Ngày 5-6-1911, khi rời Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước, người thanh niên Nguyễn Tất Thành chỉ nung nấu một quyết tâm cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu” (*). Khát vọng đó là nguồn sức mạnh nâng bước, là ngọn lửa hồng thắp sáng, sưởi ấm tinh thần Nguyễn Tất Thành trên những chặng đường bôn ba trước khi gặp Chủ nghĩa Mác - Lênin. Những năm tháng hoạt động sôi nổi trong thực tiễn đã giúp Nguyễn Tất Thành hoàn thiện một vốn sống phong phú, thu nhận được nhiều tri thức bổ ích từ nhiều nền văn hóa của các dân tộc. Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã trở thành một trong số ít những chiến sĩ cách mạng giàu kinh nghiệm thực tiễn nhất trong phong trào đấu tranh của các dân tộc thuộc địa những năm đầu thế kỷ 20.

7-nguyen ai quoc
Nguyễn Ái Quốc ở Liên Xô năm 1923. Ảnh tư liệu

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh cũng là người đầu tiên cho rằng: Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa không hoàn toàn phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở chính quốc, nhân dân các nước thuộc địa có thể đứng lên tự giải phóng chính mình và cuộc cách mạng có thể thắng lợi trước ở một nước thuộc địa.

Tháng 7-1920, ngày từ lần tiếp cận đầu tiên “Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I.Lê-nin đã chinh phục Nguyễn Ái Quốc. Với tinh thần “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, nắm vững luận điểm: “Cách mệnh muốn thành công trước hết phải có Đảng cách mệnh... Đảng có vững, cách mệnh mới thành công”, Nguyễn Ái Quốc đã nỗ lực chuẩn bị về mọi mắt để thành lập Đảng Cộng sản, trang bị cho Đảng lý luận cách mạng tiên tiến để Đảng có thể đảm nhận vai trò lãnh đạo nhân dân Việt Nam đấu tranh. Với tất cả nỗ lực của mình, bằng những bước đi thích hợp, Nguyễn Ái Quốc đã đưa tư tưởng cách mạng của Người vào thực tiễn cuộc đấu tranh của dân tộc.

Những năm 1925-1930, với những hoạt động sôi nổi, mạnh mẽ của lớp cán bộ được Nguyễn Ái Quốc trực tiếp huấn luyện ở Quảng Châu, rồi trở về nước hoạt động, phong trào cách mạng Việt Nam đã có bước phát triển nhảy vọt, làm phân hóa “Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên” và hình thành những tổ chức cộng sản đầu tiên. Với sự nhạy bén chính trị đặc biệt, Nguyễn Ái Quốc đã kịp thời triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị lịch sử hợp nhất ba tổ chức cộng sản đã họp trong mùa Xuân năm Canh Ngọ 1930, dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc. Với uy tín trong phong trào cách mạng, những phân tích sắc sảo của Nguyễn Ái Quốc về yêu cầu cần có một Đảng Cộng sản duy nhất lãnh đạo cuộc đấu tranh đã thuyết phục được các đại biểu dự hội nghị, đem lại sự đoàn kết nhất trí cho những người cộng sản Việt Nam, hướng các chiến sĩ cách mạng tới một mục tiêu chung.

Cương lĩnh cách mạng đầu tiên của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo tuy vắn tắt, song đã nêu được những vấn đề cơ bản về đường lối của cách mạng Việt Nam; đã xác định rõ sự lựa chọn con đường tiến lên của cách mạng Việt Nam là thực hiện chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc, dân chủ, tiến lên theo định hướng xã hội cộng sản. Hồ Chí Minh đã giải quyết đúng đắn, sáng tạo mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, trong đó, điểm nhấn quan trọng là độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân, giải quyết đúng đắn sự kết hợp những mục tiêu chiến lược độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH trong quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam. Giành độc lập, giải phóng dân tộc, tạo tiền đề để giải phóng giai cấp, giải phóng con người là mục tiêu chủ yếu, là nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam. Trong cuộc đấu tranh này, Đảng giữ vai trò lãnh đạo và cần phải tập hợp được khối lực lượng đông đảo nhất, huy động được sức mạnh đoàn kết to lớn nhất mới bảo đảm giành được thắng lợi. Sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc thể hiện rõ ở tinh thần: Tập trung vào nhiệm vụ chống đế quốc, giải phóng dân tộc, đoàn kết tập hợp mọi lực lượng để chống đế quốc và tay sai. Theo Người, chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng của khối liên minh công-nông-trí thức là lực lượng to lớn của cách mạng Việt Nam.

Sau 85 năm, chúng ta càng thấy rõ hơn sự năng động, sáng tạo, nhạy bén, kịp thời và vai trò to lớn của Nguyễn Ái Quốc trong việc tổ chức Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng - một sự kiện mang tính bước ngoặt của phong trào cách mạng Việt Nam, của lịch sử dân tộc nói chung, cũng như những cống hiến quan trọng của Người về mặt lý luận, đường lối cho Đảng. Chúng ta cũng thấy rõ hơn một tư duy sáng tạo, vượt trước thời đại của người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, đã góp phần định hướng đúng đắn cho cách mạng tới thắng lợi.

Làm cách mạng cần dũng cảm và sáng tạo. Trong cuộc cách mạng mới đưa đất nước từng bước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, càng cần sự dũng cảm và sáng tạo. Trên chặng đường mới hôm nay, chúng ta kế thừa được nhiều bài học quý từ sự dũng cảm và sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc trong mùa Xuân thành lập Đảng 1930./.

(*) Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử  - Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2006, Tập 1, tr112.

                                     Ngô Vương Anh

Theo báo Quân đội nhân dân số 19351

Thu Hiền (st)

Bài viết khác: