm gương sống còn quý hơn hàng trăm bài diễn văn. Bác luôn căn dặn và giáo dục chúng ta nói ít làm nhiều, chủ yếu là hành động, phải giữ được lòng tin của nhân dân bằng đức hy sinh và sự gương mẫu, mà Bác là một tấm gương mẫu mực. “Nếu làm được như thế, Đảng mãi mãi có trong trái tim, trong tình cảm, trong nhận thức và niềm tự hào của nhân dân, còn nếu không thì Đảng sẽ mất niềm tin mà xa dân, để rồi sự nghiệp của cách mạng cũng như sinh mệnh của Đảng sẽ bị ảnh hưởng’- GS Hoàng Chí Bảo nói.

          Theo GS Hoàng Chí Bảo, điều Bác dặn lại càng trở nên bức xúc và cần  thiết hơn, khi chúng ta đang ra sức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng. Trong Nghị quyết TW4, Đảng đã nghiêm khắc cảnh báo tình trạng suy thoái, biến chất về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, cán bộ cấp cao. Vì thế, phải rèn luyện đạo đức, tu dưỡng đạo đức cách mạng; xây dựng Đảng không chỉ về chính trị, tư tưởng, tổ chức mà cả đạo đức và lối sống nữa, để thực hiện cho được lời dạy của Bác về đạo đức và văn minh là một điều rất có ý nghĩa.

          GS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh: Nghị quyết Trung ương 4 về chỉnh đốn Đảng là sự tiếp tục logic của các nghị quyết chỉnh đốn Đảng trước đây, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII. “Đây là nghị quyết rất quan trọng, bởi nó liên quan đến sự tồn vong của chế độ, đến sinh mệnh của Đảng. Cho nên về mặt nhận thức, chúng ta không coi đây chỉ là một Nghị quyết trong một thời gian nhất định, của một nhiệm kỳ nhất định, mà phải tồn tại lâu dài, mãi mãi, thường xuyên trong đời sống. Vì Đảng cũng là “con người”, cũng là một cơ thể sống, nó phải tiếp thu những tinh hoa, và phải loại bỏ những cặn bã, suy thoái. Khi đó, sinh lực của Đảng, sức sống của Đảng sẽ có minh chứng trong lòng dân”.

          Theo GS Hoàng Chí Bảo, Nghị quyết TƯ4 là Nghị quyết của Đảng nhưng lại rất được lòng dân, ra đời đúng lúc, hợp lòng dân, vì lòng dân chỉ mong muốn cho Đảng trong sạch, vững mạnh. Thời kỳ đầu đổi mới, tại Đại hội 6, năm 1986, Đảng đã công khai trình bày yếu kém của mình trước toàn dân, toàn xã hội để kêu gọi toàn Đảng, toàn dân góp sức vào xây dựng Đảng. Đây là cũng là cách thể hiện tư tưởng của Bác là phải dựa vào dân mới xây dựng được Đảng trong sạch, vững mạnh, chứ công việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng không chỉ thuộc vào nội bộ của Đảng vì Đảng là Đảng của nhân dân, nhân dân tự hào gọi Đảng là Đảng của mình, nhân dân có trách nhiệm xây dựng Đảng.

          “Còn những điều khiếm khuyết, hạn chế chưa làm được như mong muốn, đây là cũng điều hối thúc chúng ta phải làm tốt hơn, quyết liệt hơn nữa, nhất là tập trung sức mạnh của thể chế, dư luận xã hội, thậm chí cả đạo đức xã hội để làm sao đẩy lùi được tham nhũng. Đây là vấn nạn lớn nhất, cũng là bằng chứng nhức nhối nhất về sự suy thoái, phản cảm nhất, bất cập đối với nhân dân nhất. Nếu Đảng thành công trong cuộc chiến chống tham nhũng này thì đó sẽ là dấu hiệu dứt khoát để lấy lại niềm tin của nhân dân, của Đảng, xứng đáng là Đảng lãnh đạo, cầm quyền đất nước”- GS Hoàng Chí Bảo nói./.

 Minh Hòa/VOV.VN

Tú Anh (st)

Bài viết khác: