Công cuộc đổi mới ở nước ta đã diễn ra trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội từ đầu những năm 80 của thế kỷ XX; đến năm 1986 công cuộc này diễn ra một cách toàn diện khi có chủ trương đổi mới của Đảng tại Đại hội VI. Những thành công có được ngày hôm nay là kết quả khởi phát từ quan điểm, đường lối chiến lược đúng đắn của Đảng ta về công cuộc đổi mới đất nước.
Chủ nghĩa xã hội theo mô hình của Liên Xô, còn gọi là mô hình Xô-viết, ra đời ở nước Nga sau Cách mạng Tháng Mười, sau đó được áp dụng trong toàn hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình tồn tại và phát triển, chủ nghĩa xã hội kiểu Xô-viết đã có một chặng đường lịch sử vẻ vang, cũng như có sự đóng góp lớn lao đối với sự phát triển của nhân loại. Song, đến những năm 80 của thế kỷ XX, mô hình này đã xuất hiện những vấn đề về động lực phát triển, dẫn đến sự khủng hoảng trong toàn bộ hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa.
Để thoát khỏi khủng hoảng, các nước xã hội chủ nghĩa đã áp dụng một số giải pháp sau:
1- Duy trì mô hình Xô-viết và tiếp tục thực hiện mục tiêu xã hội chủ nghĩa; 2- Thay đổi căn bản mô hình Xô-viết và từ bỏ mục tiêu xã hội chủ nghĩa. Đó là giải pháp của Liên Xô và các nước Đông Âu trước đây; 3- Thay đổi từng bước mô hình Xô-viết và tiếp tục thực hiện mục tiêu xã hội chủ nghĩa bằng phương thức mới. Đó là giải pháp của Trung Quốc và Việt Nam; đến nay Cuba cũng đang thực hiện.
Thực tiễn gần 30 năm qua đã chứng minh giải pháp thứ ba tối ưu hơn giải pháp thứ nhất và thứ hai.
Quan điểm, đường lối chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam khi bước vào công cuộc đổi mới
Trước hết, thực hiện công cuộc đổi mới có nghĩa là thay đổi phương thức, chiến lược đi lên chủ nghĩa xã hội, nhưng không xa rời mục tiêu xã hội chủ nghĩa, mà thực hiện mục tiêu ấy bằng phương thức, chiến lược mới. Đây là quan điểm cơ bản nhất, là nền tảng cho các quan điểm khác. Thực tế cho thấy, ở Liên Xô và các nước Đông Âu trước đây, thực hiện cải tổ mà từ bỏ mục tiêu xã hội chủ nghĩa thì sẽ dẫn đến mất phương hướng và hỗn loạn.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện mục tiêu xã hội chủ nghĩa thì tất yếu phải giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, không chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, vì đây là nhân tố tiên quyết để thực hiện mục tiêu xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình thực hiện cải tổ, ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô đã quyết định xóa bỏ Điều 6, Hiến pháp Liên Xô về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Thực chất, đó không chỉ là sự tước quyền lãnh đạo của Đảng về mặt pháp lý, thừa nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, tạo điều kiện cho các lực lượng chính trị khác vươn lên đoạt quyền, mà còn là sự từ bỏ mục tiêu xã hội chủ nghĩa.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện mục tiêu xã hội chủ nghĩa và giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản thì tất yếu phải lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm nền tảng tư tưởng, bởi chủ nghĩa Mác - Lê-nin không chỉ là nền tảng tư tưởng của Đảng, mà còn là cơ sở để xây dựng hệ tư tưởng của toàn xã hội và nhờ đó mới có thể thực hiện được mục tiêu xã hội chủ nghĩa. Ngược lại, nếu từ bỏ mục tiêu xã hội chủ nghĩa thì tất yếu dẫn đến phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tiếp nhận hệ tư tưởng tư sản, như Goóc-ba-chốp đã thực hiện trong công cuộc cải tổ ở Liên Xô trước đây.
