1. Gặp Bác ở Pari

Tháng 7-1922, tôi vừa đi Nam Mỹ về, thì một đồng chí Pháp phụ trách công đoàn đưa cho xem mấy tờ báo. Báo Người cùng khổ do ông Nguyễn Ái Quốc làm. Những bài báo đọc lên cứ thúc người ta hành động. Nhưng tôi và các anh em không hiểu nên hành động như thế nào. Chợt nảy ra ý đi tìm ông Nguyễn Ái Quốc. Anh em bàn nhau rồi cử tôi đi.

          Tới Pari, tôi  lần đến tòa báo Người cùng khổ ở đường Mácsêđê Patơriácsơ (Marché des Patriarches) thuộc Quận 6. Chỗ mãi đến năm giờ chiều, tôi được biết hôm nay đồng chí Nguyễn Ái Quốc không đến tòa báo. Theo địa chỉ tòa báo cho, tôi đến tìm đồng chí ở phố Gôbơlanh, nhà số 6, tầng hai. Tôi hồi hộp lắm.

          Một người trạc ba mươi, ba mươi hai gì đó, cao, gầy, trắng trẻo đứng trước mặt tôi, tươi cười thân mật mở rộng cửa mời tôi vào. Tôi theo đồng chí Nguyễn Ái Quốc vào nhà, thoải mái tự nhiên ngay, không rụt rè nữa. Đôi mắt trầm ngâm, đồng chí hỏi tôi tỉ mỉ từng cái nhỏ và nghe chăm chú. Chuyện trò thân mật, thời gian đi nhanh quá, một loáng đã chín giờ tối. Tôi phải cáo từ ra về. Tôi về nhà trọ nằm nghĩ mãi. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc có tiếng tăm như thế mà giản dị, khiêm tốn, thân mật vô cùng. Gặp đồng chí, tôi càng thêm kính phục và cảm động.

          Lần thứ hai tôi đến Pari, đồng chí lại đưa tôi đi xem triển lãm hội họa và Bảo tàng Luvơrơ. Khoảng gần chiều, tôi cần ra tàu về Lơ Havơrơ. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc căn dặn tôi rất nhiều, tôi nhớ nhất và thấm thía nhất câu: "Cần luôn luôn nhớ làm nhiệm vụ của người dân mất nước. Anh em nên yêu thương nhau, vui vẻ, đoàn kết với nhau. Đoàn kết với cả công nhân Pháp, nhân dân Pháp và các nước thuộc địa. Chúng ta đều là người nghèo khổ bị áp bức, bóc lột như nhau...".

           Tàu đi biển luôn, một dạo tôi thưa đến Pari, chỉ thỉnh thoảng viết thư đến đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Một lần tôi viết hỏi đồng chí: "Tôi đọc sách thấy hay nói ông Mác, tôi chưa hiểu, xin ngài giải thích cho tôi  biết". Tôi nhận được ngay thư trả lời, không những nói cho rõ ông Mác là ai mà còn giải thích tỉ mỉ chủ nghĩa Mác và khuyên tôi chịu khó xem. Từ đó tôi đọc sách Mác. Chữ gì không hiểu thì tra từ điển. Vẫn chưa hiểu thì viết thư hỏi đồng chí Nguyễn Ái Quốc.

           Lần cuối cùng tôi gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc ở Pari là vào cuối năm 1923. Đến 1925, tôi gia nhập Đảng Cộng sản Pháp. Trong khoảng thời gian đó, mấy lần tôi về Pari đến tìm đồng chí nhưng đều được nghe nói đồng chí "đi vắng". Hóa ra đồng chí đã rời Pháp từ lâu rồi.

          Giữa năm 1929, đồng chí Trần Phú trên đường từ Liên Xô về nước có ghé  qua Pari. Một hôm, cùng tôi đi viếng mộ các chiến sĩ Công xã Pari, đồng chí Trần Phú bảo tôi: "Lần đầu tiên tôi được biết sự nghiệp vĩ đại của các chiến sĩ Công xã Pari là ở Trường Hoàng Phố do đồng chí Nguyễn Ái Quốc giảng cho nghe". Tôi nghĩ bụng: Đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đi đến đâu là đào tạo người đến đó. Nếu mình không gặp đồng chí thì không biết nay thế nào. Nhớ lại khi rời xa quê hương, tôi đinh ninh không trở về quê hương nữa. Thấy cuộc sống dân mình khổ quá nhưng không hiểu nên làm thế nào. Gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đồng chí nhắc "nhớ làm nhiệm vụ của người dân mất nước", vạch cho thấy con đường chân chính giải phóng dân tộc là gắn liền với con đường giải phóng giai cấp. Rồi được các đồng chí, được anh em công nhân và Đảng Cộng sản Pháp giáo dục, giúp đỡ, tôi đã trở thành một đảng viên đảng cộng sản. Từ đấy tôi ngày đêm nung nấu trong lòng ý nghĩ "chết cũng phải về nước", về làm nhiệm vụ của người dân mất nước, của người cộng sản.

           Cuối năm ấy tôi về nước.

Bùi Lâm kể

(Trích theo sách: Bác Hồ sống mãi với chúng ta,

Nxt. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005)

2. Gặp Bác ở Liên Xô

Năm 1931, cùng lúc có tin đồn đồng chí Trần Phú mất sau khi bị thực dân Pháp tra tấn dã man trong nhà tù, báo chí của đế quốc Pháp đăng tin là Bác đã hy sinh trong nhà tù Anh Hồng Kông, vì bị bệnh lao quá nặng. Đầu năm 1933, một hôm tôi có việc đến cơ quan Quốc tế Cộng sản, đang ngồi trong phòng của một đồng chí thì có điện thoại bảo tôi đừng về vội. Khi họ báo cho biết có thể ra về được, tôi ra đến của thì bỗng thấy Bác đang nói chuyện với người lái xe. Sau đó mấy hôm, đang đi ngoài đường, tôi trông thấy Bác, nhưng không đến chào hỏi vì tổ chức chưa giới thiệu chính thức.

Vài hôm sau, một đồng chí Việt Nam nữa với tôi được gọi đến Quốc tế Cộng sản. Bác đợi chúng tôi ở tầng gác thứ tư. Thấy Bác, tôi mừng quá và chào: Anh! Bác niềm nở cười. Hôm đó chúng tôi gặp Bác là để báo cáo với Bác về tình hình trong nước những năm qua, và thảo ra một số tài liệu mang về nước. Từ đó về sau, trong nội bộ, Bác là người lãnh đạo nhóm học sinh Việt Nam ở Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa.

Trong khi còn học ở trường Lênin, Bác liên hệ với nhóm Việt Nam rất chặt chẽ. Thường thường buổi tối, Bác đến nói chuyện về kinh nghiệm đấu tranh cách mạng, nhất là Bác chú ý bồi dưỡng cho anh em về đạo đức cách mạng, đặc biệt là tinh thần đoàn kết. Đôi khi, trong những anh em đó, có người còn ít tuổi, và cũng chưa được rèn luyện mấy trong đấu tranh cách mạng, có những chuyện xích mích lặt vặt có tính chất cá nhân. Bác phải phân xử cả những việc như vậy. Điều mà Bác muốn làm cho anh em thấm nhuần, là cần b những tính tự cao tự đại, tự tư tự lợi, những biểu hiện vô kỉ luật, vô tổ chức, và phải luôn luôn đoàn kết, đặt lợi ích cách mạng lên trên hết. Bác thường nói với anh em: ''Như chúng ta ở đây, chỉ có mấy người mà không đoàn kết với nhau được thì còn nói gì đến khi về nước đoàn kết nhân dân, quần chúng để đánh thực dân, cứu nước?''.

          Học xong trường Lênin, Bác chuyển hẳn sang Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa, đồng thời làm việc ở Quốc tế Cộng sản. Bác dạy nhóm Việt Nam về tổ chức và lịch sử Đảng. Trong khi nói chuyện với anh em về kinh nghiệm đấu tranh của mình, Bác thường dùng những ví dụ cụ thể, thiết thực vì phần đông anh em trình độ còn thấp (phần nhiều từ Pháp sang, và trước đó là bồi bếp hoặc thủy thủ). Ví dụ nói đến đoàn kết thì Bác lấy câu chuyện bó đũa, cả nắm khó bẻ, lấy ra từng chiếc thì dễ bẻ gẫy, v.v.. Đọc báo Đảng bằng tiếng Trung Quốc, tiếng Anh có bài nào nói đến những đấu tranh thắng lợi của quần chúng ở các nước, Bác đều dịch cho anh em nghe, một là để bồi dưỡng tinh thần quốc tế chủ nghĩa cho các đồng chí, hai là để tăng thêm sự tin tưởng của anh em ở lực lượng cách mạng.

Nguyễn Khánh Toàn kể

(Trích theo sách: Bác Hồ sống mãi với chúng ta,

Nxt. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005)

3. Mãi mãi nhớ ơn người

... Chúng tôi đến thành phố B vào một buổi chiều. Chúng tôi được đồng chí Hồ Tùng Mậu đưa đến ở trong gia đình một cơ sở của ta. Chiều hôm sau một người gõ cửa nhà chúng tôi. Ông tự giới thiệu tên mình là Lý Thụy và thân mật hỏi thăm chúng tôi.

          Từ đó, mỗi tuần ông thăm chúng tôi vài ba lần. Ông thường hỏi chúng tôi về tình hình ăn ở, và đặc biệt ông khuyên chúng tôi chịu khó đọc báo. Ông nói: Muốn hiểu biết thì phải xem báo. Báo chí cho ta rõ nhiều điều lắm.

          Vì nguyên tắc bí mật, tôi không giám hỏi nhưng lúc bấy giờ tôi nghĩ nhất định đồng chí Lý Thụy là đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Sau đó vì công việc bận rộn, Bác đến với chúng tôi có thưa hơn. Những lần đến sau Bác gặp riêng từng người, hỏi han về hoàn cảnh gia đình, ý nghĩ cũng như những thắc mắc của chúng tôi.

          Khi nghe tôi hỏi xong, Bác mới từ tốn, chậm rãi giảng giải cho tôi nghe từng điểm một. Bác nói muốn đánh Tây, đánh cường hào thì phải làm cách mạng. Muốn làm cách mạng thì phải đông người, phải có tổ chức. Từng người riêng lẻ thì không làm gì được. Làm cách mạng phải kiên trì, bền bì. Bác kể tôi nghe câu chuyện có một nước nhỏ, chỉ một triệu dân, xung quanh là núi hiểm trở bao bọc, lại luôn bị ngoại xâm. Nhưng cả nước đồng lòng, triệu người như một, nhất tề đứng dậy, đánh giặc giữ nước, năm này qua năm khác. Cuối cùng bọn đế quốc phải chạy dài. Trong khi giải thích cho tôi những hiểu biết mới về cách mạng, về chủ nghĩa Mác - Lênin, Bác thường xem vào những câu chuyện như vậy. Những chuyện ấy tuy đơn giản, mộc mạc nhưng mang nhiều ý nghĩa; nó thấm vào tâm hồn tôi như nước tràn vào mảnh đất khô cạn.

           Dần dần tôi đã nhận thức được các vấn đề và làm tốt một số việc. Hồi bấy giờ Đảng Cộng sản Trung Quốc đang tổ chức lớp Nông dân vận động. Bác giới thiệu tôi vào học. Trước khi tôi lên đường, Bác dặn tôi phải ráng sức mà học. Học cốt để về nước hoạt động chứ không phải lấy bằng cấp. Cho nên phải hết sức thực tế, luôn luôn liên hệ với tình hình trong nước. Có cái đúng ở nước bạn, nhưng về ta lại không hợp.

          Đây là lần đầu tiên trong đời tôi được vào học một trường học chính thức. Lớp học ấy lại là một lớp học về chính trị, về công tác cách mạng trong nông dân. Tôi học một cách say sưa. Tôi học gần xong thì nhận được tin thầy tôi bị bắt lần nữa. Nguyên nhân việc ông bị bắt lần này là do chúng biết được việc bỏ nhà ra đi của chúng tôi. Tôi lo quá. Những lúc này tôi lại càng mong nhớ Bác.

           Hai hôm sau tôi nhận được thư Bác gọi về. Bác đưa tôi đi chơi. Bác không nhắc gì chuyện thầy tôi bị bắt, nhưng Bác nói cho tôi nghe về nỗi khổ của nhân dân ta, đặc biệt là về những người nghèo. Bằng cách ấy, Bác đã truyền cho tôi lòng căm thù bọn đế quốc, phong kiến và quyết tâm cao độ làm cách mạng giải phóng nhân dân, giải phóng Tổ quốc. Tôi nhớ mãi những lời của Bác: Có người làm cách mạng thì có người phá cách mạng. Cho nên, ta phải hết sức bí mật. Chỉ cần một sơ hở rất nhỏ của ta, kẻ thù cũng có thể phá vỡ cơ sở cách mạng. Học bây giờ để sau này về nước làm việc cho cách mạng. Cụ thể là đi vào quần chúng công nông tuyên truyền, giác ngộ họ. Còn một thời gian ngắn nữa anh cố học cho xong rồi chuyển sang học một lớp khác.

          Lúc bấy giờ tôi chưa hiểu hết được hết ý nghĩa những lời Bác đã nói với tôi hôm ấy. Nhưng càng ngày tôi càng thấm thía và nhận thức sâu sắc rằng sự thận trọng rất tỉ mỉ trong công tác cách mạng là vô vùng cần thiết.

Lê Thiết Hùng kể

(Trích theo sách: Bác Hồ sống mãi với chúng ta,

Nxt. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005)

4. Những ngày gần Bác

Khi tôi và một đồng chí trong số 40 thanh niên lên đường về nước để chuẩn bị địa điểm trước thì Bác và các đồng chí thảo luận chuẩn bị Hội nghị Trung ương tám. Sau khi chuẩn bị cơ sở xong, chúng tôi trở lại Tĩnh Tây. Tôi trở ra thì gặp anh Cao Hồng Lãnh. Anh đưa cho tôi một lá thư. Trong thư các anh dặn tôi quay lại phía chợ Cột Mã, rẽ qua bên trái đến bản Nậm Quang. Bác và các anh đang chuẩn bị mở lớp huấn luyện cho anh em thanh niên ở đấy.

