Sự ra đời của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" thực sự có tính bước ngoặt đối với quá trình xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Đây chính là “bảo bối” cần phải duy trì lâu dài và thường xuyên vì nó liên quan đến sự tồn vong của chế độ, đến sinh mệnh của Đảng.
Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) họp từ ngày 26 đến 31/12/2011. (Ảnh: HH)
Những ý kiến của các đại biểu tại buổi tọa đàm trực tuyến “Mãi mãi niềm tin theo Đảng” do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức mới đây càng làm sáng tỏ hơn tác dụng, ý nghĩa hết sức quan trọng của Nghị quyết Trung ương 4 đối với vai trò lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn hiện nay.
Theo đồng chí Nguyễn Đức Hà, Vụ trưởng, Ban Tổ chức Trung ương, Thành viên Tổ giúp việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), trong suốt những năm qua, Đảng ta có nhiều chủ trương, nghị quyết, thậm chí tổ chức những cuộc vận động rất lớn để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhưng đến Đại hội XI thì Nghị quyết vẫn chỉ ra là công tác xây dựng Đảng vẫn còn nhiều yếu kém, trong đó có những yếu kém, tồn tại kéo dài từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác. Vì vậy, để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XI thì Hội nghị Trung ương 4 tập trung bàn sâu về vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong rất nhiều vấn đề, Nghị quyết chọn ra 3 vấn đề cấp bách để phân tích và đã đề ra các giải pháp nhằm thực hiện tốt các vấn đề trên.
GS.TS Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) là Nghị quyết của Đảng nhưng lại rất được lòng dân, ra đời đúng lúc, vì lòng dân chỉ mong muốn cho Đảng trong sạch, vững mạnh.
Sau 3 năm thực hiện, Nghị quyết Trung ương 4 được Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy đảng chỉ đạo khá chặt chẽ, cụ thể, đặc biệt là Trung ương, Bộ Chính trị, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao để thực hiện Nghị quyết này. Trung ương đề ra 4 nhóm giải pháp chỉ đạo triển khai khá đồng bộ, tích cực. Những nội dung mà Nghị quyết đặt ra đã được thể chế hóa, cụ thể hóa tương đối đồng bộ.
Nói về kết quả Nghị quyết Trung ương 4, đồng chí Nguyễn Đức Hà cho rằng, qua 3 năm thực hiện, với quyết tâm chính trị cao, sự chỉ đạo chặt chẽ, cụ thể của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự cố gắng nỗ lực, đồng tình hưởng ứng của cả hệ thống chính trị, đông đảo cán bộ, đảng viên, có thể nói chúng ta đã đạt được một số kết quả ban đầu quan trọng. Đáng chú ý là cuối năm 2012, toàn Đảng đã thực hiện một đợt sinh hoạt chính trị rất sâu rộng là phê bình và tự phê bình theo 3 vấn đề cấp bách gắn với 19 Điều đảng viên không được làm. Đợt kiểm điểm này có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe và phòng ngừa sai phạm, thấy được khuyết điểm để tổ chức, cá nhân đề ra kế hoạch khắc phục. Qua kiểm điểm phê bình và tự phê bình, kiểm tra, thanh tra của Đảng, của Nhà nước và kết quả điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử những vụ án tham nhũng lớn rõ ràng có tác dụng răn đe không nhỏ.
Đồng chí Nguyễn Đức Hà cung cấp: Qua 3 năm triển khai, toàn Đảng đã xử lý kỷ luật trên 54 nghìn đảng viên: Năm 2012, xử lý kỷ luật 16 nghìn đảng viên, tăng 16% so với năm 2011 (chưa có Nghị quyết Trung ương 4); năm 2013, xử lý kỷ luật trên 21 nghìn đảng viên, tăng 30% so với năm 2012; năm 2014, xử lý kỷ luật trên 17 nghìn đảng viên. Như vậy qua 3 năm, chúng ta đã xử lý kỷ luật trên 54 nghìn đảng viên và đưa ra khỏi Đảng qua những hình thức xử lý khác đối với hàng nghìn đảng viên khác. Hơn 54 nghìn đảng viên này là có án, có hình thức, còn diện kiểm điểm sâu sắc, rút kinh nghiệm sâu sắc còn lớn hơn. Điều đó càng chứng minh rằng, nhận định của Trung ương trong Nghị quyết Trung ương 4 là có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống là hoàn toàn chính xác.
Nhiều người cho rằng, một bộ phận không nhỏ là ở đâu, là bao nhiêu thì nói cụ thể khó chính xác, nhưng với những con số đó, chúng ta thấy từ cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị xử lý cũng có, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định cũng có, thường vụ tỉnh ủy cũng có, đảng ủy, chi bộ kỷ luật cũng có… Vậy thì rõ ràng, bộ phận suy thoái này nằm ở tất cả các cấp, tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Đặc biệt, sau khi kiểm điểm tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 thì tất cả cấp ủy, cá nhân đều xây dựng kế hoạch sửa khuyết điểm. Đồng chí Nguyễn Đức Hà nêu quan điểm: Đúng là có thể nói, mấy năm gần đây, những vấn đề tưởng như bị rơi vào quên lãng trong im lặng, có nhiều vụ việc bị để quên lâu ngày nhưng khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 thì đã đưa được ra ánh sáng và có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh. Và cũng qua thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, các cấp ủy, tổ chức đảng có thêm kinh nghiệm trong việc thực hiện Nghị quyết cũng như kiểm điểm. “Có thể nói, tuy chưa đạt được như mong muốn chờ đợi của dư luận, của nhân dân, nhưng những kết quả ban đầu đó đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, góp phần cải thiện dân sinh, thúc đẩy thực hiện phát triển kinh tế - xã hội trong mấy năm vừa qua” – đồng chí Nguyễn Đức Hà nói.
Từ thực tiễn ở cơ sở, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ (Hà Nội) Ngọ Duy Hiểu cho biết, nếu một quan điểm mới đưa ra rất dễ bị cho là "tân quan, tân chính sách", nhưng nếu đưa Nghị quyết Trung ương 4 vào, có tính thuyết phục rất cao. Về công tác tại huyện từ tháng 9/2012, đồng chí Ngọ Duy Hiểu luôn sử dụng Nghị quyết Trung ương 4 như là “bảo bối”. Với cách làm đúng đắn, đồng bộ, giờ đây trách nhiệm của cán bộ, đảng viên với dân đã được nâng cao hơn. Trước đây, đơn thư khiếu nại, tố cáo nhiều, giờ đã giảm, nhiều vấn đề khó, điểm nóng đã được giải quyết. Điển hình như xã Liên Hiệp trước kia tình hình rất phức tạp nhưng giờ đây đã ổn định; hay như trường hợp 30 hộ dân xây nhà kiên cố ở quốc lộ 32 đã 10 năm nay, nhân triển khai Nghị quyết Trung ương 4, nhân Năm trật tự văn minh đô thị, Phúc Thọ đã chỉ đạo, lãnh đạo, giải tỏa hoàn toàn những trường hợp trên. Đồng chí Ngọ Duy Hiểu nêu rõ: “Những đổi thay hôm nay của Phúc Thọ chính là nhờ có Nghị quyết Trung ương 4”.
Bàn về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 thời gian tới, GS.TS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh: "Đây là nghị quyết rất quan trọng, bởi nó liên quan đến sự tồn vong của chế độ, đến sinh mệnh của Đảng. Cho nên về mặt nhận thức, chúng ta không coi đây chỉ là một nghị quyết trong một thời gian nhất định, của một nhiệm kỳ nhất định, mà phải duy trì lâu dài, thường xuyên trong đời sống. Vì Đảng cũng là "con người", là một cơ thể sống, nó phải tiếp thu những tinh hoa, và phải loại bỏ những suy thoái".
Cũng đề cao công tác xây dựng Đảng từ Nghị quyết Trung ương 4, trả lời báo chí nhân dịp kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đón Xuân Ất Mùi 2015 ngày 25/1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Nghị quyết Trung ương 4 là nghị quyết về việc xây dựng, chỉnh đốn chính bản thân Đảng, nên không ai khác mà mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức đảng, với sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, phải quyết tâm thực hiện cho được các mục tiêu, giải pháp mà Nghị quyết đã đề ra, kiên trì, kiên quyết, bằng tất cả tâm huyết, trách nhiệm của người đảng viên cộng sản.
Tổng Bí thư nêu rõ: “Trong đấu tranh cách mạng, lưỡi lê, họng súng của quân thù đã không lung lạc được tinh thần, nhuệ khí của người cộng sản. Ngày nay, công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên càng phải giữ vững và phát huy phẩm chất, đạo đức cách mạng của người cộng sản”.
Đảng ta đã xác định: Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, trong đó yếu tố con người là quyết định, công tác cán bộ là then chốt của then chốt. Cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu đi đầu, nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, có hiệu quả cụ thể thì dân mới tin; cán bộ có tốt, tư tưởng chính trị vững vàng, đạo đức lối sống trong sạch, mới có thể thành công được.
Có thể nói rằng, Nghị quyết Trung ương 4 là Nghị quyết có tầm vóc lịch sử, ghi nhận một chuyển động tích cực mang ý nghĩa đột phá về nhận thức, về tư duy lý luận của Đảng, thể hiện sự hòa quyện giữa ý Đảng và lòng dân; với một ước nguyện và niềm tin duy nhất là để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, để Đảng ta luôn trong sạch vững mạnh, hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam./.
Theo Báo Đảng Cộng sản
Huyền Trang (st)