Từ 1919, trong Bản Yêu sách tám điểm gửi Hội nghị Versailles đòi các quyền tự do, dân chủ cho nhân dân Việt Nam , Nguyễn Ái Quốc nêu những điều liên quan đến pháp quyền, đòi thực dân Pháp phải cải cách nền pháp lý ở Đông Dương, phải bãi bỏ chế độ cai trị bằng các sắc lệnh và thay thế bằng các đạo luật.
Tư tưởng pháp quyền này đã đi xuyên suốt tổ chức và hoạt động của Nhà nước VN độc lập. Trong “Việt Nam yêu cầu ca”, Người khẳng định vai trò của pháp luật bằng hai câu: “Bảy xin hiến pháp ban hành/ Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.
Mọi quan hệ xã hội, mọi lĩnh vực của đời sống đều chịu sự chi phối của pháp luật. Pháp luật là cơ sở bảo đảm thực hiện các quyền tự do dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân.
Là người sáng lập nhà nước dân chủ ở Việt Nam , Hồ Chí Minh cũng là người có công lớn nhất trong sự nghiệp lập hiến và lập pháp. Người hết sức chăm lo đưa pháp luật vào cuộc sống, tạo ra cơ chế bảo đảm cho pháp luật được thi hành, cơ chế kiểm tra, giám sát việc thi hành đó trong các cơ quan nhà nước và trong nhân dân. Ở cương vị Chủ tịch nước, Người đã hai lần đứng đầu Ủy ban soạn thảo Hiến pháp (1946 và 1959), ký lệnh công bố 16 đạo luật, 613 sắc lệnh và nhiều văn bản dưới luật khác…
Luật pháp là yêu cầu cần thiết, cực kỳ quan trọng cho mỗi quốc gia. Không có luật, thiếu luật, xã hội dễ hỗn loạn, khó xử khi có vấn đề nảy sinh từ thực tế. Khi luật được ban hành, Nhà nước phải tổ chức triển khai phổ biến cho toàn dân học tập để mọi người hiểu biết và thực hiện.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực chấp hành nghiêm luật pháp. Người không cho phép bất cứ một ai dù cá nhân hay tổ chức nhà nước đứng ngoài luật pháp, thường xuyên nhắc nhở cán bộ, viên chức các cấp, các ngành phải gương mẫu trong việc tuân thủ pháp luật, trước hết là cán bộ, viên chức ngành hành pháp và tư pháp.
Trong thực thi pháp luật, Hồ Chí Minh yêu cầu phải bảo đảm tính khách quan, công bằng, bình đẳng. Pháp luật cho mọi người cùng thực hiện, pháp luật bênh vực quyền lợi của mọi công dân và các tổ chức nhà nước. Pháp luật không có ngoại lệ.
Hồ Chí Minh kết hợp rất nhuần nhuyễn giữa “pháp trị” và “đức trị”. Người hết lòng thương yêu, giáo dục đạo đức, nâng cao giác ngộ lý tưởng cách mạng cho cán bộ, đảng viên và người dân.
Nhưng Người cũng đòi hỏi pháp luật phải thẳng tay trừng trị những ai làm hại đến tính mệnh và tài sản của dân, làm tổn hại đến thanh danh, uy tín của Đảng và Nhà nước, bất kể kẻ ấy có địa vị nào, làm nghề gì. Dù đau lòng thức trắng đêm, nhưng Bác vẫn đành ký quyết định bản án tử hình Trần Dụ Châu là vì thế.
Trong những năm gần đây, tình hình cán bộ, công chức vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng. Nạn tham nhũng, lãng phí, lối sống thiếu trung thực, cơ hội, “chạy chọt” vì lợi ích cá nhân, chạy thành tích, bằng cấp, chức quyền, dự án, đề tài… xảy ra ở mức độ phổ biến. Và khi bị phát hiện thì chạy tội… Có nhiều nguyên nhân, nhưng yếu tố quyết định vẫn là con người, là cán bộ.
Bài học từ vài phút đợi đèn đỏ của Bác để lại thật cụ thể nhưng cũng rất sâu sắc. Đã là cán bộ, công chức thì phải có tài, có đức, phải nắm chắc, am hiểu pháp luật và vận dụng pháp luật nhuần nhuyễn trong cuộc sống, trong lĩnh vực hoạt động của mình, tránh hậu quả xấu cho dân, cho nước.
Theo TuoitreOnline
Kim Yến (st)