          Về chương trình huấn luyện, Bác phân ra từng mục như: Tuyên truyền, vận động quần chúng... Bác gọi đó là chương trình giải phóng rồi chia cho mỗi người một đề mục. (Lúc bấy giờ có anh Phùng Chí Kiên, anh Đồng, anh Hoan và tôi. Sau này có anh Giáp về thêm).

          Mọi người làm xong đề cương phần mình, rồi tập hợp lại đưa lên Bác. Bác xem rất kỹ lưỡng, Bác chú trọng từng nội dung chính trị của toàn bài giảng cho đến từng chữ, từng lời. Bác đọc xong một lượt rồi gọi chúng tôi lại góp ý phê phán. Chúng tôi mang về sửa chữa rồi lại mang lên để Bác thông qua. Bác thường khuyên chúng tôi phải chú trọng công tác thực tế, có vậy công tác cách mạng mới thu được kết quả.

Thường Bác hay đặt những câu hỏi cụ thể. Ví dụ, Bác hỏi: Huấn luyện xong rồi về địa phương làm gì? Làm như thế nào? Nếu quần chúng chưa nghe ra thì giải quyết cách sao?.v.v..

          Nếu đồng chí nào chưa hiểu rõ thì Bác giảng lại đến khi nào đồng chí ấy hiểu và trình bày lại rõ ràng, trôi chảy Bác mới cho về.

Tuy đây là lần đầu tiên làm việc với Bác ở một lớp huấn luyện nhưng chúng tôi học tập được rất nhiều. Bác đã làm việc gì, dù lớn, dù nhỏ cũng làm rất chu đáo, rất cụ thể, làm đến nơi đến chốn. Sau này, mỗi lần nhận được một công tác của Đảng giao cho, tôi lại nhớ cách làm việc của Bác ở lớp huấn luyện đầu tiên ấy mà cố làm cho có kết quả.

Khi lớp mãn khóa, từ học viên cho đến giảng viên đều vui mừng, phấn khởi. Không chỉ anh em thanh niên thấy mình trưởng thành, thấy rõ được con đường của mình đi và những việc cụ thể mình phải làm, mà ngay cả chúng tôi cũng không rõ, được trưởng thành nhiều.

Từ ngày đầu hoạt động, Bác đã dày công dạy cho cán bộ nhận thức được sâu sắc rằng: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Vì thế cho nên, khi ở Liên Xô về Trung Quốc, cuối năm 1924, Bác đã tìm mọi cách liên lạc, đưa thanh niên ta sang Quảng Châu mở lớp đào tạo những hạt giống cho cách mạng. Thời kỳ Bác công tác ở Côn Minh - Hồ Khẩu, thời gian rất ngắn, công việc lại nhiều, nhưng tối đến Bác vẫn triệu tập anh em đến giảng giải về công tác cách mạng, về nhiệm vụ của người Đảng viên. Khi về Pác Pó, có điều kiện hơn ở ngoài nước, nhiều lớp huấn luyện chính trị và quân sự được Bác liên tiếp mở ra thu hút rất nhiều cán bộ ta. Mỗi lớp như thế thường được mở trong tuần hoặc mười hôm. Bác đào tạo, huấn luyện anh em rồi trả họ về cơ sở, rèn luyện họ trong thực tiễn cách mạng.

Đối với Bác, một hạt giống tốt không thể để tự nó lớn lên và chết dần mà phải làm cho nó nảy nở ra trăm ngàn hạt giống khác. Lớp học lúc bấy giờ cũng rất đơn giản, không bàn không ghế. Mấy anh em ngồi chung quanh đống lửa, vừa được sưởi ấm vừa được nghe Bác nói chuyện. Những câu chuyện Bác nói thường là những câu chuyện thực trong đời sống hàng ngày, hay trong cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản (b) Liên Xô...

Một lần, có một số anh em bàn riêng với nhau chuẩn bị giết tên Đổng Toàn (tên này rất ác, sau hắn giết anh Kim Đồng). Trong một buổi huấn luyện, Bác đem đọc cho mọi người nghe đoạn nói về tả khuynh và ám sát cá nhân trong cuối Lịch sử Đảng Cộng sản (b) Liên Xô. Đọc xong Bác giải thích:

- Ám sát cá nhân không phải là đường lối cách mạng chân chính. Nhất là khi ta chưa nắm được chính quyền, chủ trương ám sát cá nhân là một điều hết sức sai lầm. Thường đấy là những cái cớ để bọn đế quốc tìm cách tăng cường đàn áp cách mạng.

Tâm Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: