Cách đây gần 60 năm, Tết Tân Mão, 1951, đến “thủ đô gió ngàn” ở rừng núi Việt Bắc, trong không khí tưng bừng, náo nức, bởi quân và dân ta vừa chiến thắng rực rỡ trên mặt trận Đường số 4. Từ Trung du, Đồng bằng Bắc bộ đến Khu Năm, Nam bộ, tin chiến thắng cùng tới tấp bay về.
Đây là lần thứ tư, Bác Hồ và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ăn Tết kháng chiến giữa núi rừng Việt Bắc. Đây cũng là cái Tết tích cực chuẩn bị tổng phản công giặc Pháp. Bác Hồ làm thơ chúc Tết:
Xuân này kháng chiến đã năm Xuân
Nhiều Xuân thắng lợi càng gần thành công.
Toàn dân hăng hái một lòng
Thi đua chuẩn bị, tổng phản công kịp thời.
Những ngày giáp Tết, Đại hội lần thứ hai của Đảng Lao động Việt Nam họp dưới những tán cây rừng đại ngàn. Đại biểu khắp nước về dự Đại hội sôi nổi thảo luận Báo cáo Chính trị, Cương lĩnh, Điều lệ Đảng…
Chiều ngày 5-2-1951, tức 29 Tết, ngày tất niên năm Canh Dần, các đại biểu Đại hội tạm nghỉ, chuẩn bị đón giao thừa, các thành viên Chính phủ rời Đại hội đến địa điểm họp Hội đồng Chính phủ. Bữa cơm tối của Chính phủ trước giao thừa, có Bác Hồ, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các thành viên Chính phủ dự. Theo nhật ký của Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiến thì đó là “một bữa tiệc nhỏ, có vẻ Tết”. Ngoài các món ăn, có một số rượu chiến lợi phẩm do các đơn vị bộ đội chiến thắng gửi về.
Sau đó, Hồ Chủ tịch và các vị bộ trưởng, thứ trưởng quây quần quanh đống lửa, kể chuyện vui về Tết.
Mồng một Tết Tân Mão, vừa sáng, Hồ Chủ tịch đã dậy và đến phòng các vị bộ trưởng, thứ trưởng bắt tay và chúc Tết từng người một. Khi bắt tay Bộ trưởng Tài chính, Cụ chúc “phát tài”. Mọi người vui mừng và bắt tay chúc Cụ một cách thân mật tại phòng ngủ. Một vài vị ngủ trưa bị Cụ “đột kích” nhỏm dậy mắt nhắm mắt mở nhảy xuống giường, bắt tay Cụ làm ai nấy đều cười rộ.
Ăn sáng xong, Hội đồng Chính phủ họp. Có lẽ đây là cuộc họp Hội đồng Chính phủ duy nhất và đặc biệt nhất diễn ra đúng vào sáng ngày Tết âm lịch.
Cuộc họp có đông đủ các vị bộ trưởng, trừ vài vị đi công tác xa.
Cụ linh mục Phạm Bá Trực, đại diện Quốc hội, thay mặt toàn dân chúc Hồ Chủ tịch, Chính phủ và quân đội. Cụ Phan Kế Toại, vị bộ trưởng cao tuổi hơn cả, thay mặt Chính phủ chúc Hồ Chủ tịch, chúc Quốc hội. Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt quân đội nói vài lời chúc, cảm ơn Hồ Chủ tịch, cảm ơn Quốc hội và Chính phủ, đồng thời hứa hẹn sẽ nỗ lực hơn nữa để sang năm mới đem lại những thắng lợi mới.
Hồ Chủ tịch cảm ơn và chúc Tết mọi người. Cụ cho mang một mâm cam và biếu mỗi vị một quả với câu “khổ tận cam lai”…Cụ dặn các vị có gia đình thì đem về làm quà cho gia đình. Một số lụa đẹp, Cụ gửi cho các cháu dưới năm tuổi con của các vị.
Sau đó, Hội đồng Chính phủ bắt đầu làm việc như thường lệ. Lần này, ngoài báo cáo tình hình thế giới của Hồ Chủ tịch, có báo cáo của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp về chiến dịch Trung du.
Buổi tối, Hồ Chủ tịch và các vị bộ trưởng chơi lửa trại. Lần này là lần thứ hai Chính phủ ăn Tết chung. Lần đầu tiên là Tết 1947 tại Quốc Oai (Sơn Tây) nhưng Tết ấy lao đao quá vì các cuộc tấn công của địch.
Buổi lửa trại hôm ấy rất vui. Rất nhiều thơ và câu đối chúc mừng Hồ Chủ tịch. Theo Bộ trưởng Lê Văn Hiến thì chuyện hay cũng có mà dở cũng có được kể ra để góp vui. Hồ Chủ tịch bắt mỗi người đều có một tiết mục, hoặc làm thơ, hoặc nói chuyện, hoặc hát. Bắt đầu là Hồ Chủ tịch rồi đến các vị khác làm theo thứ tự A, B, C.
Hội đồng Chính phủ họp đến 13 giờ ngày 7-2, tức mồng hai Tết thì xong. Hồ Chủ tịch kết thúc hội nghị để cho các bộ trưởng, thứ trưởng có thể kịp về ăn Tết với nhân viên ở bộ. Hồ Chủ tịch và một số đồng chí tùy tùng lên ngựa đi đến nơi họp Đại hội Đảng.
Đêm mồng ba Tết, tại hội trường Đại hội có chiếu phim. Máy chiếu và phim đều do Liên Xô gửi tặng. Bộ phim đầu tiên được chiếu là “Công phá Bá Linh”. Hầu như tất cả mọi người đều lần đầu được xem phim này đã vô cùng ngạc nhiên, phần khởi. Phim thật đẹp và đầy ý nghĩa. Mọi người trải qua những cảnh lửa đạn ngút trời và chiến thắng rực rỡ của Hồng quân Liên Xô đang tiến vào Bec-lin, đánh tan phát xít Đức. Tiếng hoan hô, tiếng vỗ tay vang động cả hội trường.
Sáu mươi năm đã qua nhưng niềm lạc quan đón Tết đầy tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng và kháng chiến, tinh thần làm việc khẩn trương của Bác Hồ và Chính phủ ở núi rừng Việt Bắc, trong hoàn cảnh kháng chiến gay go ác liệt mãi mãi ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng nhân dân ở chiến khu Việt Bắc và cả nước.
Đặng Minh Phương (Theo nhật ký của Bộ trưởng Lê Văn Hiến
Theo http://btgcp.gov.vn/
Huyền Trang (st)