Thứ tư, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với Nhà nước và xã hội nói chung, nhất là đối với lực lượng vũ trang (quân đội và công an). Đảng phải lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối và trực tiếp lực lượng vũ trang. Bởi vì, nếu lực lượng vũ trang bị trung lập hóa, chỉ có trách nhiệm bảo vệ độc lập chủ quyền và an ninh quốc gia, không phụ thuộc vào đảng phái nào, thì thực chất là tước quyền lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang. Cách thức này đã được áp dụng ở Liên Xô thời kỳ cải tổ.
Thứ năm, hội nhập quốc tế, nhưng độc lập về chính trị, giữ vững chủ quyền quốc gia, tiếp tục thực hiện con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Thực tiễn gần 30 năm qua đã chứng minh đó là quan điểm đúng đắn. Chúng ta đã làm bạn với nhiều nước trên thế giới và thiết lập quan hệ ngày càng tốt đẹp, nhân dân ta giao lưu với nhân dân các nước, lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta được các nước trân trọng, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước được cộng đồng quốc tế đồng tình ủng hộ. Thực tiễn cũng cho thấy, việc thực hiện công cuộc cải tổ của Liên Xô trước đây có sự chi phối và sao chép tư tưởng chính trị từ bên ngoài, vì vậy đã gây nên sự sụp đổ chế độ chính trị - xã hội xã hội chủ nghĩa.
Thứ sáu, công cuộc đổi mới cần có những bước đi thích hợp để bảo đảm vừa đổi mới, vừa ổn định. Đổi mới phải bắt đầu từ lĩnh vực kinh tế, sau đó đến đổi mới về chính trị. Ngay trong đổi mới kinh tế cũng đi từ đổi mới lĩnh vực nông nghiệp rồi đến các lĩnh vực khác. Trong đổi mới chính trị, việc xác định xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã tác động đến đổi mới toàn bộ hệ thống chính trị. Nhờ vậy, gần 30 năm qua đất nước ta vừa ổn định, vừa phát triển. Công cuộc cải tổ của Liên Xô trước đây đã thực hiện một cách cấp thời, thiếu trình tự, cụ thể là: ban đầu đổi mới doanh nghiệp, rồi đến 100 ngày thực hiện tư nhân hóa, áp dụng nền dân chủ tư sản vào xã hội Xô-viết,... Kết cục, dẫn đến hỗn loạn và sụp đổ chế độ chính trị - xã hội xã hội chủ nghĩa.
Có thể khẳng định, sự đúng đắn của quan điểm, đường lối chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới nước ta gần 30 năm qua.
Quan điểm, đường lối chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay
Những quan điểm, đường lối chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay và những năm tới vẫn phải dựa trên những quan điểm, đường lối chiến lược ban đầu của thời kỳ đổi mới, song cần được phát triển và hoàn thiện để đáp ứng những yêu cầu đặt ra từ thực tiễn. Hơn nữa, những quan điểm, đường lối chiến lược đó phải luôn được kiểm chứng qua thực tiễn gần 30 năm qua và những năm tiếp theo.
Ngoài những thế lực thù địch tìm mọi cách phủ nhận, ngay trong nội bộ ta cũng có một số người muốn xét lại những quan điểm, đường lối chiến lược nói trên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những người này cho rằng, nên từ bỏ mục tiêu định hướng xã hội chủ nghĩa, vì chủ nghĩa xã hội đã sụp đổ ở Liên Xô cũng như ở một loạt nước Đông Âu, và cần trở lại thời kỳ dân chủ nhân dân, vì mục tiêu cơ bản của chúng ta là đất nước giàu mạnh; nên từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin vì đây là hệ là tư tưởng đã lỗi thời và ngay ở những nước sản sinh ra hệ tư tưởng này người ta cũng đã từ bỏ nó; nên bỏ Điều 4, Hiến pháp nước ta và thừa nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, bởi chỉ có như vậy, xã hội ta mới thật sự dân chủ, mới chống được tham nhũng; lực lượng vũ trang cần được trung lập hóa, chỉ có trách nhiệm bảo vệ độc lập chủ quyền và an ninh quốc gia, bởi có như vậy mới thể hiện sự tiến bộ của xã hội dân chủ; cần đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (thực chất là tư nhân hóa);…
Để góp phần khắc phục những quan điểm nêu trên, đồng thời lý giải sự đúng đắn của quan điểm, đường lối chiến lược của Đảng ta hiện nay, cần làm rõ một số nội dung sau:
Một là, chúng ta xác định xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa (trước đây xác định trực tiếp bước vào thời kỳ cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội) là mục tiêu nhất quán, điều mà Đảng ta đã xác định từ khi bước vào công cuộc đổi mới, cũng như cho hiện tại và mai sau. Nhưng, cần làm rõ mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa mà nước ta hướng tới. Dĩ nhiên, chúng ta không hướng tới mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu Xô-viết đã từng tồn tại, phát triển trong thế kỷ XX. Thực hiện công cuộc đổi mới chính là chúng ta đang tìm mô hình phát triển của chủ nghĩa xã hội trong hiện tại và tương lai. Văn kiện Đại hội XI của Đảng đã ghi: "Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ, có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiên tiến phù hợp; có văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới"(1).
Hai là, tiếp tục giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, không thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Trong thế kỷ XX, Việt Nam ở vị trí trung tâm của cơn lốc cách mạng giải phóng dân tộc. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc lần đầu tiên thắng lợi ở một nước thuộc địa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ở Việt Nam, tất cả các lực lượng, xu hướng chính trị khác đều tan rã, chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam đứng vững và lãnh đạo cách mạng đến thắng lợi. Do vậy, Đảng ta nắm quyền lãnh đạo cách mạng là tất yếu lịch sử và trở thành đội tiên phong cách mạng, thực chất là giới tinh hoa của dân tộc - một trong những nhân tố quyết định vận mệnh của đất nước trong thế kỷ XX. Sang thế kỷ XXI, Đảng ta vẫn là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, tiếp tục lãnh đạo sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Kinh nghiệm lịch sử trong một vài thập niên gần đây cho thấy, một chế độ chính trị - xã hội đang thực hiện nhất nguyên chính trị, do một đảng lãnh đạo mà chuyển sang thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập thì rất có thể dẫn đến thảm họa “cốt nhục tương tàn”. Song, để không dẫn đến đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, điều cơ bản là Đảng ta phải thực sự là đội tiên phong cách mạng, đủ sức lãnh đạo đưa Việt Nam trở thành một nước hùng cường trên con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Muốn vậy, trước hết phải đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay.
Ba là, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng trong Đảng, đồng thời là cơ sở để xây dựng hệ tư tưởng của toàn xã hội. Xã hội hiện đại càng tiến hóa, càng phát triển thì một số kết luận cụ thể nào đó của chủ nghĩa Mác - Lê-nin có thể không còn hoàn toàn phù hợp trong mọi lúc, mọi nơi, mọi trường hợp, song những giá trị cơ bản, căn cốt của học thuyết này ngày càng được chứng minh rõ hơn, những dự báo của của các nhà kinh điển ngày càng tiến gần đến chân lý hơn, sát thực hơn. Sự phát triển của nhân loại nói chung và của dân tộc ta nói riêng trong thế kỷ XXI không thể thiếu vắng tư tưởng của C. Mác. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, sẽ trường tồn cùng dân tộc. Ngay cả những giá trị khoa học và nhân văn của các nhà tư tưởng trong lịch sử, tuy thời đại đã qua, nhưng những nhân tố cốt lõi của chúng vẫn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển tiếp theo của nhân loại. Hơn nữa, C. Mác, Ph. Ăngghen và V.I. Lê-nin là những người giữ vai trò rất quan trọng trong việc sáng lập ra Đảng Cộng sản nói chung và Quốc tế Cộng sản. Một chính đảng cách mạng chân chính sẽ luôn trung thành với những người sáng lập ra mình.
Bốn là, lực lượng vũ trang phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, tuyệt đối của Đảng Cộng sản. Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta xây dựng và rèn luyện, là kết quả của quá trình đấu tranh cách mạng: đấu tranh kinh tế, đấu tranh chính trị và tiến tới đấu tranh vũ trang giành chính quyền. Đấu tranh vũ trang là sự tiếp tục của đấu tranh chính trị dưới hình thức mới. Sự ra đời của lực lượng vũ trang là từ chính trị, chứ không phải từ phi chính trị. Đến nay, Đảng ta đã trở thành Đảng cầm quyền, song các lực lượng thù địch và những người ngộ nhận vẫn cho rằng, lực lượng vũ trang cần được trung lập hóa, không thuộc sự lãnh đạo của Đảng. Điều này là phi lô-gích, phi lịch sử và phi khoa học. Lý luận phổ thông của khoa học chính trị cũng đã chỉ rõ: một giai cấp, một lực lượng xã hội hay một cá nhân, để có thể giành, giữ và thực thi quyền lực, phải có sức mạnh về bạo lực, vật chất hoặc trí tuệ, nói cách khác cần có "súng", có "tiền" hoặc có tri thức, văn hóa. Tuy trí tuệ hay tri thức, văn hóa ngày càng có vai trò quan trọng, nhưng bạo lực và vật chất, tài chính vẫn là sức mạnh không thể thiếu trong điều kiện hiện nay. Trung lập hóa lực lượng vũ trang là thủ đoạn được áp dụng để tước quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô trước đây; ngày nay, một số người lại muốn áp dụng thủ đoạn đó với Đảng ta.
Năm là, về quan hệ quốc tế, Văn kiện Đại hội XI đã khẳng định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế của đất nước; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”(2). Như vậy, quan điểm nói trên là tiếp tục và phát triển quan điểm của Đảng ta về quan hệ quốc tế khi bước vào thời kỳ đổi mới, trong đó, làm rõ hơn hai nội dung: đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Chúng ta tuyệt nhiên không đứng về phía nước này để chống lại nước kia, càng không thể nhờ cậy nước lớn này để chống lại nước khác.
Sáu là, bước vào công cuộc đổi mới cũng như hiện nay phải bảo đảm cho đất nước vừa ổn định, vừa phát triển, do vậy, phải có bước đi đúng cả trong lĩnh vực kinh tế và chính trị. Về kinh tế, chúng ta đang tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó có một nhiệm vụ quan trọng là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, song không phải thực hiện một cách tức thời, mà phải tiến hành từng bước. Những bài học phải trả giá quá đắt về sự vội vàng mở quá nhiều khu công nghiệp, đầu tư tràn lan, nhanh chóng xây dựng các tập đoàn kinh tế,… đã làm tổn thất biết bao nguồn lực của đất nước. Việc tái cấu trúc nền kinh tế không thể nóng vội, mà cần có tầm nhìn chiến lược sâu sắc. Về chính trị, cơ bản là phát huy dân chủ, trước hết là trong Đảng, trên cơ sở đó mở rộng ra toàn xã hội, song phải thực hiện từng bước, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, bởi nếu tiến hành vội vàng có thể dẫn đến hỗn loạn, không kiểm soát được.
Có thể khẳng định, những vấn đề nói trên là cốt lõi của những quan điểm, đường lối chiến lược của Đảng ta, đồng thời cũng là những phương châm có tính nguyên tắc chỉ đạo toàn bộ quá trình đổi mới, nhưng mỗi giai đoạn lại được phát triển, hoàn thiện kịp thời để giải quyết những nhiệm vụ mới./.
-----------------------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 70
(2) Văn kiện đã dẫn, tr. 83 – 84
GS, TS. Lưu Văn Sùng - Nguyên Viện trưởng Viện Chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Theo Tạp chí Cộng sản
Tâm Trang (st)