1. Nghị định số 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 chính thức có hiệu lực từ ngày 15 tháng 02 năm 2015.
Nghị định có quy định rõ các chế độ tài sản vợ chồng theo luật định sau:
- Thu nhập hợp pháp khác của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân;
- Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng;
- Tài sản riêng khác của vợ, chồng theo quy định của pháp luật;
- Đăng ký tài sản chung của vợ chồng;
- Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của vợ chồng;
- Hậu quả của việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
Theo Nghị định thì tài sản riêng khác của vợ, chồng theo quy định của pháp luật sẽ gồm: Tài sản vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác; Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng,...
Bên cạnh đó, thu nhập hợp pháp khác của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân gồm: Khoản tiền thưởng, tiền trúng thưởng xổ số, tiền trợ cấp (trừ khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng, quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng); Tài sản mà vợ, chồng được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ Luật Dân sự đối với vật vô chủ, vật bị chôn giấu, bị chìm đắm, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước; Thu nhập hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
2. Thông tư số 23/2014/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hànhngày 29 tháng 12 năm 2014quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản và Nghị định số 195/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2015.
Theo đó, Nhà xuất bản và tổ chức, cá nhân phát hành xuất bản phẩm điện tử phải đáp ứng điều kiện về giải pháp kỹ thuật kiểm soát bản quyền số như sau:
Có thiết bị, phần mềm kỹ thuật chống can thiệp, thay đổi và sao chép trái phép một phần hoặc toàn bộ nội dung xuất bản phẩm điện tử;
Có biện pháp kỹ thuật xác thực tính hợp pháp của người sử dụng khi truy cập và sử dụng xuất bản phẩm điện tử và phải bảo đảm tính riêng tư, an toàn và bảo vệ thông tin cá nhân;
Có điều khoản thông báo về trách nhiệm chấp hành quy định của pháp luật về xuất bản và sở hữu trí tuệ đối với người sử dụng trước khi truy cập và sử dụng xuất bản phẩm điện tử.
3. Thông tư số 20/2014/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành ngày 09 tháng 12 năm 2014 quy định hoạt động của Đội Tuyên truyền lưu động cấp tỉnh và cấp huyện. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 02 năm 2015.
Thông tư áp dụng đối với Đội Tuyên truyền lưu động và các tổ chức, cá nhân có liên quan; đồng thời quy định về hoạt động của Đội Tuyên truyền lưu động được thành lập tại Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Thông tin Triển lãm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (hoặc Trung tâm Văn hóa-Thể thao) quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Theo Thông tư, Đội Tuyên truyền lưu động là tổ chức chuyên môn nghiệp vụ của Trung tâm Văn hóa tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; đội Tuyên truyền lưu động chịu sự chỉ đạo của Trung tâm Văn hóa, sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở VHTTDL các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Cục Văn hóa cơ sở Bộ VHTTDL. Bên cạnh đó, đội Tuyên truyền lưu động có chức năng tổ chức các hoạt động tuyên truyền lưu động trên địa bàn theo kế hoạch hàng năm và phục vụ các nhiệm vụ chính trị, đột xuất, cấp bách, các phong trào, các cuộc vận động lớn của địa phương và đất nước.
Thông tư quy định kinh phí hoạt động của Đội Tuyên truyền lưu động bao gồm:
- Ngân sách nhà nước cấp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước;
- Tài trợ, viện trợ hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;
- Nguồn xã hội hóa các nguồn thu hợp pháp khác.
Đội Tuyên truyền lưu động thực hiện cơ chế tài chính theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan tài chính chuyên ngành.
4. Nghị định số 123/2014/NĐ-CP của Chính phủ bàn hành ngày ngày 25 tháng 12 năm 2014 Quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân Nhân dân", "Nghệ nhân Ưu tú" trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ. Nghị địnhcó hiệu lực từ ngày 15 tháng 02 năm 2015.
Nghị định quy định cụ thể tiêu chuẩn xét tặng 2 danh hiệu này gồm:
1- Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương.
2- Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống, tâm huyết, tận tụy với nghề, được đồng nghiệp và quần chúng mến mộ, kính trọng.
3- Có tri thức, kỹ năng đặc biệt xuất sắc, có công lớn trong việc bảo vệ và phát huy giá trị nghề thủ công mỹ nghệ của cả nước, cụ thể: Nắm giữ kỹ năng, bí quyết; truyền nghề, dạy nghề cho từ 150 cá nhân trở lên, trừ trường hợp nghề đặc thù hoặc đã đào tạo 1 cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú"; Sau khi đã được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú", Nghệ nhân phải trực tiếp thiết kế, chế tác được 2 sản phẩm, tác phẩm mới có giá trị kinh tế, kỹ thuật và mỹ thuật, đạt giải thưởng hoặc được tổ chức nhà nước, tổ chức kinh tế, xã hội - nghề nghiệp cấp chứng nhận đạt thành tích tại các cuộc thi, hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế được Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức.
4- Có thời gian hoạt động trong nghề từ 20 năm trở lên.
5. Nghị định số 04/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày ngày 09 tháng 01 năm 2015 quy định về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 02 năm 2015.
Nghị định quy định về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải kịp thời có những biện pháp xử lý thích hợp theo quy định của pháp luật đối với những cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, thiếu tinh thần trách nhiệm, sách nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng trong việc giải quyết công việc của công dân, tổ chức.
6. Quyết định số 72/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 17 tháng 12 năm 2014 quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 02 năm 2015.
Theo Quyết định quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học (cơ sở giáo dục), chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam có thể được dạy và học một phần hoặc hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài, ưu tiên đối với các lĩnh vực toán, khoa học tự nhiên, công nghệ và tin học.
7. Quyết định số 71/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 17 tháng 12 năm 2014 về sửa đổi, bổ sung Khoản 5 Điều 1 Quyết định số 140/2008/QĐ-TTg ngày 21 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước. Quyết định có hiệu lực từ ngày 15 tháng 02 năm 2015.
Cụ thể, đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, công ty nhà nước, số tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được nộp vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước do Bộ Tài chính làm chủ tài khoản (đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, công ty nhà nước thuộc Trung ương quản lý).
Tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh do Sở Tài chính làm chủ tài khoản (đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, công ty nhà nước thuộc địa phương quản lý) trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kết quả trúng đấu giá (đối với trường hợp bán đấu giá) hoặc Sở Tài chính ban hành Thông báo về giá bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất (đối với trường hợp bán chỉ định).
Trường hợp quá thời hạn này mà chưa nộp đủ số tiền vào tài khoản tạm giữ thì bị phạt theo quy định của pháp luật về quản lý thuế...
8. Nghị định số 120/2014/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 17 tháng 12 năm 2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 133/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ. Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 01 thnasg 02 năm 2015.
Theo Nghị định có 30 công nghệ bị cấm chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam và trong lãnh thổ Việt Nam. Trong đó có công nghệ vô hiệu hóa thiết bị đo, đếm, tính lượng điện năng sử dụng; công nghệ sản xuất xi măng lò đứng; công nghệ sản xuất thuốc bảo quản lâm sản chứa Pentachlorophenol (PCP), DDT...
Kim Yến (Tổng hợp)